Vãng khuẩn huyết là sự hiện diện của vi khuẩn trong máu. Nó có thể xảy ra một cách tự phát, trong một số trường hợp nhiễm trùng mô, khi sử dụng ống thông tiểu hoặc ống thông đường tĩnh mạch lưu lại, hoặc sau các thủ thuật nha khoa, tiêu hóa, sinh dục tiết niệu, chăm sóc vết thương hoặc các thủ thuật khác. Vãng khuẩn huyết có thể gây ổ di bệnh, bao gồm viêm nội tâm mạc, đặc biệt ở những bệnh nhân có bất thường về van tim. Vãng khuẩn huyết thoáng qua thường không có triệu chứng nhưng có thể gây sốt. Sự phát triển của các triệu chứng khác thường cho thấy nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn. Chẩn đoán bằng nuôi cấy. Điều trị bằng thuốc kháng sinh.
(Xem thêm Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh và Nhiễm khuẩn huyết kín.)
Vãng khuẩn huyết có thể thoáng qua và không để lại di chứng hoặc có thể để lại hậu quả vi khuẩn ra xa hoặc toàn thân. Tình trạng này có thể không liên tục, cho thấy sự hiện diện của một ổ dịch chưa được dẫn lưu (ví dụ: như không gian nội tạng hoặc cơ quan), hoặc dai dẳng, như trong viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm trùng nội mạch khác.
Các hậu quả bao gồm
Căn nguyên của vãng khuẩn huyết
Vãng khuẩn huyết có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm
Nhiễm trùng ống thông tiểu
Phẫu thuật ổ áp xe hoặc vết thương nhiễm khuẩn
Đặt các ống thông, đặc biệt là ống thông tĩnh mạch và ống thông tim, ống thông niệu đạo, và hậu môn nhân tạo
Vãng khuẩn huyết do vi khuẩn Gram âm thứ phát sau nhiễm trùng thường bắt nguồn từ đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa hoặc ở da của bệnh nhân bị tổn thương do tì đè. Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị vãng khuẩn huyết gram âm cao hơn. Họ cũng có thể bị vãng khuẩn huyết do cầu khuẩn gram dương và kỵ khí và có nguy cơ nhiễm nấm huyết. Vãng khuẩn huyết do tụ cầu thường gặp ở những bệnh nhân tiêm chích ma túy bất hợp pháp, bệnh nhân có ống thông tĩnh mạch và bệnh nhân bị nhiễm trùng da và nhiễm trùng mô mềm phức tạp. Vãng khuẩn huyết do Bacteroides có thể phát triển ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng bụng và khung chậu, đặc biệt là đường sinh dục nữ.
Nếu một bệnh nhiễm trùng ở bụng gây ra vãng khuẩn huyết, hầu hết là vi khuẩn gram âm. Nếu một bệnh nhiễm trùng bên trên cơ hoành gây ra vãng khuẩn huyết, căn nguyên có thể là cầu khuẩn hoặc trực khuẩn gram dương.
Sinh lý bệnh của vãng khuẩn huyết
Vãng khuẩn huyết thoáng qua hoặc liên tục có thể gây nên các ổ di bệnh tại màng não hoặc khoang, như màng ngoài tim hoặc khớp lớn. Ổ áp xe di căn có thể ở bất cứ cơ quan nào. Sự hình thành nhiều ổ áp xe đặc biệt phổ biến với vãng khuẩn huyết do tụ cầu.
Vãng khuẩn huyết có thể gây viêm nội tâm mạc, phổ biến nhất là vãng khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu khuẩn hoặc enterococcal và ít gặp hơn với vãng khuẩn huyết do vi khuẩn gram âm hoặc nhiễm nấm huyết. Bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc (ví dụ như bệnh van tim, một số dị dạng bẩm sinh), van tim giả, hoặc vật liệu nhân tạo nội mạch khác có thể dẫn đến viêm nội tâm mạc. Tụ cầu khuẩn có thể gây viêm nội tâm mạc do vi khuẩn, đặc biệt ở những người tiêm chích ma túy bất hợp pháp và thường có thương tổn van ba lá. Staphylococcus cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của sự lây lan theo đường máu viêm xương tủy sống và viêm đĩa đệm.
Các triệu chứng và dấu hiệu của vãng khuẩn huyết
Một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ sốt nhẹ.
Tiến triển các triệu chứng như thở nhanh, rét run, sốt cao liên tục, thay đổi tâm thần, hạ huyết áp, và các triệu chứng của đường tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy) cho thấy nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn. Vãng khuẩn huyết được phát hiện ở > 40% số bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng. Vãng khuẩn huyết kéo dài có thể gây nhiễm trùng khu trú do vi khuẩn từ xa đến hoặc nhiễm trùng huyết.
Chẩn đoán vãng khuẩn huyết
Nuôi cấy
Nếu nghi ngờ vãng khuẩn huyết, nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, hãy cấy máu và lấy bất kỳ mẫu bệnh phẩm thích hợp nào khác.
Điều trị vãng khuẩn huyết
Thuốc kháng sinh
Ở những bệnh nhân nghi ngờ vãng khuẩn huyết, kháng sinh đường tĩnh mạch theo kinh nghiệm được cho dùng sau khi đã lấy được máu và các nguồn tiềm năng thích hợp. Điều trị sớm vãng khuẩn huyết bằng phác đồ kháng sinh thích hợp có vẻ như giúp cải thiện thời gian sống thêm.
Tiếp tục điều trị bao gồm điều chỉnh kháng sinh theo kết quả nuôi cấy và xét nghiệm độ nhạy cảm, dẫn lưu bất kỳ ổ áp xe nào và thường loại bỏ bất kỳ thiết bị bên trong nào là nguồn nghi ngờ vi khuẩn.
Khi đã đạt được kiểm soát nguồn gốc và quan sát thấy cải thiện về mặt lâm sàng, việc điều trị có thể được hoàn tất bằng kháng sinh đường uống thích hợp. Các nguồn nhiễm trùng sâu (ví dụ: viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng nội mạch, viêm tủy xương) trước đây thường được điều trị bằng các đợt kháng sinh đường tĩnh mạch kéo dài, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy việc chuyển sang liệu pháp đường uống có thể thành công đối với một số bệnh nhiễm trùng này (1, 2).
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Iversen K, Ihlemann N, Gill SU, et al. Partial Oral versus Intravenous Antibiotic Treatment of Endocarditis. N Engl J Med. 2019;380(5):415-424. doi:10.1056/NEJMoa1808312
2. Li HK, Rombach I, Zambellas R, et al. Oral versus Intravenous Antibiotics for Bone and Joint Infection. N Engl J Med. 2019;380(5):425-436. doi:10.1056/NEJMoa1710926
Những điểm chính
Vãng khuẩn huyết thường là thoáng qua và không có hậu quả gì, nhưng nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra ổ di bệnh hoặc nhiễm khuẩn khu trú.
Vãng khuẩn huyết thường sau khi thực hiện thủ thuật xâm lấm, đặc biệt liên quan tới thiết bị hoặc vật liệu trong cơ thể.
Nếu nghi ngờ vãng khuẩn huyết, cần sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm sau khi nuôi cấy các nguồn nhiễm khuẩn và máu.