Rối loạn triệu chứng cơ thể

Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 8 2022

Rối loạn triệu chứng cơ thể được đặc trưng bởi nhiều phàn nàn dai dẳng về cơ thể mà có liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác và hành vi thái quá và không thích hợp về những triệu chứng đó. Các triệu chứng đó không phải được tạo ra một cách chủ ý hoặc giả mạo và có thể hoặc không thể đi kèm với bệnh lý cơ thể đã biết. Chẩn đoán được dựa trên tiền sử của bệnh nhân và thỉnh thoảng từ các thành viên trong gia đình. Điều trị tập trung vào việc thiết lập một mối quan hệ bác sĩ-bệnh nhân lâu dài, hỗ trợ để tránh bệnh nhân tìm đến với các xét nghiệm chẩn đoán và liệu pháp điều trị không cần thiết.

(Xem thêm Tổng quan về Cơ thể hóa.)

Một số rối loạn cơ thể khác biệt trước đây -rối loạn cơ thể hóa, rối loạn dạng cơ thể không biệt định, rối loạn lo âu bệnh tật và rối loạn đau dạng cơ thể - bây giờ được coi là các rối loạn triệu chứng cơ thể. Tất cả đều có các đặc điểm chung, bao gồm sự cơ thể hóa - các hiện tượng tâm thần biểu hiện như các triệu chứng thể chất (cơ thể).

Các triệu chứng có thể hoặc không thể liên quan đến một vấn đề bệnh lý khác; các triệu chứng không còn phải yêu cầu việc không thể giải thích về mặt lâm sàng nữa, mà rối loạn được đặc trưng bởi bệnh nhân có những suy nghĩ, cảm xúc và mối quan ngại quá mức về chúng. Đôi khi các triệu chứng là cảm giác cơ thể bình thường hoặc khó chịu mà không biểu hiện một rối loạn nghiêm trọng.

Bệnh nhân thường không biết về vấn đề tâm thần tiềm ẩn của họ và tin rằng họ mắc bệnh thể chất, vì vậy họ thường tiếp tục gây áp lực với bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm và điều trị bổ sung hoặc lặp lại ngay cả sau khi kết quả của một đánh giá rất kỹ là âm tính.

Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn triệu chứng cơ thể soma

Các than phiền thường xuyên về cơ thể thường bắt đầu trước 30 tuổi; hầu hết bệnh nhân đều có nhiều triệu chứng về thể chất, nhưng một số chỉ có một triệu chứng nghiêm trọng, điển hình là đau. Mức độ nghiêm trọng có thể dao động, nhưng các triệu chứng vẫn tồn tại và hiếm khi thuyên giảm với bất kỳ giai đoạn nào. Bản thân những triệu chứng hoặc sự lo lắng quá mức về chúng phiền nhiễu hoặc phá hoại cuộc sống hàng ngày. Một số bệnh nhân trở nên trầm cảm một cách rõ rệt.

Khi rối loạn triệu chứng cơ thể đi kèm với rối loạn bệnh lý khác, bệnh nhân thường phản ứng quá mức với những ý nghĩa bên dưới của rối loạn bệnh lý; ví dụ như những bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục thể chất từ một đợt nhồi máu cơ tim (MI) không biến chứng có thể tiếp tục hành xử như những người thương tật hoặc không ngừng lo lắng về việc mắc phải một chứng bệnh tiểu đường khác.

Cho dù có hay không các triệu chứng có liên quan đến rối loạn bệnh lý khác, bệnh nhân lo lắng quá nhiều về các triệu chứng và có thể có những hậu quả thảm khốc và rất khó để trấn an. Những nỗ lực trấn an thường được diễn giải là bác sĩ không đánh giá các triệu chứng của họ một cách nghiêm túc.

Các mối quan tâm về sức khỏe thường có vai trò trung tâm và đôi khi bệnh nhân phải tiêu tốn nhiều thời gian trong cuộc sống. Bệnh nhân rất lo lắng về sức khỏe của họ và thường có vẻ như nhạy cảm bất thường với các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bất kỳ bộ phận cơ thể nào cũng có thể bị ảnh hưởng, và các triệu chứng cụ thể và tần suất của chúng khác nhau giữa các nền văn hoá.

Bất kể biểu hiện như thế nào, bản chất của rối loạn triệu chứng cơ thể là suy nghĩ, cảm xúc hoặc hành vi quá mức hoặc không thích ứng của bệnh nhân trong việc đáp ứng với các triệu chứng.

Bệnh nhân có thể trở nên phụ thuộc vào người khác, yêu cầu giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần và trở nên tức giận khi họ cảm thấy nhu cầu của họ không được đáp ứng. Họ cũng có thể đe dọa hoặc cố gắng tự sát. Thường không hài lòng với chăm sóc y tế, họ thường đi từ bác sĩ này sang bác sĩ khác hoặc tìm kiếm sự điều trị của một số bác sĩ đồng thời.

Cường độ và sự dai dẳng của các triệu chứng có thể phản ánh một mong muốn mạnh mẽ để được chăm sóc. Các triệu chứng có thể giúp bệnh nhân tránh được những trách nhiệm nhưng cũng có thể cản trở những niềm vui và hoạt động như một sự trừng phạt, điều đó gợi ý những cảm giác nằm bên dưới như cảm giác không xứng đáng và tội lỗi.

Chẩn đoán rối loạn triệu chứng cơ thể

  • Tiêu chuẩn lâm sàng thông thường

Các triệu chứng phải gây lo lắng hoặc tổn hại cuộc sống hàng ngày trong > 6 tháng và liên quan đến ít nhất một trong những điều sau đây:

  • Những suy nghĩ không cân xứng và liên tục về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

  • Sự lo lắng liên tục về sức khỏe hoặc các triệu chứng

  • Dành quá nhiều thời gian và sức lực vào bận tâm các triệu chứng hoặc sức khỏe

Trong lần đầu gặp, các bác sĩ có một bệnh sử sâu (đôi khi trao đổi với các thành viên trong gia đình) và thực hiện một thăm khám kỹ lưỡng và thường xuyên kiểm tra để xác định liệu một chứng rối loạn về thể chất có phải là nguyên nhân hay không. Vì bệnh nhân rối loạn triệu chứng cơ thể sau đó có thể phát triển các rối loạn thể chất đồng thời, việc thăm khám và làm các xét nghiệm phù hợp cũng cần được thực hiện khi mà các triệu chứng thay đổi một cách đáng kể hoặc những dấu hiệu khách quan phát triển. Tuy nhiên, một khi rối loạn bệnh lý đã được loại trừ rõ ràng hoặc rối loạn nhẹ đã được xác định và điều trị, bác sĩ nên tránh lặp lại các xét nghiệm; bệnh nhân ít khi được bảo đảm bởi kết quả xét nghiệm âm tính và có thể diễn giải việc tiếp tục làm các xét nghiệm như là để khẳng định rằng bác sĩ không chắc chẩn đoán là lành tính.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Bởi vì bệnh nhân rối loạn triệu chứng cơ thể sau đó có thể xuất hiện đồng thời các rối loạn thực thể, nên khám và xét nghiệm thích hợp khi các triệu chứng thay đổi đáng kể hoặc khi có các dấu hiệu khách quan.

Rối loạn lo âu về bệnh tật có biểu hiện tương tự ngoại trừ các triệu chứng thể chất là vắng mặt hoặc tối thiểu. Rối loạn triệu chứng cơ thể được phân biệt với rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn triệu chứng thần kinh chức năng, và trầm cảm chủ yếu bởi sự nổi bật, tính đa dạng và tính dai dẳng của các triệu chứng cơ thể và kèm theo những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi quá mức.

Điều trị rối loạn triệu chứng cơ thể

  • Liệu pháp nhận thức-hành vi

Bệnh nhân, ngay cả những người có mối quan hệ thỏa đáng với bác sĩ chính, thường được giới thiệu đến bác sĩ tâm thần. Điều trị dược lý rối loạn tâm thần đồng diễn có thể có ích (ví dụ, trầm cảm); tuy nhiên, can thiệp chủ yếu là liệu pháp tâm lý, đặc biệt là liệu pháp nhận thức hành vi.

Bệnh nhân cũng được hưởng lợi từ việc có mối quan hệ hỗ trợ với bác sĩ chăm sóc chính, người điều phối tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ, giúp giảm triệu chứng, thường xuyên gặp họ và tránh cho họ khỏi các xét nghiệm và thủ thuật không cần thiết.