Cầu khuẩn đường ruột là vi khuẩn gram dương, kị khí tuỳ tiện. Enterococcus faecalis và E. faecium gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng, bao gồm viêm nội tâm mạc, viêm đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm trùng trong ổ bụng, viêm mô tế bào, và nhiễm khuẩn vết mổ cũng như vãng khuẩn huyết.
Cầu khuẩn đường ruột là một phần của hệ vi khuẩn đường ruột bình thường. Từng được phân loại là liên cầu nhóm D nhưng bây giờ được coi là một chi riêng biệt. Có > 47 loài, nhưng E. faecalis và E. faecium thường gây ra nhiễm trùng ở người nhất.
Enterococci thường gây ra
Nhiễm trùng trong ổ bụng và vùng chậu
Nhiễm trùng da, mô mềm và vết thương
Điều trị nhiễm Enterococcus
Tuỳ theo vị trí nhiễm trùng và kháng sinh đồ
(Xem thêm American Heart Association's 2015 Infective Endocarditis in Adults: Diagnosis, Antimicrobial Therapy, and Management of Complications.)
Cầu khuẩn ruột liên quan đến viêm nội tâm mạc rất khó tiêu trừ trừ khi sử dụng phối hợp một số loại kháng sinh có hoạt tính ở thành tế bào (ví dụ: penicillin, ampicillin, amoxicillin, piperacillin, vancomycin) kèm theo một aminoglycoside (ví dụ: gentamicin, streptomycin) để đạt được hoạt tính diệt khuẩn. Tuy nhiên, một số kháng sinh có hoạt tính ở thành tế bào có tác dụng hạn chế hoặc không có tác dụng chống lại enterococci; các loại kháng sinh này bao gồm nafcillin, oxacillin, ticarcillin, ertapenem, hầu hết các cephalosporin và aztreonam. E. faecium kháng penicillin nhiều hơn E. faecalis. Khi không thể sử dụng aminoglycosid, sự kết hợp của aminopenicillin, như là penicillin hoặc ampicillin cộng với ceftriaxone là một phương pháp hiệu quả để điều trị viêm nội tâm mạc do E. faecalis. Imipenem và, ở mức độ thấp hơn, meropenem có hoạt động chống lại E. faecalis.
Đối với nhiễm trùng da phức tạp do enterococci nhạy cảm với vancomycin, daptomycin, linezolid, tedizolid, tigecycline và omadacycline là những lựa chọn điều trị hiệu quả.
Piperacillin-tazobactam và imipenem hoặc meropenem, tigecycline được khuyến cáo đối với những trường hợp nhiễm trùng ổ bụng có biến chứng khi xác định hoặc nghi ngờ tới Cầu khuẩn đường ruột.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không cần điều trị diệt khuẩn và nếu vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm, thường được điều trị bằng một loại kháng sinh duy nhất như là ampicillin hoặc amoxicillin.
Sự đề kháng
Trong vài thập kỷ qua, tình trạng kháng nhiều loại kháng sinh đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở E. faecium.
Kháng kháng sinh aminoglycosid (ví dụ, gentamicin, streptomycin), đặc biệt với E. faecium, tiếp tục nổi lên.
Cầu khuẩn ruột kháng vancomycin (VRE) cũng có thể kháng với các glycopeptide khác (ví dụ: teicoplanin), nhóm aminoglycoside và nhóm beta-lactam hoạt tính ở thành tế bào (ví dụ: penicillin G, ampicillin). Khi được xác định, các bệnh nhân nhiễm bệnh được cách ly nghiêm ngặt. Thuốc điều trị được khuyến nghị bao gồm nhóm streptogramin (quinupristin/dalfopristin chỉ dành cho E. faecium) và nhóm oxazolidinone (linezolid, tedizolid). Daptomycin, oritavancin, tigecycline, và eravacycline có hoạt tính in vitro chống lại VRE và có thể là những lựa chọn điều trị ngoài nhãn. Nitrofurantoin và fosfomycin thường có hiệu quả đối với nhiễm trùng đường tiết niệu do cầu khuẩn kháng vancomycin.
Có thể gặp cầu khuẩn đường ruột có sản sinh beta-lactamase, đặc biệt khi có một số lượng lớn các vi sinh vật (ví dụ như viêm nội tâm mạc). Sự kháng thuốc có thể có mặt trên lâm sàng mặc dù vi khuẩn còn nhạy cảm với các xét nghiệm tiêu chuẩn. Có thể sử dụng Vancomycin hoặc phối hợp beta-lactam/beta-lactamase (ví dụ, piperacillin/tazobactam, ampicillin/sulbactam).
Enterococci có thể kết hợp folate được sản sinh từ ngoại sinh và do đó đảo ngược tác dụng của trimethoprim (TMP) và sulfamethoxazole (SMX); do đó, điều trị bằng các thuốc chống vi trùng này có thể thất bại mặc dù có tính nhạy cảm rõ ràng in vitro (vì lý do này, TMP/SMX thường bị loại khỏi bảng tính nhạy cảm đối với enterococci).
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
American Heart Association: Infective Endocarditis in Adults: Diagnosis, Antimicrobial Therapy, and Management of Complications (2015)