Rối loạn nhân cách phụ thuộc được đặc trưng bởi một nhu cầu toàn thể, quá mức về việc cần được chăm sóc, dẫn đến hành vi phục tùng và bám víu. Chẩn đoán theo tiêu chuẩn lâm sàng. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý và có thể dùng thuốc chống trầm cảm.
(Xem thêm Tổng quan về các Rối loạn nhân cách.)
Ở bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc, nhu cầu phải được chăm sóc dẫn đến kết quả mất tính tự chủ và các sở thích của bản thân họ. Vì họ rất lo lắng về việc chăm sóc bản thân, họ trở nên quá phụ thuộc và phục tùng.
Ước tính có ít hơn 1% dân số Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc (1). Bệnh được chẩn đoán thường xuyên hơn ở nữ.
Bệnh lý đồng diễn là phổ biến. Bệnh nhân cũng thường có rối loạn trầm cảm (rối loạn trầm cảm nặng hoặc rối loạn trầm cảm dai dẳng), rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng rượu hoặc rối loạn nhân cách khác (ví dụ: rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách kịch tính).
Tài liệu tham khảo chung
1. Morgan TA, Zimmerman M: Epidemiology of personality disorders. In Handbook of Personality Disorders: Theory, Research, and Treatment. 2nd ed, edited by WJ Livesley, R Larstone, New York, NY: The Guilford Press, 2018, pp. 173-196.
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Thông tin về các nguyên nhân của rối loạn nhân cách phụ thuộc bị hạn chế. Các yếu tố văn hóa, trải nghiệm tiêu cực ban đầu và các tổn thương sinh học liên quan đến lo lắng và di truyền được cho là góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhân cách phụ thuộc (1). Những đặc điểm gia đình như sự phục tùng, bất an và hành vi khiêm tốn cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này (2).
Tài liệu tham khảo về căn nguyên
1. Gjerde LC, Czajkowski N, Røysamb E: The heritability of avoidant and dependent personality disorder assessed by personal interview and questionnaire.Acta Psychiatr Scand 126(6):448-457, 2012 doi: 10.1111/j.1600-0447.2012.01862.x
2. Bornstein RF: The dependent personality: developmental, social, and clinical perspectives. Psychol Bull. 112(1):3-23, 1992. doi: 10.1037/0021-843X.114.1.140
Triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Bệnh nhân có rối loạn nhân cách phụ thuộc không nghĩ rằng họ có thể chăm sóc bản thân mình. Họ sử dụng sự phục tùng để cố gắng thuyết phục người khác chăm sóc họ.
Bệnh nhân bị rối loạn này thường đòi hỏi nhiều sự bảo đảm và tư vấn khi đưa ra quyết định thông thường. Họ thường để người khác, thường là một người, chịu trách nhiệm về nhiều khía cạnh trong cuộc sống của họ. Ví dụ, họ có thể phụ thuộc vào vợ/chồng của họ về việc nên mặc cái gì, loại công việc cần tìm, và những người cần kết hợp.
Những bệnh nhân này coi mình kém hơn và có khuynh hướng xem thường khả năng của họ; họ dùng bất kỳ lời chỉ trích hoặc sự không chấp nhận nào như là bằng chứng về sự thiếu năng lực của họ, làm giảm thêm sự tự tin của họ.
Rất khó để họ thể hiện sự không đồng ý với người khác vì họ sợ mất sự ủng hộ hoặc chấp thuận từ những người đó. Họ có thể đồng ý với điều mà họ biết là sai hơn là có nguy cơ mất sự giúp đỡ của người khác. Ngay cả khi giận dữ là thích hợp, họ không tức giận bạn bè và đồng nghiệp vì sợ mất sự ủng hộ của họ.
Bởi vì họ tin rằng họ không thể tự mình làm bất cứ điều gì, họ gặp khó khăn khi bắt đầu một nhiệm vụ mới và làm việc độc lập, đồng thời họ tránh né những nhiệm vụ đòi hỏi phải chịu trách nhiệm. Họ thể hiện mình là người không đủ năng lực và cần sự giúp đỡ và trấn an liên tục. Khi được đảm bảo rằng người có năng lực đang giám sát và chấp thuận họ, những bệnh nhân này mới có xu hướng hoạt động tốt. Tuy nhiên, họ không muốn tỏ ra quá có năng lực để bị bỏ rơi. Kết quả là sự nghiệp của họ có thể bị tổn hại. Họ duy trì sự phụ thuộc của họ vì họ tránh học các kỹ năng sống tự lập.
Những bệnh nhân này sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được sự chăm sóc và hỗ trợ (ví dụ, làm các công việc khó chịu, chịu phục tùng các yêu cầu bất hợp lý, chịu đựng sự lạm dụng thể chất, tình dục hoặc tình cảm). Ở một mình khiến họ cảm thấy vô cùng khó chịu hoặc sợ hãi vì sợ không thể tự chăm sóc bản thân.
Bệnh nhân có rối loạn này có xu hướng tương tác xã hội với chỉ vài người mà họ phụ thuộc. Khi một mối quan hệ gần gũi kết thúc, bệnh nhân có rối loạn này ngay lập tức tìm một người thay thế. Do nhu cầu cao cần được chăm sóc, họ không phân biệt trong việc lựa chọn một sự thay thế.
Những bệnh nhân này sợ sự bỏ rơi bởi những người mà họ phụ thuộc vào, ngay cả khi không có lý do.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc
Clinical criteria (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th ed, Text Revision [DSM-5-TR])
Để chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc (1), bệnh nhân phải có
Nhu cầu được đáp ứng một cách dai dẳng và quá mức, dẫn đến hành vi phục tùng, bám víu và sợ bị chia cắt.
Nhu cầu dai dẳng này được thể hiện bằng sự có mặt của ≥ 5 trong số những điều sau đây:
Khó khăn trong việc đưa ra quyết định hàng ngày mà không có một số lượng quá mức các lời khuyên và sự bảo đảm từ người khác
Một nhu cầu bắt người khác chịu trách nhiệm về những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời họ
Khó thể hiện sự bất đồng quan điểm với người khác vì họ sợ mất sự hỗ trợ hoặc chấp thuận
Khó khăn khi bắt đầu các dự án bởi vì họ không tự tin về sự phán đoán và khả năng của họ (không phải vì họ thiếu động lực hoặc năng lượng)
Sẵn sàng làm bất cứ điều gì (ví dụ, làm những công việc khó chịu) để có được sự hỗ trợ từ người khác
Cảm giác khó chịu hoặc bất lực khi họ ở một mình bởi vì họ sợ họ không thể tự chăm sóc được bản thân
Một nhu cầu cấp thiết phải thiết lập một mối quan hệ mới với một người sẽ chăm sóc và hỗ trợ khi một mối quan hệ gần gũi kết thúc
Mối bận tâm không thực tế với nỗi sợ sẽ phải tự chăm sóc bản thân
Ngoài ra, các triệu chứng phải bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời kì trưởng thành.
Chẩn đoán phân biệt
Một số rối loạn nhân cách khác được đặc trưng bởi sự quá nhạy cảm với sự từ chối. Tuy nhiên, chúng có thể được phân biệt với rối loạn nhân cách phụ thuộc dựa vào các đặc điểm đặc trưng, như sau:
Rối loạn nhân cách ranh giới: Bệnh nhân với rối loạn này rất sợ hãi khi phải tự kiểm soát cuộc sống của bản thân tương tự như bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc. Bệnh nhân có rối loạn nhân cách ranh giới, không giống những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc, có sự dao động giữa sự phục tùng và sự thù địch gây hấn.
Rối loạn nhân cách né tránh: Bệnh nhân bị rối loạn này cũng rất sợ hãi khi tự kiểm soát cuộc sống của bản thân tương tự như bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc. Bệnh nhân có rối loạn nhân cách né tránh trở nên thu rút dần cho đến khi chắc chắn rằng họ sẽ được chấp nhận mà không bị chỉ trích; ngược lại, những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc cố gắng tìm ra và cố gắng duy trì mối quan hệ với người khác.
Rối loạn nhân cách kịch tính: Bệnh nhân mắc rối loạn này tìm kiếm sự chú ý chứ hơn là sự đảm bảo (như những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc), nhưng họ bị giải ức chế nhiều hơn. Họ thường khoa trương hơn và tích cực tìm kiếm sự chú ý; những người có rối loạn nhân cách phụ thuộc lại tự hạ thấp bản thân và nhút nhát.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc nên được phân biệt với sự phụ thuộc biểu hiện trong các rối loạn tâm thần khác (như rối loạn trầm cảm,rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ khoảng trống).
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. American Psychiatric Association: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th ed, Text Revision (DSM-5-TR). Washington, DC, American Psychiatric Association, 2022, pp 768-771.
Điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc
Liệu pháp nhận thức-hành vi
Liệu pháp tâm lý động
Có thể là thuốc chống trầm cảm
Nguyên tắc chung để điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng tương tự như nguyên tắc điều trị cho tất cả các rối loạn nhân cách.
Liệu pháp tâm lý động và liệu pháp nhận thức-hành vi tập trung vào việc đánh giá những sợ hãi về sự độc lập và những khó khăn trong sự quyết đoán có thể giúp những bệnh nhân có rối loạn nhân cách phụ thuộc. Các bác sĩ lâm sàng nên cẩn thận để tránh thúc đẩy sự phụ thuộc trong mối quan hệ trị liệu.
Bằng chứng về liệu pháp dùng thuốc cho chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc còn rất ít. Không có nghiên cứu có đối chứng giả dược đối với chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Benzodiazepin không được sử dụng vì bệnh nhân rối loạn nhân cách phụ thuộc có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn.