Phần lớn các vỡ lún cột sống là hậu quả của loãng xương (loãng xương thường không hoặc rất ít biểu hiện lâm sàng), xảy ra dù không có chấn thương hoặc chấn thương rất nhẹ.
(Xem thêm Tổng quan về gãy xương.)
Vỡ lún đốt sống do loãng xương thường gặp ở cột sống ngực (thường ở dưới T6) và cột sống thắt lưng, đặc biệt là chố bản lề T12-L1. Có thể không có chấn thương trước đó hoặc chấn thương rất nhẹ (ví dụ, ngã nhẹ, đột ngột uốn, nâng đồ, ho). Bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương có nguy cơ cao bị gãy đốt sống khác hoặc xương khác.
Thỉnh thoảng tổn thương xẹp hoặc các loại gãy đốt sống khác xảy ra sau chấn thương mạnh (như tai nạn xe máy, ngã cao, vết thương đạn bắn). Trong những trường hợp như vậy cũng thường bị chấn thương cột sống, cột sống có thể bị gãy > 1 chỗ. Nếu nguyên nhân là do ngã hoặc nhảy từ trên cao xuống, một hoặc cả hai xương gót chân cũng có thể bị gãy; 10% số bệnh nhân bị gãy xương gót cũng tổn thương cột sống thắt lưng (vì lực truyền theo trục xương đến cột sống từ gót).
Các triệu chứng và dấu hiệu của gãy lún đốt sống
Xẹp đốt sống do loãng xương không có triệu chứng hoặc chỉ gây mất chiều cao hoặc gù ở khoảng 2/3 bệnh nhân. Ở những bệnh nhân khác, đau có thể xuất hiện ngay hoặc về sau. Đau có thể phản chiếu vào bụng. Ít gặp đau phản chiếu, yếu liệt, rối loạn cơ vòng. Đau thường giảm sau 4 tuần và hết sau 12 tuần.
Xẹp đốt sống không do loãng xương gây đau cấp tính, đau xương tại chỗ gãy, và co thắt cơ.
Chẩn đoán gãy xương lún đốt sống
Chụp X-quang
Gãy xương do loãng xương thường được chẩn đoán trên X-quang. Các dấu hiệu thường là
Mất chiều cao đốt sống (đặc biệt là > 6 cm hoặc hơn một nửa chiều cao thân đốt sống)
Giảm cản quang
Mất cấu trúc bè xương
Hình nêm trước
Xẹp đốt sống do loãng xương thường được tình cờ phát hiện. Nếu bệnh nhân không có các yếu tố nguy cơ bị loãng xương (ví dụ như tuổi già), thì thường không bị loại gãy này.
Gãy xương đơn độc ở trên T4 nghĩ đến ung thư nhiều hơn là loãng xương. Nếu không rõ bệnh nhân có loãng xương hay không, tiến hành đo mật độ xương. Nếu bệnh lý loãng xương mới được chẩn đoán, bệnh nhân nên được đánh giá các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát.
Nếu chấn thương mạnh xảy ra trước đó, chụp CT để đánh giá toàn bộ cột sống, và nếu có dấu hiệu tổn thương thần kinh, chụp MRI phần cột sống tương ứng.
Có thể thấy chỗ gãy lún đốt sống thắt lưng thứ 2 này là chiều cao thân đốt sống giảm ở phim chụp thẳng cũng như phim chụp nghiêng.
Scott Camazine/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Có thể nhìn thấy chỗ gãy lún đốt sống thắt lưng thứ nhất này ở phim chụp thẳng là chiều cao đốt sống giảm rất nhiều và tăng độ đậm tia.
ZEPHYR/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Phim chụp X-quang cột sống thẳng này cho thấy chiều cao và bờ trước cột sống giảm do gãy lún đốt sống.
Hình ảnh do bác sĩ Danielle Campagne cung cấp.
Phim chụp CT này (phim chụp đứng dọc) cho thấy gãy lún rõ của T12 kèm theo bệnh lý thoái hóa nhẹ (ví dụ, gai xương thân đốt sống trước) ở nơi khác.
© Springer Science+Business Media
Nếu nguyên nhân là do ngã cao, nên kiểm tra thêm gãy xương gót và gãy đốt sống khác. Nếu nghi ngờ bệnh nhân có ý định tự tử, hội chẩn chuyên khoa tâm thần.
Điều trị gãy xương lún đốt sống
Thuốc giảm đau
Vận động sớm và lý liệu pháp
Điều trị gãy cột sống tập trung điều trị đau và vận động sớm. Cho thuốc giảm đau. Vận động sớm giúp hạn chế tiêu xương và tàn tật.
Các nhà vật lý trị liệu có thể giúp hướng dẫn kỹ thuật nâng vác đồ đúng và chỉ định các bài tập tăng sức mạnh nhóm cơ cạnh cột sống, tuy nhiên chỉ nên tiến hành sau khi đã kiểm soát được đau.
Bệnh loãng xương, nếu có, nên được điều trị (ví dụ: bằng bisphosphonate). Calcitonin cũng có thể được sử dụng và có thể giúp giảm đau và tăng mật độ xương.
Áo nẹp cũng thường được chỉ định, tuy nhiên hiệu quả không rõ ràng.
Trong vài trường hợp, tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng hoặc không bóng giúp giảm đau tốt. Trong bơm xi măng tạo hình thân đốt sống, methyl methacrylate được tiêm vào đốt sống. Trong bơm xi măng có bóng, thân đốt sống được tạo hình với bóng.
Các thủ thuật này có thể làm giảm biến dạng trong các thân đốt sống được tiêm, nhưng không làm giảm và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ở các đốt sống lân cận. Các nguy cơ khác bao gồm gãy xương sườn, rò xi măng rò rỉ, phù phổi cấp hoặc nhối máu cơ tim (MI).
Nếu gãy xương là do chấn thương mạnh, cột sống nên được bất động ngay lập tức, chụp CT hoặc MRI để kiểm tra độ vững cột sống. Tổn thương tủy sống, nếu có,cần được điều trị kịp thời, điều trị chăm sóc hỗ trợ (ví dụ, thuốc giảm đau, vận động sớm).
Những điểm chính
Hầu hết các gãy đốt sống là do loãng xương.
Khoảng 2/3 xẹp đốt sống do loãng xương không có triệu chứng hoặc chỉ gây mất chiều cao, gù.
Nên nghi ngờ ung thư nếu bệnh nhân chỉ có gãy đơn độc trên T4.
Nếu không rõ bệnh nhân có bị loãng xương không, chỉ định đo mật độ xương.
Khuyến khích vận động sớm.