Áp xe hậu môn trực tràng là ổ mủ khu trú trong khoang quanh trực tràng. Áp xe thường xuất phát từ một hốc hậu môn. Triệu chứng là đau và sưng. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng và CT hoặc MRI tiểu khung đối với các áp xe ở sâu. Phương pháp điều trị là phẫu thuật dẫn lưu.
(Xem thêm Đánh giá các rối loạn ở hậu môn trực tràng.)
Áp xe có thể nằm ở những khoang quanh trực tràng và có thể ở nông hoặc sâu.
Áp xe quanh hậu môn ở nông và có đầu rò ra ngoài da.
Áp xe ụ ngồi-trực tràng nằm sâu hơn, lan rộng qua cơ thắt vào khoang ụ ngồi-trực tràng dưới cơ nâng hậu môn; nó có thể lan sang phía đối diện, tạo thành áp xe "móng ngựa". Áp xe phía trên cơ nâng hậu môn (tức là áp xe trên cơ nâng hậu môn) nằm khá sâu và có thể kéo dài đến phúc mạc hoặc các cơ quan trong ổ bụng; áp xe này thường do viêm túi thừa hoặc là bệnh viêm vùng chậu.
Bệnh Crohn (đặc biệt là ở đại tràng) đôi khi gây ra áp xe hậu môn trực tràng.
Hầu hết các áp xe hậu môn trực tràng là nhiễm trùng hỗn hợp, với Escherichia coli, Proteus vulgaris, Bacteroides, streptococci và staphylococci chiếm ưu thế.
Các triệu chứng và dấu hiệu của áp xe hậu môn trực tràng
Áp xe nông có thể rất đau; phù nề quanh hậu môn, đỏ và ấn đau là đặc trưng của bệnh. Sốt là rất hiếm.
Áp xe sâu hơn có thể ít đau hơn nhưng gây ra các triệu chứng nhiễm độc (ví dụ, sốt, ớn lạnh, khó chịu). Có thể không có các dấu hiệu quanh hậu môn, nhưng thăm trực tràng bằng ngón tay có thể thấy ấn đau, sưng phù nề thành trực tràng. Áp xe chậu trực tràng cao có thể có đau bụng dưới và sốt mà không có triệu chứng ở trực tràng. Đôi khi sốt là triệu chứng duy nhất.
Chẩn đoán áp xe hậu môn trực tràng
Đánh giá lâm sàng
Đôi khi khám bệnh có gây mê hoặc hiếm khi chụp cắt lớp vi tính
Những bệnh nhân có áp xe thông ra da, thăm trực tràng bằng ngón tay là bình thường và không có dấu hiệu của bệnh hệ thống không cần chẩn đoán hình ảnh.
Chụp CT rất hữu ích khi nghi ngờ có áp xe ở sâu hoặc bệnh Crohn. Áp xe ở cao hơn (trên cơ nâng hậu môn) cần chụp CT để xác định nguồn gốc nhiễm khuẩn trong ổ bụng. Chụp MRI vùng chậu và siêu âm có nội soi là những nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh thay thế.
Những bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu gợi ý áp xe sâu hơn hoặc Bệnh Crohnquanh trực tràng phức tạp nên được thăm khám có gây mê trong lúc dẫn lưu.
Điều trị áp xe hậu môn trực tràng
Chích rạch và dẫn lưu mủ
Kháng sinh cho bệnh nhân có nguy cơ cao
(Xem thêm American Society of Colon and Rectal Surgeons' 2016 clinical practice guideline for the management of anorectal abscess, fistula-in-ano, and rectovaginal fistula.)
Cần trích rạch nhanh chóng và dẫn lưu đầy đủ và không nên đợi đến khi áp xe rò ra da. Rất nhiều khối áp xe có thể được dẫn lưu như một thủ thuật ở phòng khám; áp xe ở sâu có thể cần dẫn lưu trong phòng mổ.
Bệnh nhân bị sốt, suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường và những người bị viêm mô bào rõ rệt cũng cần phải dùng kháng sinh (ví dụ: ciprofloxacin 500 mg đường tĩnh mạch, 12 giờ một lần và metronidazole 500 mg đường tĩnh mạch, 8 giờ một lần, ampicillin/sulbactam 1,5 g đường tĩnh mạch, 8 giờ một lần).
Bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính tuyệt đối (< 1000/mcL [1 × 109/ L]) nên được điều trị bằng thuốc kháng sinh đơn trị liệu.
Kháng sinh không được chỉ định cho những bệnh khỏe mạnh có áp xe nông.
Rò hậu môn-trực tràng có thể xuất hiện sau dẫn lưu.
Những điểm chính
Áp xe hậu môn trực tràng có thể nông hoặc sâu.
Áp xe nông có thể chẩn đoán dựa vào lâm sàng và được dẫn lưu trong phòng khám hoặc trong khoa cấp cứu.
Áp xe sâu thường cần phải có chẩn đoán hình ảnh CT và thường phải được dẫn lưu trong phòng mổ.
Bệnh nhân bị sốt, suy giảm miễn dịch hoặc tiểu đường và những người bị viêm mô bào lan rộng cần phải dùng kháng sinh.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
American Society of Colon and Rectal Surgeons: Clinical practice guideline for the management of anorectal abscess, fistula-in-ano, and rectovaginal fistula (2016)