Nhiều loại mô khác nhau có thể được ghép, bao gồm da, xương, sụn, mô thượng thận, tuyến ức bào thai, và ghép các mô để khôi phục lại khuôn mặt hoặc các chi.
(Xem thêm Tổng quan về ghép tạng; ghép giác mạc)
Ghép hỗn hợp (Tay, Đầu chi, Mặt)
Ghép hỗn hợp (mảnh ghép ngoại lai cùng loài mạch máu composite) liên quan đến việc ghép nhiều mô thường bao gồm da và các mô mềm và đôi khi là các cấu trúc cơ xương. Năm 2021, chỉ 4 công trình đã được thực hiện ở Hoa Kỳ. Nhiều phẫu thuật này hiện nay đã có thể thực hiện do có những tiến bộ của liệu pháp ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, các phẫu thuật này hiện đang gây ra tranh cãi về mặt đạo đức bởi vì chúng thường không kéo dài tuổi thọ, rất tốn kém và tốn nhiều nguồn lực và có khả năng gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong do nhiễm trùng.
Những ca ghép hỗn hợp đầu tiên thành công là các ca ghép tay. Kể từ đó, có thể có khoảng 10 cấu trúc khác nhau đã được thay thế ở khoảng 150 bệnh nhân, với tỷ lệ thành công về chức năng khác nhau.
Cấy ghép tay đầu tiên đã được thực hiện vào năm 1998. Kể từ đó, các ca ghép hai tay và ghép chi trên đã được thực hiện. Khả năng hồi phuc chức năng của tay thay đổi rất nhiều; một số bệnh nhân phục hồi đủ chức năng và sự nhạy cảm để thực hiện các hoạt động hằng ngày.
Ca ghép mặt đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Các câu hỏi liên quan đến đạo đức về ghép mặt thậm chí còn nổi bật hơn so với các ca ghép chi vì những phẫu thuật này đòi hỏi những yêu cầu cực kỳ khắt khe và liệu pháp ức chế miễn dịch đặt bệnh nhân vào nguy cơ nhiễm trùng cơ hội đáng kể.
Ức chế miễn dịch sau cấy ghép thường bao gồm điều trị gây cảm ứng (globulin kháng tế bào tuyến ức (ATG) và/hoặc thuốc chẹn thụ thể IL-2), tiếp theo là liệu pháp ức chế miễn dịch phối hợp ba thuốc corticosteroid, một thuốc chống tăng sinh (ví dụ basiliximab) và một thuốc ức chế calcineurin (xem bảng Thuốc ức chế miễn dịch dùng để điều trị thải ghép)). Đôi khi các loại kem bôi tại chỗ có chứa thuốc ức chế calcineurin hoặc corticosteroid được sử dụng.
Ghép da
Ghép da có thể là
Ghép tự thân
Ghép đồng loài
Ghép da tự thân
Ghép da tự thân sử dụng toàn bộ là da của chính mình.
Ghép da sẻ đôi thường được áp dụng; đối với các loại ghép này, một lớp biểu bì mỏng và một lớp hạ bì được lấy ra và đặt vào vị trí ghép của người nhận. Các ca ghép như vậy thường được sử dụng cho bỏng nhưng cũng có thể được sử dụng để kích thích sự lành các vết thương nhỏ. Bởi vì một số lượng đáng kể các yếu tố da còn lại tại vị trí lấy trên người cho, vị trí này cuối cùng cũng lành lại và có thể được lấy ghép lại.
Ghép da toàn bộ bao gồm lớp biểu bì và lớp hạ bì và cho hình ảnh cũng như chức năng tốt hơn ghép da sẻ đôi. Tuy nhiên, vì vị trí lấy da ở người cho không liền lại như lúc đầu, nó sẽ là một vùng da thừa lỏng lẻo (ví dụ thành bụng hoặc ngực, đôi khi da đầu) do đó vị trí này có thể được khâu lại chặt hơn. Do đó, ghép da toàn bộ thường được dành riêng cho các vùng nhạy cảm cần thẩm mỹ (ví dụ như mặt) hoặc các vùng đòi hỏi lớp da dày hơn, bảo vệ nhiều hơn (ví dụ: tay). Bởi vì mô da ghép toàn bộ dày hơn và nhiều mạch hơn, chúng không có tỷ lệ sống sót tương đối cao như mô ghép da sẻ đôi.
Các tế bào da của bệnh nhân có thể được phát triển trong môi trường nuôi cấy, sau đó được ghép trở lại bệnh nhân bỏng để giúp che phủ các vết bỏng rộng. Mặt khác, các tế bào được nuôi cấy hoặc mô da ghép sẻ đôi, mỏng được ghép lên lớp lót tổng hợp của da nhân tạo, cũng có thể được sử dụng.
Ghép da
Ghép da đồng loài sử dụng da người cho (thường là từ những người đã chết). Ghép da đồng loài được sử dụng cho các bệnh nhân bị bỏng rộng hoặc các tình trạng khác gây mất da rộng mà bệnh nhân không có đủ da lành để cung cấp cho việc ghép. Ghép da đồng loài có thể được sử dụng để che phủ các vùng mất da rộng và làm giảm sự mất dịch và protein và ngăn ngừa nhiễm trùng xâm lấn.
Không giống như ghép tạng đặc, ghép da đồng loài cuối cùng cũng bi thải ghép, nhưng các vùng da bị mất sẽ hình thành tổ chức hạt giàu mạch máu bên trên nơi mô ghép da tự thân từ các vùng đã lành của bệnh nhân đã sẵn sàng.
Ghép sụn
Ghép sụn được sử dụng cho trẻ em bị khuyết tật mũi và tai bẩm sinh và cho người lớn bị chấn thương nặng hoặc phá hủy khớp (ví dụ viêm xương khớp nặng). Các tế bào sụn có khả năng chống lại sự thải ghép, có thể là do quần thể tế bào rải rác trong sụn hyalin được bảo vệ khỏi các tổn thương tế bào do có các chất nền quanh sụn. Do đó thuốc ức chế miễn dịch không được chỉ định. Lợi ích lâu dài của các hình thức ghép sụn để điều trị thoái hóa khớp là không rõ ràng.
Ghép xương
Ghép xương được sử dụng để tái tạo các khuyết tật xương lớn (ví dụ, sau khi cắt bỏ khối ung thư lớn của xương). Không có các tế bào xương có thể sống được tồn tại trên người nhận nhưng chất nền từ người cho đã chết từ mô ghép đồng loài có thể kích thích các tạo cốt bào người nhận tái tạo lại chất nền và tạo nên xương mới. Chất nền này đóng vai trò như vật liệu để kết nối và làm ổn định các khiếm khuyết cho tới khi xương mới được hình thành.
Mô ghép đồng loài từ người cho đã chết được bảo quản lạnh để làm giảm khả năng miễn dịch của xương (đã chết ở thời điểm ghép) và bằng glycerol pha loãng để duy trì các tế bào sụn sống sót.
Không áp dụng liệu pháp ức chế miễn dịch sau ghép. Mặc dù bệnh nhân phát triển các kháng thể kháng kháng nguyên bạch cầu người (HLA), theo dõi giai đoạn sớm không phát hiện thấy dấu hiệu của sự thoái hóa sụn.
Ghép tự thân tuyến thượng thận
Ghép tự thân tuyến thượng thận bằng cách ghép áp sát mô tủy thượng thận vào trong hệ thần kinh trung ương đã được báo cáo làm giảm các triệu chứng ở bệnh nhân bị bệnh Parkinson.
Ghép đồng loài mô tuyến thượng thận, đặc biệt là từ mô bào thai, cũng đã được đề xuất. Các mô tủy thượng thận bào thai được ghép áp sát vào vùng vân của các bệnh nhân Parkinson đã được báo cáo làm giảm sự co cứng và vận động chậm. Tuy nhiên, với các tranh cãi về đạo đức và chính trị về tính đúng đắn của việc sử dụng mô bào thai người, một thử nghiệm có đối chứng đủ lớn để đánh giá đầy đủ việc ghép thần kinh bào thai dường như không có.
Ghép dị loài các tế bào hoạt động tuyến nội tiết từ lợn đang được thử nghiệm.
Cấy ghép tuyến ức
Mô tuyến ức bào thai được từ lấy từ thai chết lưu có thể giúp hồi phục được các đáp ứng miễn dịch khi được cấy ghép ở trẻ em bất sản tuyến ức và dẫn đến sự phát triển bất thường của hệ thống bạch huyết (hội chứng DiGeorge).
Bởi vì người nhận không có đáp ứng miễn dịch, thuốc ức chế miễn dịch là không cần thiết; tuy nhiên, bệnh ghép chống chủ nặng có thể xảy ra.
Cấy ghép tử cung
Cấy ghép tử cung đã được thực hiện ở một số ít phụ nữ bị vô sinh do các yếu tố tử cung (ví dụ: không có hoặc bất thường của tử cung). Quy trình này có nguy cơ mắc bệnh đáng kể, bao gồm sự cần thiết của nhiều thủ thuật và nguy cơ liên quan đến ức chế miễn dịch sau cấy ghép. Tử cung cấy ghép sẽ được cắt bỏ khi quá trình sinh nở hoàn tất