Co thắt thực quản đầu xa có triệu chứng (trước đây gọi là co thắt thực quản lan tỏa) là một phần của rối loạn nhu động có điểm đặc trưng khác nhau bởi các cơn co thắt không có lực đẩy và các cơn co thắt tăng động lực, đôi khi kết hợp với tăng áp lực ở cơ vòng thực quản dưới. Triệu chứng bao gồm đau ngực và đôi khi là khó nuốt. Chẩn đoán bằng chụp X-quang thực quản nuốt bari hoặc đo áp lực. Điều trị bệnh khá khó khăn nhưng thường bao gồm nhóm nitrat, thuốc chẹn kênh calci, tiêm độc tố botulinum, phẫu thuật mở cơ hoặc thủ thuật mở cơ bằng nội soi và liệu pháp chống trào ngược.
(Xem thêm Tổng quan các tình trạng bất thường ở thực quản và các vấn đề về nuốt.)
Những bất thường về nhu động thực quản không tương đồng với các triệu chứng của bệnh nhân; những bất thường tương tự có thể gây các triệu chứng khác nhau hoặc không biểu hiện triệu chứng. Hơn nữa, các triệu chứng và các cơn co bất thường chắc chắn là không liên quan những bất thường trên mô bệnh học của thực quản.
Các triệu chứng và dấu hiệu của co thắt thực quản đầu xa
Đôi khi, co thắt thực quản đầu xa không có triệu chứng và được phát hiện một cách tình cờ.
Khi có triệu chứng, co thắt thực quản đầu xa thường gây đau ngực dưới xương ức kèm theo khó nuốt cả đồ lỏng và đồ đặc. Uống đồ lỏng rất nóng hoặc rất lạnh có thể gây đau nhiều hơn. Trong nhiều năm, tình trạng rối loạn này hiếm khi phát triển thành co thắt tâm vị (kèm theo giảm nhu động thực quản và không giãn cơ thắt thực quản dưới trong khi nuốt).
Co thắt thực quản có thể gây đau dữ dội mà không có khó nuốt. Cơn đau này thường được mô tả là đau quặn sau xương ức và thường xảy ra khi tập luyện. Đau như vậy có thể tương tự như cơn đau thắt ngực và bệnh nhân thường đến khoa cấp cứu vì lo lắng rằng họ đang bị đau tim.
Chẩn đoán co thắt thực quản đầu xa
Thiếu máu cục bộ mạch vành được loại trừ
Chụp X-quang thực quản nuốt bari
Đo áp lực thực quản
Các chẩn đoán phân biệt bao gồm thiếu máu cục bộ mạch vành, tình trạng này luôn cần được loại trừ bằng xét nghiệm/kiểm tra thích hợp (ví dụ: ECG, chất chỉ điểm sinh học tim, nghiệm pháp gắng sức – xem chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp tính). Thường khó chẩn đoán xác định nguyên nhân thực quản nếu chỉ dựa trên các triệu chứng.
Chụp X-quang thực quản nuốt bari có thể cho thấy viên thức ăn di chuyển chậm và các cơn co thắt đồng thời, bị rối loạn hoặc các co thắt thứ ba. Co thắt dữ dội có thể giống hình ảnh X-quang của túi thừa nhưng thay đổi kích thước và vị trí. Thông thường, nuốt bari được thực hiện trước khi đo áp lực vì nó có thể được sử dụng để tìm các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng và ít xâm lấn hơn.
Đo áp lực thực quản cho mô tả cụ thể nhất về tình trạng co thắt. Ít nhất 20% số lần nuốt thử nghiệm phải có thời gian chờ ngắn ở đầu xa (< 4,5 giây) để đáp ứng các tiêu chuẩn đo áp lực trong co thắt thực quản đầu xa. Tuy nhiên, có thể không xuất hiện tình trạng co thắt trong quá trình kiểm tra (1).
Chụp nhấp nháy thực quản và các nghiệm pháp kích thích bằng thuốc (ví dụ: edrophonium cloride 10 mg đường tĩnh mạch) không cho thấy thông tin hữu ích.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Yadlapati R, Kahrilas PJ, Fox MR, et al: Esophageal motility disorders on high-resolution manometry: Chicago classification version 4.0. Neurogastroenterol Motil 33(1):e14058, 2021. doi: 10.1111/nmo.14058
Điều trị co thắt thực quản đầu xa
Thuốc chẹn kênh canxi
Tiêm độc tố botulinum
Đôi khi là phẫu thuật mở cơ hoặc thủ thuật mở cơ qua nội soi
Co thắt thực quản thường khó điều trị và vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đối chứng về các phương pháp điều trị. Thuốc chẹn kênh canxi đường uống có thể có hiệu quả. Thuốc kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm ba vòng, nitroglycerin và nhóm nitrat tác dụng kéo dài cũng có thể được dùng thử nhưng nhìn chung thành công rất hạn chế (1).
Hiếm khi, thử nghiệm tiêm độc tố botulinum loại A vào thực quản và / hoặc cơ thắt thực quản dưới được thực hiện.
Nếu điều trị nội khoa thất bại, có thể cân nhắc thực hiện thủ thuật mở cơ. Thủ thuật mở cơ mở rộng bằng phẫu thuật hoặc qua nội soi đường miệng đã được thử nghiệm trong những trường hợp nặng (2).
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Khalaf M, Chowdhary S, Elias PS, Castell D: Distal Esophageal Spasm: A Review. Am J Med 131(9):1034-1040, 2018 doi: 10.1016/j.amjmed.2018.02.031
2. Leconte M, Douard R, Gaudric M, et al: Functional results after extended myotomy for diffuse oesophageal spasm. Br J Surg 94(9):1113-1118, 2007. doi: 10.1002/bjs.5761