Tổng quan về viêm gan mạn tính

TheoSonal Kumar, MD, MPH, Weill Cornell Medical College
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Viêm gan mạn tính là viêm gan kéo dài > 6 tháng. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm vi rút viêm gan B và viêm gan C, viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASH), bệnh gan liên quan đến rượu và bệnh gan tự miễn (viêm gan tự miễn). Nhiều bệnh nhân không có tiền sử viêm gan cấp tính, và dấu hiệu đầu tiên là phát hiện tăng aminotransferase không triệu chứng. Một số bệnh nhân có xơ gan hoặc các biến chứng của xơ gan (ví dụ: tăng áp lực tĩnh mạch cửa). Đôi khi cần sinh thiết để khẳng định chẩn đoán và phân loại cũng như phân giai đoạn bệnh. Điều trị hướng đến các biến chứng và bệnh nền (ví dụ: corticosteroid cho viêm gan tự miễn, liệu pháp kháng vi rút đối với viêm gan vi rút). Ghép gan thường được chỉ định cho bệnh nhân xơ gan mất bù.

(Xem thêm Causes of Hepatitis, Overview of Acute Viral Hepatitis, và Hepatitis C Guidance 2023 Update: American Association for the Study of Liver Disease–Infectious Diseases Society of America Recommendations for Testing, Managing, and Treating Hepatitis C Virus Infection.)

Thông thường, viêm gan kéo dài > 6 được định nghĩa là mạn tính, mặc dù khoản thời gian này là không bắt buộc.

Nguyên nhân viên gan mạn tính

Nguyên nhân phổ biến

Các nguyên nhân thường gặp nhất của viêm gan mạn tính là

Vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút viêm gan C (HCV) là nguyên nhân thường gặp gây viêm gan mạn tính; 5% đến 10% số trường hợp nhiễm HBV, có hoặc không có đồng nhiễm vi rút viêm gan D (HDV), và khoảng 75% đến 85% trường hợp nhiễm HCV trở thành mạn tính (1). Tỷ lệ nhiễm HBV mạn tính cao hơn ở trẻ em (ví dụ: lên tới 90% ở trẻ sơ sinh nhiễm bệnh và 25 - 50% ở trẻ nhỏ). Mặc dù cơ chế mạn tính còn chưa rõ ràng nhưng tổn thương gan chủ yếu được xác định thông qua phản ứng miễn dịch của bệnh nhân với nhiễm vi rút.

Vi rút viêm gan E kiểu gen 3 hiếm khi có liên quan đến viêm gan mạn tính.

Vi rút viêm gan A không gây viêm gan mạn tính.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) bao gồm tồn tại tình trạng nhiễm mỡ ở gan trong bối cảnh có ít nhất 1 trong các yếu tố nguy cơ sau (2):

Viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASH) là dạng tiến triển của MASLD gây ra viêm gan mạn tính.

Bệnh gan liên quan đến rượu (sự kết hợp của gan nhiễm mỡ, viêm gan lan tỏa, và hoại tử gan) do uống nhiều rượu.

Nguyên nhân ít phổ biến hơn

Viêm gan tự miễn (tổn thương tế bào gan do miễn dịch) chiếm tỷ lệ cao trong viêm gan không do vi rút hoặc viêm gan nhiễm mỡ; các đặc điểm của bệnh viêm gan tự miễn bao gồm:

  • Sự xuất hiện của các chất chỉ điểm miễn dịch trong huyết thanh (ví dụ: kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng cơ trơn, kháng thể microsome gan-thận)

  • Có liên quan tới các haplotype tương hợp mô thường gặp trong các rối loạn tự miễn (ví dụ: HLA-B1, HLA-B8, HLA-DR3, HLA-DR4)

  • Sự chiếm ưu thế của tế bào T và tế bào huyết tương trong các tổn thương mô gan

  • Các khiếm khuyết trong ống nghiệm phức tạp trong miễn dịch tế bào và các chức năng điều hòa miễn dịch

  • Có liên quan tới các rối loạn tự miễn khác (ví dụ: viêm khớp dạng thấp, thiếu máu tán huyết tự miễn, viêm thận tiểu cầu tăng sinh)

  • Đáp ứng điều trị bằng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch

Viêm đường mật nguyên phát là một quá trình miễn dịch gây tổn thương ống mật. Bệnh nhân thường có xét nghiệm kháng thể kháng ti thể dương tính (AMA) và tăng phosphataza kiềm. Hầu hết bệnh nhân bị viêm đường mật nguyên phát là phụ nữ. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, đau khớp và bệnh ngứa.

Đôi khi viêm gan mạn tính có các đặc điểm của cả bệnh viêm gan tự miễn lẫn rối loạn gan mạn tính trung gia miễn dịch khác (ví dụ: viêm đường mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát). Những tình trạng này được gọi là hội chứng chồng lấp.

Nhiều loại thuốc, bao gồm isoniazid, methotrexate, methyldopa, nitrofurantoin, tamoxifen, amiodarone, và acetaminophen (hiếm gặp), có thể gây viêm gan mạn tính. Cơ chế thay đổi tùy theo loại thuốc và có thể liên quan đến đáp ứng miễn dịch thay đổi, sự phát triển của bệnh viêm gan nhiễm mỡ, chất chuyển hóa trung gian gây độc cho tế bào hoặc các khiếm khuyết về chuyển hóa do nguyên nhân di truyền.

Một số nguyên nhân gây viêm gan mạn tính ít gặp hơn bao gồm thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh celiac, rối loạn tuyến giáp, bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền, hoặc bệnh Wilson.

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. National Institutes of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases: Hepatitis C. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2024.

  2. 2. Rinella ME, Lazarus JV, Ratziu V, et al: A multisociety Delphi consensus statement on new fatty liver disease nomenclature. Hepatology 78(6):1966-1986, 2023.  doi: 10.1097/HEP.000000000000052

Phân loại viêm gan mạn tính

Các trường hợp viêm gan mạn tính từng được phân loại theo mô học như viêm gan mạn tính dai dẳng, viêm gan mạn thể thùy hoặc viêm gan mạn hoạt động. Phân loại hiện tại xác định:

  • Căn nguyên

  • Cường độ viêm mô học và hoại tử (cấp độ)

  • Mức độ xơ hóa mô học (giai đoạn)

Viêm và hoại tử có khả năng phục hồi. Xơ hóa có thể hồi phục nếu nguyên nhân được điều trị đầy đủ ở những bệnh nhân không bị xơ gan.

Triệu chứng và dấu hiệu của viêm gan mạn tính

Các đặc điểm lâm sàng của viêm gan mạn tính rất khác nhau. Khoảng một phần ba số trường hợp bị sau viêm gan cấp tính, nhưng hầu hết phát triển âm thầm từ mới.

Nhiều bệnh nhân không triệu chứng, bất kể nguyên nhân là gì. Tuy nhiên, bệnh nhân thường khó chịu, chán ăn và mệt mỏi, đôi khi có sốt nhẹ và khó chịu vùng bụng trên không đặc hiệu. Bệnh vàng da thường không xuất hiện.

Thông thường, những phát hiện đầu tiên là

Một số bệnh nhân bị viêm gan mạn tính có biểu hiện của ứ mật (ví dụ như bệnh vàng da, bệnh ngứa, phân bạc màu, phân mỡ).

Trong viêm gan tự miễn, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ, các biểu hiện có thể liên quan đến bất kỳ hệ cơ quan nào và có thể bao gồm nổi mụn trứng cá, mất kinh, đau khớp, viêm loét đại tràng, xơ hóa phổi, viêm tuyến giáp, viêm thận và thiếu máu tán huyết.

Viêm gan C mạn tính đôi khi có liên quan đến liken phẳng, viêm mạch ở da, viêm cầu thận, loạn chuyển hóa pocphirin biểu hiện da muộn, cryoglobulin huyết hỗn hợp và có thể là u lympho tế bào B không Hodgkin. Các triệu chứng của cryoglobulin huyết bao gồm mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, bệnh thần kinh, viêm cầu thận và phát ban (nổi mề đay, ban xuất huyết, viêm mạch hủy bạch cầu); cryoglobulin huyết không triệu chứng phổ biến hơn. 

Chẩn đoán viêm gan mạn tính

  • Xét nghiệm gan cho kết quả tương ứng với bệnh viêm gan

  • Xét nghiệm huyết thanh vi rút

  • Có thể sử dụng tự kháng thể, immunoglobulin, mức độ alpha-1 antitrypsin và các xét nghiệm khác

  • Đôi khi là sinh thiết

  • Albumin huyết thanh, số lượng tiểu cầu và thời gian prothrombin/tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (PT/INR)

(Xem thêm the practice guideline Hepatitis C Guidance 2023 Update: American Association for the Study of Liver Diseases–Infectious Diseases Society of America Recommendations for Testing, Managing, and Treating Hepatitis C Virus Infection và the U.S. Preventive Services Task Force’s clinical guideline Hepatitis C Virus Infection in Adolescents and Adults: Screening.)

Cần nghĩ đến viêm gan mạn tính ở bệnh nhân có bất kỳ trong số các biểu hiệu sau:

  • Các triệu chứng và dấu hiệu gợi ý

  • Tăng nồng độ aminotransferase bất ngờ

  • Trước đây được chẩn đoán viêm gan cấp tính

Ngoài ra, để xác định những bệnh nhân không có triệu chứng, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến nghị xét nghiệm viêm gan C cho tất cả người lớn từ 18 tuổi ít nhất một lần. (Xem tuyên bố khuyến nghị cuối cùng, Nhiễm vi rút viêm gan C ở thanh thiếu niên và người lớn: sàng lọc.)

Các xét nghiệm về gan

Cần xét nghiệm gan nếu chưa được thực hiện trước đó. Các xét nghiệm bao gồm serum alanine aminotransferase (ALT), aspartate aminotransferase (AST), phosphataza kiềm và bilirubin.

Tăng aminotransferase là kết quả xét nghiệm bất thường đặc trưng nhất (giá trị bình thường ALT: 29 - 33 IU/L [0,48 - 55 microkat/L] đối với nam và 19 - 25 IU/L [0,32 - 0,42 microkat/L] đối với nữ [1]). ALT thường cao hơn AST. Nồng độ aminotransferase có thể bình thường trong quá trình viêm gan mạn tính nếu bệnh ở giai đoạn tiềm ẩn, đặc biệt là khi nhiễm HCV và bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD).

Phosphataza kiềm thường bình thường hoặc chỉ hơi cao nhưng đôi khi cũng tăng đáng kể, đặc biệt trong trường hợp viêm đường mật nguyên phát.

Bilirubin thường bình thường trừ khi bệnh nặng hoặc tiến triển.

Các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm

Nếu kết quả xét nghiệm tương ứng với viêm gan, xét nghiệm huyết thanh học vi rút cần được thực hiện để loại trừ HBV và HCV (xem bảng Huyết thanh học viêm gan BHuyết thanh học viêm gan C). Phải làm thêm xét nghiệm trừ khi các xét nghiệm này xác định được nguyên nhân là do vi rút.

Các xét nghiệm tiếp theo cần thực hiện bao gồm

  • Các tự kháng thể (kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng cơ trơn, kháng thể kháng ti thể, kháng thể microsome gan-thận)

  • Immunoglobulin

  • Ferritin và bão hòa transferrin trong huyết thanh

  • Xét nghiệm tuyến giáp (hormone kích thích tuyến giáp)

  • Xét nghiệm bệnh celiac (kháng thể transglutaminase mô)

  • Nồng độ alpha-1 antitrypsin

  • Ceruloplasmin

Trẻ em và thanh thiếu niên được sàng lọc bệnh Wilson bằng cách đo nồng độ ceruloplasmin.

Viêm gan tự miễn thường được chẩn đoán dựa trên sự hiện diện của các kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng cơ trơn (ASMA) hoặc kháng thể microsome kháng gan/thận loại 1 (anti-LKM1) với độ chuẩn 1:80 (ở người trưởng thành) hoặc 1:20 (ở trẻ em) và thường tăng immunoglobulin trong huyết thanh. Các kháng thể kháng ti thể xuất hiện thường xuyên nhất ở viêm đường mật nguyên phát. (Xem thêm Diagnosis and Management of Autoimmune Hepatitis in Adults and Children: 2019 Practice Guidance and Guidelines from the American Association for the Study of Liver Diseases.)

Độ bão hòa transferrin huyết thanh > 45% và ferritin huyết thanh tăng cao gợi ý bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền và cần phải tiếp tục xét nghiệm gen bệnh máu nhiễm sắc tố (HFE).

Nên đo albumin huyết thanh, số lượng tiểu cầu và PT để đánh giá chức năng gan và mức độ nặng của bệnh; albumin huyết thanh thấp, số lượng tiểu cầu thấp hoặc PT kéo dài có thể gợi ý xơ gan và thậm chí là tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Nếu nguyên nhân gây viêm gan được xác định, các xét nghiệm không xâm lấn (ví dụ: siêu âm đàn hồi, các chất chỉ điểm huyết thanh) có thể được thực hiện để đánh giá mức độ xơ hóa gan.

Sinh thiết

Không giống như trong viêm gan cấp tính, có thể cần sinh thiết để khẳng định chẩn đoán hoặc nguyên nhân gây viêm gan mạn tính.

Các trường hợp nhẹ có thể chỉ có hoại tử nhỏ ở tế bào gan và thâm nhiễm tế bào viêm, thường ở các vùng tĩnh mạch cửa, với cấu trúc tuyến nang bình thường và xơ hóa ít hoặc không xơ hóa. Những trường hợp như vậy hiếm khi tiến triển thành bệnh gan quan trọng về mặt lâm sàng hoặc xơ gan.

Trong các trường hợp nặng hơn, sinh thiết thường cho thấy hoại tử quanh tĩnh mạch cửa với các thâm nhiễm của tế bào đơn nhân (hoại tử mối gặm) kèm theo xơ hóa quanh tĩnh mạch cửa biến đổi và tăng sinh đường mật. Cấu trúc tuyến nang có thể bị biến dạng bởi các vùng xẹp và xơ hóa, và xơ gan thực sự đôi khi cùng tồn tại với các dấu hiệu của viêm gan liên tục.

Sinh thiết cũng được sử dụng để phân loại và phân loại bệnh, mặc dù xét nghiệm không xâm lấn (dấu hiệu huyết thanh hoặc đo độ đàn hồi) hiện nay thường được sử dụng thay vì sinh thiết gan để xác định giai đoạn xơ hóa. Một trong những chất chỉ điểm đơn giản nhất để xác định giai đoạn xơ hóa là chỉ số FIB4, chỉ số này sử dụng aspartate aminotransferase (AST), alanine aminotransferase (ALT), tiểu cầu và tuổi để đánh giá nguy cơ xơ hóa tiến triển. Các phương thức khác bao gồm chụp đàn hồi thoáng qua hoặc chụp đàn hồi MR

Sàng lọc các biến chứng

Nếu các triệu chứng hoặc dấu hiệu của chứng cryoglobulin huyết xuất hiện trong thời gian viêm gan mạn tính, đặc biệt ở bệnh nhân HCV, cần đo nồng độ cryoglobulin và yếu tố dạng thấp khớp; yếu tố dạng thấp khớp ở mức cao và bổ thể ở mức thấp gợi ý về chứng cryoglobulin huyết.

Bệnh nhân bị nhiễm HBV mạn tính hoặc xơ gan do bất kỳ rối loạn gan tiềm ẩn nào nên được sàng lọc ung thư biểu mô tế bào gan 6 tháng một lần bằng siêu âm và đôi khi là đo alpha-fetoprotein huyết thanh, mặc dù hiệu quả về mặt chi phí của phương pháp này, đặc biệt là đo alpha-fetoprotein, vẫn đang được tranh luận (2).

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Kwo PY, Cohen SM, Lim JK: ACG Clinical Guideline: Evaluation of abnormal liver chemistries. Am J Gastroenterol 112 (1):18-35, 2017. doi: 10.1038/ajg.2016.517. 

  2. 2. Aghoram R, Cai P, Dickinson JA: Alpha-foetoprotein and/or liver ultrasonography for screening of hepatocellular carcinoma in patients with chronic hepatitis B. Cochrane Database Syst Rev 2012(9):CD002799, 20212 doi: 10.1002/14651858.CD002799.pub2

Điều trị viêm gan mạn tính

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Điều trị nguyên nhân (ví dụ: corticosteroid cho bệnh viêm gan tự miễn, thuốc kháng vi rút cho trường hợp nhiễm HBV và HCV)

Điều trị chung

Mục tiêu điều trị viêm gan mạn tính bao gồm điều trị nguyên nhân và, nếu đã xảy ra xơ gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa, điều trị các biến chứng (ví dụ, cổ trướng, bệnh não).

Cần ngừng các thuốc gây viêm gan. Acetaminophen chống chỉ định ở những bệnh nhân bị suy gan nặng hoặc bị bệnh gan hoạt động nặng. Cũng nên tránh dùng NSAID ở những bệnh nhân bị suy gan nặng.

Cũng cần điều trị các rối loạn nền. Những bệnh nhân mắc MASLD hoặc bệnh gan liên quan đến rượu nên được khuyến nghị thay đổi lối sống.

Có thể phải ghép gan trong trường hợp xơ gan mất bù.

Viêm gan B và C mạn tính

các phương pháp điều trị kháng vi rút cho viêm gan B mạn tính đặc hiệu (ví dụ: entecavir và tenofovir là những thuốc điều trị ưu tiên) và điều trị kháng vi rút cho viêm gan C mạn tính (ví dụ: phác đồ thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp không có interferon).

Trong trường hợp viêm gan mạn tính do HBV, dự phòng (gồm cả miễn dịch dự phòng) có thể hữu ích cho những người tiếp xúc với bệnh nhân. Không có vắc xin dành cho người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HCV.

Nên tránh dùng corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch ở bệnh viêm gan B và viêm gan C mạn tính vì những loại thuốc này làm tăng tình trạng nhân lên của vi rút. Nếu bệnh nhân viêm gan B mạn tính có các rối loạn khác cần điều trị bằng corticosteroid, liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu gây độc tế bào, họ nên được điều trị bằng thuốc kháng vi rút cùng lúc để ngăn ngừa bùng phát hoặc tái phát viêm gan B hoặc suy gan cấp do viêm gan B. Tình trạng tương tự với viêm gan C bị kích hoạt hoặc gây suy gan cấp tính vẫn chưa được mô tả.

Viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASH)

(Xem thêm The Diagnosis and Management of Nonalcoholic Fatty Liver Disease: Practice Guidance from the American Association for the Study of Liver Disease.)

Điều trị MASH nhằm

  • Giảm cân

  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc

Điều trị có thể bao gồm

  • Khuyến cáo bệnh nhân giảm từ 7 đến 10% trọng lượng cơ thể thông qua thay đổi chế độ ăn và luyện tập

  • Điều trị các yếu tố nguy cơ chuyển hóa đi kèm như tăng lipid máu và kháng insulin

  • Ngừng dùng thuốc liên quan đến MASH (ví dụ: amiodarone, tamoxifen, methotrexate, corticosteroid như prednisone hoặc hydrocortisone, estrogen tổng hợp)

  • Tránh tiếp xúc với các chất độc (ví dụ: thuốc trừ sâu)

  • Resmetirom cho MASH và xơ gan trung bình đến nặng

Resmetirom, một thuốc chủ vận thụ thể hormone tuyến giáp beta (THR-beta), có thể được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục để điều trị cho người lớn mắc MASH có tình trạng xơ gan từ trung bình đến nặng. Thuốc không nên được sử dụng ở những bệnh nhân bị xơ gan mất bù.

Viêm gan tự miễn

(Xem thêm hướng dẫn thực hành ở American Association for the Study of Liver Diseases, Diagnosis and Management of Autoimmune Hepatitis.)

Corticosteroid có hoặc không có azathioprine, giúp kéo dài khả năng sống sót. Prednisone thường bắt đầu bằng liều 30 đến 60 mg đường uống một lần/ngày, sau đó giảm dần đến liều thấp nhất duy trì nồng độ aminotransferase ở mức bình thường hoặc gần bình thường. Để tránh nhu cầu điều trị bằng corticosteroid kéo dài, bác sĩ điều trị có thể chuyển sang azathioprine từ 1 đến 1,5 mg/kg đường uống một lần mỗi ngày hoặc mycophenolate mofetil 1000 mg hai lần/ngày sau hoàn thành giai đoạn tấn công bằng corticosteroid rồi sau đó giảm dần liều corticosteroid. Hầu hết các bệnh nhân đều cần điều trị duy trì lâu dài, liều thấp, không sử dụng corticosteroid.

Hereditary hemochromatosis

Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền được điều trị bằng phương pháp lấy máu tĩnh mạch.

Tiên lượng viêm gan mạn tính

Tiên lượng cho bệnh nhân viêm gan mạn tính rất khác nhau và thường phụ thuộc vào nguyên nhân và tính sẵn có của phương pháp điều trị.

Viêm gan mạn tính do thuốc gây ra thường hồi phục hoàn toàn khi loại bỏ thuốc gây bệnh.

Nếu không được điều trị, các trường hợp do HBV có thể tự khỏi (ít gặp), tiến triển nhanh chóng hoặc tiến triển chậm thành xơ gan trong nhiều thập kỷ. Quá trình khỏi thường bắt đầu với sự gia tăng thoáng qua về mức độ nặng của bệnh và dẫn đến chuyển đổi huyết thanh từ kháng nguyên e của viêm gan B (HBeAg) thành kháng thể kháng kháng nguyên e của viêm gan B (kháng HBe), sau đó là mất kháng nguyên bề mặt của viêm gan B (HBsAg). Đồng nhiễm HDV gây ra dạng nhiễm HBV mạn tính nặng nhất; nếu không được điều trị, tỷ lệ xơ gan ở bệnh nhân đồng nhiễm lên tới 70%.

Viêm gan mạn tính không được điều trị do HCV có thể gây ra xơ gan ở một số bệnh nhân, mặc dù quá trình phát triển có thể mất hàng thập kỷ và thay đổi vì nó thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ khác của bệnh gan mạn tính ở bệnh nhân, bao gồm sử dụng rượu và béo phì.

Viêm gan tự miễn mạn tính thường đáp ứng với điều trị nhưng đôi khi gây ra xơ hóa tiến triển và cuối cùng thành xơ gan.

Nhiễm HBV mạn tính, kể cả khi không có xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan. Nguy cơ này cũng tăng lên ở các bệnh lý gan khác (ví dụ: nhiễm HCV, bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa [MASLD]), nhưng thường xảy ra khi xơ gan hoặc xơ gan tiến triển.

Những điểm chính

  • Viêm gan mạn tính thường không bị viêm gan cấp tính trước đó và thường không có triệu chứng.

  • Nếu kết quả xét nghiệm gan (ví dụ như tăng aminotransferase không rõ nguyên nhân) tương ứng với viêm gan mạn tính, cần làm xét nghiệm huyết thanh học tìm viêm gan B và C.

  • Nếu kết quả huyết thanh học âm tính, hãy làm các xét nghiệm (ví dụ: tự kháng thể, globulin miễn dịch, alpha-1 antitrypsin) để phát hiện các loại viêm gan khác.

  • Cân nhắc sinh thiết gan để khẳng định chẩn đoán và đánh giá độ nặng của viêm gan mạn tính nếu không chẩn đoán được bằng xét nghiệm không xâm lấn.

  • Các xét nghiệm không xâm lấn (ví dụ: đo đàn hồi gan, các chất chỉ điểm trong huyết thanh) có thể được sử dụng để đánh giá mức độ xơ hóa gan.

  • Xem xét sử dụng entecavir hoặc tenofovir làm phương pháp trị liệu ưu tiên đối với viêm gan B mạn tính.

  • Điều trị viêm gan C mạn tính ở tất cả các kiểu gen bằng phác đồ thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp không có interferon.

  • Điều trị viêm gan tự miễn bằng corticosteroid và chuyển sang điều trị duy trì bằng azathioprine hoặc mycophenolate mofetil.

  • Khuyến khích chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giảm cân (nếu có thể thì giảm 10%) ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD).

  • Điều trị bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền bằng thủ thuật mở tĩnh mạch.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD) Practice Guidelines: Một nhóm các chuyên gia đa ngành đã xây dựng hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị các rối loạn gan khác nhau bằng cách sử dụng các câu hỏi liên quan về lâm sàng, những câu hỏi này được trả lời thông qua xem xét kỹ một cách có hệ thống y văn và sau đó là các khuyến cáo dựa trên dữ liệu. Nhóm này đã xếp loại chất lượng (cấp độ) bằng chứng và sức mạnh của từng khuyến cáo. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

  2. Nhiễm vi rút viêm gan C ở thanh thiếu niên và người trưởng thành của Lực lượng Đặc nhiệm về Dịch vụ Phòng bệnh Hoa Kỳ: Sàng lọc: Trang web này tóm tắt các khuyến nghị về sàng lọc viêm gan C và cung cấp liên kết đến các khuyến nghị đầy đủ. Nó thảo luận về đánh giá nguy cơ và sử dụng các xét nghiệm sàng lọc, gồm cả khoảng cách sàng lọc. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

  3. Hướng dẫn thực hành của AASLD: Diagnosis and Management of Autoimmune Hepatitis in Adults and Children: Hướng dẫn 2019 này giải đáp các câu hỏi liên quan về mặt lâm sàng, sử dụng bằng chứng hiện tại, ý kiến chuyên gia, xem xét kỹ có tính hệ thống y văn, và chất lượng bằng chứng. Hướng dẫn này cập nhật dịch tễ học, chẩn đoán, điều trị và kết quả viêm gan mạn tính ở người lớn và trẻ em từ hướng dẫn 2010. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

  4. Alpha-Foetoprotein và/hoặc siêu âm gan để sàng lọc ung thư gan ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính: Nghiên cứu này đánh giá tác dụng có lợi và có hại của việc sử dụng alpha-fetoprotein, siêu âm hoặc cả hai để sàng lọc ung thư biểu mô tế bào gan ở những bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

  5. Hướng dẫn thực hành của AASLD: Chẩn đoán và xử trí bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Bài viết này cung cấp hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (hiện nay gọi là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa [MASLD]), thay vì đưa ra hướng dẫn. Chỉ dẫn, do một nhóm các chuyên gia phát triển, có mục đích giúp các bác sĩ lâm sàng hiểu và thi hành các thực chức gần nhất. Nó bao gồm chỉ dẫn sàng lọc, đánh giá ban đầu, đánh giá xơ hóa, sử dụng sinh thiết và điều trị đặc hiệu. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.