Thiếu riboflavin thường xảy ra cùng với sự thiếu hụt các vitamin B khác. Các triệu chứng và dấu hiệu bao gồm đau cổ họng, tổn thương môi và niêm mạc miệng, viêm da, viêm kết mạc, viêm da tiết bã nhờn, và thiếu máu đẳng sắc hồng cầu bình thường. Chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng. Điều trị gồm riboflavin đường uống hoặc đường tiêm bắp nếu cần.
Riboflavin liên quan đến sự trao đổi carbohydrate như một coenzyme thiết yếu trong nhiều phản ứng oxy hóa khử tham gia vào quá trình chuyển hóa carbohydrate và protein (xem bảng Nguồn, Chức năng và Hiệu ứng của Vitamin). Riboflavin về cơ bản là không độc.
Nguồn thức ăn bao gồm: Sữa, pho mát, gan, thịt, trứng, những sản phẩm ngũ cốc. (Xem thêm Tổng quan về các vitamin.)
Căn nguyên của thiếu hụt riboflavin
Thiếu riboflavin sơ cấp gây ra do việc đưa vào không đầy đủ các chất sau:
Ngũ cốc tăng cường
Sữa
Các sản phẩm động vật khác
Thiếu riboflavin thứ cấp thường gây ra bởi các yếu tố sau đây:
Tiêu chảy mạn tính
Các rối loạn gan
Sử dụng barbiturate kéo dài
Rối loạn sử dụng rượu mạn tính
Các triệu chứng và Dấu hiệu của thiếu hụt riboflavin
Các dấu hiệu phổ biến nhất của thiếu riboflavin là vẻ xanh xao và tự tiêu hủy niêm mạc ở các góc của miệng (viêm miệng góc) và bề mặt đỏ son của môi (khô nứt môi), cuối cùng được thay thế bằng các vết nứt chạy dài trên bề mặt. Các vết nứt có thể bị nhiễm Candida albicans, gây các tổn thương màu trắng xám (Bệnh nấm candida mép). Lưỡi có thể xuất hiện màu đỏ thẫm.
Viêm da tiết bã nhờn phát triển, thường ảnh hưởng đến nếp nhăn ở mũi-môi, tai, mí mắt, và bìu hoặc vùng môi lớn âm hộ. Những vùng này trở nên đỏ, có vẩy và trơn nhờn.
Hiếm gặp, hiện tượng hình thành các mạch máu mới và viêm giác mạc xảy ra, gây ra chảy nước mắt và chứng sợ ánh sáng.
Chẩn đoán thiếu hụt Riboflavin
Thử nghiệm liệu pháp điều trị
Sự bài tiết của riboflavin trong nước tiểu
Các đặc trưng tổn thương của thiếu riboflavin là không đặc hiệu. Thiếu riboflavin nên được nghi ngờ nếu các dấu hiệu đặc trưng phát triển ở một bệnh nhân bị thiếu hụt các Vitamin B khác.
Chẩn đoán thiếu riboflavin có thể được xác nhận bằng một thử nghiệm liệu pháp điều trị hoặc xét nghiệm, thường bằng cách đo sự bài tiết của riboflavin trong nước tiểu.
Điều trị thiếu hụt riboflavin
Bổ sung riboflavin và các vitamin tan trong nước khác
Đôi khi riboflavin được dùng theo đường tĩnh mạch
Riboflavin từ 5 đến 30 mg uống x 1 lần/ngày cho đến khi phục hồi. Các vitamin tan trong nước khác cũng cần được cung cấp.
Đôi khi riboflavin được dùng ngoài đường tiêu hóa dưới dạng một loại vitamin trong chế phẩm đa vitamin.
Những điểm chính
Thiếu riboflavin gây ra các tổn thương da và niêm mạc không đặc hiệu, bao gồm sự phân hủy niêm mạc ở góc miệng (viêm góc miệng) và các bề mặt của môi (khô nứt môi).
Nghi ngờ thiếu riboflavin ở những bệnh nhân có các triệu chứng đặc trưng và có sự thiếu hụt vitamin B khác; xác nhận điều này bằng một thử nghiệm liệu pháp điều trị bổ sung riboflavin hoặc đo lượng bài tiết riboflavin trong nước tiểu.
Điều trị bằng cách bổ sung riboflavin và các vitamin tan trong nước khác.