Viêm gan C, cấp tính

TheoSonal Kumar, MD, MPH, Weill Cornell Medical College
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Nguyên nhân của viêm gan C là do vi rút RNA thường lây truyền qua đường tiêm truyền. Bệnh gây ra các triệu chứng điển hình của viêm gan vi rút, bao gồm chán ăn, khó chịu và bệnh vàng da nhưng có thể không có triệu chứng. Viêm gan tối cấp và tử vong hiếm khi xảy ra. Viêm gan mạn tính tiến triển ở khoảng 75% bệnh nhân và có thể dẫn đến xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (hiếm gặp). Chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh học. Điều trị bằng thuốc kháng vi rút. Không có vắc-xin.

(Xem thêm Nguyên nhân gây viêm gan, Tổng quan về viêm gan cấp tính, và Viêm gan C mạn tính.)

Tại Hoa Kỳ, 5023 trường hợp nhiễm viêm gan C cấp tính đã được báo cáo trong 2021 (1). Tuy nhiên, do nhiều trường hợp không được phát hiện hoặc không được báo cáo nên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính số ca nhiễm mới thực tế là 69.800 vào năm 2021 (1). Số trường hợp viêm gan C cấp tính đã gia tăng ở Hoa Kỳ kể từ năm 2013.

Vi rút viêm gan C (HCV) là một flavivirus RNA sợi đơn gây viêm gan vi rút cấp tính và là nguyên nhân phổ biến của viêm gan vi rút mạn tính. Sáu phân nhóm chính của HCV tồn tại với trình tự axit amin khác nhau (kiểu gen); những phân nhóm này khác nhau về mặt địa lý và về độc tính cũng như đáp ứng với điều trị. HCV cũng có thể thay đổi cấu trúc axit amin của nó theo thời gian ở người bị bệnh, tạo ra các biến chủng.

Nhiễm HCV đôi khi xảy ra đồng thời với các rối loạn hệ thống cụ thể, bao gồm:

Cơ chế chưa rõ ràng.

Có đến 20% bệnh nhân mắc bệnh gan liên quan đến rượu nhiễm HCV. Nguyên nhân của mối liên quan ở mức cao này không rõ ràng vì việc sử dụng đồng thời rượu và ma túy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ các trường hợp. Ở những bệnh nhân này, HCV và rượu hoạt động hiệp đồng để làm nặng hơn tình trạng viêm gan và xơ hóa gan.

Lây truyền viêm gan C

Đường lây nhiễm thường gặp nhất là đường máu, chủ yếu khi người dùng tiêm chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm, mà còn thông qua việc dùng chung bình để sử dụng ma túy trong mũi, hoặc hình xăm hoặc xỏ khuyên trên cơ thể bằng thiết bị không vô trùng.

Lây truyền viêm gan C qua đường tình dục và lây truyền dọc từ mẹ sang con khá hiếm gặp.

Lây truyền viêm gan C qua truyền máu đã trở lên rất hiếm gặp kể từ khi áp dụng xét nghiệm sàng lọc đối với máu hiến.

Xảy ra một số trường hợp đơn lẻ ở những bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ rõ ràng.

Tỷ lệ nhiễm HCV thay đổi theo vùng địa lý và các yếu tố nguy cơ khác.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Centers for Disease Control and Prevention: Viral Hepatitis Surveillance — United States. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2024.

Triệu chứng và dấu hiệu của viêm gan C cấp tính

Viêm gan C có thể không có triệu chứng trong giai đoạn cấp tính. Độ nặng của bệnh thường dao động, đôi khi gây viêm gan tái phát và nồng độ aminotransferase thay đổi liên tục trong nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ. Viêm gan tối cấp cực hiếm gặp.

HCV có tỷ lệ thành mạn tính cao nhất (khoảng 75%). Viêm gan C mạn tính thường không có triệu chứng hoặc lành tính nhưng tiến triển thành xơ gan ở 20 đến 30% bệnh nhân; xơ gan thường xuất hiện sau hàng thập kỷ. Ung thư biểu mô tế bào gan có thể là kết quả của xơ gan do HCV gây ra nhưng hiếm gặp ở bệnh nhân bị nhiễm mạn tính mà không bị xơ gan (không giống ở viêm gan B).

Chẩn đoán viêm gan C cấp tính

  • Xét nghiệm huyết thanh học

  • Đo HCV RNA

Trong chẩn đoán ban đầu về viêm gan cấp tính, viêm gan vi rút cần được phân biệt với các bệnh lý khác gây vàng da (xem hình Cách tiếp cận chẩn đoán đơn giản đối với viêm gan do vi rút cấp tính có thể xảy ra).

Nếu nghi ngờ viêm gan vi rút cấp tính, các xét nghiệm sau đây cần được thực hiện để sàng lọc vi rút viêm gan A, B và C:

  • Kháng thể IgM kháng vi rút viêm gan A (IgM anti-HAV)

  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg)

  • Kháng thể IgM kháng vi rút viêm gan B (IgM anti-HBc)

  • Kháng thể kháng HCV (anti-HCV) và HCV RNA

Nếu xét nghiệm anti-HCV dương tính, cần đo HCV-RNA để phân biệt nhiễm viêm gan C hoạt động với nhiễm viêm gan C cũ (xem bảng Huyết thanh học viêm gan C).

Trong trường hợp viêm gan C, anti-HCV trong huyết thanh thể hiện nhiễm mạn tính, lây nhiễm trước đây hoặc cấp tính; kháng thể không có tác dụng bảo vệ. Khi các ca bệnh không rõ ràng hoặc nhiều khả năng là viêm gan C, cần đo HCV RNA. Anti-HCV thường xuất hiện trong vòng 2 tuần sau khi bị nhiễm cấp tính nhưng đôi khi muộn hơn; tuy nhiên, HCV RNA dương tính sớm hơn.

Bảng
Bảng

Các xét nghiệm khác

Cần xét nghiệm gan nếu chưa được thực hiện trước đó; chúng bao gồm alanine aminotransferase (ALT) huyết thanh, aspartate aminotransferase (AST) và phosphataza kiềm.

Các xét nghiệm khác cần được thực hiện để đánh giá chức năng gan và mức độ nặng của bệnh; bao gồm albumin huyết thanh, bilirubin, số lượng tiểu cầu và thời gian prothrombin/tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (PT/INR).

Điều trị viêm gan C cấp tính

  • Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút

Có một số thuốc kháng vi rút tác dụng trực tiếp (DAA) có hiệu quả cao đối với bệnh viêm gan C, có thể làm giảm khả năng phát triển thành bệnh mạn tính. DAA cũng giúp ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Khuyến cáo hiện này là bắt đầu điều trị sau khi chẩn đoán ban đầu nhiễm HCV cấp tính, nếu không muốn đợi nó tự khỏi.

Nên tránh rượu và thuốc gây độc cho gan (ví dụ: acetaminophen) vì thuốc này có thể làm tăng tổn thương gan. Các hạn chế hoạt động hoặc kiêng khem, bao gồm chỉ định thường gặp là nghỉ ngơi tại giường, đều không có cơ sở khoa học.

Viêm gan vi rút nên được báo cáo cho sở y tế địa phương hoặc tiểu bang.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD)–Infectious Diseases Society of America (IDSA): HCV Guidance: Recommendations for Testing, Managing, and Treating Hepatitis C: Management of Acute HCV Infection. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2024.

Phòng ngừa viêm gan C cấp tính

Bệnh nhân nên được khuyến cáo tránh những hành vi có nguy cơ cao (ví dụ như dùng chung bơm kim tiêm, xăm và bấm khuyên).

Máu và các dịch cơ thể khác (ví dụ, nước bọt, tinh dịch) được coi là có khả năng lây nhiễm. Nguy cơ nhiễm bệnh sau một lần phơi nhiễm với kim tiêm là khoảng 1,8% (1). Nên áp dụng biện pháp bảo vệ rào cản, nhưng cách ly bệnh nhân không có giá trị trong việc phòng ngừa viêm gan C cấp tính.

Nguy cơ lây truyền từ nhân viên y tế bị nhiễm HCV là thấp, CDC không có khuyến cáo hạn chế đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm viêm gan C do công việc.

Nhiễm bệnh sau truyền máu được giảm thiểu bằng cách tránh truyền máu không cần thiết và sàng lọc tất cả người hiến máu để phát hiện viêm gan B và viêm gan C. Việc sàng lọc đã làm giảm tỷ lệ mắc viêm gan B và viêm gan C sau truyền máu, hiện nay cực kỳ hiếm gặp ở Hoa Kỳ.

Chưa có sản phẩm miễn dịch dự phòng cho HCV. Xu hướng HCV tự thay đổi bộ gen của mình làm việc phát triển vắc-xin gặp khó khăn.

Không khuyến cáo dự phòng trước hoặc sau phơi nhiễm bằng liệu pháp kháng vi rút.

Tài liệu tham khảo về phòng ngừa

  1. 1. Centers for Disease Control and Prevention: Updated U.S. public health service guidelines for the management of occupational exposures to HBV, HCV, and HIV and recommendations for postexposure prophylaxis. MMWR Recommen Rep 50(RR11):1-42, 2001. PMID: 11442229

Những điểm chính

  • Viêm gan C thường lây truyền qua tiếp xúc kiểu tiêm truyền với máu bị nhiễm bẩn; lây truyền do tiếp xúc với các dịch cơ thể khác qua niêm mạc và lây truyền trong chu kỳ sinh từ người mẹ nhiễm bệnh sang con là hiếm gặp.

  • Khoảng 75% bệnh nhân viêm gan C cấp tính tiến triển thành viêm gan C mạn tính và dẫn đến xơ gan ở 20 đến 30% bệnh nhân; một số bệnh nhân bị xơ gan chuyển thành ung thư biểu mô tế bào gan.

  • Chẩn đoán bằng xét nghiệm kháng thể kháng HCV và HCV RNA.

  • Điều trị bằng thuốc kháng vi rút sau khi chẩn đoán ban đầu bệnh viêm gan C, không cần chờ bệnh tự khỏi.

  • Không có vắc-xin phòng viêm gan C.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. Bhattacharya D, Aronsohn A, Price J, et al: Hepatitis C Guidance 2023 Update: American Association for the Study of Liver Diseases– Infectious Diseases Society of America Recommendations for testing, managing, and treating hepatitis C virus infection. Clin Infectious Dis 2023. https://doi.org/10.1093/cid/ciad319