Hạ phosphate máu là nồng độ phosphate huyết thanh < 2,5 mg/dL (0,81 mmol/L). Nguyên nhân bao gồm nghiện rượu, bỏng, đói và sử dụng thuốc lợi tiểu. Các đặc điểm lâm sàng gồm yếu cơ, suy hô hấp, và suy tim; co giật và hôn mê có thể xảy ra. Chẩn đoán bằng định lượng nồng độ phosphat huyết thanh. Điều trị bao gồm bổ sung phosphate.
(Xem thêm Tổng quan về Rối loạn Nồng độ phosphate.)
Hạ phốt phát máu xảy ra ở 2% số bệnh nhân nhập viện nhưng phổ biến hơn ở một số quần thể nhất định (ví dụ: xảy ra ở 10% số bệnh nhân bị rối loạn sử dụng rượu nhập viện).
Nguyên nhân hạ phosphate máu
Hạ phốt phát máu có nhiều nguyên nhân.
Giảm phốt phát máu cấp tính có ý nghĩa lâm sàng xảy ra ở tương đối ít cơ sở lâm sàng, bao gồm:
Giai đoạn phục hồi của toan ceton đái tháo đường
Tình trạng rối loạn do sử dụng rượu cấp tính
Bỏng nặng
Khi nhận được dinh dưỡng đường tĩnh mạch toàn bộ (TPN)
Hội chứng nuôi ăn lại sau khi suy dinh dưỡng kéo dài
Kiềm hô hấp nặng
Hạ phốt phát máu nặng cấp tính với phốt phát huyết thanh < 1 mg/dL (< 0,32 mmol/L) thường do
Sự dịch chuyển phốt phát qua tế bào thường chồng lên sự suy giảm phốt phát mạn tính
Hạ phốt phát máu mạn tính thường là kết quả của giảm tái hấp thu phốt phát ở thận. Nguyên nhân bao gồm sau đây:
Tăng nồng độ hormone cận giáp, như trong cường tuyến cận giáp nguyên phát và thứ phát
Các rối loạn nội tiết khác, chẳng hạn như hội chứng Cushing và suy giáp
Rối loạn điện giải, như là hạ magiê máu và hạ kali máu
Sử dụng lợi tiểu lâu dài
Nhiễm độc theophylline
Hạ phosphate máu mạn tính nặng thường là kết quả của sự cân bằng phosphat âm tính kéo dài. Nguyên nhân bao gồm
Đói hoặc kém hấp thu mạn tính, thường ở bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu, đặc biệt khi kết hợp với nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều
Đưa vào một số lượng lớn nhôm phosphate trong thời gian dài, thường là ở dạng thuốc kháng axit
Bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính tiến triển (đặc biệt là những người lọc máu), thường dùng chất gắn phosphate với các bữa ăn để giảm sự hấp thu phosphate. Việc sử dụng kéo dài các chất gắn này có thể gây ra hạ phosphate máu, đặc biệt khi kết hợp với việc giảm lượng phosphate ăn vào.
Triệu chứng và Dấu hiệu hạ phosphate máu
Mặc dù hạ phosphate máu thường không triệu chứng, chán ăn, yếu cơ, và loãng xương có thể xảy ra khi thiếu hụt mạn tính trầm trọng. Một số rối loạn thần kinh cơ nghiêm trọng có thể xảy ra, bao gồm bệnh não tiến triển, động kinh, hôn mê và tử vong. Yếu cơ do hạ phốt phát máu nặng có thể đi kèm với tiêu cơ vân, đặc biệt là trong rối loạn sử dụng rượu cấp tính.
Các rối loạn huyết học của hạ phosphate máu nhiều bao gồm thiếu máu tan máu, giảm giải phóng oxy từ Hemoglobin, giảm chức năng bạch cầu và tiểu cầu.
Chẩn đoán hạ phosphate máu
Nồng độ phosphat huyết thanh
Hạ phosphate máu được chẩn đoán bằng nồng độ phosphat huyết thanh < 2,5 mg/dL (< 0,81 mmol/L).
Hầu hết các nguyên nhân gây hạ phosphate máu (ví dụ, toan ceton đái tháo đường, bỏng, tiêu cơ vân) dễ nhận thấy.
Xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân được thực hiện khi có chỉ định lâm sàng (ví dụ, kết quả xét nghiệm gan gợi ý hoặc dấu hiệu xơ gan ở bệnh nhân nghi ngờ rối loạn sử dụng rượu).
Điều trị hạ phosphate máu
Điều trị rối loạn cơ bản
Bổ sung phosphate đường uống
Phosphate đường tĩnh mạch khi phosphate huyết thanh< 1 mg/dL (< 0,32 mmol/L hoặc triệu chứng nặng
Loại bỏ nguyên nhân của hạ phosphate máu có thể bao gồm ngừng các thuốc kháng acid gắn phosphate hoặc thuốc lợi tiểu hoặc điều chỉnh hạ magiê máu.
Điều trị đường uống
Điều trị rối loạn cơ bản và bổ sung phosphat đường uống thường là đủ cho những bệnh nhân không có triệu chứng, thậm chí khi nồng độ huyết thanh rất thấp. Có thể dùng phosphat với liều lượng lên đến khoảng 1 g, uống 3 lần một ngày dưới dạng viên nén có chứa natri phosphat hoặc kali phosphat.
Natri hoặc kali phosphat đường uống có thể dung nạp kém do tiêu chảy. Việc uống 1 lít sữa ít béo hoặc sữa không béo cung cấp 1 g phosphate và có thể chấp nhận được.
Điều trị đường tiêm
Phosphate đường tiêm thường được tiêm tĩnh mạch. Nên sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào sau đây:
Khi phosphate huyết thanh là < 1 mg/dL (< 0,32 mmol/L)
Tiêu cơ vân, tan máu, hoặc các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương hay gặp
Bổ sung đường uống là không khả thi do rối loạn cơ bản
Điều trị kali phosphat tiêm tĩnh mạch (hỗn hợp đệm của K2HPO4 và KH2PO4) tương đối an toàn khi chức năng thận bình thường. Kali phốt phát dạng tiêm truyền chứa 93 mg (3 mmol) phốt pho và 170 mg (4,4 mEq hoặc 4,4 mmol) kali mỗi mL. Liều thông thường là 0,5 mmol phospho/kg (0,17 mL/kg) tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ. Bệnh nhân lạm dụng rượu có thể cần ≥ 1 g/ngày trong dinh dưỡng tĩnh mạch; bổ sung phospho bị ngừng khi tiếp tục uống trở lại.
Nếu bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc kali huyết thanh > 4 mEq/L (> 4 mmol/L), nên dùng các chế phẩm natri phosphate; các chế phẩm này cũng chứa 3 mmol/mL phospho và do đó được cho liều tương tự.
Nồng độ canxi và phosphat trong huyết thanh cần được theo dõi trong quá trình điều trị, đặc biệt khi phosphate được tiêm tĩnh mạch hoặc cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Trong hầu hết các trường hợp, không nên quá 7 mg/kg (khoảng 500 mg đối với người trưởng thành nặng 70 kg) trong 6 giờ. Cần theo dõi chặt chẽ và tránh dùng tốc độ truyền phốt phát nhanh hơn để ngăn ngừa hạ canxi máu, tăng phốt phát máu và vôi hóa di căn do sản phẩm canxi phốt phát quá mức.
Những điểm chính
Hạ phosphate máu cấp tính thường xuất hiện ở bệnh nhân nghiện rượu, bỏng hoặc đói.
Hạ phosphate máu cấp tính nặng có thể gây ra rối loạn thần kinh cơ, tiêu cơ vân, động kinh, hôn mê và tử vong.
Hạ phosphate máu mạn tính có thể là do các rối loạn nội tiết (ví dụ như cường giáp, hội chứng Cushing, suy giáp), sử dụng lợi tiểu mạn tính, hoặc sử dụng các thuốc kháng acid có chứa nhôm ở bệnh nhân có bệnh thận mạn tính.
Hạ phosphate máu thường không có triệu chứng, nhưng thiếu hụt nặng có thể gây chán ăn, yếu cơ, và loãng xương.
Điều trị các rối loạn cơ bản, nhưng một số bệnh nhân cần bổ sung đường uống, hoặc hiếm khi, bổ sung phosphate tĩnh mạch.