Hội chứng Guillain - Barre (GBS)

(Viêm đa dây thần kinh cấp tính, viêm đa dây thần kinh cấp tính mất myelin).

TheoMichael Rubin, MDCM, New York Presbyterian Hospital-Cornell Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2024

Hội chứng Guillain-Barré là một bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính, thường tiến triển nhanh nhưng tự giới hạn, đặc trưng bởi yếu cơ và mất cảm giác nhẹ ở ngoại vi. Nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến tự miễn. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị bao gồm IV globulin miễn dịch, lọc huyết tương và đối với trường hợp nặng cần phải thở máy.

(Xem thêm Tổng quan về bệnh lý hệ thần kinh ngoại biên.)

Hội chứng Guillain-Barré là bệnh lý viêm thần kinh mắc phải thường gặp nhất. Bệnh có nhiều thể khác nhau. Trong một số thể, bệnh liên quan đến sự phá hủy myelin chiếm ưu thế. Một số thể khác ảnh hưởng đến sợi trục.

Nguyên nhân của hội chứng Guillain-Barré

Mặc dù nguyên nhân của hội chứng Guillain-Barré chưa được biết rõ nhưng nó liên quan nhiều đến tự miễn.

Trong khoảng 2/3 số bệnh nhân, hội chứng Guillain Barre khởi phát từ ngày thứ 5 đến tuần thứ 3 sau khi mắc một bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật hoặc tiêm vaccin. Nhiễm trùng là nguyên nhân ở > 50% bệnh nhân (1); mầm bệnh phổ biến bao gồm

Có một số trường hợp bệnh được cho là liên quan đến tiêm vaccin trong chương trình tiêm vaccin cúm lợn năm 1976. Ở một số bệnh nhân, hội chứng Guillain-Barré đã phát triển sau khi nhiễm vi rút Zika hoặc sau COVID-19.

Tác dụng phụ của các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch bao gồm một hội chứng tương tự như hội chứng Guillain-Barré.

Nếu tình trạng suy yếu tiến triển trong > 2 tháng, bệnh đa dây thần kinh do viêm mạn tính mất myelin được chẩn đoán.

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Leonhard SE , van der Eijk AA, Andersen H, et al: An international perspective on preceding infections in Guillain-Barré syndrome: The IGOS-1000 Cohort. Neurology 99 (12):e1299-e1313, 2022. doi: 10.1212/WNL.0000000000200885 Xuất bản điện tử ngày 18 tháng 8 năm 2022.

  2. 2. Tam CC, O’Brien SJ, Rodrigues LC: Influenza, Campylobacter and Mycoplasma infections, and hospital admissions for Guillain-Barré syndrome, England. Emerg Infect Dis 12 (12):1880–1887, 2006. doi: 10.3201/eid1212.051032

Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng Guillain-Barré

Yếu do liệt mềm chiếm ưu thế ở hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng Guillain-Barré; nó luôn nổi bật hơn các bất thường về cảm giác và có thể nổi bật nhất ở gần. Triệu chứng yếu cơ đối xứng và dị cảm thường bắt đầu ở hai chân và lan dần tới hai tay. Đôi khi các triệu chứng này lại bắt đầu ở hai tay hoặc đầu. Ở 90% số bệnh nhân, triệu chứng yếu cơ diễn ra nặng nhất ở tuần thứ 3 đến tuần thứ 4 (1). Phản xạ gân xương bị mất. Thường không có rối loạn cơ tròn. Yếu cơ kéo dài trong một khoảng thời gian nhưng tình trạng nặng thường xảy ra trong một vài tuần, sau đó đỡ dần.

Cơ mặt và cơ hầu họng yếu ở > 50% số bệnh nhân bị bệnh nặng. Bệnh có thể dẫn tới tình trạng mất nước và suy dinh dưỡng. Liệt hô hấp nặng đến mức phải đặt nội khí quản và thở máy xảy ra ở 20% số trường hợp (2).

Một vài bệnh nhân (có thể là trường hợp biến thể) có rối loạn chức năng tự động đe dọa đến tính mạng, gây ra sự biến động huyết áp, tăng tiết ADH không thích hợp, loạn nhịp tim, liệt ruột, bí tiểu, và một số thay đổi đồng tử.

Một thể bất thường khác (Thể Fisher, hội chứng Miller - Fisher) gây ra liệt cơ vận nhãn, thất điều, mất phản xạ).

Tài liệu tham khảo về các dấu hiệu và triệu chứng

  1. 1. Fokke C, van den Berg B, Drenthen J, et al: Diagnosis of Guillain-Barré syndrome and validation of Brighton criteria. Brain 137 (Pt 1):33–43, 2014. doi: 10.1093/brain/awt285 Xuất bản điện tử ngày 26 tháng 10 năm 2013.

  2. 2. Shahrizaila N, Lehmann HC , Kuwabara S: Guillain-Barré syndrome. Lancet 397 (10280):1214–1228, 2021 doi: 10.1016/S0140-6736(21)00517-1 Xuất bản điện tử ngày 26 tháng 2 năm 2021.

Chẩn đoán hội chứng Guillain-Barré

  • Đánh giá lâm sàng

  • Xét nghiệm điện sinh lý để chẩn đoán

  • Xét nghiệm dịch não tủy

Chẩn đoán hội chứng Guillain-Barré chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng.

Chẩn đoán phân biệt

Tình trạng yếu cấp tính tương tự có thể là kết quả của bệnh nhược cơ, ngộ độc thịt, bệnh bại liệt (chủ yếu ở bên ngoài Hoa Kỳ), tê liệt do bọ ve, nhiễm vi rút West Nile, bệnh thần kinh chuyển hóa và viêm tủy cắt ngang, nhưng những bệnh lý này thường có thể được phân biệt như sau:

  • Nhược cơ thường không liên tục, nặng hơn khi hoạt động lâu.

  • Nhiễm độc do độc tố botulinum có thể gây giãn đồng tử (50%) và bệnh lý thần kinh sọ ưu thế không có rối loạn cảm giác.

  • Bại liệt thường xuất hiện thành các dịch bệnh.

  • Liệt do bọ ve cắn gây liệt tăng dần nhưng không rối loạn cảm giác.

  • Vi-rút West Nile gây ra đau đầu, sốt, và liệt không đối xứng nhưng không rối loạn cảm giác.

  • Bệnh thần kinh chuyển hóa xảy ra trên nền bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính.

  • Viêm tủy cắt ngang gây đau, yếu, cảm giác bất thường và rối loạn chức năng tiết niệu.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm về các bệnh lý truyền nhiễm và rối loạn chức năng miễn dịch, bao gồm xét nghiệm viêm gan và HIV và điện di protein huyết thanh.

Nếu nghi ngờ hội chứng Guillain-Barré, bệnh nhân cần phải nhập viện để làm xét nghiệm điện học chẩn đoán (khảo sát độ dẫn truyền dây thần kinh và điện cơ), xét nghiệm dịch não tủy, và theo dõi bằng đánh giá chức năng sống mỗi 6 đến 8h. Làm điện học chẩn đoán để phát hiện ra sự kéo dài dẫn truyền và là bằng chứng cho sự mất myelin ở 2/3 số bệnh nhân. Tuy nhiên, kết quả bình thường, đặc biệt là trong vòng 5 đến 7 ngày đầu tiên, cũng không loại trừ chẩn đoán và không nên trì hoãn điều trị.

Xét nghiệm dịch não tủy phát hiện sự phân ly đạm - tế bào (tăng protein nhưng số lượng bạch cầu bình thường), nhưng có thể chưa xuất hiện tình trạng này trong tuần đầu và có thể không tiến triển ở 10% bệnh nhân.

Hiếm hơn, chèn ép tủy cổ - đặc biệt khi có thêm bệnh nhiều dây thần kinh (gây ra hoặc chi phối tới giảm phản xạ) mà không liên quan đến hành tủy - có thể gây triệu chứng giống hội chứng Guillain Barre. Trong trường hợp này, nên chụp MRI.

Điều trị hội chứng Guillain-Barré

  • Điều trị chuyên sâu

  • IV globulin miễn dịch (IVIG) hoặc lọc huyết tương

Hội chứng Guillain-Barré là một bệnh cấp cứu, đòi hỏi phải theo dõi thường xuyên và hỗ trợ các chức năng sống, thường trong đơn vị hồi sức cấp cứu. Dng tích sống gắng sức phải được đo thường xuyên để có thể hỗ trợ hô hấp nếu cần thiết; nếu dung tích sống < 15 mL/kg, chỉ định đặt nội khí quản. Triệu chứng không thể gập cổ để nâng đầu khỏi giường cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Nó thường tiến triển đồng thời với liệt thần kinh chi phối cơ hoành.

Nếu gặp khó khăn khi uống, có thể truyền dịch tĩnh mạch để duy trì lượng nước tiểu tối thiểu từ 1 đến 1,5L/ngày. Cần tránh các chấn thương và áp lực đè nén tại tứ chi khi nằm trên giường.

Nhiệt trị liệu giúp giảm đau, tạo điều kiện tiến hành vật lý trị liêu. Không nên nằm bất động một chỗ vì có thể gây ra cứng khớp và co cứng cơ. Các bài tập thụ động hết tầm vận động khớp nên được bắt đầu sớm, ngay khi các triệu chứng cấp tính giảm dần. Heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân nằm liệt giường.

Cho dùng sớm, IVIG là phương pháp điều trị được lựa chọn (1, 2, 3). Thuốc có thể được dùng theo một trong những cách sau:

  • IVIG 2 g/kg trong 1 ngày đến 2 ngày, với acetaminophen 650 mg và diphenhydramine 25 mg, uống trước 30 phút

  • IVIG được cho chậm hơn, như 400 mg/kg đường tĩnh mạch một lần/ngày trong 5 ngày liên tiếp

IVIG có một số lợi ích đến 1 tháng kể từ khi khởi phát bệnh.

Thay huyết tương có tác dụng khi thực hiện sớm; chỉ định nếu IVIG không hiệu quả. Thay huyết tương rút ngắn quá trình bệnh và thời gian nằm viện, đồng thời giảm nguy cơ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh liệt vĩnh viễn (4). Tuy nhiên, nó có thể gây hạ huyết áp do lượng dịch truyền lớn và việc tiếp cận qua đường tĩnh mạch có thể khó khăn hoặc gây ra các biến chứng. Lọc huyết tương loại bỏ mọi IVIG dùng trước đó, gây mất tác dụng của IVIG, do vậy không bao giờ thực hiện lọc huyết tương trong hoặc sớm sau khi sử dụng IVIG. Nên đợi ít nhất 2 đến 3 ngày sau khi ngừng dùng IVIG.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Không dùng corticoid trong hội chứng Guillain-Barré vì có thể làm kết cục xấu đi.

Corticosteroid không cải thiện bệnh và có thể làm kết cục xẩu đi. Eculizumab có thể có lợi, nhưng cần nghiên cứu thêm trước khi có thể được khuyến nghị (5).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Tavee J, Brannagan 3rd TH, Lenihan MW, et al: Updated consensus statement: Intravenous immunoglobulin in the treatment of neuromuscular disorders report of the AANEM [American Association of Neuromuscular and Electrodiagnosic Medicine] ad hoc committee. Muscle Nerve 68 (4):356–374, 2023. doi: 10.1002/mus.27922 Xuất bản điện tử ngày 11 tháng 7 năm 2023.

  2. 2. Hughes RAC, Swan AV, van Doorn PA: Intravenous immunoglobulin for Guillain-Barré syndrome. Cochrane Database Syst Rev 2014 (9): CD002063 2014 doi: 10.1002/14651858.CD002063.pub6 Xuất bản điện tử ngày 19 tháng 9 năm 2014.

  3. 3.Tavee J, Brannagan, TH III, Lenihan MW, et al: Updated consensus statement: Intravenous immunoglobulin in the treatment of neuromuscular disorders report of the AANEM ad hoc committee. Muscle Nerve 68 (4):356–374, 2023. doi: 10.1002/mus.27922 Xuất bản điện tử ngày 11 tháng 7 năm 2023.

  4. 4 Chevret S, Hughes RAC,Annane D: Plasma exchange for Guillain‐Barré syndrome. Cochrane Database Syst Rev 2 (2):CD001798, 2017 doi: 10.1002/14651858.CD001798.pub3

  5. 5. Misawa S, Kuwabara S, Sato Y, et al: Safety and efficacy of eculizumab in Guillain-Barré syndrome: A multicentre, double-blind, randomised phase 2 trial. Lancet Neurol 17 (6):519–529, 2018 doi: 10.1016/S1474-4422(18)30114-5 Xuất bản điện tử ngày 21 tháng 4 năm 2018.

Tiên lượng về hội chứng Guillain-Barré

Hội chứng Guillain-Barré gây tử vong ở < 4% số trường hợp (1). Hầu hết bệnh nhân cải thiện đáng kể sau vài tháng, nhưng một số lượng đáng kể người lớn và thậm chí nhiều trẻ em vẫn còn tình trạng yếu cơ sau 3 tuổi. Bệnh nhân có di chứng cần được phục hồi chức năng, sử dụng các dụng cụ chỉnh hình hoặc phẫu thuật.

Sau khi cải thiện ban đầu, khoảng 5% số bệnh nhân bị bệnh đa dây thần kinh mất myelin do viêm mạn tính (2).

Tài liệu tham khảo về tiên lượng

  1. 1. van den Berg B, Bunschoten C, van Doorn PA, Jacobs BC: Mortality in Guillain-Barré syndrome. Neurology 80 (18):1650–1654, 2013. doi: 10.1212/WNL.0b013e3182904fcc Xuất bản điện tử ngày 10 tháng 4 năm 2013.

  2. 2. Leonhard SE, Mandaraka MR, Gondim FAA, et al: Diagnosis and management of Guillain–Barré syndrome in ten steps. Nat Rev Neurol 1 5(11): 671–683, 2019 doi: 10.1038/s41582-019-0250-9 Xuất bản điện tử ngày 20 tháng 9 năm 2019.

Những điểm chính

  • Hội chứng Guillain-Barré thường bắt đầu với triệu chứng yếu cơ đối xứng tăng dần.

  • Ban đầu, phân biệt các rối loạn khác gây ra các triệu chứng tương tự (ví dụ: bệnh nhược cơ, ngộ độc thịt, liệt do bọ ve, nhiễm vi rút West Nile, bệnh lý thần kinh do chuyển hóa, viêm tủy cắt ngang; bên ngoài Hoa Kỳ, bệnh bại liệt) dựa trên bệnh sử và kết quả khám.

  • Cần tiến hành làm điện cơ và xét nghiệm dịch não tủy dù chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng.

  • Hầu hết bệnh nhân cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian vài tháng, nhưng một số lượng đáng kể người lớn và thậm chí nhiều trẻ em vẫn còn tình trạng yếu cơ sau 3 tuổi và 2% đến 5% phát triển bệnh viêm đa dây thần kinh mất myelin do viêm mạn tính.

  • Chăm sóc hỗ trợ chuyên sâu là chìa khóa để phục hồi bệnh.

  • Sử dụng IVIG trước tiên, sau đó nếu không hiệu quả thì tiến hành lọc huyết tương.