Đào tạo đi vệ sinh bao gồm việc ý thức về sẵn sàng và thực hiện các bước riêng biệt về đi vệ sinh của trẻ: thảo luận, cởi quần, đi vệ sinh, mặc quần lại, xả nước và rửa tay.
Hầu hết trẻ em đều được đào tạo để kiểm soát quá trình đi ngoài từ 2 tuổi đến 3 tuổi và kiểm soát quá trình đi tiểu từ 3 tuổi đến 4 tuổi. Đến 5 tuổi, nói chung một đứa trẻ đều có thể đi vệ sinh một mình. Đối với chứng tiểu không tự chủ ở trẻ em, xem Tiểu không tự chủ ở trẻ em và xem Són phân ở trẻ em.
Chìa khóa cho việc đào tạo sử dụng nhà vệ sinh thành công là nhận thấy những dấu hiệu sẵn sàng cho việc đào tạo (thường là từ 18 đến 24 tháng):
Trẻ có thể không tiểu tiện trong vài giờ.
Trẻ cho thấy hứng thú khi ngồi trên ghế bô và thể hiện những dấu hiệu chuẩn bị đi tiểu hoặc đi ngoài.
Trẻ muốn được thay bỉm sau khi đại tiện và tiểu tiện.
Trẻ có thể đặt đồ vật đúng chỗ và có thể hiểu và thực hiện các mệnh lệnh bằng lời nói đơn giản.
Tiếp cận đào tạo đi vệ sinh phải nhất quán giữa tất cả mọi người chăm sóc trẻ.
Phương pháp thời gian là cách tiếp cận phổ biến nhất. Khi trẻ đã thể hiện sự sẵn sàng, cha mẹ thảo luận với trẻ về những gì sẽ xảy ra, chọn những từ mà trẻ có thể hiểu và nói dễ dàng. Trẻ dần dần được đưa đến trước ghế bô và ngồi một thời gian ngắn trên đó mà vẫn mặc quần áo đầy đủ; sau đó trẻ thực hành tụt quần xuống, ngồi trên ghế bô trong ≤ 5 hoặc 10 phút, và mặc quần áo lại. Mục đích của bài tập được giải thích nhiều lần và nhấn mạnh bằng cách đặt tã ướt hoặc bẩn trong bô. Một khi mối liên hệ giữa bô và việc bài tiết đã được thiết lập, cha mẹ nên cố gắng dự đoán nhu cầu của trẻ cần đại tiểu tiện và có sự củng cố tích cực giúp cho việc đại tiểu tiện thành công. Khuyến khích trẻ thực hành bằng cách sử dụng bô bất cứ khi nào trẻ có nhu cầu đại tiểu tiện cũng mang lại giá trị. Trẻ nên được dạy về việc xả nước và rửa tay sau mỗi lần đại tiểu tiện. Đối với trẻ em có lịch sinh hoạt không tiên đoán được trước, thực hiện kế hoạch này rất khó khăn, và phải trì hoãn việc tập luyện cho đến khi trẻ có thể dự đoán được việc bài tiết của trẻ. Tức giận hoặc trừng phạt vì tai nạn hoặc không thành công là phản tác dụng.
Trẻ chống lại ngồi bô nên cho trẻ thử ngồi lại sau bữa ăn. Nếu trẻ kháng cự tiếp tục trong nhiều ngày, tốt nhất là trì hoãn đào tạo sử dụng nhà vệ sinh ít nhất trong vài tuần. Thay đổi hành vi với phần thưởng cho việc đi vệ sinh thành công là một lựa chọn; một khi đạt được mục đích, phần thưởng sẽ dần dần bị thu hồi.
Cần phải tránh quát mắng trẻ vì thường gây ra phản tác dụng từ bất kỳ quá trình nào đã đạt được và có thể làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. Những đứa trẻ được đào tạo về vệ sinh cũng có thể thoái lui khi trẻ bị bệnh hoặc có tâm trạng buồn hoặc khi trẻ cảm thấy cần sự chú ý hơn, như khi một đứa trẻ khác xuất hiện. Từ chối sử dụng bô cũng có thể là biểu hiện này. Trong những trường hợp này, cha mẹ nên tránh gây áp lực cho trẻ, khuyến khích, và nếu có thể, hãy chăm sóc và chú ý nhiều hơn vào thời điểm khác hơn là thời điểm khi đi vệ sinh.