Phục hồi chức năng tim mạch

TheoZacharia Isaac, MD, Brigham and Women's Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

    Phục hồi chức năng tim mạch có thể mang lại lợi ích cho một số bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành hoặc suy tim hoặc những người vừa bị nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, đặc biệt là những người có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập và đi lại trước sự kiện. Phục hồi chức năng tim mạch nhằm mục đích giúp bệnh nhân duy trì hoặc lấy lại sự độc lập. (Xem thêm Tổng quan về Phục hồi chức năng.)

    Thông thường, phục hồi chức năng khởi đầu với cường độ nhẹ và tăng dần tùy theo từng cá nhân; tình trạng bệnh nhân thường được theo dõi qua điện tâm đồ. Những bệnh nhân có nguy cơ cao chỉ nên tập luyện tại cơ sở phục hồi chức năng tim mạch được trang bị đầy đủ, dưới sự giám sát của một người chăm sóc đã qua đào tạo.

    Khi bệnh nhân có thể bắt đầu tập luyện, họ di chuyển bằng xe lăn đến phòng tập vận động trị liệu trong bệnh viện. Các bài có thể bao gồm đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe trên máy tập. Khi bệnh nhân dung nạp tốt các bài tập này, họ tiếp tục tập leo cầu thang. Nếu có biểu hiện khó thở, chóng mặt hoặc đau ngực xảy ra khi tập luyện, cần lập tức dừng tập luyện và đánh giá lại các thông số tim mạch. Trước khi xuất viện, cần đánh giá lại bệnh nhân nhằm đưa ra chương trình phục hồi chức năng hoặc chương trình tập luyện thích hợp.

    Hoạt động thể chất được đo bằng đương lượng trao đổi chất (MET), là bội số của tốc độ tiêu thụ oxy khi nghỉ; 1 MET (tỷ lệ lúc nghỉ ngơi) tương đương với khoảng 3,5 mL/kg/phút O2 (xem bảng Các bài tập về độ bền và nhu cầu trao đổi chất của các bài tập đó). Các hoạt động làm việc và sinh hoạt bình thường (trừ các hoạt động giải trí) hiếm khi vượt quá 6 MET. Các loại việc nhà từ mức độ nhẹ đến trung bình là khoảng từ 2 đến 4 METs; ở mức độ nặng, hoặc công việc làm vườn là khoảng 5-6 MET.

    Đối với bệnh nhân nội trú, hoạt động thể lực nên được kiểm soát để nhịp tim vẫn ở mức < 60% nhịp tim tối đa cho độ tuổi đó (khoảng 160 lần/phút đối với người ở tuổi 60); đối với bệnh tại nhà, nhịp tim nên ở mức < 70% nhịp tim tối đa.

    Đối với những bệnh nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim không biến chứng, có thể thực hiện nghiệm pháp gắng sức 2 MET để đánh giá các đáp ứng ngay khi bệnh nhân ổn định. Nên tiến hành bài kiểm tra thể lực ở mức 4-5 MET trước khi xuất viện, nhằm giúp định hướng các hoạt động tại nhà. Những bệnh nhân có thể chịu đựng nghiệm pháp gắng sức 5 MET trong 6 phút có thể thực hiện các hoạt động cường độ thấp (ví dụ: làm việc nhà nhẹ) một cách an toàn sau khi xuất viện nếu họ nghỉ ngơi đầy đủ giữa mỗi hoạt động.

    Việc hạn chế quá mức các hoạt động là không cần thiết và bất lợi cho quá trình phục hồi chức năng. Bác sĩ và các thành viên khác của nhóm phục hồi chức năng cần giải thích cho bệnh nhân rằng, họ có thể và không thể thực hiện các hoạt động nào, đồng thời có sự hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Khi xuất viện, nên cung cấp cho bệnh nhân chương trình hoạt động tại nhà chi tiết. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi có thể được khuyến khích tiếp tục sinh hoạt tình dục, nhưng họ cần dừng lại và nghỉ ngơi nếu cần, nhằm tránh tình trạng gắng sức quá mức. Các cặp vợ chồng trẻ có thể sử dụng từ 5 đến 6 METs trong quá trình giao hợp; nhưng con số này là vẫn chưa rõ ở các cặp vợ chồng già.

    Bảng
    Bảng