Cystin niệu là một khiếm khuyết di truyền của ống thận trong đó quá trình tái hấp thu cystine (homodimer của axit amin cysteine) bị suy giảm, bài tiết qua nước tiểu tăng lên và hình thành sỏi cystine trong đường tiết niệu. Triệu chứng là cơn đau do sỏi hay nhiễm trùng đường tiểu hoặc do di chứng của bệnh thận mạn tính. Chẩn đoán bằng cách đo lượng Cystine bài tiết trong nước tiểu. Điều trị là tăng lượng dịch vào và kiềm hóa nước tiểu.
Cystin niệu ban đầu được phân loại theo sự bài tiết của axit amin cystine và dibasic trong các chất vận chuyển bắt buộc. Trong phân loại này, cha mẹ của trẻ em bị ảnh hưởng đã được đánh giá sự tăng tiết cystin ở mức bình thường (loại I), vừa phải (loại III), hoặc đáng kể (loại II).
Một phân loại mới hơn dựa trên kiểu gen: Bệnh nhân type A có đột biến đồng hợp tử trong gen SLC3A1 và bệnh nhân type B có đột biến đồng hợp tử trong SLC7A9. Những gen này mã hóa protein tạo thành một heterodimer chịu trách nhiệm vận chuyển axit amin cystine và dibasic trong ống lượn gần.
Cystin niệu không nên nhầm lẫn với bệnh nhiễm cystin ( xem Hội chứng Fanconi di truyền).
Sinh lý bệnh của Cystin niệu
Các bất thường chính dẫn đến việc làm giảm tái hấp thu cystine trong ống lượn gần và tăng nồng độ cystine trong nước tiểu. Cystine tan kém trong nước tiểu có tính axit, do đó, khi nồng độ trong nước tiểu vượt quá khả năng hòa tan, tinh thể và cystine kết tủa tạo thành sỏi thận. Nam giới thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ giới.
Sự tái hấp thu các axit amin dibasic khác (lysine, ornithine, arginine) cũng bị suy giảm nhưng không gây ra vấn đề vì các axit amin này có một hệ thống vận chuyển thay thế riêng biệt với cystine. Hơn nữa, chúng hòa tan nhiều hơn cystine trong nước tiểu, và sự bài tiết tăng lên của chúng không dẫn đến sự hình thành tinh thể hoặc sỏi. Sự tái hấp thụ của chúng (và của cystine) cũng giảm trong ruột non.
Các triệu chứng và dấu hiệu của Cystin niệu
Các triệu chứng của cystin niêu, hầu hết là cơn đau quặn thận, có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10 đến 30.
Nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh thận mạn tính do tắc nghẽn đường tiết niệu có thể phát triển.
Chẩn đoán Cystin niệu
Phân tích sỏi thận thu được
Xét nghiệm soi cặn nước tiểu
Định lượng nồng độ cystine trong nước tiểu
Chụp X-quang phát hiện sỏi cystin hình thành trong bể thận hoặc bàng quang, thường gặp là sỏi san hô. Sỏi Staghorn là loại phổ biến.
Cystine có thể xuất hiện trong nước tiểu dưới dạng tinh thể lục giác vàng nâu.
Nồng độ Cystine quá mức trong nước tiểu có thể được phát hiện bằng xét nghiệm nitroprusside cyanide. Định lượng cystine niệu thường > 400 mg/ngày ở bệnh nhân đái cystin (thường là < 30 mg/ngày).
Điều trị Cystin niệu
Uống nhiều nước
Kiềm hóa nước tiểu
Chế độ ăn hạn chế natri
Hạn chế protein động vật trong chế độ ăn uống (nếu có thể)
Bệnh thận giai đoạn cuối có thể phát triển. Giảm nồng độ cystine trong nước tiểu dưới 250 đến 300 mg/L (1 đến 1,25 mmol/L) làm giảm độc tính của thận và có thể cho phép thanh thải cystine trong dung dịch. Việc làm giảm này được thực hiện bằng cách tăng thể tích nước tiểu với lượng dịch đưa vào đủ để cung cấp tốc độ dòng nước tiểu từ 1,5 đến 2 L/m2/ngày, có thể cần lượng dịch đưa vào cao tới 2 đến 4 L/ngày (1). Bù nước đặc biệt quan trọng vào ban đêm khi lượng nước tiểu và độ pH giảm xuống.
Kiểm hoá nước tiểu để pH > 7,0 với kali citrate hoặc kali bicarbonate 1 mEq/kg uống 3 đến 4 lần/ngày và acetazolamide 5 mg/kg (đến 250 mg) đường uống lúc đi ngủ trong một số trường hợp giúp làm tăng độ tan của cystine.
Hạn chế nhẹ natri trong chế độ ăn uống (100 mEq/ngày) và protein động vật (0,8 đến 1,0 g/kg/ngày) có thể giúp giảm bài tiết cystine.
Khi các biện phát tăng lượng dịch đưa vào cơ thể và kiềm hóa nước tiểu không làm giảm sự hình thành sỏi, các thuốc khác có thể được thử. Penicillamine (7,5 mg/kg 4 lần một ngày ở trẻ nhỏ và 125 mg đến 0,5 g 4 lần một ngày ở trẻ lớn hơn) cải thiện độ tan của cystine, tuy nhiên độc tính làm hạn chế tính hữu dụng của nó. Khoảng một nửa số bệnh nhân phát triển một số biểu hiện nhiễm độc, chẳng hạn như sốt, phát ban, đau khớp, hoặc ít phổ biến hơn là hội chứng thận hư, giảm toàn thể huyết cầu hoặc phản ứng giống lupus. Nên bổ sung pyridoxine (50 mg một lần/ngày) cùng với penicillamine. Tiopronin (100 đến 300 mg x 4 lần/ngày) có thể được sử dụng thay cho penicillamine để điều trị cho một số trẻ em vì nó có tần suất tác dụng bất lợi thấp hơn. Captopril (0,3 mg/kg 3 lần/ngày) không hiệu quả bằng penicillamine nhưng ít độc hơn. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ đáp ứng với điều trị.
Các mô hình động vật (ví dụ, chuột loại bỏ gen) hiện đang được sử dụng để phát triển các liệu pháp mới cho bệnh cystinosis (2). Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang được thực hiện để thăm dò hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, bao gồm bucillamine, tolvaptan và axit alpha-lipoic.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Claes DJ, Jackson E: Cystinuria: Mechanisms and management. Pediatr Nephrol 27(11):2031–2038, 2012. doi: 10.1007/s00467-011-2092-6
2. Sahota A, Tischfield JA, Goldfarb DS, et al: Cystinuria: Genetic aspects, mouse models, and a new approach to therapy. Urolithiasis 47 (1): 57–66, 2019. doi: 10.1007/s00240-018-1101-7
Những điểm chính
Giảm tái hấp thu cystine nước tiểu làm tăng nồng độ cystine niệu, dẫn đến sỏi cystine và gây ra bệnh thận mãn.
Những tinh thể lục giác vàng nâu trong nước tiểu là triệu chứng đặc hiệu của bệnh; lượng bài tiết cystine thường là > 400 mg/ngày.
Điều trị bằng cách tăng lượng dịch vào cơ thể để đạt được lượng nước tiểu 1,5 đến 2 L/m2/ngày, và kiềm chế nước tiểu với kali citrate hoặc kali bicarbonate.
Hạn chế chế độ ăn kiêng natri và protein động vật.
Thuốc như penicillamine, tiopronin, hoặc captopril có thể là cần thiết, nhưng nên lưu ý các tác dụng phụ của chúng.