Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một hội chứng bao gồm không chú ý, hiếu động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. 3 dạng ADHD chủ yếu là giảm chú ý, tăng động/bốc đồng, và kết hợp cả hai dạng trên. Chẩn đoán dựa vào các tiêu chuẩn lâm sàng. Điều trị thường bao gồm liệu pháp dùng thuốc với chất kích thích hoặc thuốc khác, liệu pháp hành vi và các biện pháp can thiệp mang tính giáo dục.
Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) là một loại rối loạn phát triển thần kinh. Rối loạn phát triển thần kinh là các tình trạng về thần kinh xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, thường là trước khi bắt đầu đi học và làm suy giảm sự phát triển của các chức năng cá nhân, xã hội, học tập và/hoặc nghề nghiệp. Chúng thường liên quan đến những khó khăn trong việc thu nhận, duy trì, hoặc áp dụng các kỹ năng hoặc thông tin cụ thể. Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng ở một hoặc nhiều điều sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội. Các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập (ví dụ: chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.
Một số chuyên gia trước đây coi ADHD là một rối loạn hành vi, có thể là do trẻ em thường biểu hiện hành vi thiếu tập trung, bốc đồng và quá hiếu động và do các rối loạn hành vi mắc kèm, đặc biệt là rối loạn thách thức chống đối và rối loạn hành vi, là phổ biến. Tuy nhiên, ADHD có nền tảng thần kinh được thiết lập tốt và không chỉ đơn giản là "hành vi sai trái".
ADHD ảnh hưởng đến khoảng 5 đến 15% trẻ em trong độ tuổi đi học (1). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ADHD thường bị chẩn đoán một cách lạm dụng, phần lớn vì các tiêu chuẩn được áp dụng không chính xác. Theo Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, xuất bản lần thứ năn, sửa đổi văn bản (DSM-5-TR), có ba dạng:
Giảm chú ý
Tăng động/bốc đồng
tế bào hỗn hợp
Nhìn chung, tỷ lệ mắc ADHD ở trẻ trai cao gấp đôi (2), mặc dù tỷ lệ này khác nhau tùy theo loại. Loại chủ yếu hiếu động/bốc đồng xảy ra thường xuyên hơn ở bé trai (3); loại chủ yếu là thiếu chú ý xảy ra với tần suất xấp xỉ bằng nhau ở cả hai giới. ADHD có tính gia đình.
ADHD không có nguyên nhân cụ thể. Các nguyên nhân tiềm ẩn của ADHD bao gồm các yếu tố di truyền, sinh hóa, vận động nhạy cảm, sinh lý và hành vi. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm cân nặng khi sinh < 1500 g, chấn thương đầu, thiếu sắt, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và phơi nhiễm chì, cũng như phơi nhiễm trước khi sinh với rượu, thuốc lá và có thể cả cocaine (3). ADHD cũng có liên quan đến trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi (4). Khoảng ít hơn 5% trẻ em bị chứng ADHD có bằng chứng tổn thương thần kinh. Bằng chứng cho thấy sự khác biệt trong các hệ thống dopaminergic và noradrenergic với hoạt động hoặc kích thích giảm ở thân não trên và vùng trán-não giữa (5).
Tài liệu tham khảo chung
1. Boznovik K, McLamb F, O'Connell K, et al: U.S. national, regional, and state‑specific socioeconomic factors correlate with child and adolescent ADHD diagnoses. Sci Rep 11:22008, 2021. doi: 10.1038/s41598-021-01233-2
2. Ayano G, Demelash S, Gizachew Y, Tsegay L, Alati R: The global prevalence of attention deficit hyperactivity disorder in children and adolescents: An umbrella review of meta-analyses. J Affect Disord 339:860–866, 2023 doi:10.1016/j.jad.2023.07.071
3. Morrow CE, Xue L, Manjunath S, et al: Estimated Risk of Developing Selected DSM-IV Disorders Among 5-Year-Old Children with Prenatal Cocaine Exposure. J Child Fam Stud 18(3):356–364, 2009 doi:10.1007/s10826-008-9238-6
4. Brown N, Brown S, Briggs R, et al: Associations between adverse childhood experiences and ADHD diagnosis and severity. Acad Pediatr 17(4):349–355, 2017. doi: 10.1016/j.acap.2016.08.013
5. Del Campo N, Chamberlain SR, Sahakian BJ, Robbins TW: The roles of dopamine and noradrenaline in the pathophysiology and treatment of attention-deficit/hyperactivity disorder. Biol Psychiatry 69(12):e145–e157, 2011 doi:10.1016/j.biopsych.2011.02.036
ADHD ở người lớn
Mặc dù ADHD được coi là một rối loạn ở trẻ em và luôn bắt đầu từ thời thơ ấu, nhưng những khác biệt cơ bản về sinh lý thần kinh vẫn tồn tại trong cuộc sống trưởng thành và các triệu chứng hành vi tiếp tục thể hiện rõ ở tuổi trưởng thành trong khoảng một nửa số trường hợp. Mặc dù chẩn đoán đôi khi có thể không được công nhận đến tuổi thiếu niên, nhưng một số biểu hiện đã có trước 12 tuổi.
Ở người lớn, các triệu chứng bao gồm:
Khó tập trung
Dễ thay đổi tâm trạng
Thiếu kiên nhẫn
Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ
Sự tăng động ở người lớn thường biểu hiện như bồn chồn và lo lắng hơn là sự hiếu động quá mức xảy ra ở trẻ nhỏ. Người lớn có ADHD thường có nguy cơ thất nghiệp cao, giảm thành tích học vấn, tăng tỷ lệ lạm dụng chất gây nghiện và phạm tội. Phổ biến hơn là tai nạn giao thông và phạm luật.
ADHD ở người lớn thường khó chẩn đoán hơn. Các triệu chứng có thể như thay đổi tâm trạng, rối loạn lo âu và rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Vì các triệu chứng trẻ tự kể không đáng tin cậy, nên bác sĩ lâm sàng cần hỏi thêm ở trường học hoặc các thành viên trong gia đình để xác nhận sự tồn tại của các triệu chứng trước khi trẻ 12 tuổi.
Người lớn bị ADHD có thể được hưởng lợi từ cùng loại thuốc kích thích mà trẻ bị ADHD dùng. Họ cũng có thể cải thiện quản lý thời gian và các kỹ năng tương tự khác khi được tư vấn.
Triệu chứng và dấu hiệu của ADHD
Sự khởi phát thường xảy ra trước khi trẻ 4 tuổi và không thay đổi trước 12 tuổi. Tuổi cao nhất để chẩn đoán là từ 8 - 10 tuổi; tuy nhiên, những trẻ ở dạng giảm chú ý có thể không chẩn đoán được cho đến sau tuổi vị thành niên.
Các triệu chứng và dấu hiệu ADHD chính bao gồm:
Mất chú ý
Hấp tấp, bốc đồng
Tăng động
Giảm chú ý có xu hướng xuất hiện khi trẻ tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý, thời gian phản ứng nhanh, quan sát và nhận biết, lắng nghe một cách có hệ thống và liên tục.
Tính hấp tấp, bốc đồng đề cập đến các hành động vội vàng có khả năng dẫn đến kết quả tiêu cực (ví dụ ở trẻ em, chạy qua đường mà không quan sát; ở thanh thiếu niên và người lớn, đột nhiên nghỉ học hoặc nghỉ việc mà không nghĩ đến hậu quả).
Tăng động gồm các hoạt động vận động quá mức. Trẻ em, đặc biệt là những trẻ bé, có thể gặp khó khăn khi ngồi yên (ví dụ như ở trường học hoặc nhà thờ). Bệnh nhân lớn tuổi có thể chỉ đơn giản là bồn chồn, thao thức hoặc nói nhiều - đôi khi đến mức làm những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi.
Giảm chú ý và hấp tấp,bốc đồng ngăn cản sự phát triển khả năng học tập, suy nghĩ và lập luận, phát triển ở trường học và yêu cầu của xã hội. Trẻ em có ADHD dạng không chú ý có xu hướng học thực hành nên thường gặp khó khăn trong việc học tập thụ động đòi hỏi phải thực hiện liên tục và hoàn thành bài tập.
Nhìn chung, khoảng 20% đến 60% số trẻ mắc ADHD bị khuyết tật học tập (1), nhưng một số rối loạn chức năng học tập xảy ra ở hầu hết trẻ mắc ADHD do thiếu tập trung (dẫn đến bỏ sót chi tiết) và bốc đồng (dẫn đến trả lời mà không suy nghĩ kỹ câu hỏi).
Trẻ có thể có một số tiền sử về hành vi như khả năng chịu đựng kém, thường hay phản đối, giận dữ, hung hăng, kém về kỹ năng xã hội và các mối quan hệ bạn bè, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, khó chịu, trầm cảm, và hay thay đổi tâm trạng.
Mặc dù không có xét nghiệm cụ thể hoặc các kết quả xét nghiệm liên quan đến ADHD, các dấu hiệu có thể bao gồm:
Mất hoặc rối loạn phối hợp vận động
Các kết quả thần kinh không ức chế, "mềm"?
Mất chức năng cảm giác và vận động
Tài liệu tham khảo về các triệu chứng và dấu hiệu
1. Czamara D, Tiesler CM, Kohlböck G, et al: Children with ADHD symptoms have a higher risk for reading, spelling and math difficulties in the GINIplus and LISAplus cohort studies. PLoS One 8(5):e63859, 2013 doi:10.1371/journal.pone.0063859
Chẩn đoán ADHD
Clinical criteria based on the DSM -5-TR
Chẩn đoán ADHD dựa trên lâm sàng và dựa trên các đánh giá toàn diện về y tế, phát triển, giáo dục và tâm lý (1).
Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5-TR cho ADHD
Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5-TR bao gồm 9 triệu chứng và dấu hiệu thiếu chú ý và 9 triệu chứng hiếu động thái quá và bốc đồng. Chẩn đoán bằng các tiêu chí này cần có ≥ 6 triệu chứng và dấu hiệu từ một hoặc từng nhóm. Ngoài ra, các triệu chứng cần phải
Thường xuyên tồn tại ≥ 6 tháng
Các triệu chứng và dấu hiệu xuất hiện rõ ràng nhưng không đúng với lứa tuổi của trẻ
Xảy ra trong ít nhất 2 trường hợp (ví dụ: nhà riêng và trường học)
Xuất hiện trước 12 tuổi (ít nhất một vài triệu chứng)
Gây trở ngại với các hoạt động khi ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc
Các triệu chứng giảm chú ý:
Giảm chú ý đến các chi tiết hoặc gây ra những sai sót trong học tập và hoạt động
Khó khăn trong việc duy trì sự chú ý trong các bài tập ở trường học hoặc trong khi chơi
Có vẻ như không chú ý lắng nghe khi nói trực tiếp
Không tuân theo hướng dẫn hoặc hoàn thành bài tập
Khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động và làm bài tập
Tránh xa, không thích hoặc không muốn tham gia vào các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì sự nỗ lực tập trung trong một khoảng thời gian dài
Thường mất những thứ cần thiết cho các bài tập trên lớp và hoạt động trên trường
Dễ bị phân tâm
Hay quên các hoạt động hàng ngày
Các triệu chứng tăng động và hấp tấp, bốc đồng:
Thường xuyên bồn chồn tay chân, bối rối
Thường bỏ vị trí trong lớp học hoặc những nơi khác
Thường xuyên chạy hoặc leo trèo quá mức khi hoạt động ở những nơi không cho phép
Khó khăn khi chơi yên lặng
Thường xuyên di chuyển, hoạt động
Thường nói nhiều
Thường buột miệng trả lời mà không chờ hết câu hỏi
Khó khăn khi chờ đến lượt
Thường xuyên làm gián đoạn hoặc xen ngang vào người khác
Chẩn đoán dạng giảm chú ý cần ≥ 6 triệu chứng và dấu hiệu. Chẩn đoán dạng tăng động/hấp tấp, bốc đồng đòi hỏi ≥ 6 triệu chứng và dấu hiệu. Chẩn đoán loại kết hợp đòi hỏi ≥ 6 triệu chứng và dấu hiệu của mỗi dạng trên.
Các chẩn đoán khác
Có sự khó khăn trong việc chẩn đoán phân biệt ADHD với các dạng rối loạn khác Cần tránh lạm dụng chẩn đoán ADHD và những dạng rối loạn khác cần được chẩn đoán chính xác. Nhiều dấu hiệu ADHD biểu hiện trong những năm mẫu giáo cũng có thể chỉ ra các vấn đề về giao tiếp có thể xảy ra ở các rối loạn phát triển thần kinh khác (ví dụ: rối loạn phổ tự kỷ) hoặc trong một số rối loạn học tập, lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn hành vi.
Các bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc liệu trẻ có bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài (ví dụ đầu vào môi trường) hay do các yếu tố bên trong (ví dụ trẻ lo lắng, suy nghĩ). Tuy nhiên, sau giai đoạn thơ ấu các biểu hiện ADHD ở trẻ trở nên rõ ràng hơn; trẻ dạng tăng động/hấp tấp,bốc đồng hoặc kết hợp thường di chuyển liên tục (ví dụ như vận động không chủ đích, tay không để yên một chỗ), nói chuyện hấp tấp,bốc đồng và dường như thiếu nhận thức về môi trường. Trẻ em có dạng không chú ý có thể không có dấu hiệu thể chất.
Đánh giá tập trung vào việc xác định các dạng có khả năng điều trị, có thể góp phần hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dấu hiệu. Đánh giá nên bao gồm tìm kiếm tiền sử phơi nhiễm trước khi sinh (ví dụ: chất kích thích bất hợp pháp, rượu, thuốc lá), các biến chứng hoặc nhiễm trùng chu sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương sọ não, bệnh tim, rối loạn nhịp thở khi ngủ, kém ăn và/hoặc kén ăn và tiền sử gia đình mắc chứng ADHD.
Đánh giá sự phát triển tập trung vào việc xác định sự khởi đầu và cả quá trình của các triệu chứng và dấu hiệu. Đánh giá bao gồm kiểm tra các mốc phát triển, đặc biệt là các mốc ngôn ngữ và sử dụng thang đánh giá dành riêng cho ADHD (ví dụ: Thang đánh giá Vanderbilt, Thang đánh giá hành vi toàn diện Conners, Thang đánh giá ADHD-5) (2). Các phiên bản của thang đo này có sẵn cho cả gia đình và nhân viên nhà trường, cho phép đánh giá trong các tình huống khác nhau theo yêu cầu của tiêu chuẩn DSM-5-TR. Lưu ý rằng không nên sử dụng thang điểm để chẩn đoán.
Đánh giá giáo dục tập trung vào việc ghi lại các triệu chứng và dấu hiệu cơ bản; nó có thể liên quan đến việc xem xét hồ sơ giáo dục và sử dụng thang điểm đánh giá hoặc bảng kiểm. Tuy nhiên, thang điểm đánh giá và bảng kiểm thường không thể phân biệt được ADHD từ các rối loạn phát triển khác hoặc rối loạn hành vi.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Wolraich ML, Hagan JF Jr, Allan C, et al: Clinical Practice Guideline for the Diagnosis, Evaluation, and Treatment of Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder in Children and Adolescents [published correction appears in Pediatrics tháng 3 năm 2020;145(3):]. Pediatrics 144(4):e20192528, 2019 doi:10.1542/peds.2019-2528
2. Izzo VA, Donati MA, Novello F, Maschietto D, Primi C: The Conners 3-short forms: Evaluating the adequacy of brief versions to assess ADHD symptoms and related problems. Clin Child Psychol Psychiatry 24(4):791–808, 2019 doi:10.1177/1359104519846602
Điều trị ADHD
Liệu pháp hành vi
Điều trị bằng thuốc, điển hình là các chất kích thích như methylphenidate hoặc dextroamphetamine (trong các chế phẩm tác dụng ngắn và dài)
Các khuyến nghị điều trị cho trẻ bị ADHD thay đổi theo độ tuổi (1):
Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo: Điều trị ban đầu là bằng liệu pháp hành vi. Thuốc có thể được xem xét dùng nếu đáp ứng với các can thiệp hành vi không đầy đủ hoặc nếu các triệu chứng từ trung bình đến nặng (ví dụ: chạy bốc đồng, bùng nổ dữ dội, hành vi khác khiến trẻ hoặc những người khác có nguy cơ bị chấn thương).
Trẻ em trong độ tuổi đi học: Điều trị ban đầu là liệu pháp hành vi kết hợp với thuốc.
Các thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên cho thấy ở trẻ em trong độ tuổi đi học, liệu pháp hành vi đơn thuần kém hiệu quả hơn so với liệu pháp dùng thuốc kích thích đơn trị liệu, trong khi phối hợp là tốt nhất (2, 3, 4). Ngoài ra còn có dữ liệu hỗ trợ việc sử dụng methylphenidate ở trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo không đáp ứng với liệu pháp hành vi đơn thuần, mặc dù lợi ích tổng thể có vẻ nhỏ hơn so với trẻ em ở độ tuổi đi học (5). Mặc dù việc điều chỉnh những khác biệt cơ bản về sinh lý thần kinh của bệnh nhân mắc ADHD không xảy ra khi điều trị bằng thuốc, nhưng thuốc có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng ADHD và cho phép tham gia vào các hoạt động mà trước đây không thể tiếp cận được do khả năng chú ý kém và tính bốc đồng. Thuốc thường làm gián đoạn các triệu chứng hành vi, tăng cường các can thiệp về hành vi và học tập, động lực và lòng tự trọng.
Điều trị ADHD ở người lớn tuân theo các nguyên tắc tương tự, nhưng giống như ở trẻ em, việc lựa chọn thuốc và liều lượng cần được cá nhân hóa, tùy thuộc vào lợi ích, tác dụng phụ và các tình trạng bệnh lý khác (2).
Thuốc kích thích
Các chế phẩm bao gồm muối của methylphenidat hoặc amphetamin được sử dụng rộng rãi. Phản ứng rất khác nhau và liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của hành vi và khả năng dung nạp thuốc của trẻ. Liều lượng được điều chỉnh về tần suất và số lượng cho đến khi đạt được sự cân bằng tối ưu giữa phản ứng và tác dụng phụ.
Methylphenidate thường được bắt đầu với liều thấp nhất theo đường uống một lần/ngày (dạng phóng thích ngay lập tức) cho trẻ em và tăng tần suất hàng tuần, thường lên khoảng 2 lần đến 3 lần mỗi ngày hoặc 4 tiếng một lần trong giờ thức; nhiều bác sĩ lâm sàng cố gắng sử dụng liều vào buổi sáng và giữa trưa. Nếu đáp ứng không đầy đủ nhưng thuốc vẫn được dung nạp, có thể tăng liều. Mục tiêu là tìm ra sự cân bằng tối ưu giữa lợi ích và tác dụng bất lợi cho mỗi cá nhân. Liều quá thấp và không mang lại lợi ích đầy đủ có thể khiến các gia đình bỏ điều trị sớm, còn liều quá cao có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng có hoặc không có lợi ích lâm sàng đầy đủ. Các đồng phân dextro của methylphenidate là các phân tử hoạt động và có sẵn ở dưới dạng nửa liều được kê đơn.
Dextroamphetamine (dạng giải phóng ngay lập tức) thường được bắt đầu (thường phối hợp với amphetamine racemic) theo đường uống mỗi ngày một lần, sau đó có thể tăng lên 2 lần hoặc 3 lần mỗi ngày hoặc 4 tiếng một lần trong giờ thức. Liều lượng nên cân bằng hiệu quả chống lại các tác dụng phụ; liều thực tế khác nhau đáng kể giữa các cá nhân, nhưng nói chung, liều cao hơn làm tăng khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Nhìn chung, liều dextroamphetamine bằng khoảng 2/3 liều methylphenidate.
Đối với methylphenidate hoặc dextroamphetamine, sau khi đạt được liều lượng tối ưu, liều lượng tương đương của cùng loại thuốc ở dạng phóng thích kéo dài thường được thay thế để tránh phải dùng thuốc ở trường. Các chế phẩm có tác dụng kéo dài bao gồm viên nén, viên nang hai pha có chứa 2 liều, viên giải phóng chậm và các miếng dán da có tác dụng đến 12 giờ. Cả hai chế phẩm dạng lỏng tác dụng ngắn và tác dụng dài đều có sẵn. Các chế phẩm dextro tinh khiết (ví dụ dextromethylphenidate) thường được sử dụng để giảm các tác dụng phụ như lo lắng; liều thông thường là một nửa các chế phẩm hỗn hợp. Đôi khi các chế phẩm thuốc thử nghiệm cũng được sử dụng vì sự giải phóng của chúng nhanh hơn, thời gian hoạt động dài hơn, ít tác dụng phụ hơn, và có khả năng lạm dụng thấp hơn. Việc học tập thường được tăng cường nhờ liều lượng thấp, nhưng việc cải thiện các triệu chứng hành vi thường đòi hỏi liều lượng cao hơn.
Lịch trình dùng thuốc kích thích có thể được điều chỉnh cho phù hợp với ngày và giờ cụ thể (ví dụ: trong giờ học, khi làm bài tập về nhà). Việc nghỉ dùng thuốc có thể được thử vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ hoặc trong thời gian nghỉ học dài hơn. Thời gian dùng giả dược (trong 5 ngày đến 10 ngày học để làm giảm sự thay đổi hàng ngày) được khuyến nghị để xác định xem liệu thuốc có còn cần thiết hay không.
Tác dụng bất lợi thường gặp của thuốc kích thích bao gồm
Rối loạn giấc ngủ (ví dụ, mất ngủ)
Đau đầu
Đau dạ dày
Giảm sự thèm ăn
Tăng nhịp tim và huyết áp
Trầm cảm là một tác động bất lợi ít phổ biến hơn và thường có thể biểu hiện không có khả năng dễ dàng chuyển trọng tâm (quá tập trung). Điều này có thể biểu hiện như một phong thái u mê (đôi khi được các gia đình mô tả là giống như thây ma) hơn là trầm cảm thời thơ ấu trên thực tế lâm sàng. Trên thực tế, thuốc kích thích đôi khi được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ trợ cho chứng trầm cảm. Đôi khi, thái độ buồn tẻ có thể được giải quyết bằng cách cắt giảm liều lượng chất kích thích hoặc thử dùng loại thuốc khác. Những người bị rối loạn lo âu cũng có thể bị các triệu chứng lo âu trầm trọng hơn.
Các nghiên cứu đã cho thấy sự tăng trưởng về chiều cao chậm lại trong 2 năm sử dụng thuốc kích thích và tiềm năng chiều cao của người lớn có thể bị giảm khi sử dụng thuốc kích thích lâu dài (6).
Thuốc không kích thích
Atomoxetine, một thuốc chọn lọc hệ norepinephrine là thuốc ức chế tái hấp thu, cũng được sử dụng. Thuốc có hiệu quả, nhưng dữ liệu còn lẫn lộn về hiệu quả của thuốc so với thuốc kích thích (7). Một số trẻ có biểu hiện buồn nôn, an thần, cáu gắt, nóng nảy; hiếm khi xảy ra ngộ độc gan và có ý định tự sát. Liều khởi đầu được chuẩn độ hàng tuần. Thời gian bán hủy dài nên thuốc được sử dụng một lần/ngày nhưng phải dùng liên tục mới có hiệu quả.
Thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu norepinephrine chọn lọc như là bupropion và venlafaxine, thuốc chủ vận alpha-2 như clonidine và guanfacine, và các loại thuốc tác động tâm thần khác đôi khi được sử dụng khi thuốc kích thích không hiệu quả hoặc gây ra tác dụng bất lợi không thể chấp nhận được, nhưng các thuốc này kém hiệu quả hơn và không được khuyến nghị sử dụng điều trị bước dầu. Đôi khi những loại thuốc này được sử dụng kết hợp với thuốc kích thích để có tác dụng hiệp đồng; cần phải giám sát chặt chẽ các tác dụng bất lợi.
Tương tác thuốc bất lợi là một mối quan tâm với điều trị ADHD. Các loại thuốc ức chế enzyme chuyển hóa CYP2D6, bao gồm một số thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) đôi khi được sử dụng ở bệnh nhân mắc ADHD, có thể làm tăng tác dụng của thuốc kích thích. Đánh giá các tương tác thuốc có khả năng xảy ra là một phần quan trọng trong điều trị bằng thuốc ở bệnh nhân ADHD.
Quản lý hành vi
Tư vấn, bao gồm điều trị hành vi nhận thức (ví dụ như đặt mục tiêu, tự giám sát, mô hình hóa, đóng vai) thường hiệu quả và giúp trẻ hiểu ADHD. Tự sắp xếp và hình thành thói quen rất cần thiết.
Hành vi trong lớp học thường được cải thiện bằng cách kiểm soát tiếng ồn và kích thích thị giác, giao viên cần giao các bài tập có độ dài thích hợp, thay đổi và gần gũi hơn với trẻ.
Khi ở nhà vẫn còn khó khăn, cha mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn và được đào tạo về các kỹ năng quản lý hành vi. Để việc quản lý hành vi được tăng cường và có hiệu quả cần khuyến khích và thưởng cho trẻ. Trẻ em bị ADHD ở dạng tăng động là chủ yếu thường cần sự giúp đỡ từ gia đình.
Chế độ ăn kiêng, sử dụng thuốc giàu vitamin, các chất chống oxy hoá hoặc các hợp chất khác, và can thiệp dinh dưỡng và sinh hóa đã có những hiệu quả nhất định. Trong một số trường hợp, phản ứng sinh học là có lợi nhưng nó không được khuyến cáo dùng hàng ngày vì chưa có bằng chứng rõ ràng.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Wolraich ML, Hagan JF Jr, Allan C, et al: Clinical Practice Guideline for the Diagnosis, Evaluation, and Treatment of Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder in Children and Adolescents [published correction appears in Pediatrics tháng 3 năm 2020;145(3):]. Pediatrics 144(4):e20192528, 2019 doi:10.1542/peds.2019-2528
2. Cortese S, Adamo N, Del Giovane C, et al: Comparative efficacy and tolerability of medications for attention-deficit hyperactivity disorder in children, adolescents, and adults: a systematic review and network meta-analysis. Lancet Psychiatry 5(9):727–738, 2018 doi:10.1016/S2215-0366(18)30269-4
3. Storebø OJ, Storm MRO, Pereira Ribeiro J, et al: Methylphenidate for children and adolescents with attention deficit hyperactivity disorder (ADHD). Cochrane Database Syst Rev 3(3):CD009885, 2023 doi:10.1002/14651858.CD009885.pub3
4. Pelham WE Jr, Fabiano GA: Evidence-based psychosocial treatments for attention-deficit/hyperactivity disorder. J Clin Child Adolesc Psychol 37(1):184–214, 2008 doi:10.1080/15374410701818681
5. Greenhill L, Kollins S, Abikoff H, et al: Efficacy and safety of immediate-release methylphenidate treatment for preschoolers with ADHD [published correction appears in J Am Acad Child Adolesc Psychiatry 2007 Jan;46(1):141]. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry 45(11):1284–1293, 2006 doi:10.1097/01.chi.0000235077.32661.61
6. Greenhill LL, Swanson JM, Hechtman L, et al: Trajectories of Growth Associated With Long-Term Stimulant Medication in the Multimodal Treatment Study of Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry 59(8):978–989, 2020 doi:10.1016/j.jaac.2019.06.019
7. Schwartz S, Correll CU: Efficacy and safety of atomoxetine in children and adolescents with attention-deficit/hyperactivity disorder: results from a comprehensive meta-analysis and metaregression. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry 53(2):174–187, 2014. doi: 10.1016/j.jaac.2013.11.005
Tiên lượng về ADHD
Các lớp học truyền thống và các hoạt động thường quy thường làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dấu hiệu ở trẻ có ADHD không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ. Các vấn đề về điều chỉnh xã hội và tình cảm có thể kéo dài. Sự không chấp nhận từ đồng nghiệp và sự cô đơn có xu hướng tăng theo tuổi và biểu hiện rõ ràng hơn. Lạm dụng chất gây nghiện có thể xảy ra nếu ADHD không được xác định và điều trị đầy đủ vì nhiều thanh thiếu niên và người lớn mắc ADHD tự điều trị bằng cả các chất hợp pháp (ví dụ: caffeine) và bất hợp pháp (ví dụ: cocaine, amphetamine).
Mặc dù triệu chứng tăng động và dấu hiệu có khuynh hướng giảm đi theo tuổi, thanh thiếu niên và người lớn có thể khó biểu hiện hơn. Các hậu quả có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và người trưởng thành bao gồm:
Giảm trí thông minh
Hung hăng
Các vấn đề về cá nhân và xã hội
Rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc hành vi ở cha mẹ
Các vấn đề ở thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành biểu hiện chủ yếu là thất bại trong học tập, lòng tự trọng thấp và khó học tập các hành vi xã hội thích hợp. Thanh thiếu niên và người lớn bị ADHD dạng hấp tấp,bốc đồng chủ yếu có thể có tăng tỷ lệ rối loạn nhân cách và hành vi chống đối xã hội; nhiều người tiếp tục thể hiện sự hấp tấp, bốc đồng, bồn chồn và kém trong các kỹ năng xã hội. Những người có ADHD dường như điều chỉnh tốt hơn để làm việc hơn, đặc biệt là nếu họ có thể tìm được công việc mà không cần sự chú ý nhiều để thực hiện.
Những điểm chính
ADHD bao gồm dạng giảm chú ý, tăng động/hấp tấp, bốc đồng hoặc phối hợp cả hai dạng trên; nó thường xuất hiện trước 12 tuổi, bào gồm những trẻ trước tuổi đi học.
Hiện nay nguyên gây bệnh còn chưa rõ nhưng có rất nhiều các yếu tố nguy cơ.
Chẩn đoán bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn lâm sàng và cảnh giác với các rối loạn khác (ví dụ: rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập hoặc hành vi nhất định, lo lắng, trầm cảm) cũng như những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có thể biểu hiện tương tự ban đầu.
Các biểu hiện có xu hướng giảm dần theo tuổi, thanh thiếu niên và người lớn có thể khó biểu hiện các triệu chứng hơn.
Điều trị bằng thuốc kích thích và liệu pháp nhận thức hành vi; Liệu pháp hành vi đơn thuần có thể phù hợp với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.
Thông tin thêm
Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.
American Academy of Pediatrics: Clinical Practice Guideline for the Diagnosis, Evaluation, and Treatment of Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder in Children and Adolescents (2019)
National Institute for Children's Health Quality: Vanderbilt Assessment Scale (used for diagnosing ADHD)
Attention Deficit Disorder Association (ADDA): An organization providing resources for adults with ADHD
Children and Adults with Attention-Deficit/Hyperactivity Disorder (CHADD): An organization providing educational, support, and treatment resources for all people with ADHD
Learning Disabilities Association of America (LDA): An organization providing educational, support, and advocacy resources for people with learning disabilities