Gãy xương - trật khớp khối bàn chân giữa (Tổn thương Lisfranc)

TheoDanielle Campagne, MD, University of California, San Francisco
Xem xét bởiDiane M. Birnbaumer, MD, David Geffen School of Medicine at UCLA
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2025

Chấn thương Lisfranc là gãy xương và/hoặc trật khớp ở vùng bàn chân giữa gây tổn thương một hay nhiều khớp bàn-ngón. Chẩn đoán bằng chụp X-quang và thường là chụp CT. Điều trị cần phải chuyển đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và thường là nắn chỉnh bằng mổ mở kèm theo cố định bên trong (ORIF) hoặc đôi khi hợp nhất bàn chân giữa.

Nguồn chủ đề

(Xem thêm Tổng quan về gãy xương.)

Chấn thương Lisfranc thường gặp. Cơ chế thông thương là do chấn thương trực tiếp hoặc do lực xoắn vặn lên bàn chân gấp gan chân (ví dụ ngã tiếp xúc tư thế gấp gan chân) hay xảy ra ở các cầu thủ bóng đá, người lái xe mô tô hay vận động viên cưỡi ngựa.

Phức hợp khớp Lisfranc gồm 5 khớp bàn-ngón liên kết khối bàn chân trước và khối bàn chân giữa. Có nhiều dây chằng trong phức hợp này. Bản thân dây chằng Lisfranc là dây chằng gắn phần đế của cổ chân thứ 2 với hình nêm thứ nhất. Tổn thương phức hợp Lisfranc có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ biến dạng đến trật một hoặc nhiều khớp cổ chân có hoặc không có gãy xương. Khi xảy ra gãy xương, tình trạng này thường liên quan đến xương bàn chân thứ 2 (xem hình Gãy xương bàn chân thứ 2 kèm trật khớp bàn chân-ngón chân). Chấn thương Lisfranc thường gây ra sự bất ổn định của bàn chân giữa.

Gãy nền xương bàn ngón 2 và trật khớp bàn ngón

Gãy nền xương bàn ngón 2 có thể gây tổn thương một hoặc nhiều khớp bàn ngón. Trong hình này, xương bàn ngón 2 gãy và làm di lệch các xương bàn ngón 3 đến 5 ra ngoài.

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương Lisfranc

Mức độ nghiêm trọng của tổn thương Lisfranc dao động rộng. Một vài thương tổn chỉ gây sưng nề và đau nhẹ ở khối bàn chân trước, một số khác gây các thương tổn phần mềm nặng nề gây đau, sưng nề, biến dạng, tụ máu ở khối bàn chân giữa, thỉnh thoảng còn có thể bị tê bì. Biểu hiện bàn chân bị co ngắn.

Các biến chứng (như thoái hóa khớp, hội chứng chèn ép khoang) có thể là nghiêm trọng và gây các di chứng.

Chẩn đoán chấn thương Lisfranc

  • Các phim chụp X-quang

  • Đôi khi cần chụp CT

Chụp X-quang bàn chân theo tư thế thẳng, nghiêng và chếch, nhưng các dấu hiệu có thể không rõ ràng, dẫn đến chẩn đoán sai. Có tới 20% số trường hợp gãy xương này bị bỏ sót khi khám ban đầu (1).

Phim chụp X-quang có thể cho thấy gãy xương ở gốc xương bàn chân thứ 2 hoặc gãy xương hình nêm nhưng có thể không cho thấy sự gián đoạn của khớp bàn chân-ngón chân, nên cần nghi ngờ tình trạng này ngay cả khi không nhìn thấy trên phim chụp X-quang. Bình thường ở khớp này, cạnh trong xương chêm 2 thẳng trục với cạnh trong xương đốt bàn ngón 2. Có thể cần thiết so sánh phim các tư thế hoặc chụp CT để nhận biết sự tổn thương của khớp.

Gãy Lisfranc
Dấu các chi tiết
Ảnh chụp X-quang này cho thấy các vết gãy ở đáy của xương bàn chân thứ 2, 3 và 4. Các khớp xương cổ chân - bàn chân cũng bị đứt đoạn.
Hình ảnh do bác sĩ Danielle Campagne cung cấp.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Nếu khối bàn chân giữa bị sưng nề và đau nhiều, kiểm tra kỹ trên phim X-quang xem trục của bờ trong xương chêm 2 và bờ trong xương bàn ngón 2 có thẳng nhau không.

Nếu không có CT, có thể sử dụng chụp X-quang có ép khớp. Chụp X-quang được thực hiện khi bàn chân đang chịu sức ép (ví dụ: bệnh nhân đang đứng trên bàn chân). Trọng lượng cơ thể của bệnh nhân có thể khiến không gian giữa cổ chân 1 và 2 rộng ra, giúp chẩn đoán dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chụp CT nhạy hơn chụp X-quang có ép khớp nên được ưu tiên sử dụng trong những trường hợp không rõ ràng.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Singh A, Lokikere N, Saraogi A, Unnikrishnan PN, Davenport J. Missed Lisfranc injuries-surgical vs conservative treatment. Ir J Med Sci. 2021;190(2):653-656. doi:10.1007/s11845-020-02364-7

Điều trị chấn thương Lisfranc

  • Hội chẩn chỉnh hình khẩn cấp

  • Thông thường, cần mổ mở nắn chỉnh kèm theo kết hợp xương (ORIF), cũng có khi phải hàn cứng khớp

Trật khớp thường tự nắn chỉnh lại được. Tuy nhiên, bởi vì thương tổn này ảnh hưởng nhiều đến chức năng bàn chân và có thể gây đau kéo dài, viêm khớp, bệnh nhân nên được giới thiệu đến chuyên gia chấn thương chỉnh hình để phẫu thuật. Thông thường, điều trị cuối cùng là mổ mở kết hợp xương hoặc hàn cứng khớp bàn chân giữa.

Sau khi mổ kết hợp xương, phim CT được chụp lại để xác định đã sửa chữa thẳng hàng.

Nếu không cần thiết phẫu thuật, bệnh nhân được bất động, bó bột, không tỳ trong ít nhất 6 tuần.

Những điểm chính

  • Chấn thương Lisfranc (gãy xương-trật khớp) liên quan đến đứt 1 dây chằng giúp ổn định phần giữa bàn chân, đôi khi làm vỡ 1 khớp cổ chân-bàn chân.

  • Các biến chứng (ví dụ như hội chứng khoang, đau mạn tính, tàn phế) có thể là nghiêm trọng.

  • Vì các dấu hiệu trên phim X-quang có thể rất khó phát hiện nên có thể cần phải chụp X-quang có ép khớp hoặc chụp CT.

  • Giới thiệu bệnh nhân đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình do thường phải mổ kết hợp xương hoặc hàn khớp.