Bệnh thận do kim loại nặng

TheoFrank O'Brien, MD, Washington University in St. Louis
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2024

Tiếp xúc với kim loại nặng và các độc tố khác có thể dẫn đến các bệnh lý ống kẽ thận.

    (Xem thêm Tổng quan bệnh lý ống kẽ thận.)

    Kim loại nặng (ví dụ: chì, cadmium, đồng) và các chất độc khác có thể gây ra một dạng viêm thận kẽ mạn tính.

    Bệnh thận do chì

    Viêm thận kẽ-ống thận mạn tính do chì tích tụ ở các tế bào ống lượn gần.

    Phơi nhiễm với chì trong thời gian ngắn gây rối loạn chức năng ống lượn gần, bao gồm giảm lượng nước tiểu và tăng axit uric máu (urat là yếu tố chính của bệnh gout do chì), axit amin niệu và đường niệu do thận.

    Phơi nhiễm với chì kéo dài (ví dụ từ 5 đến 30 năm) gây teo ống thận tiến triển và xơ hóa kẽ cùng với suy thận, tăng huyết áp và gout. Tuy nhiên, phơi nhiễm liều thấp kéo dài có thể gây suy thận và tăng huyết áp độc lập với bệnh ống kẽ thận. Các nhóm đối tượng sau có nguy cơ cao nhất:

    • Trẻ em tiếp xúc với bụi sơn chứa chì

    • Thợ hàn

    • Công nhân sản xuất pin

    • Những người uống rượu nồng độ cao (rượu lậu)

    Trẻ em bị phơi nhiễm có thể tiến triển bệnh thận khi trưởng thành.

    Những dấu hiệu thường gặp bao gồm cặn niệu có các thành phần biểu hiện bệnh mạn tính và tăng axit uric máu không tương xứng với mức độ suy thận:

    • Urat huyết thanh > 9 mg/dL (535,4 microml/L) với creatinine huyết thanh < 1,5 mg/dL (132,6 micromol/L)

    • Urate huyết thanh > 10 mg/dL (594,9 micromol/L) với creatinine huyết thanh từ 1,5 đến 2 mg/dL (132,6 micromol/L đến 176,8 micromol/L)

    • Urat huyết thanh> 12 mg/dL (713,8 micromol/L) với creatinine huyết thanh > 2 mg/dL (176,8 micromol/L)

    Chẩn đoán thường dựa vào việc định lượng nồng độ chì trong máu toàn phần. Huỳnh quang tia X cũng có thể được sử dụng để phát hiện nồng độ chì trong xương tăng lên, nhưng việc sử dụng nó phần lớn chỉ giới hạn ở các cơ sở nghiên cứu.

    Điều trị với liệu pháp gắn (chelation) có thể ổn định chức năng thận, nhưng sự phục hồi có thể không hoàn toàn.

    Bệnh thận do Cadmi

    Phơi nhiễm với cadmi do nước, thực phẩm hoặc thuốc lá bị ô nhiễm và chủ yếu do sự phơi nhiễm ở nơi làm việc có thể gây ra bệnh thận. Nó cũng có thể gây ra bệnh cầu thận, thường không có triệu chứng.

    Biểu hiện sớm của bệnh thận do cadmi là rối loạn chức năng ống thận, bao gồm protein niệu ống thận trọng lượng phân tử thấp (ví dụ, beta2-microglobulin), axit amin niệu và glucose niệu. Các triệu chứng cơ năng và thực thể, khi xuất hiện, cũng có thể góp phần gây bệnh thận mạn. Bệnh thận phụ thuộc đường cong đáp ứng với liều phơi nhiễm.

    Chẩn đoán bệnh thận do cadmi dựa vào:

    • Tiền sử nghề nghiệp tiếp xúc với cadmi

    • Tăng nồng độ beta2-microglobulin trong nước tiểu (không phát hiện được nếu dùng xét nghiệm protein nước tiểu bằng thanh dipstick nhưng phát hiện được khi sử dụng xét nghiệm miễn dịch phóng xạ)

    • Tăng nồng độ cadmi trong nước tiểu (> 7 μg/g creatinine)

    Điều trị gồm tránh tiếp xúc với cadmi; lưu ý rằng liệu pháp gắn (chelation) với axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA) có thể làm nặng thêm độc tính với thận trong nhiễm độc cadmi cấp tính nhưng được sử dụng thành công trong trường hợp phơi nhiễm cadmi mạn tính. Protein niệu ống thận thường là không thể hồi phục.

    Các bệnh thận do kim loại nặng khác

    Các kim loại nặng khác có độc tính với thận bao gồm:

    • Đồng

    • Vàng

    • Uranium

    • Asen

    • Sắt

    • thủy ngân

    • Bismuth

    • Crom

    Tất cả các kim loại này gây tổn thương ống thận và rối loạn chức năng ống thận (ví dụ: protein niệu nguồn gốc ống thận, axit amin niệu) cũng như hoại tử ống thận, nhưng bệnh cầu thận có thể có ái tính với một số hợp chất (thuỷ ngân, vàng).

    Điều trị bao gồm tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh kết hợp với một trong hai phương pháp sau:

    • Chất chelat (đồng, asen, bismuth)

    • Lọc máu (crôm, asen, bismuth), thường được sử dụng khi thải sắt thất bại hoặc đồng thời với thải sắt trong trường hợp ngộ độc asen nặng