Viêm bờ mi là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính của bờ mi. Triệu chứng cơ năng và thực thể gồm ngứa và bỏng rát kèm theo đỏ và phù ở bờ mi. Chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh và thăm khám. Viêm loét bờ mi cấp tính thường được điều trị bằng kháng sinh bôi tại chỗ hoặc thuốc kháng vi rút đường toàn thân. Viêm bờ mi cấp tính không loét đôi lúc được điều trị bằng coricoid tra. Bệnh mạn tính được điều trị bằng nước mắt nhân tạo, chườm ấm và đôi khi sử dụng kháng sinh đường uống (ví dụ, tetracycline hoặc azithromycin) cho rối loạn chức năng tuyến meibomian hoặc điều trị bằng vệ sinh bờ mi, nước mắt nhân tạo cho trường hợp viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn.
Căn nguyên của viêm bờ mi
WESTERN OPHTHALMIC HOSPITAL/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Viêm bờ mi có thể cấp tính (loét hoặc không loét) hoặc mạn tính (do rối loạn chức năng tuyến meibomian, viêm bờ mi tiết bã nhờn, nhiễm Demodex).
Viêm bờ mi cấp
Viêm loét bờ mi cấp tính thường do nhiễm khuẩn (thường là staphylococcal) ở gốc lông mi; các nang lông mi và các tuyến meibomius cũng có liên quan. Viêm bờ mi cũng có thể do vi rút (ví dụ, herpes simplex, varicella zoster). Các nhiễm trùng do vi khuẩn thường có nhiều dử hơn vi rút với nhiều dịch tiết huyết thanh.
Viêm bờ mi không loét cấp tính thường do phản ứng dị ứng liên quan đến cùng một khu vực (ví dụ: viêm da bờ mi dị ứng và viêm bờ mi dị ứng theo mùa), và do những nguyên nhân sau:
Ngứa và viêm dữ dội (thường dọc theo mép của cả hai mí mắt);
Cọ xát (một phản ứng với ngứa có thể làm tăng ngứa kết mạc và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da dị ứng [chàm] ở mí mắt); hoặc
Nhạy cảm khi tiếp xúc (viêm kết mạc da).
Viêm bờ mi mạn tính
Viêm bờ mi mạn tính là tình trạng viêm không do nhiễm trùng không rõ nguyên nhân. Các tuyến Meibomius trong mi mắt sản xuất lớp mỡ (lipid) giúp hạn chế bay hơi lớp nước mắt thông qua tạo một lớp mỡ trên bề mặt lớp nước mắt. Rối loạn chức năng tuyến meibomius có bất thường thành phần lipit, và các ống dẫn cũng như lỗ tuyến trở nên đặc lại, tắc nghẽn bởi các nút chất tiết cứng dạng sáp. Nhiều bệnh nhân bị trứng cá đỏ và chắp hoặc lẹo tái phát.
Nhiều bệnh nhân bị viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn có viêm da tăng tiết bã nhờn mặt và da đầu hoặc mụn trứng cá đỏ. Nhiễm trùng thứ phát thường xảy ra trên các mảng vẩy đóng trên bờ mi. Tuyến meibomius có thể bị tắc nghẽn.
BÁC SĨ P. MARAZZI/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Trên hầu hết các bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến meibomius hoặc viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn xảy ra sự bốc hơi nước mắt và viêm kết giác mạc khô, hay khô mắt. Nhiễm Demodex (các loài folliculorum và brevis) cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm bờ mi mạn tính.
Viêm bờ mi mạn tính cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân ung thư biểu mô mí mắt (đặc biệt là nếu viêm bờ mi một bên và mất lông mi) hoặc các tình trạng qua trung gian miễn dịch như là dạng pemphigus màng nhầy mắt.
Triệu chứng và Dấu hiệu viêm bờ mi
Các triệu chứng cơ năng phổ biến ở tất cả các dạng viêm bờ mi bao gồm ngứa, bỏng rát mí mắt, kích ứng kết mạc với chảy nước mắt, nhạy cảm ánh sáng, và cảm giác cộm mắt. Ngứa thường gặp ở những trường hợp dị ứng hơn là nhiễm trùng. Các triệu chứng có xu hướng trầm trọng hơn vào buổi sáng sớm so với các triệu chứng của viêm kết mạc-giác mạc khô, có xu hướng trầm trọng hơn vào cuối ngày.
Viêm bờ mi cấp
Trong viêm loét bờ mi cấp tính, mụn mủ nhỏ có thể phát triển trong các nang lông mi và cuối cùng vỡ ra để tạo thành ổ loét nông có bờ rõ. Màng tiết tố dính chặt gây chảy máu khi bóc. Trong thời gian ngủ, mi mắt có thể bị dính lại bởi tiết tố khô. Viêm bờ mi loét tái phát có thể gây sẹo bờ mi hoặc lông mi mọc ngược (lông xiêu).
Trong viêm bờ mi không loét cấp tính cấp, bờ mi nề đỏ; lông mi có thể bám tiết tố khô.
Viêm bờ mi mạn tính
Khi khám bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến meibomius sẽ phát hiện các lỗ tuyến giãn và đặc lại, khi ấn vào sẽ thấy tiết tố vàng, đặc dạng sáp chảy ra. Viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn có lớp vẩy mỡ dễ bóc trên bờ mi. Hầu hết các bệnh nhân có viêm bờ mi tăng tiết bã nhờn và bất thường chức năng tuyến meibomius có triệu chứng của viêm kết giác mạc khô như cảm giác dị vật, cộm, căng mỏi mắt và nhìn mờ nếu cố nhìn kéo dài. Khi nhiễm Demodex, bệnh nhân có thể bị viêm bờ mi mạn tính không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn; các triệu chứng bao gồm đỏ, viêm, ngứa và lẹo tái phát. Khám khi nhiễm Demodex sẽ thấy các ống hình trụ trên lông mi, thường ở gốc.
Chẩn đoán viêm bờ mi
Khám sinh hiển vi
Chẩn đoán thông thường bằng dựa vào khám sinh hiển vi. Viêm bờ mi mạn tính không đáp ứng với điều trị có thể cần phải sinh thiết để loại trừ các khối u ở mi mắt hoặc các bệnh qua trung gian miễn dịch có thể kích thích bệnh đó.
Điều trị viêm bờ mi
Thuốc kháng sinh cho viêm loét bờ mi cấp tính; chườm ấm và đôi khi dùng corticosteroid tại chỗ cho viêm bờ mi không loét cấp tính
Đối với viêm bờ mi mạn tính, điều trị viêm kết giác mạc khô, chườm ấm, làm sạch mí mắt, vệ sinh bờ mi, dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân theo chỉ định trên lâm sàng
Thuốc diệt ký sinh trùng (ví dụ: lotilaner) khi nghi ngờ nhiễm Demodex
Viêm bờ mi cấp
Viêm bờ mi loét cấp tính được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh (ví dụ: bacitracin/polymyxin B hoặc erythromycin) (1). Viêm bờ mi loét cấp tính do vi rút được điều trị bằng thuốc kháng vi rút toàn thân (ví dụ: đối với herpes simplex, acyclovir; đối với varicella zoster, famciclovir hoặc valacyclovir).
Điều trị viêm bờ mi không loét cấp tính cần bắt đầu từ tránh các tác động gây tổn thương (ví dụ, dụi hoặc gãi) hoặc hóa chất (ví dụ, thuốc nhỏ mắt mới). Chườm ấm bờ mi giúp đỡ triệu chứng và tăng tốc độ hồi phục. Nếu tình trạng sưng tấy kéo dài > 24 tiếng, có thể sử dụng corticosteroid tại chỗ (ví dụ: thuốc mỡ bôi mắt fluorometholone).
Viêm bờ mi mạn tính
Phương pháp điều trị ban đầu cho cả rối loạn chức năng tuyến meibomian và viêm bờ mi tiết bã nhờn là hướng tới vệ sinh mí mắt và chườm ấm, làm tan chảy các nút sáp. Thỉnh thoảng, cần xoa bóp mí mắt để đẩy chất tiết bị mắc kẹt ra ngoài và phủ lên bề mặt mắt.
Nếu cần, điều trị bổ sung viêm bờ mi tiết bã nhờn bao gồm làm sạch nhẹ nhàng bờ mi mắt (tẩy tế bào chết trên mi mắt) hai lần mỗi ngày bằng tăm bông nhúng vào dung dịch dầu gội dành cho trẻ em pha loãng (2 đến 3 giọt trong ½ cốc nước ấm) hoặc bằng loại khăn lau và dung dịch rửa mắt có bán trên thị trường có chứa các thành phần như là chất tẩy rửa nhẹ mi mắt, tinh dầu tràm trà và dầu dừa, hoặc axit hypoclorơ 0,01%. Có thể thêm thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ (erythromycin, bacitracin/polymyxin B hoặc thuốc nhỏ như azithromycin 1,0% hoặc sulfacetamide 10%) để giảm số lượng vi khuẩn trên viền mí mắt khi các trường hợp không đáp ứng với việc vệ sinh mí mắt trong nhiều tuần.
Viêm bờ mi do nhiễm Demodex nên được điều trị ban đầu bằng dầu cây trà nồng độ thấp hoặc axit hypochlorous. Nếu tình trạng bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị không kê đơn này, có thể kê đơn thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da (1).
Ở những bệnh nhân có triệu chứng tái phát hoặc dai dẳng, có thể cần dùng kháng sinh đường uống như azithromycin hoặc tetracycline (ví dụ: doxycycline) với phác đồ dùng thuốc thay thế do bác sĩ nhãn khoa hướng dẫn.
Viêm kết giác mạc khô thứ phát cũng có thể phát triển khi tuyến meibomian bị rối loạn chức năng tạo ra lớp dầu kém, dẫn đến sự bốc hơi nước mắt tăng lên. Thuốc bổ sung nước mắt vào ban ngày, thuốc mỡ nhạt (ví dụ: như vaselin) vào ban đêm và, nếu cần thiết, nút chặn nước mắt (vật liệu chèn làm tắc nghẽn lỗ thủng và do đó làm giảm sự thoát nước mắt) có hiệu quả ở hầu hết bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Amescua G, Akpek EK, Farid M, et al: Blepharitis Preferred Practice Pattern®. Ophthalmology 126(1):P56-P93. doi: 10.1016/j.ophtha.2018.10.019
Tiên lượng viêm bờ mi
Viêm bờ mi cấp tính thường đáp ứng với điều trị nhưng có thể tái phát tiến triển thành viêm mạn tính. Viêm bờ mi mạn tính không đau, tái phát và không đáp ứng với điều trị. Biểu hiện của bệnh tiến triển là cảm giác không thoải mái và kém thẩm mỹ nhưng thường không gây sẹo giác mạc hoặc mất thị lực. Việc duy trì và chăm sóc phòng ngừa lâu dài bằng cách chườm ấm và vệ sinh mí mắt là rất quan trọng.
Những điểm chính
Các dạng viêm bờ mi phổ biến bao gồm loét cấp tính (thường thứ phát do nhiễm tụ cầu hoặc vi rút herpes), không loét cấp tính (thường là dị ứng) và mạn tính (thường kèm theo rối loạn chức năng tuyến meibomian, viêm da tiết bã hoặc nhiễm Demodex).
Viêm kết mạc thứ phát sicca thường đi kèm với viêm bờ mi mạn tính.
Các triệu chứng thông thường gồm ngứa, cảm giác bỏng rát bờ mi, kích thích kết mạc kèm theo chảy nước mắt, sợ ánh sáng và cảm giác cộm mắt.
Chẩn đoán thông thường bằng dựa vào khám sinh hiển vi.
Xem xét các chẩn đoán khác, bao gồm cả ung thư biểu mô mi mắt, nếu viêm bờ mi mạn tính là một bên.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ được chỉ định (ví dụ như chườm ấm, vệ sinh bờ mi, và điều trị viêm kết giác mạc khô khi cần thiết).
Các phương pháp điều trị bằng thuốc cụ thể có thể bao gồm thuốc chống vi trùng tại chỗ cho viêm bờ mi loét cấp tính, thuốc chống vi rút toàn thân nếu nghi ngờ nhiễm vi rút và corticosteroid tại chỗ cho viêm bờ mi cấp tính không loét cấp tính kéo dài.
Điều trị viêm bờ mi mạn tính bao gồm điều trị viêm kết giác mạc khô bằng thuốc bổ sung nước mắt, sử dụng chườm ấm và kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân nếu cần.
Thông tin thêm
Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.
Michelle K. Rhee, Elizabeth Yeu, Melissa Barnett, et al: Demodex blepharitis: A comprehensive review of the disease, current management, and emerging therapies. Eye & Contact Lens: Science & Clinical Practice. 49(8):311-318. DOI: 10.1097/ICL.0000000000001003OPEN