Chấn thương đụng dập tại mắt có thể gây tổn thương từ mi đến hốc mắt.
(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương mắt.)
Mí mắt
Mặc dù đụng dập mí mắt (gây bầm tím xung quanh mắt) có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh chấn thương nặng hơn và không nên bị bỏ sót nhưng chấn thương mi gây ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mĩ hơn là về thương tổn thực thể. Đụng dập đơn giản được điều trị bằng chườm đá giảm phù nề trong 24 đến 48 giờ đầu sau chấn thương.
SCOTT CAMAZINE/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Rách nhỏ ở mí mắt chưa tổn thương bờ mi hoặc sụn mi có thể được khâu bằng chỉ nylon hoặc polypropylene (hoặc, trong một số quần thể như là trẻ em, chỉ tự tiêu như là ruột trơn) 6-0 hoặc 7-0. Tốt nhất nên để một phẫu thuật viên nhãn khoa mổ tái tạo rách có xâm phạm đến bờ mi để đảm bảo phục hồi về giải phẫu và tránh khuyết trên bề mặt mi. Rách mi phức tạp liên quan tới nửa trong của mi dưới và mi trên (có thể kèm theo chấn thương lệ quản), rách thấu mặt trước sau, những bệnh nhân có sụp mi và những trường hợp có lộ tổ chức hốc mắt hoặc tổn thương sụn mi nên được phẫu thuật bởi các bác sĩ mắt.
Nhãn cầu
Chấn thương có thể gây các hậu quả sau:
Xuất huyết kết mạc, tiền phòng và dịch kính
Xuất huyết, phù võng mạc, hoặc bong võng mạc
Rách mống mắt
Lệch thủy tinh thể
Vỡ nhãn cầu (rách)
Thăm khám có thể là khó khăn khi có phù hoặc rách mi lớn. Mặc dù vậy trừ khi có chỉ định mổ rõ ràng (quyết định bởi bác sĩ mắt càng sớm càng tốt), cần bộc lộ nhãn cầu để thăm khám càng chi tiết càng tốt và tránh đè ép nhãn cầu. Tối thiểu cần lưu ý những điều sau:
Hình dạng và phản ứng đồng tử
Cử động ngoại nhãn
Độ sâu hoặc xuất huyết tiền phòng
Ánh hồng đồng tử
Sau khi kí cam kết phẫu thuật, có thể dùng thuốc tê hoặc thuốc giảm lo âu để hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình thăm khám. Sử dụng vành mi cầm tay hoặc vành mi tự động nhẹ nhàng để bộc lộ nhãn cầu. Nếu không có dụng cụ chuyên dụng có thể sử dụng vành mi tự chế bằng cách mở kẹp giấy thành dạng chữ S sau đó uốn phần đuôi hình chữ U thành dạng thẳng 180°. Cần nghi ngờ rách nhãn cầu trong các trường hợp dưới đây:
Có thể nhìn thấy một vết rách trên giác hoặc củng mạc.
Rò thủy dịch (dấu hiệu Seidel dương tính).
Tiền phòng rất nông (có nếp gấp giác mạc) hoặc rất sâu (vỡ hậu cực).
Đồng tử không đều (có thể cho thấy thoát vị mống mắt).
Không có phản xạ màu đỏ (có thể cho thấy xuất huyết dịch kính, hoặc chấn thương võng mạc).
Nếu nghi vỡ nhãn cầu, cần đánh giá cẩn thận trước khi một bác sĩ mắt đặt miếng che mắt cho bệnh nhân và điều trị chống nhiễm trùng cho bệnh nhân bằng kháng sinh toàn thên trong trường hợp có dị vật nội nhãn. Nên chụp CT để tìm dị vật và các chấn thương khác, chẳng hạn như gãy xương. Tránh kháng sinh tra. Cần dùng chống nôn khi cần thiết để tránh phòi kẹt tổ chức nội nhãn do làm tăng nhãn áp (IOP). Vì nhiễm nấm ở vêt thương hở rất nguy hiểm nên cần chống chỉ định corticoid đến khi vết thương được đóng kín. Dự phòng uốn ván được chỉ định cho chấn nhãn cầu hở.
Trong những trường hợp hiếm gặp, sau vỡ nhãn cầu một bên, mắt còn lại sẽ xuất hiện phản ứng viêm (nhãn viêm đồng cảm) và có thể bị mất thị lực đến mức bị mù lòa nếu không được điều trị. Cơ chế là một phản ứng tự miễn dịch; thuốc tra corticoid có thể ngăn ngừa quá trình này và có thể được bác sĩ nhãn khoa chỉ định.
Xuất huyết tiền phòng
Xuất huyết tiền phòng có thể dẫn tới chảy máu tái phát, bất thường nhãn áp (IOP), và/hoặc ngấm máu giác mạc dẫn tới mù vĩnh viên. Các triệu chứng cơ năng đều liên quan đến chấn thương trừ khi xuất huyết tiền phòng đủ lớn để che khuất trục thị giác. Kiểm tra trực tiếp sẽ bộc lộ các mức xuất huyết hoặc máu cục trong tiền phòng. Mức xuất huyết là ngưỡng dâng cao của máu trong tiền phòng (thường nằm phía dưới). Vi xuất huyết võng mạc, một dạng ít nghiêm trọng hơn, chỉ có thể phát hiện được khi kiểm tra trực tiếp tiền phòng bằng đèn khe, cho phép quan sát các tế bào hồng cầu lơ lửng.
Bác sĩ mắt nên khám bệnh nhân càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được đặt nằm trên giường ở tư thế đầu cao 30 đến 45 độ và được đặt miếng che mắt để phòng chấn thương kế tiếp (xem Trợt Giác mạc và Dị vật Giác mạc). Bệnh nhân có nguy cơ bị chảy máu tái phát (ví dụ những người xuất huyết tiền phòng nặng, xuất huyết do đái tháo đường, sử dụng thuốc chống đông hoặc bệnh hồng cầu hình liềm), những người có nhãn áp (IOP) khó kiểm soát hoặc có xu hướng không tuân thủ điều trị được khuyến cáo nhập viện. Cần cân nhắc kiểm tra xem có các bất thường về chảy máu không nếu không xác định được nguyên nhân gây ra xuất huyết tiền phòng. Chống chỉ định NSAID uống và tra vì có thể gây ra chảy máu tái phát.
Nhãn áp có thể tăng đột ngột (trong vòng vài giờ, thường ở bệnh nhân bị bệnh hồng cầu hình liềm hoặc có vấn đề đông máu) hoặc vài tháng tới vài năm sau đó. Do đó, nhãn áp được theo dõi hàng ngày trong vài ngày và sau đó thường xuyên trong những tuần và tháng tiếp theo và nếu các triệu chứng tiến triển (ví dụ như đau mắt, thị lực giảm, buồn nôn-tương tự như các triệu chứng của glôcôm góc đóng cấp tính). Nếu nhãn áp tăng, có thể sử dụng timolol 0,5% ngày 2 lần, brimonidine 0,2% hoặc 0,15% ngày 2 lần, hoặc cả hai. Đáp ứng điều trị được xác định bởi nhãn áp, thường được kiểm tra mỗi 1 hoặc 2 giờ cho đến khi được kiểm soát hoặc cho đến khi đạt được mức giảm đáng kể); sau đó, thường được kiểm tra một hoặc hai lần mỗi ngày. Thuốc giãn đồng tử (ví dụ: scopolamine 0,25% 3 lần mỗi ngày hoặc atropine 1% 3 lần mỗi ngày trong 5 ngày) và corticosteroid tại chỗ (ví dụ prednisolone acetate 1% 4 đến 8 lần/ngày trong 2-3 tuần) thường được dùng để chống viêm và sẹo.
Nếu chảy máu tái phát, cần hội chẩn bác sĩ mắt. Sử dụng axit aminocaproic từ 50 đến 100 mg/kg, uống 4 giờ một lần (không quá 30 g/ngày) trong 5 ngày hoặc axit transexamic 25 mg/kg uống 3 lần/ngày trong 5 đến 7 ngày có thể làm giảm chảy máu phát và cũng phải cho dùng thuốc co đồng tử hoặc giãn đồng tử. Trong trường hợp hiếm gặp, chảy máu tái phát gây glôcôm cần được phẫu thuật lấy máu trong tiền phòng.
© Springer Science+Business Media
Vỡ xương hốc mắt
Gãy xương hốc mắt xảy ra khi vật tù gây sang chấn các thành phần của hốc mắt qua một trong các thành yếu nhất, điển hình là sàn hốc mắt. Có thể xảy ra gãy sàn và trần hốc mắt. Xuất huyết hốc mắt có thể gây ra các biến chứng như kẹt thần kinh dưới hố, phù mi và tụ máu hốc mắt. Bệnh nhân có thể đau mặt hoặc hốc mắt, song thị, lồi mắt, giảm cảm giác má và mi trên (do kẹt hoặc chấn thương dây thần kinh dưới hố), chảy máu cam và/hoặc tràn khí dưới da. Gãy xương mặt hoặc chấn thương khác cũng phải được loại trừ.
Chẩn đoán là tốt nhất được dựa vào CT với vết cắt mỏng qua xương mặt. Nếu có hạn chế vận nhãn (ví dụ như gây ra song thị), cần đánh giá các cơ vận nhãn để phát hiện kẹt cơ.
Có chỉ định mổ nếu có song thị hoặc lõm mắt ảnh hưởng tới thẩm mĩ. Bệnh nhân nên được khuyên tránh thổi mũi để ngăn ngừa hội chứng khoang hốc mắt do luồng khí trào ngược. Sử dụng thuốc co mạch từ 2 đến 3 ngày có thể làm giảm chảy máu cam. Kháng sinh uống có thể được sử dụng nếu bệnh nhân có viêm xoang.
Hội chứng khoang hốc mắt
Hội chứng khoang hốc mắt (OCS) là một cấp cứu nhãn khoa. OCS xảy ra khi áp suất trong ổ mắt tăng đột ngột, thường là do chấn thương gây xuất huyết ổ mắt. Bất cứ thứ gì làm tăng thể tích ổ mắt (không khí, máu hoặc mủ trong ổ mắt) đều có thể dẫn đến OCS. Các triệu chứng có thể bao gồm mất thị lực đột ngột, cũng như song thị, đau mắt và sưng mí mắt.
Các dấu hiệu khi khám thực thể có thể bao gồm giảm thị lực, phù kết mạc, bầm máu, cử động mắt hạn chế và/hoặc đau, khiếm khuyết đồng tử hướng tâm, chứng lồi mắt, liệt cơ mắt và tăng nhãn áp (IOP). Chẩn đoán trên lâm sàng và không nên trì hoãn điều trị để chờ đợi chẩn đoán hình ảnh.
Điều trị là ngay lập tức mở góc mắt bên và cắt góc mắt bên (phẫu thuật bộc lộ gân góc mắt bằng đường rạch nhánh dưới của gân này), sau đó:
Theo dõi khi bệnh nhân nội trú có thể nhập viện khi nâng đầu giường lên 45°
Điều trị tăng nhãn áp như trong glôcôm góc đóng cấp tính
Hiện tượng đảo ngược của bất cứ bệnh lý đông máu nào
Phòng ngừa tăng thêm áp lực trong ổ mắt (ngăn ngừa hoặc giảm thiểu đau, buồn nôn, ho, rặn mạnh, tăng huyết áp nặng)
Chườm đá hoặc chườm mát
Tư vấn nhãn khoa để xem xét phẫu thuật và/hoặc các phương pháp điều trị chuyên khoa được chỉ định khác
Những điểm chính
Hội chẩn bác sĩ mắt nếu rách mi mắt phức tạp (ví dụ, rách qua mép, qua sụn hoặc qua lệ quản, gây sụp mi, hoặc để lộ mỡ hốc mắt).
Chấn thương nhãn cầu có thể gây rách nhãn cầu, đục thủy tinh thể, glôcôm, xuất huyết dịch kính hoặc tổn thương võng mạc (xuất huyết, bong hoặc phù).
Cần nghi ngờ vỡ nhãn cầu nếu chấn thương gây rách giác củng mạc rõ, rò thủy dịch, tiền phòng nông hoặc sâu bất thường hoặc đồng tử bất thường.
Xuất huyết tiền phòng chẩn đoán tốt nhất dựa vào sinh hiển vi và cần nằm ở tư thế đầu cao 30 đến 45° đồng thời theo dõi chặt chẽ nhãn áp.
Chuyển chuyên khoa để phẫu thuật bệnh nhân gãy xương hốc mắt gây song thị hoặc lõm mắt nhiều.
Mở góc ngoài cấp cứu với bệnh nhân có hội chứng khoang hốc mắt.