Yếu vận động có thể là do rối loạn chức năng ở bó vỏ tủy, hạch nền, cột sống, dây thần kinh ngoại biên hoặc cơ. Việc khám cẩn thận hệ thống vận động cho phép bác sĩ lâm sàng xác định vị trí tổn thương, xây dựng chẩn đoán phân biệt và chọn chẩn đoán hình ảnh và/hoặc xét nghiệm thích hợp.
Các chi và đai vai phải được bộc lộ đầy đủ, sau đó tìm kiếm những thông tin dưới đây:
Teo cơ
Phì đại cơ
Phát triển không đối xứng
Giật bó cơ
Tăng trương lực cơ
Các cử động tự ý khác, bao gồm múa giật (các động tác giật, ngắn), múa vờn (cử động liên tục, quằn quại), và giật cơ (co cơ kiểu điện giật)
Co và duỗi thụ động các chi khi bệnh nhân thư giãn sẽ cung cấp các thông tin về trương lực cơ.
Teo cơ được thể hiện bằng sự giảm kích thước của cơ, nhưng teo cơ hai bên hoặc teo ở những cơ lớn hoặc các cơ ở vị trí kín đáo, nếu như không tiến triển, có thể không rõ ràng. Ở người già, mất khối lượng cơ là thường gặp.
Phì đại xảy ra khi một cơ phải làm việc nhiều hơn để bù lại cho cơ khác bị yếu; giả phì đại xảy ra khi mô cơ bị thay thế bởi sự phát triển quá mức của mô liên kết hoặc các cấu trúc khác không mang chức năng (ví dụ như amyloid).
Giật bó sợi cơ (các cử động giật nhỏ, ngắn, không đều của cơ nhìn thấy được dưới da) là tương đối phổ biến. Mặc dù chúng có thể xảy ra ở cơ bình thường, đặc biệt là ở cơ bắp chân của người cao tuổi, nhưng giật bó sợi cơ thường chỉ điểm tổn thương của nơ-ron vận động dưới (ví dụ như thoái hóa hoặc tổn thương sợi thần kinh và tái tạo sợi thần kinh).
Tăng trương lực cơ (thư giãn cơ chậm lại sau một cơn co kéo dài hoặc khi gõ trực tiếp vào cơ) gợi ý chứng loạn dưỡng trương lực cơ hoặc một rối loạn trương lực cơ khác và có thể được biểu hiện bằng việc không thể xòe nhanh bàn tay đang nắm chặt.
Tăng kháng trở của cơ khi kéo giãn (hiện tượng lưỡi dao nhíp) và co cứng cơ chỉ điểm tổn thương noron vận động trên.
Đơ cứng kiểu ống chì (mức độ không thay đổi suốt tầm vận động), thường kèm theo dấu hiệu bánh xe răng cưa, gợi ý tổn thương hạch nền.
(Xem thêm Làm thế nào để Đánh giá cơ lực và Giới thiệu về Khám Thần kinh.)