Bệnh nấm do Candida (Mucocutaneous)

(Moniliasis)

TheoDenise M. Aaron, MD, Dartmouth Geisel School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2023

Bệnh nấm candida là nhiễm trùng da và niêm mạc do loài Candida, phổ biến nhất Candida albicans. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào và phổ biến nhất là ở các nếp gấp, các kẽ ngón, bộ phận sinh dục, bề mặt da, và niêm mạc miệng. Triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể thay đổi theo vị trí nhiễm. Chẩn đoán là dựa vào triệu chứng lâm sàng và cạo da soi tươi trong kali hydroxit (KOH). Điều trị bằng các chất làm khô và thuốc chống nấm.

Hầu hết các trường hợp nhiễm nấm candida đều ở da và niêm mạc, nhưng nhiễm nấm candida xâm lấn thường gặp ở những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và có thể đe dọa tính mạng.

Nấm candida toàn thân được thảo luận trong phần nấm. Candidiasis vulvovaginal được thảo luận trong phần viêm âm đạo do nấm.

Căn nguyên của bệnh nấm Candida niêm mạc da

Các loại nấm có khả năng gây bệnh bao gồm nấm da và nấm men. Candida là một nhóm khoảng 150 loài nấm men. C. albicans là nguyên nhân gây ra khoảng 70 đến 80% các trường hợp nhiễm nấm candida. Các loài quan trọng khác bao gồm C. glabrata, C. Tropicalis, C. krusei, và C. dubliniensis.

Candida là một loại nấm men phổ biến không gây hại cho da và niêm mạc, song môi trường ẩm ướt, nóng, hàng rào bảo vệ da tại chỗ và toàn thân bị suy giảm tạo môi trường nóng thuận lợi cho nấm phát triển.

Các yếu tố nguy cơ cho bệnh Candida xuất hiện bao gồm

  • Thời tiết nóng

  • Mặc quần áo chật

  • Vệ sinh kém

  • Thay tã hoặc đồ lót không thường xuyên ở trẻ em và người cao tuổi

  • Thay đổi hệ vi sinh do sử dụng kháng sinh

  • Các bệnh da viêm (ví dụ như bệnh vảy nến) xảy ra ở các nếp gấp da

  • Ức chế miễn dịch do corticosteroid và thuốc ức chế miễn dịch, mang thai, tiểu đường, các bệnh nội tiết khác (ví dụ: bệnh Cushing, suy tuyến thượng thận, suy giáp), rối loạn tạo máu, HIV/AIDS hoặc khiếm khuyết tế bào T

Bệnh nấm Candida xảy ra phổ biến nhất ở các vùng nếp kẽ, chẳng hạn như nách, háng, và nếp gấp (ví dụ, phát ban tã), các kẽ ngón, trên dương vật dương vật, và dưới nếp vú. Candida âm đạo xảy ra phổ biến ở phụ nữ. Nhiễm nấm móng và viêm quanh móng có thể phát triển sau khi làm móng tay không đúng cách và ở những người làm việc trong bếp và những người khác có bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nước (xem Bệnh nấm móng). Ở những người béo phì, nhiễm nấm candida có thể xảy ra bên dưới màng máu (nếp gấp bụng). Bệnh nấm candida miệng-họng là một trong các dấu hiệu của suy giảm miễn dịch tại chỗ hoặc toàn thân.

Bệnh Candida niêm mạc mạn tính thường ảnh hưởng đến móng, da, và miệng họng. Bệnh nhân có dị ứng da với Candida, không đáp ứng tăng sinh với các kháng thể Candida (nhưng phản ứng tăng sinh bình thường đối với các nguyên bào), và đáp ứng kháng thể bình thường với Candida và các kháng thể khác. Họ cũng bị suy giảm khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào T. Nhiễm nấm Candida niêm mạc mạn tính có thể xảy ra như một bệnh lý lặn ở thể nhiễm trùng liên quan đến suy tuyến cận giáp và bệnh Addison (hội chứng bệnh nội tiết do nấm Candida).

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh nấm Candida niêm mạc da

Viêm kẽ biểu hiện là các mảng da đỏ, ranh giới rõ, ngứa, kích thước và hình thái đa dạng; dát đỏ khó phát hiện ở những người da tối màu. Xung quanh các thương tổn ban đầu còn có thương tổn sẩn, mụn mủ.

Bệnh nấm candida hậu môn có thể có các mảng ẩm và ngứa.

Bệnh nấm candida âm hộ gây ngứa và tiết dịch (xem Viêm âm đạo do nấm).

Bệnh nấm candida âm hộ âm đạo
Dấu các chi tiết
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh nấm Candida âm hộ âm đạo bao gồm tiết dịch màu trắng và ban đỏ âm hộ.
BIOPHOTO ASSOCIATE/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Nhiễm trùng móng tay có thể ảnh hưởng tấm móng, các cạnh của móng hoặc cả hai. Nhiễm trùng Candida là nguyên nhân thường gặp của viêm quanh móng mạn tính, thể hiện như là sưng đỏ quanh đau quanh móng. Nhiễm trùng dưới móng đặc trưng bằng sự tách móng của một hoặc nhiều móng tayonycholysis, và thay đổi màu sắc thành màu trắng hoặc vàng của vùng dưới móng.

Bệnh nấm candida (Nhiễm trùng móng tay)
Dấu các chi tiết
Nhiễm trùng móng tay có thể liên quan đến độ dày đầy đủ của tấm móng (onychomycosis), các cạnh của móng (paronychia) hoặc cả hai.
Hình ảnh của CDC/Sherry Brinkman thông qua Thư viện hình ảnh y tế công cộng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Nhiễm cadida miệng-họng có các mảng trắng ở niêm mạc miệng, dễ chảy máu (xem cơ chế triệu chứng).

Tưa miệng
Dấu các chi tiết
Các mảng trắng kem có thể nhìn thấy bên trong miệng và có thể chảy máu khi cạo ra. Dấu hiệu này là điển hình của bệnh tưa miệng, nguyên nhân là do nhiễm candida.
Hình ảnh do bác sĩ Thomas Habif cung cấp

Perlèche là candida ở các góc của miệng, gây ra các vết nứt và các vết nứt nhỏ. Nó có thể xuất phát từ liếm môi kéo dài, mút ngón tay, răng giả không khớp hoặc những tình trạng khác làm cho các góc miệng đủ ẩm để nấm men phát triển.

Chốc mép
Dấu các chi tiết
Chốc mép là bệnh nấm candida ở các góc của miệng, gây ra các vết nứt nẻ và các vết nứt nhỏ.
© Springer Science+Business Media

Bệnh Candida niêm mạc mạn tính được đặc trưng bởi các mảng dày đỏ, có mụn mủ, vảy tiết, mảng bám dày giống như bệnh vảy nến, đặc biệt là ở mũi và trán, liên quan đến bệnh Candida miệng mạn tính.

Bệnh do nấm candidia (da và niêm mạc mạn tính)
Dấu các chi tiết
Bệnh nhân bị nấm candida niêm mạc mạn tính dị ứng với Candida. Chúng phát triển các mảng đỏ, mụn mủ, dày, có thể xuất hiện vảy nến. Mảng bám có thể xuất hiện trên mũi, trán và những nơi khác.
Hình ảnh của www.doctorfungus.org © 2005.

Chẩn đoán bệnh nấm Candida niêm mạc da

  • Biểu hiện lâm sàng

  • Soi tươi trong KOH

Chẩn đoán bệnh candida da niêm mạc được dựa trên biểu hiện lâm sàng và tìm thấy nấm men và giả sợi trong soi tươi KOH từ thương tổn.

Nuôi cấy đơn thuần không có giá trị chẩn đoán do Candida có trong vi hệ của cơ thể.

Điều trị bệnh nấm Candida niêm mạc da

  • Đôi khi cần sử dụng chất làm khô

  • Thuốc chống nấm tại chỗ hoặc đường uống

Nhiễm trùng kẽ da được điều trị bằng các chất làm khô khi cần thiết (ví dụ: chườm bằng dung dịch Burow trong 15 đến 20 phút đối với các tổn thương rỉ dịch) và thuốc chống nấm tại chỗ (xem bảng Các phương án điều trị nhiễm nấm nông). Các chế phẩm dạng bột cũng rất hữu ích (ví dụ bột miconazole, 2 lần/ngày, trong 2 đến 3 tuần). Fluconazole 150 mg uống mỗi tuần một lần trong 2 đến 4 tuần có thể được sử dụng để điều trị bệnh nấm candida kẽ da lan rộng; thuốc chống nấm tại chỗ có thể được sử dụng cùng một lúc.

Bảng
Bảng

Viêm da tã lót do candida được điều trị bằng cách thay tã thường xuyên hơn, sử dụng tã lót siêu thấm và bôi kem imidazole 2 lần/ngày. Nystatin đường uống là một phương án cho trẻ sơ sinh đồng mắc bệnh nấm candida miệng-họng.

VIêm quanh móng do Candida được điều trị bằng cách hạn chế ẩm ướt và thuốc kháng nấm tại chỗ hoặc đường uống. Những nhiễm trùng này thường kháng trị. Thymol 4% trong rượu được bôi cho vùng bị thương tổn 2 lần mỗi ngày thường rất hiệu quả.

Candida miệng có thể được điều trị bằng cách hòa tan 1 viên clotrimazole 10 mg trong miệng 4 đến 5 lần/ngày trong 14 ngày. Một phương án khác là hỗn dịch uống nystatin. Thuốc chống nấm toàn thân cũng có thể được sử dụng (ví dụ: fluconazole đường uống).

Candida niêm mạc mạn tính cần phải điều trị lâu dài bằng thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole.

Những điểm chính

  • Candida sống cùng vi hệ bình thường trên thể có thể trở thành căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng dưới những điều kiện nhất định (ví dụ như độ ẩm quá mức, sự thay đổi của vi hệ, vật chủ suy giảm miễn dịch).

  • Nghĩ tới bệnh nấm candida khi có các mảng ngứa, đỏ da, bong vảy ở các nếp kẽ và thương tổn ở niêm mạc, quanh móng, hoặc ở các góc miệng.

  • Nếu các dấu hiệu lâm sàng không đủ để đưa ra chẩn đoán, hãy tìm bào tử nấm men và giả sợi trên tiêu bản soi tươi KOH từ thương tổn.

  • Điều trị hầu hết các viêm kẽ do nấm Candida bằng chất làm khô và thuốc kháng nấm tại chỗ.

  • Điều trị viêm da tã lót bằng cách thay tã lót thường xuyên, sử dụng tã lót siêu thấm dùng một lần và kem imidazole.

  • Điều trị bệnh nấm candida miệng bằng clotrimazole, nystatin, hoặc thuốc chống nấm đường uống.