Viêm tuyến tiền liệt

TheoGerald L. Andriole, MD, Johns Hopkins Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 8 2022

Viêm tuyến tiền liệt có liên quan đến một nhóm các rối loạn khác nhau biểu hiện bởi sự kết hợp của các triệu chứng kích thích hoặc triệu chứng tắc nghẽn và đau vùng đáy chậu. Một số trường hợp do nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt và những trường hợp khác, phổ biến hơn và chưa hoàn toàn sáng tỏ là sự kết hợp các yếu tố viêm không nhiễm khuẩn, co thắt cơ hoành niệu sinh dục, hoặc cả hai. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng, cùng với việc soi tìm vi khuẩn và nuôi cấy mẫu nước tiểu trước và sau khi kích thích tuyến tiền liệt. Điều trị bằng kháng sinh nếu nguyên nhân là do vi khuẩn. Các nguyên nhân không do vi khuẩn được điều trị bằng ngâm trong nước ấm, thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm hoặc thuốc chống lo âu.

Căn nguyên của viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do vi khuẩn hoặc, không do vi khuẩn. Tuy nhiên, phân biệt các nguyên nhân vi khuẩn và không vi khuẩn có thể rất khó khăn, đặc biệt là ở viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn có thể là cấp tính hoặc mạn tính và thường do các tác nhân gây bệnh đường niệu điển hình (ví dụ: Klebsiella, Proteus, Escherichia coli) và có thể bởi Chlamydia. Làm thế nào những mầm bệnh này xâm nhập và gây viêm tuyến tiền liệt vẫn chưa rõ. Nhiễm trùng mạn tính có thể được gây ra do các vi khuẩn được phân lập mà kháng sinh không diệt được tận gốc.

Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có thể là tình trạng có phản ứng viêm hoặc không có phản ứng viêm. Cơ chế này chưa được biết rõ, nhưng có thể bao gồm sự thư giãn không hoàn toàn của cơ thắt niệu đạo và rối loạn phối hợp vận động của các nhóm cơ khi đi tiểu. Áp lực đường tiểu tăng lên có thể gây ra trào ngược vào tuyến tiền liệt (kích hoạt phản ứng viêm) hoặc tăng hoạt động của hệ thần kinh tự chủ vùng chậu dẫn đến đau mạn tính không do viêm.

Phân loại viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt được phân loại thành 4 loại (Xem bảng: NIH: Hệ thống phân loại thống nhất của NIH về viêm tuyến tiền liệt). Các loại này được phân biệt bằng lâm sàng và sự hiện diện hoặc vắng mặt của các dấu hiệu nhiễm trùng và viêm trong 2 mẫu nước tiểu. Mẫu đầu tiên là mẫu nước tiểu giữa dòng. Sau đó, kích thích bằng tay tuyến tiền liệt được tiến hành và bệnh nhân đi tiểu ngay lập tức, lấy 10 ml nước tiểu đầu dòng là mẫu thứ 2. Nhiễm trùng được xác định bởi sự phát triển của vi khuẩn trong nuôi cấy nước tiểu; viêm được xác định bởi sự có mặt của bạch cầu trong nước tiểu. Việc sử dụng thuật ngữ "prostatodynia" cho tình trạng viêm tuyến tiền liệt không có tình trạng viêm không được khuyến khích.

Bảng
Bảng

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại nhưng thường liên quan đến một số mức độ kích thích đường tiết niệu hoặc tắc nghẽn và đau. Sự kích thích biểu hiện tiểu nhiều lần và tiểu gấp, cảm giác tiểu không hết bãi, tiểu dắt, tiểu đêm. Đau thường xảy ra ở đáy chậu nhưng cũng có thể ở đầu dương vật, đau lưng phần thấp, hoặc tinh hoàn. Một số bệnh nhân có đau khi xuất tinh.

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính thường gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, khó chịu và đau cơ. Tuyến tiền liệt mềm và sưng to lan toả cả tuyến, mềm nhão hoặc xơ chai hoặc kết hợp. Hội chứng nhiễm trùng toàn thân có thể xảy ra, có đặc điểm là nhịp tim nhanh, thở nhanh, và thỉnh thoảng có hạ huyết áp.

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính biểu hiện với các đợt nhiễm trùng tái phát có hoặc không có sự thoái triển hoàn toàn giữa các đợt. Triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể có xu hướng nhẹ hơn viêm tuyến tiền liệt cấp tính.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính đau là triệu chứng chủ yếu, thường đau khi xuất tinh. Sự khó chịu có thể là đáng kể và thường gây trở ngại đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng kích thích đường tiểu hoặc tắc nghẽn cũng có thể xuất hiện. Khi kiểm tra, tuyến tiền liệt có thể đau nhưng thường là không bị nhão hoặc sưng lên. Trên lâm sàng, các thể có phản ứng viêm và không viêm của viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính tương tự nhau.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng thường không gây triệu chứng và được phát hiện tình cờ trong quá trình đánh giá các bệnh khác về tuyến tiền liệt khi có bạch cầu niệu.

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

  • Xét nghiệm nước tiểu

  • Xoa bóp kích thích tuyến tiền liệt ngoại trừ viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính

Chẩn đoán bệnh viêm tuyến tiền liệt loại I, II, hoặc III dựa vào lâm sàng nghi ngờ. Các triệu chứng tương tự có thể là kết quả của viêm niệu đạo, áp xe quanh trực tràng, hoặc là nhiễm trùng đường tiết niệu. Thăm khám chỉ giúp chẩn đoán trong viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính.

Bệnh nhân sốt với các triệu chứng điển hình và các dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính thường có bạch cầu và vi khuẩn trong một mẫu nước tiểu giữa dòng. Xoa bóp tuyến tiền liệt để lấy mẫu nước tiểu sau xoa bóp được cho là không cần thiết và có thể gây nguy hiểm cho những bệnh nhân này (mặc dù nguy cơ vẫn chưa được chứng minh) vì có thể gây nhiễm trùng huyết. Vì lý do tương tự, thăm trực tràng nên được thực hiện nhẹ nhàng. Cấy máu nên được tiến hành ở những bệnh nhân bị sốt và suy nhược nặng, ý thức lơ mơ, mất phương hướng, hạ huyết áp, hoặc các chi lạnh. Đối với những bệnh nhân không có những dấu hiệu này, mẫu nước tiểu trước và sau khi xoa bóp là đủ để chẩn đoán.

Đối với những bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính hoặc mạn tính, những người không đáp ứng tốt với kháng sinh, cần phải siêu âm qua trực tràng và đôi khi nội soi bàng quang để loại trừ áp xe hoặc phá hủy tuyến tiền liệt và viêm túi tinh.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt loại II, III, và IV (viêm tuyến tiền liệt không cấp tính), các xét nghiệm bổ sung có thể được xem xét là nội soi bàng quang và xét nghiệm tế bào nước tiểu (nếu tiểu máu cũng có xuất hiện) và đo niệu động học (nếu có nghi ngờ các bất thường thần kinh hoặc rối loạn cơ thắt).

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

  • Điều trị thay đổi đáng kể tuỳ nguyên nhân

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính

Bệnh nhân không quá nặng có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh, nghỉ ngơi tại giường, thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng và uống nhiều nước. Liệu pháp với fluoroquinolone (ví dụ, ciprofloxacin 500 mg uống 2 lần/ngày hoặc ofloxacin 300 mg uống 2 lần/ngày) thường hiệu quả và có thể được chỉ định trong thời gian chờ kết quả cấy và kháng sinh đồ. Nếu đáp ứng lâm sàng tốt, điều trị được tiếp tục trong khoảng 30 ngày để ngăn ngừa viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính.

Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân phải nhập viện và dùng kháng sinh phổ rộng đườngg tĩnh mạch (ví dụ, ampicillin và gentamicin). Thuốc kháng sinh được bắt đầu ngay sau khi mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy phù hợp và tiếp tục cho đến khi có kháng sinh đồ. Nếu đáp ứng lâm sàng tốt, liệu pháp kháng sinh tĩnh mạch tiếp tục cho đến khi bệnh nhân cắt sốt trong 24 đến 48 giờ, theo sau đó là điều trị kháng sinh đường uống thường trong 4 tuần.

Liệu pháp bổ trợ bao gồm NSAID và các thuốc chẹn alpha (nếu quá trình làm rỗng bàng quang có khó khăn và các biện pháp hỗ trợ như ngâm nước ẩm. Hiếm khi, áp xe tuyến tiền liệt phát triển đến mức phải phẫu thuật dẫn lưu.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính được điều trị bằng kháng sinh đường uống như fluoroquinolones ít nhất 6 tuần. Liệu pháp được hướng dẫn bởi kết quả nuôi cấy; điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm cho bệnh nhân có kết quả nuôi cấy không rõ ràng hoặc âm tính có tỷ lệ thành công thấp. Các phương pháp điều trị khác bao gồm thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ (ví dụ cyclobenzaprine có thể làm giảm co thắt cơ vùng chậu), các thuốc chẹn alpha giao cảm và các biện pháp điều trị khác như ngâm nước ấm.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính/hội chứng đau vùng chậu mạn tính

Điều trị là khó khăn và thường không mang lại hiệu quả. Ngoài việc xem xét bất kỳ và tất cả các phương pháp điều trị trên, các thuốc chống lo âu (như thuốc ức chế chọn lọc trên serotonin [SSRI], benzodiazepine), kích thích thần kinh cùng, phản hồi sinh học, xoa bóp tuyến tiền liệt, và các thủ thuật can thiệp tuyến tiền liệt tối thiểu (như liệu pháp nhiệt bằng vi sóng) đã được thử với các kết quả khác nhau.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng không cần điều trị.

Những điểm chính

  • Viêm tuyến tiền liệt có thể là nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính hoặc một nhóm rối loạn ít được biết hơn đặc trưng bởi các triệu chứng kích thích và tắc nghẽn, co thắt cơ hoành niệu sinh dục và đau đáy chậu.

  • Điều trị những bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính và những bệnh nhân quá nặng có viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp với fluoroquinolone và các biện pháp điều trị triệu chứng.

  • Các bệnh nhân nhập viện là những bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính và các triệu chứng toàn thân gợi ý tình trạng nhiễm trùng huyết cần dùng kháng sinh phổ rộng như ampicillin cộng với gentamicin.

  • Đối với nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính hoặc hội chứng đau vùng chậu mạn tính, xem xét điều trị các thuốc an thần (SSRI, benzodiazepine), kích thích thần kinh cùng, phản hồi sinh học, xoa bóp tuyến tiền liệt và các thủ thuật can thiệp tuyến tiền liệt tối thiểu (như phuong pháp nhiệt trị liệu bằng vi sóng).