Các triệu chứng liên quan đến đầy hơi

TheoJonathan Gotfried, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Ruột chứa < 200 mL hơi, nhưng lượng hơi thải ra hàng ngày trung bình là 600 đến 700 mL sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn cộng với 200 g đậu nướng.

Khoảng 75% hơi trong ruột xuất phát từ quá trình lên men các chất dinh dưỡng đã tiêu hóa và glycoprotein nội sinh của vi khuẩn ở đại tràng. Khí bao gồm hydro (H2), mêtan (CH4) và carbon dioxit (CO2). Mùi của hơi trong ruột tương quan với nồng độ hydro sunfua. Nuốt không khí (chứng nuốt hơi) và sự khuếch tán từ máu vào trong lòng ống tiêu hóa cũng góp phần làm tăng khí trong ruột. Khí khuyếch tán giữa lòng ruột và máu theo hướng phụ thuộc vào chênh lệch áp suất riêng phần. Như vậy, hầu hết nitơ (N2) trong lòng mạch bắt nguồn từ dòng máu và phần lớn khí hydro trong máu xuất phát từ lòng ruột.

Căn nguyên của các triệu chứng liên quan đến đầy hơi

Có 3 triệu chứng chính liên quan đến đầy hơi: ợ hơi quá mức, căng chướng bụng (chướng bụng) và trung tiện quá mức, mỗi triệu chứng đều có một số nguyên nhân (xem bảng Một số nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến đầy hơi).

Trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi đến 4 tháng tuổi khóc nhiều lần thường có vẻ như đang bị đau, trước đây được cho là do đau quặn bụng hoặc đầy hơi và được gọi là khóc dạ đề. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy không tăng sản sinh ra H2 hoặc không tăng thời gian thức ăn di chuyển qua miệng đến manh tràng ở trẻ sơ sinh đau bụng. Do đó, nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ sơ sinh vẫn chưa rõ ràng.

Ợ hơi nhiều

Ợ (ợ hơi) là kết quả của quá trình nuốt không khí hoặc do khí từ đồ uống có carbonat tạo ra. Chứng nuốt hơi thường xảy ra với một lượng nhỏ trong khi ăn và uống, nhưng một số người nuốt không khí một cách vô thức lặp đi lặp lại trong khi ăn hoặc hút thuốc và vào những thời điểm khác, đặc biệt là khi lo lắng hoặc cố gắng gây ợ hơi. Tiết nước bọt quá mức làm tăng chứng nuốt khí và có thể liên quan đến các bệnh lý dạ dày thực quản (GI) khác nhau (ví dụ: bệnh trào ngược dạ dày thực quản), răng giả không vừa khít, một số loại thuốc, nhai kẹo cao su hoặc buồn nôn vì bất kỳ nguyên nhân nào.

Phần lớn không khí nuốt vào sẽ bị ợ ra. Chỉ một lượng nhỏ không khí đã nuốt đi vào ruột non; lượng khí nuốt rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi tư thế. Khi đứng thẳng, không khí dễ bị ợ lên; khi một người nằm ngửa, không khí bị mắc kẹt trong dịch dạ dày sẽ có khuynh hướng bị đẩy vào tá tràng. Ợ hơi nhiều cũng có thể là tự ý; những bệnh nhân ợ hơi sau khi dùng thuốc trung hòa axit có thể giúp giảm các triệu chứng để ợ hơi hơn là trung hòa axit và có thể cố tình ợ hơi để làm giảm tình trạng này.

Một nguyên nhân hiếm gặp của ợ hơi quá mức là ợ hơi trên dạ dày. Khi ợ hơi trên dạ dày, không khí đi vào thực quản nhanh chóng được tống ra ngoài sau khi căng bụng. Nó có thể xảy ra theo ý muốn hoặc vô thức và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống (1).

Căng giãn (chướng)

Đầy hơi ở bụng có thể xảy ra riêng lẻ hoặc cùng với các triệu chứng tiêu hóa khác ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng (ví dụ: chứng khó tiêu, chứng khó tiêu không do loét, liệt dạ dày, hội chứng ruột kích thích) hoặc các rối loạn thực thể (ví dụ: ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng). Liệt nhẹ dạ dày (và hậu quả là chướng bụng) cũng có nhiều nguyên nhân không có chức năng, trong đó quan trọng nhất là bệnh lý thần kinh thực vật nội tạng do bệnh tiểu đường; các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng hậu vi rút, thuốc có đặc tính kháng cholinergic và sử dụng opioid lâu dài. Tuy nhiên, lượng hơi trong đường ruột quá mức không liên quan rõ ràng đến tình trạng căng chướng bụng và chướng bụng. Ở hầu hết người khỏe mạnh, 1 L khí/giờ có thể đi vào ruột gây triệu chứng nhẹ. Rất có thể nhiều triệu chứng được quy cho một cách không chính xác với thuật ngữ "quá nhiều khí".

Mặt khác, một số bệnh nhân có các triệu chứng GI tái phát thường không thể chịu đựng được một lượng nhỏ khí: Chướng bụng ngược dòng do thổi bóng hoặc bơm hơi trong quá trình nội soi đại tràng thường gây khó chịu nghiêm trọng ở một số bệnh nhân (ví dụ, những người bị hội chứng ruột kích thích) nhưng các triệu chứng là không đánh kể ở những bệnh nhân khác. Tương tự như vậy, những bệnh nhân bị rối loạn ăn uống (ví dụ: chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn) thường nhận thức sai lầm và đặc biệt là căng thẳng bởi các triệu chứng như là đầy hơi. Do đó, bất thường cơ bản trên bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến khí có thể là tăng nhạy cảm ruột. Thay đổi nhu động có thể đóng góp thêm vào các triệu chứng.

Quá nhiều hơi trong ruột

Có sự thay đổi lớn về số lượng và tần suất khí đi qua trực tràng. Cũng như tần suất đại tiện, những người phàn nàn về chứng đầy hơi thường có quan niệm sai lầm về thế nào là bình thường. Lượng khí trung bình đi qua ruột khoảng từ 13 đến 21/ngày. Ghi nhận khách quan tần suất đầy hơi (bằng cách sử dụng nhật ký của bệnh nhân) là bước đánh giá đầu tiên.

Hơi trong ruột là một sản phẩm phụ chuyển hóa của vi khuẩn đường ruột; hầu như không bắt nguồn từ việc nuốt không khí hoặc sự khuếch tán trở lại của khí (chủ yếu là nitơ) từ dòng máu. Quá trình trao đổi chất của vi khuẩn mang lại một lượng đáng kể khí hydro, mê-tan và carbon dioxit.

Hydro được sản sinh với số lượng lớn ở những bệnh nhân mắc hội chứng kém hấp thu và sau khi ăn một số loại trái cây và rau quả có carbohydrate khó tiêu (ví dụ: đậu nướng), đường (ví dụ: fructose) hoặc rượu đường (ví dụ: sorbitol). Ở những bệnh nhân thiếu hụt disaccharidase (thường gặp nhất là thiếu hụt lactase), một lượng lớn disacarit sẽ đi vào đại tràng và được lên men thành hydro. Bệnh celiac, bệnh nhiệt đới, suy tụy và các nguyên nhân khác gây kém hấp thu carbohydrate cũng nên được xem xét trong trường hợp dư thừa hơi trong đại tràng.

Mê-tan cũng được sản sinh bởi quá trình chuyển hóa của vi khuẩn ở đại tràng của cùng một loại thực phẩm (ví dụ: chế độ ăn nhiều chất xơ). Tuy nhiên, khoảng 10% số người có vi khuẩn sản sinh khí mê-tan thay vì hydro.

Cacbon dioxit cũng được tạo ra bởi quá trình trao đổi chất của vi khuẩn và được tạo ra trong phản ứng của các ion bicarbonate và hydro. Các ion hydro có thể từ axit clohydric dạ dày hoặc từ các axit béo được giải phóng ra trong quá trình tiêu hóa chất béo – loại thứ hai đôi khi tạo ra hàng trăm mili đương lượng ion hydro. Các sản phẩm axit được giải phóng ra từ quá trình lên men vi sinh carbohydrate không hấp thụ trong đại tràng, cũng có thể phản ứng với bicarbonate để tạo ra carbon dioxit. Mặc dù chướng bụng thỉnh thoảng xảy ra, nhưng sự lan tỏa nhanh chóng của carbon dioxit vào máu thường ngăn ngừa tình trạng căng giãn này.

Chế độ ăn chiếm phần lớn sự khác biệt trong quá trình sản sinh hơi giữa các cá thể, nhiều yếu tố còn chưa biết rõ (ví dụ: sự khác biệt trong hệ vi khuẩn chí và nhu động của đại tràng) cũng có thể đóng vai trò nào đó.

Mặc dù tính chất dễ cháy của hydro và metan trong tình trạng đầy hơi, làm việc gần ngọn lửa không nguy hiểm. Tuy nhiên, vụ nổ do khí, thậm chí với kết cục tử vong, đã được báo cáo trong quá trình phẫu thuật ổ bụng hoặc nội soi đại tràng có sử dụng tia nhiệt điện khi làm thủ thuật trên bệnh nhân làm sạch ruột không hoàn toàn.

Bảng
Bảng

Tài liệu tham khảo nguyên nhân gây bệnh

  1. 1. Koukias N, Woodland P, Yazaki E, Sifrim D: Supragastric belching: Prevalence and association with gastroesophageal reflux disease and esophageal hypomotility. J Neurogastroenterol Motil 21(3):398–403, 2015. doi: 10.5056/jnm15002

Đánh giá các triệu chứng liên quan đến đầy hơi

Lịch sử

Tiền sử của bệnh hiện tại trên những bệnh nhân bị ợ hơi cần phải được hướng đến tìm nguyên nhân gây nuốt không khí, đặc biệt là các nguyên nhân về chế độ ăn.

Ở bệnh nhân phàn nàn về hơi, chướng bụng, hoặc đầy hơi trong ruột, cần phải thăm dò mối liên quan giữa triệu chứng và bữa ăn (cả thời gian, loại và lượng thức ăn), đại tiện và gắng sức. Một số bệnh nhân nhất định, đặc biệt là trong tình trạng cấp tính, có thể sử dụng thuật ngữ "hơi" để mô tả các triệu chứng thiếu máu mạch vành cục bộ của họ. Thay đổi về tần suất, màu sắc và độ đặc của phân cần phải được khai thác. Tiền sử sụt cân được ghi nhận.

Xem xét các hệ thống nên tìm kiếm các triệu chứng của các nguyên nhân có thể có, bao gồm tiêu chảy và phân mỡ (hội chứng kém hấp thu như bệnh celiac, bệnh nhiệt đới, thiếu hụt disaccharidase và suy tụy) và sụt cân (ung thư, kém hấp thu mạn tính).

Bệnh sử nên xem lại tất cả các thành phần của chế độ ăn uống để tìm các nguyên nhân có thể xảy ra (xem bảng Một số nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến đầy hơi).

Khám thực thể

Nhìn chung khám thấy bình thường, nhưng trên những bệnh nhân bị chướng bụng hoặc đầy hơi, những dấu hiệu của tình trạng bất thường tiềm ẩn của cơ quan cần phải được tìm kiếm khi khám bụng, hậu môn, vùng chậu (ở phụ nữ).

Các dấu hiệu cảnh báo

Những dấu hiệu sau đáng quan tâm:

  • Sụt cân

  • Máu trong phân (ẩn hoặc đại thể)

  • Cảm giác "hơi" trong ngực

Giải thích các dấu hiệu

Chướng hoặc căng giãn bụng mạn tính, tái phát trên bệnh nhân bị đau bụng liên quan đến đại tiện và liên quan đến thay đổi tần suất hoặc độ đặc của phân mà không có dấu hiệu cảnh báo gợi ý hội chứng ruột kích thích.

Triệu chứng kéo dài ở một người trẻ tuổi khỏe mạnh không có sụt cân không có khả năng do tình trạng bất thường về sinh lý nghiệm trọng gây ra; mặc dù tình trạng bất thường về ăn uống cần phải được xem xét, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ. Chướng bụng kèm theo tiêu chảy, sụt cân, hoặc cả hai (hoặc chỉ sau khi ăn các loại thức ăn nhất định) gợi ý hội chứng kém hấp thu.

Xét nghiệm

Xét nghiệm không được chỉ định khi ợ hơi, trừ khi các triệu chứng khác cho gợi ý tình trạng bất thường nhất định.

Kiểm tra về không dung nạp carbohydrate (ví dụ: lactose, fructose) với xét nghiệm hơi thở cần phải được xem xét, đặc biệt là khi bệnh sử gợi ý sử dụng đáng kể các loại đường này. Cũng nên xem xét việc kiểm tra tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị tiêu chảy, sụt cân hoặc cả hai, tốt nhất là nuôi cấy hiếu khí và kỵ khí dịch hút ruột non thu được trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên. Việc kiểm tra sự phát triển quá mức của vi khuẩn bằng xét nghiệm hơi thở hydrogen, nhìn chung xét nghiệm hơi thở hydro- glucose, có khuynh hướng dương tính giả (tức là khi thức ăn di chuyển qua nhanh) và âm tính giả (tức là khi không có vi khuẩn sinh ra hydro). Có thể cân nhắc xét nghiệm các tình trạng hiếm gặp như thiếu hụt sucrase-isomaltase ở những bệnh nhân mắc các triệu chứng khó chịu hoặc nặng (1).

Chướng bụng mới có, liên tục ở phụ nữ trung niên hoặc cao tuổi (hoặc những người có khám thấy vùng chậu bất thường) cần phải làm siêu âm khung chậu nhanh để loại trừ ung thư buồng trứng.

Tài liệu tham khảo về đánh giá

  1. 1. Husein DM, Rizk S, Naim HY: Differential effects of sucrase-isomaltase mutants on its trafficking and function in irritable bowel syndrome: Similarities to congenital sucrase-isomaltase deficiency. Nutrients 13(1):9, 2021. doi: 10.3390/nu13010009

Điều trị các triệu chứng liên quan đến đầy hơi

Ợ hơi và đầy hơi rất khó giảm vì tình trạng này thường xảy ra do chứng nuốt khí vô thức hoặc tăng độ nhạy cảm với lượng khí bình thường (1). Chứng nuốt hơi có thể được giảm bớt bằng cách loại bỏ kẹo cao su và đồ uống có ga, các kỹ thuật nhận thức hành vi để ngăn chặn việc nuốt không khí và kiểm soát các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa trên (ví dụ: loét dạ dày tá tràng). Cần phải tránh các loại thức ăn chứa carbohydrate không hấp thụ. Ngay cả những bệnh nhân không dung nạp lactose cũng thường dung nạp đến 1 ly sữa uống với lượng nhỏ trong suốt cả ngày. Cần giải thích và chứng minh cơ chế ợ hơi lặp đi lặp lại. Khi chứng nuốt hơi gây phiền hà, liệu pháp hành vi để khuyến khích mở miệng, hít thở bằng cơ hoành và giảm thiểu nuốt có thể có hiệu quả.

Thuốc ít có tác dụng. Kết quả với simethicon, một loại thuốc phá vỡ các bong bóng khí nhỏ và các loại thuốc kháng cholinergic không hiệu quả. Một số bệnh nhân bị chứng khó tiêu và đầy bụng trên sau ăn được hưởng lợi hoàn toàn từ các thuốc trung hòa axit, thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp (ví dụ: nortriptyline uống từ 10 đến 50 mg ngày 1 lần/ngày) hoặc cả hai để làm giảm quá mẫn tạng.

Các triệu chứng trung tiện quá mức được điều trị bằng cách tránh các chất kích hoạt (xem bảng Một số nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến đầy hơi). Bệnh nhân có thể thử giảm lượng chất kích hoạt mỗi lần và ghi nhận ảnh hưởng đối với các triệu chứng của họ. Chất không tiêu hóa được (ví dụ: cám, hạt giống psyllium) có thể được bổ sung vào chế độ ăn nhằm tăng lượng thức ăn di chuyển qua đại tràng; tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, tình trạng trầm trọng hơn có thể xảy ra. Bệnh nhân cũng có thể thử chế độ ăn ít FODMAP (oligosaccharid có thể lên men, disaccharid, monosaccharid và polyols).

Than hoạt tính đôi khi có thể giúp làm giảm khí và mùi khó chịu; tuy nhiên, nó làm bẩn quần áo và niêm mạc miệng. Có sẵn đồ lót có lót than.

Các lợi khuẩn cũng có thể làm giảm chướng bụng và đầy hơi bằng cách điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột, nhưng dữ liệu về lĩnh vực này còn hạn chế.

Thuốc kháng sinh rất hữu ích ở những bệnh nhân có sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non.

Một số loại dầu thơm (thuốc làm đánh hơi) có thể làm giãn cơ trơn và làm giảm đau do đau quặn bụng ở một số bệnh nhân. Dầu bạc hà giải phóng chậm là chất được sử dụng nhiều nhất trong nhóm thuốc này.

Chướng bụng cơ năng, căng giãn và đầy hơi có thể xảy ra trong quá trình mạn tính, liên tục, chỉ giảm nhẹ một phần bằng điều trị. Khi thích hợp, hãy đảm bảo rằng những vấn đề này không gây hại cho sức khoẻ là rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Moshiree B, Drossman D, Shaukat A. AGA Clinical Practice Update on Evaluation and Management of Belching, Abdominal Bloating, and Distention: Expert Review. Gastroenterology. 2023;165(3):791-800.e3. doi:10.1053/j.gastro.2023.04.039

Những điểm chính

  • Xét nghiệm nên dựa trên các đặc điểm lâm sàng.

  • Hãy cảnh giác với các triệu chứng mới khởi phát, dai dẳng ở người cao tuổi.