Ghép ruột non

TheoMartin Hertl, MD, PhD, Rush University Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 8 2022

Ghép ruột non được thực hiện không thường xuyên (ví dụ, khoảng 96 ca ghép ở Mỹ năm 2021). Nó đang được thực hiện ít thường xuyên hơn bởi có những phương pháp điều trị mới cho bệnh gan ứ mật thứ phát (ví dụ dầu cá, chất bổ sung dinh dưỡng giàu acid béo omega) và các kỹ thuật đặt đường nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn bộ an toàn hơn.

Ghép ruột non được chỉ định cho những bệnh nhân mà

  • Có nguy cơ tử vong vì giảm hoặc mất chức năng đường ruột thứ phát do các bệnh đường ruột (ví dụ như bệnh ruột ngoài bụng, bệnh Hirschsprung, viêm ruột tự miễn, các bệnh lý đường ruột bẩm sinh như bệnh teo vi nhung mao bẩm sinh) hoặc cắt bỏ ruột (ví dụ tắc mạc treo do huyết khối hoặc bệnh Crohn lan rộng)

  • Xuất hiện các biến chứng của nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn bộ, một phương pháp dùng để điều trị suy chức năng đường ruột (ví dụ, suy gan thứ phát do bệnh gan ứ mật, nhiễm khuẩn huyết tái diễn, mất toàn bộ đường vào tĩnh mạch)

  • Có các khối u xâm lấn tại chỗ gây ra tắc nghẽn, áp xe, rò rỉ, thiếu máu hoặc xuất huyết (thường là các khối u xơ có liên quan đến bệnh lý polyp có tính gia đình)

(Xem thêm Tổng quan về ghép tạng.)

Thủ thuật

Việc có được mô ghép từ người cho chết não, tim còn đập là phức tạp, một phần vì ruột non có thể được ghép đơn độc, cùng với gan hoặc với dạ dày, gan, tá tràng và tụy. Vai trò tạng hiến từ người cho sống cho ghép ruột đồng loài một phần đến bây giờ đã được xác định.

Các thủ thuật khác nhau tùy theo trung tâm y tế; các phác đồ ức chế miễn dịch sau cấy ghép cũng thay đổi, nhưng thường bao gồm globulin kháng lympho bào cho điều trị dẫn nhập, tiếp theo là tacrolimus liều cao và mycophenolate để duy trì.

Các biến chứng của cấy ghép ruột non

(Xem thêm Các biến chứng sau ghép)

Thải ghép

Nội soi hàng tuần được chỉ định ban đầu để theo dõi thải ghép. Khoảng 30 đến 50% người nhận có một hoặc nhiều đợt bị thải ghép trong năm đầu tiên sau ghép. Giám sát nội soi thường quy được tiếp tục vô thời hạn.

Các triệu chứng và dấu hiệu của thải ghép bao gồm tiêu chảy, sốt và co thành bụng. Các dấu hiệu trên nội soi bao gồm ban đỏ ở niêm mạc, mủn dễ nát, loét và bong tróc; các tổn thương phân bố không đều, có thể khó phát hiện và có thể chẩn đoán phân biệt với viêm ruột do cytomegalovirus dựa vào các thể chứa virus. Các dấu hiệu trên sinh thiết bao gồm các vi nhung mao bị teo và xâm nhập viêm ở lớp màng đệm (xem bảng: Các biểu hiện của thải ghép ruột non theo phân loại).

Điều trị thải ghép cấp bằng corticosteroid liều cao, globulin kháng tế bào tuyến ức hoặc cả hai.

Bảng
Bảng

Các biến chứng khác

Các biến chứng do phẫu thuật ảnh hưởng đến 50% bệnh nhân và bao gồm rò điểm nối, rò rỉ mật và hẹp, huyết khối động mạch gan và cổ trướng dưỡng chấp.

Các biến chứng không phẫu thuật bao gồm:

  • Thiếu máu cục bộ mảnh ghép

  • Bệnh ghép chống chủ gây ra bởi ghép mô bạch huyết ruột.

  • Tiến triển bệnh tăng sinh hệ bạch huyết sau đó.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tiên lượng về cấy ghép ruột non

Tại thời điểm 1 năm, tỷ lệ sống sót sau ghép ruột non đơn độc là

  • Bệnh nhân: khoảng 65 %%

  • Ghép: khoảng 50%

Nhiễm trùng thường góp phần gây tử vong.

Với ghép gan và ruột non, tỷ lệ sống sót thấp hơn bởi vì phẫu thuật nặng nề hơn và tình trạng của người nhận là nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sau giai đoạn phẫu thuật, tỷ lệ sống của bệnh nhân và mô ghép là cao hơn sau ghép ruột non đơn độc, có lẽ vì gan ghép có tác dụng bảo vệ, ngăn chặn sự thải ghép do các kháng thể hấp thu và trung hòa.