Loạn dục thích đau là cố ý tham gia vào một hoạt động liên quan đến việc bị làm nhục, bị đánh đập, bị bó buộc, hoặc bị lạm dụng để trải nghiệm sự phấn khích tình dục. Rối loạn khổ dâm được chẩn đoán khi bệnh nhân bị kích thích tình dục mãnh liệt, tái diễn từ những hoạt động này nhưng đồng thời cũng có biểu hiện đau khổ hoặc suy giảm chức năng đáng kể về mặt lâm sàng.
Khổ dâm là một dạng lệch lạc tình dục, nhưng hầu hết những người có sở thích khổ dâm không đáp ứng các tiêu chuẩn lâm sàng về rối loạn lệch lạc tình dục, một tình trạng đòi hỏi hành vi, tưởng tượng hoặc sự thôi thúc mãnh liệt của người đó dẫn đến đau khổ hoặc suy yếu đáng kể về mặt lâm sàng. Tình trạng này cũng phải kéo dài ≥ 6 tháng.
Những người mắc chứng khổ dâm tình dục thường công khai thừa nhận việc quan tâm hoặc tham gia của họ vào các hoạt động tình dục khổ dâm. Thuật ngữ BDSM (trói buộc-thống trị-bạo dâm-khổ dâm) là một thuật ngữ mô tả bao quát bao gồm những người bạo dâm tình dục đáp ứng hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán rối loạn khổ dâm.
Tỷ lệ hiện mắc của rối loạn khổ dâm vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, một báo cáo dữ liệu duy nhất từ một cuộc khảo sát qua điện thoại ở Úc từ 2001 đến 2002 cho thấy 2,2% số nam giới và 1,3% số nữ giới cho biết có liên quan đến các hành vi BDSM trong 12 tháng trước đó (1).
Những tưởng tượng và hành vi tình dục gây đau giữa những người trưởng thành đồng thuận là rất phổ biến. Hoạt động tình dục thích đau có xu hướng bị nghi thức hóa và tồn tại lâu dài. Đối với hầu hết những người tham gia (tương tự như hầu hết các sở thích lệch lạc tình dục khác), hành vi sỉ nhục và đánh đập chỉ đơn giản là diễn ra; những người tham gia biết rằng đây là một trò chơi và cẩn thận tránh sự sỉ nhục hoặc tổn thương thực sự, thường thông qua việc sử dụng "từ an toàn" đã được thương lượng trước. Tuy nhiên, một số người bị khổ dâm làm tăng mức độ nặng của hoạt động của họ theo thời gian và có thể ngừng sử dụng từ an toàn để bảo vệ bản thân, điều này có thể dẫn đến thương tổn nghiêm trọng hoặc tử vong.
Đối với những người tham gia vào các hoạt động khổ dâm, đây có thể là phương thức được ưa thích hoặc độc chiếm để tạo ra hưng phấn tình dục. Mọi người có thể hành động theo tưởng tượng tình dục thích đau hướng vào bản thân mình – ví dụ:
Tự buộc mình
Tự châm vào da của mình
Giật điện
Tự đốt cháy
Tự ngạt thở khi thủ dâm (loạn dục tự gây ngạt)
Hoặc họ có thể tìm kiếm một bạn tình có thể là một người loạn dục gây đau. Các hoạt động với bạn tình có thể bao gồm:
Buộc mình
Bịt mắt
Đánh vào mông
Đánh bằng roi (đánh)
Bị sỉ nhục bằng cách bị đi tiểu hoặc đi ngoài lên người
Buộc phải mặc đồ khác giới
Bị ép buộc quan hệ tình dục
Tự gây ngạt một phần, thường là lúc đạt cực khoái
Thủ dâm tự gây ngạt (loạn dục tự gây ngạt)
Loạn dục tự gây ngạt được coi là một dưới nhóm của rối loạn loạn dục thích đau. Là một phần của quá trình chẩn đoán, bác sĩ lâm sàng nên lưu ý xem hành vi này là "có" hay "không có".
Trong rối loạn này, mọi người hạn chế thở (tự gây ngạt một phần) – hoặc cho phép bạn tình làm như vậy – vào hoặc gần thời điểm đạt cực khoái để nâng cao trải nghiệm tình dục chứ không phải là cách để làm hại bản thân. Thông thường, những người này sử dụng các sản phẩm y phục (ví dụ, khăn quàng cổ, đồ lót) như một dây buộc để tự gây ngạt. Các dây buộc thường bị treo lơ lửng trên một đồ vật trong phòng (ví dụ, tay nắm cửa, cột giường).
Mất ý thức có thể xảy ra nhanh chóng do sự tắc nghẽn tĩnh mạch từ não làm giảm tưới máu não, ngay cả trước khi tình trạng thiếu oxy và tăng các bon đã trở nên đáng kể. Những người tự gây ngạt theo cách này mà dây buộc không bị nới lỏng ra nếu họ mất ý thức có thể vô tình gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Tài liệu tham khảo chung
1. Richters J, Grulich AE, de Visser RO, et al: Sex in Australia: Autoerotic, esoteric and other sexual practices engaged in by a representative sample of adults. Aust N Z J Public Health 27(2):180-190, 2003. doi: 10.1111/j.1467-842x.2003.tb00806.x
Chẩn đoán rối loạn khổ dâm
Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần, ấn bản lần thứ Năm, sửa đổi nội dung (DSM-5-TR)
Các tiêu chuẩn lâm sàng cụ thể như sau (1):
Bệnh nhân bị kích thích tình dục mãnh liệt và thường xuyên do hành động bị sỉ nhục, đánh đập, trói buộc hoặc chịu đựng đau khổ. Kích thích này được thể hiện bằng những tưởng tượng, sự thôi thúc mãnh liệt hoặc hành vi.
Những tưởng tượng, sự thôi thúc hoặc hành vi mãnh liệt của họ gây ra đau khổ đáng kể hoặc suy giảm chức năng tại nơi làm việc, trong các tình huống xã hội hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống.
Tình trạng này kéo dài ≥ 6 tháng.
Bác sĩ lâm sàng phải xác định liệu
Loạn dục tự gây ngạt có hay không
Bệnh nhân đang sống trong một môi trường được kiểm soát (nơi khó có thể thực hiện các hành vi khổ dâm)
Bệnh nhân đã thuyên giảm hoàn toàn (nghĩa là đã trải qua ít nhất 5 năm mà không bị đau khổ/suy chức năng trong môi trường không được kiểm soát)
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition,Text Revision (DSM-5-TR). American Psychiatric Association Publishing, Washington, DC.
Điều trị rối loạn khổ dâm
Liệu pháp nhận thức-hành vi
Liệu pháp kháng androgen
Việc điều trị khổ dâm là không cần thiết nếu cá nhân đó không có biểu hiện đau khổ hoặc suy yếu chức năng đáng kể về mặt lâm sàng. Mặc dù có rất ít nghiên cứu lớn, nhưng đối với những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn khổ dâm, sự kết hợp giữa liệu pháp nhận thức-hành vi và phương pháp điều trị bằng thuốc kháng androgen dường như có hiệu quả nhất (1).
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Lykins A, Hucker SJ: Treatment of sexual masochism. In Case Studies in Sexual Deviance: Toward Evidence-Based Practice, edited by T Downhiller, Routledge/Taylor & Francis Group, 2014, pp. 102–116.