Gãy đầu ngón xảy ra ở đốt xa ngón tay. Cơ chế là tổn thương nghiền (như trong kẹt bản lề cửa).
(Xem thêm Tổng quan về gãy xương.)
Gãy đầu ngón tay hay gặp. Chúng bao gồm từ gãy ngang đơn giản đến gãy các thương tổn phức tạp ở chỏm xương đốt xa. Chúng thường đi cùng tổn thương rách giường móng, dù bản thân móng vẫn còn nguyên vẹn.
Các triệu chứng và dấu hiệu của gãy đầu ngón tay
Đầu ngón tay bị sưng nề, tăng nhạy cảm đau. Gãy xương có tổn thương mô mềm nặng có thể gây ra chứng tăng cảm, thường kéo dài cả sau khi ổ gãy đã lành.
Thông thường, máu tụ ở giữa giường móng và móng (máu tụ dưới móng), gây ra sự đổi màu đen xanh dưới tất cả hoặc một phần của móng, có thể đẩy móng lên. Tụ máu dưới móng thường xảy ra khi giường móng bị rách.
BÁC SĨ P. MARAZZI/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Mất liên tục giường móng có thể dẫn tới biến dạng móng tay vĩnh viễn.
Chẩn đoán gãy đầu ngón tay
X-quang
Chẩn đoán gãy đầu ngón tay dựa vào X-quang các tư thế thẳng, nghiêng và chếch. Khi chụp tư thế nghiêng, ngón cần chụp cần được tách biệt ra khỏi những ngón còn lại.
Điều trị gãy đầu ngón tay
Bảo vệ hoặc đeo nẹp trong 2 tuần
Với tụ máu lớn dưới móng hoặc gây đau, rạch móng
Hầu hết các loại gãy đầu ngón tay có thể điều trị bằng che phủ bảo vệ (ví dụ nẹp ngón bằng nhôm và đệm) quanh đầu ngón trong 2 tuần. Hiếm khi di lệch nhiều đến mức cần chỉ định mổ.
Mẫn cảm kéo dài có thể giải quyết khi điều trị bằng liệu pháp giải mẫn cảm.
Máu tụ dưới móng có thể dẫn lưu để giảm đau bằng cách mở móng, thường là với một dụng cụ điện tử (trừ khi có sơn móng tay) hoặc lấy kim 18-gauge khoan; dù phương pháp nào, dừng ấn thêm khi hẫng tay (chỉ xuyên thủng móng). Nếu mở móng được thực hiện nhẹ nhàng và nhanh chóng, gây tê thường không cần thiết. Nếu không, có thể sử dụng gây tê gốc ngón (tiêm thuốc tê tại chỗ vào gốc ngón tay).
Tổn thương giường móng
Giường móng nên được khâu phục hồi bằng chỉ phẫu thuật (cần phải tháo móng) nếu giường móng bị thương nặng, miễn là vết thương không bị nhiễm trùng và mới < 24 tiếng. Việc sửa chữa không cần thiết nếu vết rách nhỏ và được giữ lại bằng móng còn nguyên vẹn.
Trước đây, việc tháo móng được khuyên tiến hành thường quy ở bệnh nhân có dập đầu ngón (dù có gãy xương ở dưới hay không) để đánh giá mức độ tổn thương giường móng có cần sửa chữa hay không. Tuy nhiên, không cần tháo móng tay nếu như không có những thương tổn hay biến dạng rõ ràng liên quan đến bản thân nó. Trong những trường hợp như vậy, vết rách ở giường móng, nếu có, có khả năng tự lành khi dùng nẹp; khoan lỗ tròn được thực hiện khi cần thiết để giảm đau do tụ máu dưới móng.
Nếu móng bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị biến dạng, cần tháo bỏ móng, khâu lại giường móng bằng chỉ nhỏ tự tiêu (ví dụ, polyglactin 6-0 hoặc 7-0). Sau đó, đầu ngón tay được quấn trong băng không dính (ví dụ: gạc kìm khuẩn tẩm vaselin); vết thương nên được kiểm tra trong vòng 24 tiếng để đảm bảo giường móng không dính vào băng gây đau đớn. Y học thực chứng cho rằng dù có là gãy hở hay không, không cần thiết phải dùng kháng sinh sau khi giường móng đã được sửa chữa ở bệnh nhân gãy đốt xa ngón tay.
Những điểm chính
Khi bị gãy ngón tay, giường móng thường bị xé rách gây máu tụ dưới móng mặc dù móng tay vẫn còn nguyên.
Đối với tư thế chụp nghiêng, tách ngón tay cần chụp ra khỏi những ngón còn lại.
Mới hầu hết các gãy đầu ngón tay, che phủ bảo vệ đầu ngón trong hai tuần.
Điều trị máu tụ dưới mỏng bằng cách rạch mở móng dẫn lưu máu.
Khâu lại các tổn thương xé rách giường móng lớn; nếu móng bị thương tổn nghiêm trọng hay biến dạng, lấy bỏ móng trước khi khâu, sau đó che phủ đầu ngón bằng gạc không dính.