Đau đầu theo dạng đau thần kinh một bên kéo dài trong thời gian ngắn kèm theo xung huyết và chảy nước mắt (SUNCT) và đau đầu theo dạng đau thần kinh một bên kéo dài trong thời gian ngắn (SUNA) là những rối loạn đau đầu hiếm gặp, đặc trưng bởi các cơn đau đầu một bên cực kỳ thường xuyên và kích hoạt hệ thần kinh thực vật.
(Xem thêm Cách tiếp cận với Bệnh nhân đau đầu.)
SUNCT, giống như đau đầu chùm, là một chứng đau đầu nguyên phát được đặc trưng bởi đau đầu một bên, trong khu vực chi phối của dây tam thoa và có các biểu hiện thần kinh thực vật. Như vậy, SUNCT và đau đầu chùm đôi khi được xếp vào cùng nhóm với nhau như là chứng đau đầu có đau thần kinh tam thoa kèm rối loạn thần kinh thực vật.
Các cơn đau đầu ngắn dạng thần kinh, một bên, có các triệu chứng thần kinh thực vật ở sọ (SUNA) tương tự như SUNCT, nhưng các biểu hiện thần kinh thực vật bao gồm xung huyết kết mạc và chảy nước mắt, nhưng không phải cả hai biểu hiện này. Các biểu hiện khác của SUNCT và SUNA cũng tương tự. SUNCT và SUNA được coi là các cơn đau đầu ngắn dạng thần kinh, một bên.
Trong SUNCT, các cơn đau kịch phát thường ở quanh ổ mắt, tần suất rất dày (lên đến 200 cơn/ngày), và kéo dài từ 5 đến 250 giây. Xung huyết kết mạc thường là triệu chứng thực vật nổi bật nhất; chảy nước mắt cũng có thể biểu hiện rõ.
Chẩn đoán SUNCT
Đánh giá lâm sàng
Chẩn đoán SUNCT là chẩn đoán lâm sàng. MRI hoặc CT được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân có thể khác như u tuyến yên
Đau đầu do đau thần kinh một bên thời gian ngắn kèm sung huyết kết mạc và chảy nước mắt (SUNCT) nên được phân biệt với đau dây thần kinh tam thoa, chứng đau với các triệu chứng tương tự; SUNCT khác ở chỗ
Nó không có giai đoạn kháng.
Đau xảy ra chủ yếu ở phần liên quan đến thị giác của dây thần kinh tam thoa.
Các cơn đau đầu không được kích hoạt bởi kích thích trên da.
Indomethacin không làm giảm các triệu chứng, như trong các chứng đau đầu khác.
Điều trị SUNCT
Để chấm dứt một chu kỳ của các cơn đau cấp tính, dùng lidocain đường tĩnh mạch.
Để phòng ngừa, các thuốc chống co giật và/hoặc kích thích hoặc phong bế dây thần kinh chẩm.
Điều trị SUNCT có thể bao gồm dùng lidocain theo đường tĩnh mạch để chấm dứt chu kỳ của các cơn đau cấp tính và, để phòng ngừa, dùng các thuốc chống co giật (ví dụ: lamotrigine, topiramate, gabapentin) và phong bế dây thần kinh chẩm (ví dụ: bằng hỗn hợp lidocain và methylprednisolone) hoặc kích thích dây thần kinh chẩm.
Trong một thử nghiệm lâm sàng, lidocain theo đường tĩnh mạch có thể chấm dứt chu kỳ của các cơn đau cấp tính ở hầu hết bệnh nhân khi được dùng trong 7 đến 10 ngày (1). Đây là phương pháp điều trị thành công nhất, tiếp theo là lamotrigine, sau đó là oxcarbazepine.
Tài liệu tham khảo
1. Lambru G, Stubberud A, Rantell K, et al: Medical treatment of SUNCT and SUNA: A prospective open-label study including single-arm meta-analysis. J Neurol Neurosurg Psychiatry 92 (3):233–241, 2021 doi: 10.1136/jnnp-2020-323999 Ấn bản điện tử ngày 24 tháng 12 năm 2020.