Máu toàn phần làm cải thiện khả năng vận chuyển oxy, tăng thể tích và thay thế các yếu tố đông máu và trước đây được sử dụng khi mất máu nhanh chóng. Tuy nhiên, do liệu pháp thành phần có hiệu quả như nhau trong hầu hết các trường hợp và là cách sử dụng máu hiến tặng hiệu quả hơn nên việc truyền máu toàn phần đã không được áp dụng ở Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Độ chuẩn thấp (đối với nhóm máu O kháng A) hiện đang ngày càng được sử dụng để hồi sức chấn thương như một nhóm máu phổ quát dựa trên dữ liệu cho thấy thời gian sống thêm được cải thiện khi so sánh với liệu pháp thành phần (1).
Tế bào hồng cầu (RBC)
Khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ từ 1 đến 6°C trong tối đa 42 ngày. Khối hồng cầu là thành phần được lựa chọn để tăng huyết sắc tố (Hb) ở bệnh nhân thiếu máu. Chỉ định phụ thuộc vào bệnh nhân. Khả năng mang oxy có thể phù hợp với nồng độ Hb ở mức 7 g/dL (70 g/L) ở những bệnh nhân khoẻ, tuy nhiên với những bệnh nhân tim mạch hoặc đang chảy máu có thể truyền ở mức Hb cao hơn. Một đơn vị hồng cầu làm tăng Hb trung bình của người trưởng thành khoảng 1 g/dL (10 g/L) và hematocrit (Hct) khoảng 3%, cao hơn giá trị trước khi truyền. Khi chỉ cần tăng thể tích, có thể sử dụng các loại dịch khác đồng thời hoặc thời điểm khác. Ở những bệnh nhân có nhiều kháng thể nhóm máu hoặc có kháng thể với kháng nguyên RBC tần suất lớn, những RBC có kiểu hình hiếm của kháng nguyên sẽ được sử dụng và thường được bảo quản đông lạnh.
Hồng cầu rửa không bị lẫn huyết tương, bạch cầu và tiểu cầu. Chúng thường được dùng cho những bệnh nhân có phản ứng nặng với huyết tương (ví dụ: dị ứng nặng, đái hemoglobin kịch phát ban đêm, miễn dịch IgA). Ở những bệnh nhân tạo miễn dịch với IgA, thích hợp nhất là truyền máu thu gòm từ người cho thiếu IgA.
RBC có suy giảm WBC (RBC bị giảm bạch cầu) được chuẩn bị với các bộ lọc đặc biệt giúp loại bỏ ≥ 99,99% bạch cầu. Chúng được chỉ định cho những bệnh nhân đã bị các phản ứng truyền máu do sốt không tan máu, để truyền máu trao đổi, cho những bệnh nhân cần máu âm tính với cytomegalovirus mà không có sẵn, và có thể để ngăn ngừa sự miễn dịch đồng loại của kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) để giúp ngăn ngừa tình trạng trơ với truyền tiểu cầu (không đạt được mức tiểu cầu mục tiêu sau khi truyền tiểu cầu).
Huyết tương tươi đông lạnh
Huyết tương tươi đông lạnh (FFP) là một nguồn không cô đặc của tất cả các yếu tố đông máu và không có tiểu cầu. FFP được bảo quản ở -18°C trong tối đa 1 năm. Các chỉ định bao gồm điều trị chảy máu do rối loạn đông máu thứ phát do thiếu hụt yếu tố đông máu mà không có yếu tố thay thế cụ thể hoặc do tình trạng thiếu hụt đa yếu tố (ví dụ: truyền máu số lượng lớn, đông máu nội mạch lan tỏa [DIC], suy gan). FFP chỉ được sử dụng để hóa giải warfarin khẩn cấp khi không có sẵn phức hợp 4 yếu tố-protrombin (4F-PCC là lựa chọn đầu tiên). FFP không hiệu quả trong việc kiểm soát chảy máu do thuốc ức chế yếu tố Xa trực tiếp hoặc thuốc ức chế thrombin trực tiếp. FFP có thể bổ sung vào khối hồng cầu khi không có máu toàn phần để truyền thay máu trẻ sơ sinh. FFP không nên được sử dụng đơn giản chỉ để tăng thể tích hoặc điều chỉnh rối loạn đông máu nhẹ đến trung bình trước khi thực hiện các thủ thuật ngoại khoa, đặc biệt là ở những bệnh nhân xơ gan không chảy máu, vì các khiếm khuyết đông máu có thể không được điều chỉnh và có nguy cơ huyết tương bổ sung sẽ làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa và thúc đẩy chảy máu.
Huyết tương bất hoạt mầm bệnh thu được bằng cách sử dụng phương pháp tẩy rửa dung môi có sẵn để tránh lây truyền gần như tất cả các mầm bệnh. Huyết tương hồi phục đã được sử dụng trong thời gian dịch Ebola và cúm H1N1.
Tủa lạnh
Cryoprecipitate là một loại thuốc cô đặc được điều chế từ FFP và cũng được bảo quản ở -18°C. Mỗi chất cô đặc thường chứa khoảng 80 đơn vị mỗi yếu tố VIII và yếu tố von Willebrand và khoảng 250 mg fibrinogen. Thuốc cũng chứa ADAMTS13 (một loại enzyme bị thiếu ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bẩm sinh) và yếu tố XIII. Mặc dù ban đầu được sử dụng cho bệnh ưa chảy máu và bệnh von Willebrand, chất kết tủa lạnh hiện được sử dụng làm nguồn cung cấp fibrinogen trong DIC cấp tính kèm chảy máu, điều trị chảy máu do ure huyết, phẫu thuật tim ngực (keo fibrin), cấp cứu sản khoa như nhau bong non và hội chứng HELLP (tan máu, tăng men gan và số lượng tiểu cầu thấp) và thiếu hụt yếu tố XIII hiếm gặp khi không có sẵn yếu tố đông máu XIII ở người. Nói chung, không nên được sử dụng cho các chỉ định khác. Hiện có sẵn một loại kết tủa lạnh gộp bất hoạt mầm bệnh có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp fibrinogen. Chất này có ưu điểm là có thể rã đông và bảo quản ở nhiệt độ phòng tối đa 5 ngày, không giống như kết tủa lạnh tiêu chuẩn cần rã đông ở -18° C và sử dụng trong vòng 4 tiếng.
Các bạch cầu
Có thể truyền khối bạch cầu hạt khi nhiễm trùng xảy ra dai dẳng ở bệnh nhân có giảm bạch cầu trung tính (bạch cầu trung tính < 500/mcL [0,5 × 109/L]) là người không đáp ứng với kháng sinh. Bạch cầu hạt được bảo quản ở nhiệt độ phòng và phải được cho dùng trong vòng 24 tiếng sau khi thu hoạch; tuy nhiên, xét nghiệm HIV, viêm gan, vi rút hướng bạch huyết tế bào T ở người và bệnh giang mai có thể không được hoàn tất trước khi truyền. Do liệu pháp kháng sinh được cải tiến và các loại thuốc kích thích sản xuất bạch cầu hạt trong quá trình hóa trị nên bạch cầu hạt hiếm khi được sử dụng.
Globulin miễn dịch
Globulin miễn dịch Rh (RhIg), tiêm bắp hoặc tĩnh mạch ngăn ngừa sự phát triển của các kháng thể Rh của người mẹ có thể là kết quả từ truyền máu thai sang mẹ. Liều chuẩn của RhIg là tiêm bắp (300 mcg) cho người mẹ Rh âm tính ngay sau khi sẩy thai hoặc sinh con (sống hoặc chết) trừ khi trẻ sơ sinh Rho(D) và Du âm tính hoặc huyết thanh của người mẹ đã có chứa kháng Rho(D). Nếu lượng truyền máu từ thai sang mẹ > 30 mL, cần liều lớn hơn. Nếu nghi ngờ về khối lượng, việc kiểm tra thể tích máu truyền từ con sang mẹ bằng xét nghiệm hoa hồng sàng lọc, nếu dương tính, tiếp tục làm xét nghiệm định lượng (ví dụ, xét nghiệm Kleihauer-Betke).
RhIg cũng được sử dụng để điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP), trong trường hợp này được tiêm tĩnh mạch.
Các globulin miễn dịch khác có sẵn để dự phòng sau phơi nhiễm cho các bệnh nhân tiếp xúc với một số tác nhân truyền nhiễm, bao gồm cytomegalovirus, viêm gan A, viêm gan B, sởi, bệnh dại, vi-rút hợp bào hô hấp, rubella, uốn ván, đậu mùa, và thủy đậu (về sử dụng, xem phần bệnh cụ thể).
Tiểu cầu
Sử dụng khối tiểu cầu tập trung
Để ngăn ngừa chảy máu trong giảm tiểu cầu nặng không có triệu chứng (số lượng tiểu cầu < 5.000 đến 10.000/mcL [<5 × 109/L đến 10 × 109/L])
Đối với bệnh nhân bị chảy máu có giảm tiểu cầu ít nghiêm trọng hơn (số lượng tiểu cầu < 50.000/mcL [< 50 × 109/L])
Đối với bệnh nhân bị chảy máu do rối loạn chức năng tiểu cầu do dùng thuốc kháng tiểu cầu (trừ aspirin) nhưng có số lượng tiểu cầu bình thường
Đối với những bệnh nhân được truyền máu khối lượng lớn gây giảm tiểu cầu do pha loãng
Khối tiểu cầu tập trung cũng đôi khi được sử dụng trước khi phẫu thuật xâm lấn, đặc biệt với tuần hoàn ngoài cơ thể trong > 2 giờ (thường làm cho rối loạn chức năng tiểu cầu). Một đơn vị cô đặc tiểu cầu làm tăng số lượng tiểu cầu khoảng 10.000/mcL (10 × 109/L) và đạt được khả năng cầm máu đầy đủ với số lượng tiểu cầu khoảng 10.000/mcL (10 × 109/L) ở bệnh nhân không có tình trạng biến chứng, và khoảng 50.000/mcL (50 × 109/L) đối với những người được phẫu thuật. Do đó, khối tiểu cầu tập trung ở từ 4 đến 5 đơn vị máu toàn phần thường được sử dụng ở người lớn.
Cô đặc tiểu cầu thường được chuẩn bị bằng các thiết bị tự động thu tiểu cầu và trả lại các thành phần không cần thiết (ví dụ: hồng cầu, huyết tương) cho người hiến. Phương pháp này được gọi là tách tiểu cầu, sẽ cung cấp đủ tiểu cầu từ một người cho (tương đương 4 đến 5 đơn vị tiểu cầu) để truyền cho người lớn, vì nó làm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm và gây miễn dịch, nên được ưa chuộng hơn đối với việc truyền của nhiều người cho trong một số điều kiện nhất định.
Một số bệnh nhân có thể không đáp ứng với việc truyền tiểu cầu (gọi là thể dai dẳng), có thể do hấp thu lách, tiêu thụ tiểu cầu do đông máu nội mạch rảu rác, hoặc bị phá hủy do tạo miễn dịch đồng loài với HLA hoặc kháng nguyên tiểu cầu (sự phá huỷ qua trung gian miễn dịch). Nếu bệnh nhân truyền không hiệu quả, càn làm các xét nghiệm về miễn dịch đồng loài nếu có thể. Bệnh nhân có sự phá hủy trung gian miễn dịch có thể đáp ứng với khối tiểu cầu pool (được tổng hợp từ nhiều đơn vị máu toàn phần do đó có thể có đơn vị hòa hợp HLA), khối tiểu cầu từ các thành viên trong gia đình, hoặc hòa hợp HLA và ABO. Có thể giảm sự tạo miễn dịch đồng loài với HLA băng truyền khối tiểu cầu nghèo hồng cầu bạch cầu.
Các tiểu cầu bất hoạt mầm bệnh, bất hoạt bằng cách sử dụng một hóa chất (amotosalen), cũng có sẵn để sử dụng lâm sàng. Hầu hết tiểu cầu được bảo quản ở 20°C đến 22°C trong tối đa 5 ngày đến 7 ngày. Tiểu cầu cũng có thể được bảo quản ở 1°C đến 6°C trong tối đa 14 ngày. Trong quá trình bảo quản lạnh, tiểu cầu được kích hoạt một phần và do đó, chức năng cầm máu nhiều hơn tiểu cầu dự trữ nhiệt độ phòng; do đó, tiểu cầu dự trữ lạnh được sử dụng trong quá trình phẫu thuật hoặc ở bệnh nhân bị chảy máu.
Các sản phẩm khác
Các sản phẩm máu được chiếu xạ được sử dụng để ngăn ngừa bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ ở những bệnh nhân có nguy cơ.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển chất thay thế máu bằng cách sử dụng các chất hóa học trơ (ví dụ perfluorocarbons) hoặc các dung dịch hemoglobin để mang và đưa oxy đến các mô. Mặc dù các chất thay thế hemoglobin có khả năng chuyển oxy tới các mô trong trường hợp khẩn cấp, nhưng một số thử nghiệm lâm sàng không thành công do tăng tử vong và các tác dụng phụ độc tính lên tim mạch (ví dụ, hạ huyết áp). Các nỗ lực tái tạo các tiểu cầu và hồng cầu từ các nguồn tế bào gốc khác nhau đang được tiến hành.
Các tế bào gốc tạo máu tự thân hoặc đồng loài có thể được truyền như là một cách tái tạo chức năng tạo máu (đặc biệt là chức năng miễn dịch) ở những bệnh nhân đang điều trị ức chế tủy hay độc tủy).
Tài liệu tham khảo
1. McCoy CC, Brenner M, Duchesne J, et al. Back to the Future: Whole Blood Resuscitation of the Severely Injured Trauma Patient. Shock 2021;56(1S):9-15. doi:10.1097/SHK.0000000000001685