Xét nghiệm độ nhạy cảm xác định tính dễ bị tổn thương của vi khuẩn đối với các thuốc kháng sinh bằng cách tiếp xúc một nồng độ vi sinh vật đã chuẩn hóa với các nồng độ đặc hiệu của kháng sinh. Xét nghiệm độ nhạy cảm có thể được thực hiện đối với vi khuẩn, nấm và virus. Đối với một số vi sinh vật, kết quả thu được với một thuốc dự đoán kết quả với các thuốc tương tự. Do đó, không phải tất cả các thuốc có tác dụng đều phải kiểm tra.
Thử nghiệm độ nhạy cảm thực hiện trong phòng thí nghiệm và có thể không tính toán được nhiều yếu tố trong cơ thể (ví dụ, dược động học và dược lực học, nồng độ thuốc đặc hiệu tại mô tổn thương, trạng thái miễn dịch của vật chủ, hàng rào bảo vệ của vật chủ) có thể ảnh hưởng đến sự thành công của điều trị. Do đó, kết quả xét nghiệm độ nhạy cảm không phải lúc nào cũng tiên lượng được kết quả điều trị.
Thử nghiệm tính nhạy cảm có thể được thực hiện định tính, bán định lượng hoặc sử dụng các phương pháp dựa trên acid nucleic. Xét nghiệm cũng có thể xác định hiệu quả của việc kết hợp các thuốc kháng sinh khác nhau (kiểm tra sức mạnh đồng vận).
Phương pháp định tính
Các phương pháp định tính ít chính xác hơn bán định lượng. Kết quả thường được báo cáo dưới dạng một trong những điều sau đây:
Nhạy cảm (S)
Trung bình (I)
Kháng thuốc (R)
Một số chủng không đủ tiêu chuẩn xác định kháng thuốc có thể chỉ báo cáo là nhạy hoặc không nhạy. Việc xác định nồng độ cụ thể của từng thuốc cho kết quả S, I và R dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là dữ liệu về dược động học, dược lực học, lâm sàng và vi sinh học.
Phương pháp khuếch tán đĩa thường được sử dụng (còn được gọi là xét nghiệm Kirby-Bauer) phù hợp với vi sinh vật mọc nhanh. Huyền phù của vi sinh vật phân lập được trải đều lên thạch sau đó đặt đĩa ngâm tẩm với nồng độ kháng sinh khác nhau lên bề mặt thạch. Sau khi ủ (thường từ 16 đến 18 giờ), đo đường kính của vùng ức chế xung quanh mỗi đĩa. Mỗi tổ hợp vi sinh vật -kháng sinh có đường kính khác nhau biểu thị S, I, hoặc R.
Phương pháp bán định lượng
Các phương pháp bán định lượng xác định nồng độ tối thiểu của thuốc có khả năng ức chế sự phát triển của một vi sinh vật cụ thể trong phòng thí nghiệm. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) được báo cáo dưới dạng một giá trị số, sau đó có thể dịch thành 1 trong 4 nhóm: S (nhạy cảm), I (trung bình), R (kháng), hoặc đôi khi không nhạy. Xác định MIC được sử dụng chủ yếu cho các vi khuẩn đã phân lập được, bao gồm mycobacteria và kị khí, hoặc nấm, đặc biệt là loài Candida.
Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) có thể xác định được nhưng kỹ thuật khó khăn và các tiêu chuẩn cho việc phiên giải kết quả vẫn chưa được thống nhất. Giá trị của xét nghiệm MBC là cho biết liệu một loại thuốc có thể là kìm khuẩn hay diệt khuẩn.
Thuốc kháng sinh có thể được pha loãng trong thạch hoặc canh thang, sau đó được tiêm vào vi sinh vật. Pha loãng trong canh thang là tiêu chuẩn vàng nhưng rất tốn công vì mỗi một nồng độ thuốc phải pha trên mỗi ống. Một phương pháp hiệu quả hơn đó là sử dụng một dải phim polyester được ngâm tẩm với kháng sinh trong thang nồng độ dọc theo chiều dài của nó. Dải được đặt trên một tấm thạch chứa chất thử nghiệm và MIC được xác định bởi vị trí trên dải khi bắt đầu ức chế; nhiều kháng sinh có thể được kiểm tra trên một đĩa.
MIC cho phép biết được mối tương quan giữa độ nhạy cảm của vi sinh vật với thuốc và nồng độ thuốc tự do có thể đạt được trong mô (thuốc tự do là thuốc không liên kết với protein). Nếu nồng độ thuốc tự do trong mô cao hơn MIC, điều trị có thể thành công. Các chỉ định của S, I và R được lấy từ nghiên cứu MIC thường tương quan với nồng độ thuốc tự do trong huyết thanh, huyết tương hoặc nước tiểu.
Phương pháp dựa trên acid nucleic
Các xét nghiệm này ứng dụng kỹ thuật acid nucleic tương tự như các chất được sử dụng để nhận dạng sinh vật nhưng được sửa đổi để phát hiện các gen kháng hoặc đột biến đã biết. Một ví dụ là mecA, một gen kháng oxacillin trong S. aureus; nếu gen này có mặt, vi khuẩn này được coi là kháng với hầu hết beta-lactam kể cả khi có kết quả nhạy rõ ràng. Tuy nhiên, mặc dù một số gen như vậy được biết đến, sự hiện diện của chúng không chỉ ra kháng thuốc trên in vivo. Ngoài ra, vì có thể có những đột biến mới hoặc các gen kháng thuốc khác, sự vắng mặt của các gen này không đảm bảo rằng thuốc còn nhạy cảm. Vì những lý do này, các phương pháp kiểm tra độ nhạy cảm thường quy là cách tiếp cận tiêu chuẩn để đánh giá tính nhạy cảm của vi khuẩn và nấm đối với các thuốc kháng sinh.
Tuy nhiên, phương pháp acid nucleic được ưa thích cho
Chẩn đoán nhanh bệnh lao đa kháng thuốc trong nhóm nguy cơ
Chẩn đoán nhanh lao đa kháng ở những nhóm có nguy cơ cao và để phát hiện nhanh kháng thuốc trực tiếp của các vi sinh vật thu được từ mẫu cấy máu dương tính.