Hạ thân nhiệt được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là nhiệt độ cơ bản < 36,5°C (97,7°F). Ở trẻ non tháng, hạ thân nhiệt làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Hạ nhiệt độ có thể là hoàn toàn do môi trường hoặc là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý (ví dụ, nhiễm trùng). Duy trì nhiệt độ phù hợp trong phòng sinh hoặc phòng mổ là rất quan trọng trong việc giảm thân nhiệt của trẻ. Trẻ bị hạ nhiệt độ cần được làm ấm trở lại từ từ và cần được đánh giá các tình trạng bệnh kèm theo để can thiệp điều trị kịp thời.
Nhiệt độ trực tràng bình thường ở trẻ đủ tháng và non tháng là 36,5 đến 37,5°C. Mặc dù hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể < 36,5°C, trẻ vẫn có nguy cơ bị hạ thân nhiệt ở nhiệt độ cao và cần nhiều năng lượng hơn để chuyển hóa tăng sinh nhiệt.
Sinh lý bệnh của hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Cân bằng nhiệt bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, luồng không khí, tiếp xúc trực tiếp với bề mặt mát, gần với các vật lạnh và nhiệt độ không khí xung quanh. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị mất nhiệt nhanh dẫn đến hạ thân nhiệt do tỷ lệ bề mặt da/thể tích cở thể cao, thậm chí còn cao hơn ở trẻ sơ sinh cân nặng thấp. Có một số cơ chế để mất nhiệt:
Mất nhiệt do bức xạ: Da trẻ tiếp xúc với môi trường có chứa các vật lạnh hơn.
Nhiệt độ bay hơi: Trẻ sơ sinh ướt do nước ối.
Mất nhiệt do dẫn nhiệt: Trẻ sơ sinh tiếp xúc với bề vật lạnh.
Mất nhiệt đối lưu: Luồng không khí xung quanh mát mang hơi ấm từ trẻ sơ sinh đi.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị nhiễm lạnh có thể bị kéo dài và không được nhận biết dẫn đến tăng chuyển hóa năng lượng để sinh nhiệt, ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ. Trẻ sơ sinh có tình trạng điều hòa chuyển hóa đáp ứng chống lạnh bằng cách tăng giải phóng chất trung gian hóa học hệ giao cảm norepinephrine trong mỡ nâu (không rung cơ). Mô đặc biệt này của trẻ sơ sinh, nằm ở phần cổ gáy, giữa xương vai và xung quanh thận và tuyến thượng thận, phản ứng bằng cách phân giải mỡ theo sau là oxy hóa hoặc tái este hóa các axit béo được giải phóng. Những phản ứng này tạo ra nhiệt tại chỗ, và cung cấp máu giàu chất béo nâu giúp chuyển nhiệt cho phần còn lại của cơ thể trẻ sơ sinh. Phản ứng này làm tăng tỷ lệ trao đổi chất và tiêu thụ oxy từ 2 đến 3 lần. Vì vậy, ở trẻ sơ sinh bị suy hô hấp (ví dụ: trẻ sinh non mắc hội chứng suy hô hấp), căng thẳng do lạnh cũng có thể dẫn đến tình trạng hạ oxy mô và tổn thương thần kinh. Tăng ly giải glycogen có thể gây tăng đường huyết thoáng qua. Giảm thân nhiệt kéo dài có thể dẫn đến hạ đường huyết và toan chuyển hóa và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khởi phát muộn và tử vong.
Mặc dù có cơ chế bù trừ, trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ nhẹ cân, có khả năng điều hòa giữ thân nhiệt kém và dễ bị hạ nhiệt độ. Ngay cả trước khi nhiệt độ giảm, đáp ứng lạnh xảy ra khi mất nhiệt đòi hỏi tăng sản xuất nhiệt trao đổi chất.
Các môi trường nhiệt trung hòa (thermoneutrality) là vùng nhiệt độ tối ưu cho trẻ sơ sinh; nó được định nghĩa là nhiệt độ môi trường mà ở đó nhu cầu trao đổi chất (và tiêu thụ calo) để duy trì nhiệt độ cơ thể trong phạm vi bình thường (36,5 đến 37,5°C trực tràng) là thấp nhất. Nhiệt độ môi trường cụ thể cần thiết để duy trì nhiệt độ môi trường phụ thuộc vào việc trẻ sơ sinh bị ướt (ví dụ sau khi sinh hoặc khi tắm) hay mặc quần áo, cân nặng, tuổi thai và tuổi của nó trong vài giờ và vài ngày.
Căn nguyên của hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Hạ thân nhiệt có thể là do các yếu tố môi trường, các rối loạn làm giảm khả năng điều nhiệt (ví dụ: nhiễm trùng, xuất huyết nội sọ, hội chứng cai), hoặc kết hợp các yếu tố.
Các yếu tố nguy cơ gây hạ thân nhiệt bao gồm sinh non, sinh con ở khu vực có nhiệt độ môi trường dưới mức khuyến nghị, tăng huyết áp ở mẹ, sinh mổ và điểm Apgar thấp.
Điều trị hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Làm ấm trẻ từ từ trong lồng ấp hoặc giường sưởi
Điều trị hạ thân nhiệt được bằng cách ủ ấm lại trong lồng ấp hoặc dưới máy sưởi có bức xạ. Trẻ sơ sinh cần được theo dõi và điều trị khi cần thiết đối với tình trạng hạ đường huyết, hạ oxy máu và ngưng thở. Các bệnh nền như là nhiễm trùng huyết, cai thuốc hoặc xuất huyết nội sọ có thể cần điều trị cụ thể.
Phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Duy trì nhiệt độ môi trường thích hợp là bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng nhiệt độ trong phòng sinh phải từ 25 đến 28°C (77,0 đến 82,4°F) và sơ sinh phải được làm khô ngay lập tức và đặt tiếp xúc da kề da với người mẹ và được bao bọc. (Xem thêm Hướng dẫn thực hành của Tổ chức Y tế Thế giới về đảm bảo thân nhiệt của trẻ sơ sinh.)
Trẻ non tháng bị hạ thân nhiệt khi nhập viện vào khoa hồi sức tích cực dành cho trẻ sơ sinh (NICU) có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn; tăng nhiệt độ trong phòng sinh và phòng mổ đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt khi nhập viện vào NICU. Do đó, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị phòng sinh và phòng mổ nơi trẻ sinh non được sinh non có nhiệt độ từ 23 đến 25°C (74 đến 77°F) (1). Bởi nếu chỉ tăng nhiệt độ trong cuộc đẻ sẽ làm tăng tình trạng mất nhiệt do bức xạ từ những vật lạnh trong phòng, đồng thời tăng mất nhiệt do đối lưu do làm tăng lưu thông khí. Do đó nhiệt độ phòng chỉ nên được giữ ở mực đó.
Khi mới sinh, trẻ sơ sinh phải được lau khô ngay lập tức và sau đó quấn (bao gồm cả đầu) trong chăn ấm để tránh mất mát do bay hơi, dẫn truyền và đối lưu. Đối với trẻ sinh non, việc đặt vào túi polyetylen ngay sau khi sinh đã được chứng minh là giúp duy trì nhiệt độ của trẻ; một số bác sĩ lâm sàng không làm khô trẻ sơ sinh trước khi đặt vào túi vì độ ẩm tăng lên có thể có lợi (2).
Trẻ sơ sinh cần được hồi sức hoặc theo dõi phải được đặt dưới thiết bị sưởi ấm bức xạ mà không có vật gì cản nhiệt cho trẻ sơ sinh, chẳng hạn như chăn, để tránh mất nhiệt do bức xạ. Trẻ sơ sinh bị bệnh cần được duy trì nhiệt độ môi trường tối ưu để đảm bảo giảm thiểu tối đa mất năng lượng cho chuyển hóa nhiệt. Nhiệt độ lồng ấp thích hợp thay đổi tùy theo cân nặng khi sinh và tuổi thai của trẻ. Ngoài ra, chế độ sưởi của lồng ấp hay giường sưởi nên được đặt ở chế độ tự động để đảm bảo duy trì nhiệt độ da của trẻ ở 36,5°C.
Tài liệu tham khảo về phòng ngừa
1. Weiner GM, ed: Textbook of Neonatal Resuscitation, ed. 8. Itasca, American Academy of Pediatrics, 2021.
2. Oatley HK, Blencowe H, Lawn JE: The effect of coverings, including plastic bags and wraps, on mortality and morbidity in preterm and full-term neonates. J Perinatol 36(Suppl 1):S82–S88, 2016. doi: 10.1038/jp.2016.35
Những điểm chính
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhẹ cân, dễ bị hạ thân nhiệt do môi trường; các rối loạn làm giảm khả năng điều nhiệt (ví dụ: xuất huyết nội sọ, nhiễm trùng huyết) làm tăng nguy cơ.
Nhiệt độ môi trường xung quanh tối ưu cho trẻ sơ sinh là nhiệt độ mà tại đó lượng calo tiêu hao cần thiết để duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường ở mức thấp nhất, thường là từ 36,5°C đến 37,5°C.
Làm ấm cho trẻ sơ sinh trong lồng ấp hoặc giường sưởi và điểu trị các tình trạng bệnh kèm theo.
Ngăn ngừa hạ thân nhiệt bằng cách duy trì nhiệt độ môi trường ấm áp thích hợp trong khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, ngay lập tức làm khô trẻ sơ sinh, sau đó quấn tã cho trẻ sơ sinh đủ tháng hoặc đặt trẻ sinh non vào túi polyetylen.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
World Health Organization (WHO): Thermal protection of the newborn: A practical guide