Tăng trưởng thể chất của trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ

TheoEvan G. Graber, DO, Nemours/Alfred I. duPont Hospital for Children
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2023

Tăng trưởng thể chất bao gồm đạt được chiều cao và cân nặng hợp lý và tăng kích thước của tất cả các cơ quan (trừ mô bạch huyết là giảm kích thước). Tăng trưởng từ khi sinh ra cho tới khi trưởng thành trải qua 2 giai đoạn riêng biệt:

  • Giai đoạn 1 (từ khi sinh đến khoảng từ 1 đến 2 tuổi): Giai đoạn này là một trong những thời kỳ tăng trưởng nhanh, mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm trong thời gian đó.

  • Giai đoạn 2 (từ 2 tuổi đến khi bắt đầu dậy thì): Trong giai đoạn này, sự tăng trưởng tương đối ổn định hàng năm.

Tuổi dậy thì là quá trình trưởng thành về thể chất từ trẻ em sang người lớn. Vị thành niên được định nghĩa là một nhóm tuổi; quá trình dậy thì xảy ra trong giai đoạn vị thành niên (xem Tăng trưởng về thể chất và sự trưởng thành về sinh dục của trẻ vị thành niên). Ở tuổi dậy thì, một đợt tăng trưởng mạnh thứ hai xảy ra, ảnh hưởng hơi khác nhau đến bé traibé gái.

Từ khi sinh ra cho đến lúc 2 tuổi, các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả các thông số tăng trưởng cần đạt tiêu chuẩn theo biểu đồ tăng trưởng của WHO. Sau 2 tuổi, các tham số tăng trưởng được sử dụng tuân theo Biểu đồ tăng trưởng theo Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) (1).

(Xem thêm Chậm tăng trưởngTheo dõi sức khỏe trẻ em.)

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Grummer-Strawn LM, Reinold C, Krebs NF, Centers for Disease Control and Prevention (CDC): Use of World Health Organization and CDC growth charts for children aged 0–59 months in the United States. MMWR Recomm Rep 10(RR-9):1–15, 2010. Clarification and additional information. MMWR Recomm Rep 59(36):1184, 2010.

Chiều dài

Chiều dài được đo bằng thước đo nằm ngửa ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh được đặt nằm trên thước đo. Giữ đầu của trẻ sơ sinh sao cho đỉnh đầu phẳng với tấm đỡ đầu. Nhẹ nhàng duỗi thẳng chân trẻ và ấn đầu gối xuống. Sau đó, di chuyển tấm đỡ chân cho đến khi chạm vào gót chân của trẻ sơ sinh. Ba lần đo cần được thực hiện và lấy trung bình để xác định số đo chiều dài chính xác.

Chiều cao được đo bằng thước đo đứng khi trẻ có thể đứng. Trẻ đứng dựa vào thước đo. Bàn chân của trẻ phải đặt phẳng trên sàn và gót chân áp sát vào tường. Đầu của trẻ phải được định vị sao cho mắt song song với sàn nhà. Sau đó, tấm đỡ đầu của thước đo được đưa xuống chạm vào đỉnh đầu. Một lần nữa, ba lần đo cần phải được thực hiện và tính trung bình để xác định số đo chiều cao chính xác.

Nhìn chung, chiều dài ở trẻ đủ tháng tăng khoảng 30% khi được 5 tháng và > 50% khi được 12 tháng. Trẻ sơ sinh tăng khoảng 25 cm trong năm đầu tiên và chiều cao lúc 5 tuổi gấp đôi chiều dài khi sinh. Hầu hết các bé trai đạt được một nửa chiều cao trưởng thành vào khoảng 2 tuổi; hầu hết các bé gái đạt được một nửa chiều cao trưởng thành vào khoảng 19 tháng tuổi.

Tốc độ thay đổi chiều cao (vận tốc chiều cao) là một thước đo tăng trưởng nhạy cảm hơn so với các phép đo chiều cao cụ thể theo thời gian. Nhìn chung, tăng trưởng ở trẻ nhũ nhi và trẻ em khỏe mạnh vào khoảng 2,5 cm/tháng từ sau sinh- 6 tháng, 1,3 cm/tháng từ 7 đến 12 tháng, và khoảng 7,6 cm/năm ở trẻ 12 tháng đến 10 tuổi.

Trước 12 tháng tuổi, tốc độ phát triển chiều cao thay đổi và một phần là do các yếu tố trong giai đoạn chu sinh (ví dụ: sinh non). Sau 12 tháng, chiều cao chủ yếu được quy định sẵn trong gen di truyền, và tốc độ tăng trưởng chiều cao gần như không đổi cho đến tuổi dậy thì; chiều cao tương đối của một đứa trẻ so với bạn đồng trang lứa có xu hướng không đổi.

Nhìn chung, các bé trai nặng hơn và cao hơn các bé gái khi quá trình tăng trưởng hoàn tất vì các bé trai có thời kỳ tăng trưởng trước tuổi dậy thì dài hơn, vận tốc cực đại tăng lên trong giai đoạn tăng trưởng đột ngột ở tuổi dậy thì và giai đoạn tăng trưởng đột phá ở tuổi vị thành niên dài hơn.

Một số trẻ suy dinh dưỡng bào thai có xu hướng giảm tuổi thọ so với trẻ có kích thước phù hợp với tuổi thai. Trẻ trai và trẻ gái có sự khác biệt nhỏ về chiều cao và tốc độ tăng trưởng trong suốt thời kỳ bú mẹ và thời thơ ấu.

Sự phát triển các chi nhanh hơn thân người, dẫn đến sự thay đổi dần về tỷ lệ tương đối; tỷ lệ đầu-hông/hông-gót chân là 1,7 khi sinh, 1,5 lúc 12 tháng, 1,2 lúc 5 tuổi, và 1,0 sau 7 tuổi.

Cân nặng

Cân nặng tuân theo một mô hình tương tự. Trẻ sơ sinh đủ tháng thường giảm 5% đến 8% cân nặng khi sinh trong vài ngày đầu sau khi sinh nhưng lấy lại cân nặng khi sinh trong vòng 2 tuần. Sau đó, trẻ tăng từ 14 đến 28 g/ngày cho đến 3 tháng, tiếp theo là 4000 g từ 3 đến 12 tháng, tăng gấp đôi cân nặng khi sinh lúc 5 tháng, tăng gấp ba lần lúc 12 tháng và gần gấp bốn lần lúc 2 tuổi. Từ 2 tuổi đến tuổi dậy thì, cân nặng tăng khoảng 2 kg/năm.

Tỷ lệ hiện hành của béo phì ở trẻ em (xem bảng Thay đổi tỷ lệ hiện hành của béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 đến 19 tuổi ở Hoa Kỳ) bắt đầu tăng đáng kể ở Hoa Kỳ vào những năm 1980, với mức tăng cân rõ rệt hơn, ngay cả ở trẻ rất nhỏ. Tỷ lệ hiện hành của béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay vẫn còn cao (1).

CDC đã phát hành các biểu đồ tăng trưởng BMI theo tuổi mở rộng cho các bé trai và bé gái có giá trị BMI rất cao.

Bảng

Tài liệu tham khảo về cân nặng

  1. 1. Stierman B, Afful J, Carroll MD, et al: National Health and Nutrition Examination Survey 2017–March 2020 Prepandemic Data Files—Development of Files and Prevalence Estimates for Selected Health Outcomes. National Health Statistics Reports; no 158, 2021.

Vòng đầu

Vòng đầu phản ánh kích thước não bộ và thường được đo đến 36 tháng. Khi sinh ra, não bộ trẻ đạt khoảng 25% kích thước não người lớn, và vòng đầu trung bình 35 cm. Vòng đầu tăng trung bình 1 cm/tháng trong năm thứ nhất; tăng trưởng nhanh hơn trong 8 tháng đầu, và đến 12 tháng, não bộ đã hoàn thành một nửa sự tăng trưởng sau sinh của nó và đạt 75% kích thước não bộ người lớn. Vòng đầu tăng 3,5 cm trong 2 năm tiếp theo; đạt được 80% kích thước não người lớn ở tuổi lên 3 và 90% khi 7 tuổi.

Thành phần cơ thể

Thành phần cơ thể (tỷ lệ chất béo và nước trong cơ thể) thay đổi và ảnh hưởng tới sự phân bố thể tích thuốc. Tỷ lệ mỡ tăng lên nhanh chóng từ 13% khi sinh lên 20 đến 25% vào khoảng 12 tháng tuổi, nhờ đó hầu hết trẻ sơ sinh trông rất mũm mĩm. Sau đó, sự gia tăng chậm lại xảy ra cho đến trước tuổi vị thành niên, khi tỷ lệ mỡ trong cơ thể trở lại khoảng 13%. Sự gia tăng chậm lại cho đến khi bắt đầu dậy thì, tỷ lệ chất béo trong cơ thể lại giảm, đặc biệt là ở nam giới. Sau tuổi dậy thì, tỷ lệ phần trăm chất béo nói chung ổn định ở trẻ gái, trong khi ở trẻ trai có xu hướng giảm nhẹ.

Khi sinh ra 70% cơ thể là nước, giảm xuống 61% khi 12 tháng tuổi (bằng tỷ lệ phần trăm ở người trưởng thành). Sự thay đổi này về cơ bản là do giảm dịch ngoại bào từ 45% xuống còn 28% trọng lượng cơ thể. Dịch nội bào tương đối ổn định. Sau 12 tháng tuổi, lượng dịch ngoại bào giảm chậm và có thể thay đổi so với mức trưởng thành khoảng 20% và sự gia tăng dịch nội bào ở mức người lớn khoảng 40%. Lượng nước trong cơ thể tương đối lớn, tỷ lệ luân chuyển cao và mất nước qua bề mặt tương đối nhiều (do diện tích bề mặt lớn) làm cho trẻ nhỏ dễ bị thiếu nước hơn so với trẻ lớn và người lớn.

Sự mọc răng

Sự mọc răng rất khác nhau (xem bảng Thời gian mọc răng), chủ yếu do các yếu tố di truyền. Trung bình, trẻ sơ sinh bình thường nên có 6 răng khi được 12 tháng, 12 răng khi 18 tháng, 16 răng khi 2 tuổi và tất cả 20 răng khi 2 tuổi rưỡi; răng sữa được thay thế bằng răng vĩnh viễn trong độ tuổi từ 5 tuổi đến 13 tuổi. Sự mọc răng sữa tương tự nhau ở cả hai giới; răng vĩnh viễn có xu hướng xuất hiện sớm hơn ở bé gái. Các triệu chứng liên quan đến mọc răng được gọi là mọc răng.

Sự mọc răng có thể bị trì hoãn bởi yếu tố gia đình hoặc một số tình trạng như bệnh còi xương, suy tuyển yên, suy tuyến giáp, hoặc là Hội chứng Down. Thừa răng (hàm quá nhiều răng) hoặc thiếu răng bẩm sinh là những thay đổi gần như bình thường.

Bảng

Xác định răng

Hệ thống đánh số được hiển thị là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. WHO: Growth charts from the WHO (birth until age 2 years)

  2. CDC: Growth charts from the CDC (after age 2 years)

  3. CDC: Biểu đồ tăng trưởng BMI theo tuổi mở rộng