Xẹp phổi là hiện tượng xẹp nhu mô phổi đi kèm với giảm thể tích. Bệnh nhân có thể bị khó thở hoặc suy hô hấp nếu xẹp phổi lớn. Họ cũng có thể bị viêm phổi. Xẹp phổi thường không có triệu chứng, tuy nhiên giảm oxy và đau ngực kiểu màng phổi có thể xuất hiện ở một số trường hợp. Chẩn đoán bằng chụp X-quang ngực. Điều trị bao gồm việc duy trì ho và thở sâu và điều trị nguyên nhân.
Xu hướng tự nhiên để mở các khoang trao đổi khí bị xẹp lại như các phế nang được duy trì bởi:
Surfactant - Chất hoạt động bề mặt (duy trì độ căng bề mặt)
Hít thở liên tục (giữ cho phế nang mở)
Thở sâu ngắt quãng (giải phóng surfactant vào trong phế nang)
Ho có chu kỳ (làm sạch dịch tiết của đường hô hấp)
Các hậu quả chính của xẹp phổi bao gồm giảm thông khí (với tình trạng thiếu oxy và thông khí/tưới máu [V/Q] không phù hợp) và viêm phổi.
Căn nguyên của bệnh xẹp phổi
Các yếu tố phổ biến nhất có thể gây ra xẹp phổi bao gồm:
Sự tắc nghẽn trong đường thở (ví dụ như do dị vật, khối u, nút đờm)
Sự chèn ép từ ngoài vào đường thở (ví dụ: do khối u, hạch lympho)
Giảm thở hoặc ho (ví dụ, gây mê, quá liều thuốc an thần, đau)
Vị trí nằm ngửa, đặc biệt ở những bệnh nhân béo phì và những người có tim to
Chèn ép hoặc xẹp nhu mô phổi (ví dụ: do tràn dịch màng phổi mức độ nhiều, tràn khí màng phổi)
Phẫu thuật ngực và bụng là những nguyên nhân phổ biến vì được gây mê, sử dụng opioid (có thể có suy hô hấp thứ phát) và thường đau khi thở. Đặt ống nội khí quản sai vị trí có thể gây ra xẹp phổi do tắc nghẽn phế quản gốc.
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm rối loạn chất sunfactant và sẹo nhu mô phổi hoặc khối u.
Các triệu chứng và dấu hiệu của xẹp phổi
Bản thân xẹp phổi không có triệu chứng trừ khi có hạ oxy huyết hoặc viêm phổi. Các triệu chứng của hạ oxy huyết có xu hướng liên quan đến mức độ kịch liệt và mức độ xẹp phổi. Với sự xẹp phổi nhanh và rộng, khó thở hoặc thậm chí là suy hô hấp có thể tiến triển. Với sự tiến triển chậm, xẹp phổi ít, các triệu chứng có thể nhẹ hoặc không có.
Viêm phổi có thể gây ho, khó thở và đau màng phổi. Đau màng phổi cũng có thể do rối loạn gây xẹp phổi (ví dụ: chấn thương ngực, phẫu thuật).
Các dấu hiệu thường không có. Có thể phát hiện được âm thanh hơi thở giảm ở vùng xẹp phổi và có thể âm ỉ khi gõ và giảm tức ngực nếu vùng xẹp phổi lớn. Thường thì tình trạng này chỉ được phát hiện trên hình ảnh chụp ngực (ví dụ: chụp X-quang hoặc CT).
Chẩn đoán xẹp phổi
X-quang ngực
Xẹp phổi nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào không giải thích được và những người có các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là phẫu thuật lớn gần đây. Xẹp phổi có biểu hiện lâm sàng rõ (ví dụ, gây ra các triệu chứng, tăng nguy cơ biến chứng, hoặc ảnh hưởng lớn đến chức năng hô hấp) thường có thể phát hiện được trên phim X-quang ngực, với hình ảnh đám mờ phổi và/hoặc giảm thể tích phổi.
Hình ảnh do bác sĩ Alexander S. Niven cung cấp
Nếu nguyên nhân gây xẹp phổi không rõ ràng trên lâm sàng (ví dụ: nếu đó không phải là phẫu thuật gần đây hoặc viêm phổi không được xác định trên chụp X-quang ngực) hoặc nghi ngờ có một rối loạn khác (ví dụ: thuyên tắc mạch phổi, khối u), các kiểm tra khác, chẳng hạn như nội soi phế quản hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực (CT), có thể cần thiết.
Điều trị xẹp phổi
Tăng tối đa ho và hít thở sâu
Nếu nghi ngờ tắc nghẽn do khối u hoặc dị vật thì cần nội soi phế quản
Bằng chứng về hiệu quả của hầu hết các phương pháp điều trị xẹp phổi thì yếu hoặc không có. Tuy nhiên, các biện pháp được đề nghị bao gồm vật lý trị liệu hô hấp để giúp duy trì sự thông khí và làm sạch dịch tiết, và khuyến khích các kỹ thuật làm nở phổi như ho có điều khiển, tập thở sâu, và sử dụng một máy phế dung kế. Ở những bệnh nhân đi cấp cứu, tập thể dục (ví dụ: đi bộ) là một cách mong muốn để thúc đẩy việc hít thở sâu.
Đối với bệnh nhân không đặt nội khí quản và không có quá nhiều đờm, thở máy áp lực dương liên tục có thể có tác dụng. Đối với những bệnh nhân được đặt nội khí quản và thở máy, áp lực dương cuối thở ra và/hoặc thông khí thể tích triều cao hơn có thể hữu ích.
Tránh quá liều thuốc an thần có thể giúp đảm bảo thông khí, và hiệu quả của thở sâu và ho. Tuy nhiên, đau ngực kiểu màng phổi nhiều có thể cản trở việc thở sâu và ho và chỉ có thể giảm triệu chứng với opioid. Vì vậy, nhiều bác sĩ lâm sàng cho thuốc giảm đau opioid với liều lượng đủ để làm giảm đau và khuyên bệnh nhân ho có ý thức và hít thở sâu theo chu kỳ. Ở một số bệnh nhân sau mổ, gây tê ngoài màng cứng hoặc phong bế thần kinh liên sườn có thể được sử dụng để giảm đau mà không gây suy hô hấp. Cần tránh dùng thuốc giảm ho.
Điều quan trọng nhất là phải điều trị nguyên nhân của xẹp phổi (ví dụ như nút mủ nhầy, dị vật, khối u ác tính, khối u, tràn dịch phổi). Đối với chấy nhầy niêm mạc tồn tại dai dẳng, khí dung dornase alfa và đôi khi thuốc giãn phế quản nên được sử dụng. Thường tránh dùng acetylcystein vì thuốc này có thể gây co thắt phế quản. Nếu các biện pháp khác không có hiệu quả hoặc nghi ngờ nguyên nhân gây tắc nghẽn hơn là nút đờm, phải làm nội soi phế quản.
Phòng ngừa xẹp phổi
Những người hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ xẹp phổi sau phẫu thuật bằng cách ngừng hút thuốc, lý tưởng nhất là ít nhất 6 tuần đến 8 tuần trước khi phẫu thuật. Điều trị thuốc cho bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính (ví dụ, COPD) nên được tối ưu hóa trước khi phẫu thuật. Tập luyện về cơ hô hấp trước mổ (bao gồm đo dung tích phổi) nên được xem xét cho bệnh nhân dự kiến phẫu thuật vùng ngực hoặc bụng trên.
Sau phẫu thuật, vận động sớm và các kĩ thuật làm nở phổi (ví dụ ho, tập thở sâu, đo dung tích phổi) cũng có thể làm giảm nguy cơ.
Những điểm chính
Xẹp phổi là sự xẹp của mô phổi khi mất thể tích; các nguyên nhân thông thường bao gồm chèn ép đường hô hấp từ trong hoặc bên ngoài, giảm thông khí và ống nội khí quản sai vị trí.
Xẹp phổi diện rộng có thể gây triệu chứng giảm oxy máu, nhưng bất kỳ triệu chứng nào khác cũng có thể do nguyên nhân này hoặc viêm phổi thêm vào.
Chẩn đoán bằng chụp X-quang ngực; nếu nguyên nhân không rõ ràng về mặt lâm sàng thì có thể cần phải soi phế quản hoặc CT ngực.
Điều trị bằng cách giảm tối đa tình trạng ho, thở sâu và đi bộ bất cứ khi nào có thể.