Aspirin và Ngộ độc Salicylate khác

(Salicylism)

TheoGerald F. O’Malley, DO, Grand Strand Regional Medical Center;
Rika O’Malley, MD, Grand Strand Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 6 2022

Ngộ độc Salicylate có thể gây ra nôn, ù tai, ý thức lẫn lộn, tăng thân nhiệt, kiềm hô hấp, toan chuyển hóa, và suy đa tạng. Chẩn đoán là lâm sàng, bổ sung bằng cách đo khoảng trống anion, khí máu động mạch, và nồng độ salicylat huyết thanh. Điều trị bằng than hoạt tính và kiềm hóa nước tiểu hoặc lọc máu ngắt quãng.

(Xem thêm Nguyên tắc chung về Ngộ độc.)

Nhiễm độc cấp tính > 150 mg salicylate/kg có thể gây độc nặng. Salicylate dạng viên có thể hình thành bezoar, kéo dài sự hấp thụ và độc tính. Ngộ độc mạn tính có thể xảy ra liều điều trị cao sau vài ngày hoặc hơn với; nó thường gặp, thường không được chẩn đoán, và thường nghiêm trọng hơn độc tính cấp tính. Độc tính mạn tính có xu hướng xảy ra ở những bệnh nhân cao tuổi.

Salicylat cô đặc và gây độc nhiều nhất là dạng dầu của cây lộc đề xanh (methyl salicylate, thành phần của một số dầu xoa bóp và các dung dịch được sử dụng trong bốc hơi nóng); uống < 5 mL tương đương với khoảng 7000 miligam (hai mươi hai viên 325 mg) aspirin, có thể giết chết một trẻ nhỏ. Mọi phơi nhiễm đều cần được xem là nghiêm trọng. Bismut subsalicylat (salicylate 8,7 mg/ml) là một nguồn tiềm tàng lượng lớn salicylat.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Uống < 5 mL dầu lộc đề xanh (salicyl salicylat, thành phần của một số dầu xoa bóp và các dung dịch được sử dụng trong bốc hơi nóng) có thể giết chết một đứa trẻ.

Sinh lý bệnh của ngộ độc Salicylate Poisoning

Salicylat làm suy giảm hô hấp tế bào bằng cách tách phosphoryl oxy hóa. Chúng kích thích các trung tâm hô hấp trong hành não, kiềm hô hấp thường không được phát hiện hở trẻ em. Salicylate đồng thời và độc lập gây ra tình trạng toan chuyển hoá nguyên phát. Cuối cùng, khi salicylat biến mất khỏi máu, đi vào tế bào, và gây độc ty thể, toan chuyển hóa trở thành bất thường acid-base đầu tiên.

Ngộ độc Salicylate cũng gây ra các thể ceton, sốt, và ngay cả khi không có tình trạng hạ đường huyết, mức độ glucose trong não vẫn thấp. Tăng mất Na, K, và nước qua thận, nhưng mất nước qua hô hấp không nhận thấy được do thở nhanh, dẫn đến mất nước.

Salicylat là axit yếu nên qua màng tế bào tương đối dễ dàng; do đó chúng độc hơn khi pH máu thấp. Mất nước, tăng thân nhiệt và dùng lâu ngày làm tăng độc tính salicylat bởi vì chúng dẫn đến phân bố salicylate vào các mô. Sự bài tiết salicylate tăng lên khi pH nước tiểu tăng lên.

Triệu chứng và dấu hiệu của ngộ độc salicylate

Với quá liều cấp tính, các triệu chứng sớm bao gồm buồn nôn, nôn, ù tai, và tăng thông khí. Các triệu chứng sau đó bao gồm tăng động, sốt, lú lẫn và co giật. Tiêu cơ vân, suy thận cấp, và suy hô hấp có thể gặp cuối cùng. Sự tăng động có thể nhanh chóng chuyển sang thờ ơ; tăng thông khí (do kiềm hô hấp) dẫn đến việc giảm thông khí (có tình trạng toan hỗn hợp) và suy hô hấp.

Với quá liều mạn tính, các triệu chứng và dấu hiệu có khuynh hướng không đặc hiệu, khác biệt rất nhiều, và có thể gợi ý đến sepsis. Chúng bao gồm ý thức lẫn lộn khó phát hiện, thay đổi ý thức, sốt, giảm ôxy máu, phù phổi không do tim, mất nước, toan lactic, và hạ huyết áp.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Xem xét ngộ độc salicylat ở các bệnh nhân cao tuổi với các triệu chứng không đặc hiệu và/hoặc giống với sepsis (ví dụ như lẫn lộn khó phát hiện, sự thay đổi tình trạng tinh thần, sốt, giảm ôxy máu, phù phổi không do tim, mất nước, toan lactic, và hạ huyết áp).

Chẩn đoán ngộ độc salicylate

  • Nồng độ salicylat huyết thanh

  • Khí máu động mạch (ABGs)

Ngộ độc salicylate được nghi ngờ ở bệnh nhân với bất cứ điều nào sau đây:

  • Tiền sử quá liều cấp tính duy một liều duy nhất

  • Uống lặp lại các liều điều trị

  • Toan chuyển hóa không giải thích được

  • Lú lẫn không rõ nguyên nhân và sốt (ở bệnh nhân cao tuổi)

  • Các phát hiện khác phù hợp với sepsis (ví dụ sốt, giảm ôxy máu, phù phổi, mất nước, hạ huyết áp)

Nếu ngộ độc được nghi ngờ, cần đo nồng độ salicylat huyết thanh (ít nhất là vài giờ sau khi ăn), đo pH nước tiểu,khí máu động mạch, điện giải, creatinine, glucose và BUN. Nếu nghi ngờ tiêu cơ vân, cần đo nồng độ CK và myoglobin trong nước tiểu.

Ngộ độc salicylat đáng kể được gợi ý bởi nồng độ trong huyết thanh cao hơn nhiều so với nồng độ điều trị (khoảng 10 đến 20 mg/dL [0,725-1,45 mmol/L]), đặc biệt là 6 giờ sau khi nuốt phải (khi hấp thu hầu hết chất) và toan máu cộng với kết quả khí máu động mạch tương thích với ngộ độc salicylate. Nồng độ trong huyết thanh rất hữu ích trong việc xác định chẩn đoán và có thể giúp hướng dẫn điều trị nhưng có thể gây nhầm lẫn và nên có tương quan về lâm sàng.

Thông thường, khí máu động mạch cho thấy kiềm hô hấp trong vài giờ đầu sau khi uống; sau đó, là toan chuyển hóa còn bù đắp hoặc toan hỗn hợp. Cuối cùng, thông thường khi nồng độ salicylate giảm, toan chuyển hóa còn bù kém hoặc mất bù là các kết quả chính tìm được. Nếu suy hô hấp xảy ra, khí máu động mạch cho thấy có kết hợp giữa toan chuyển hóa và toan hô hấp, chụp X-quang phổi cho thấy hình ảnh mờ lan tỏa hai phổi. Nồng độ glucose trong huyết tương có thể là bình thường, thấp hoặc cao. Nồng độ salicylate huyết thanh giúp xác định sự hấp thụ có tiếp tục hay không; khí máu động mạch và điện giải nên luôn được xác định đồng thời. Tăng nồng độ CK huyết thanh và myogobin niệu gợi ý tiêu cơ vân.

Điều trị ngộ độc salicylate

  • Than hoạt tính

  • Kiềm hóa nước tiểu cùng với bù kali

Trừ khi có chống chỉ định (ví dụ, thay đổi ý thức), than hoạt tính được dùng càng sớm càng tốt và nếu không liệt ruột, có thể lặp đi lặp lại mỗi 4 giờ cho đến khi than xuất hiện trong phân.

Sau khi đã điều chỉnh được và điện giải, có thể dùng dung dịch kiềm để tăng pH nước tiểu, lý tưởng là 8. Kiềm hóa nước tiểu được chỉ định cho bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng ngộ độc và không nên trì hoãn cho đến khi nồng độ salicylate được xác định. Sự can thiệp này thường là an toàn và theo cấp số nhân làm tăng bài tiết salicylate. Do hạ kali máu có thể gây cản trở kiềm hóa nước tiểu, bệnh nhân được truyền dung dịch gồm 1 L 5% D/W, 3 50-mEq (50-mmol/L) natri bicacbonat và 40 mEq (40 mmol/L) kali clorua với tốc độ 1,5 đến 2 lần so với dịch duy trì. Nồng độ K được theo dõi. Vì tình trạng quá tải dịch có thể dẫn đến phù phổi, bệnh nhân được theo dõi về hô hấp.

Thuốc làm tăng bicarbonate niệu (ví dụ, acetazolamide) nên tránh vì chúng làm trầm trọng thêm toan chuyển hóa và làm giảm pH máu. Cần tránh các loại thuốc làm giảm hô hấp nếu có thể vì chúng có thể làm giảm tình trạng tăng thông khí và kiềm hô hấp, làm giảm độ pH của máu.

Sốt có thể được điều trị bằng các biện pháp vật lý như làm lạnh bên ngoài. Co giật được điều trị bằng thuốc benzodiazepine. Ở những bệnh nhân bị tiêu cơ vân, bù dịch và thể tích nước tiểu lâ rất quan trọng; kiềm hóa nước tiểu cũng có thể giúp ngăn ngừa suy thận.

Lọc máu có thể cần thiết để loại bỏ salicylate ở những bệnh nhân bị suy giảm thần kinh nặng, suy thận hoặc suy hô hấp, toan chuyển hóa, hoặc nồng độ salicylat huyết thanh rất cao (>100 mg/dL [> 7,25 mmol/L] với quá liều cấp tính hoặc > 60 mg/dL [> 4,35 mmol/L] với quá liều mạn tính).

Để điều trị thay đổi acid-base ở bệnh nhân ngộ độc salicylat, cần đặt nội khí quản và thở máy để bảo vệ đường thở hoặc oxy hóa có thể rất khó khăn. Nói chung, các bệnh nhân đã đặt nội khí quản nên được lọc máu và theo dõi chặt chẽ bởi chuyên gia hồi sức.

Những điểm chính

  • Ngộ độc Salicylate gây ra kiềm hô hấp, và toan chuyển hóa theo một cơ chế độc lập.

  • Xem xét ngộ độc salicylat ở bệnh nhân có các biểu hiện không đặc hiệu (ví dụ như thay đổi tình trạng tinh thần, toan chuyển hóa, phù phổi không do tim, sốt) ngay cả khi không rõ tiền sử có uống hay không.

  • Ước lượng mức độ ngộ độc salicylate bằng cách đo nồng độ và xét nghiệm khí máu động mạch.

  • Điều trị bằng than hoạt tính và kiềm hóa nước tiểu và bù thêm KCl.

  • Xem xét lọc máu ngắt quãng nếu ngộ độc nặng.