Các dị vật trực tràng thường được đưa vào trực tràng nhưng cũng có thể do nuốt phải. Đau đột ngột và dữ dội trong lúc đi vệ sinh có thể do dị vật đâm vào thành trực tràng. Chẩn đoán dựa vào thăm trực tràng bằng ngón tay và đôi khi là chẩn đoán hình ảnh. Lấy bỏ dị vật trực tràng có thể có nguy cơ cao và nên được làm bởi phẫu thuật viên hoặc chuyên gia tiêu hóa có kinh nghiệm lấy bỏ dị vật.
(Xem thêm Tổng quan về các dị vật ở đường tiêu hoá.)
Sỏi túi mật, phân, và các dị vật nuốt phải (bao gồm tăm, xương gà và xương cá) có thể nằm ở chỗ nối hậu môn trực tràng. Sỏi đường tiết niệu, vòng tránh thai, hoặc gạc phẫu thuật, hoặc các dụng cụ có thể ăn mòn vào trực tràng. Các dị vật, đôi khi những thứ kỳ lạ hoặc liên quan đến đồ chơi tình dục, hoặc các gói ma túy được đưa vào trực tràng để che giấu, có thể mắc kẹt không chủ ý; đôi khi có thể gây thủng trong khi chèn vào trực tràng. Một số vật bị mắc vào thành trực tràng, và một số khác bị mắc kẹt ngay phía trên cơ thắt hậu môn.
Triệu chứng và dấu hiệu của dị vật trực tràng
Đột ngột, đau dữ dội trong lúc đại tiện nên nghi ngờ có dị vật đâm vào thành trực tràng, thường nằm tại chỗ hoặc ngay trên chỗ nối hậu môn trực tràng. Sự xuất hiện của máu tươi cho thấy có rách hoặc thủng. Các biểu hiện khác phụ thuộc vào kích cỡ và hình dạng của dị vật, thời gian lưu lại và sự xuất hiện của nhiễm khuẩn hoặc thủng.
Chẩn đoán dị vật trực tràng
Khám bằng ngón tay
Đôi khi chẩn đoán hình ảnh
Các dị vật thường nằm ở trực tràng giữa, chỗ mà chúng không thể vượt qua góc trước của trực tràng. Có thể sờ thấy dị vật khi thăm trực tràng bằng ngón tay.
Chụp X-quang ổ bụng thường hữu ích trong việc xác định một vật. Chụp X-quang tư thế đứng cũng nên được thực hiện để xem có khí tự do trong ổ bụng do thủng hay không. Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp xác định các vật cản quang không thấy được trên X-quang thường quy.
Điều trị dị vật trực tràng
Lấy bằng tay
Lấy bỏ dị vật trực tràng có thể có nguy cơ cao và nên được làm bởi phẫu thuật viên hoặc chuyên gia tiêu hóa có kinh nghiệm lấy bỏ dị vật. Ống soi hậu môn, ống soi trực tràng và/hoặc sử dụng phễu soi mỏ vịt có thể giúp quan sát trực tiếp và lấy bỏ dị vật trực tràng dễ hơn.
Nếu dị vật có thể sờ thấy tiêm thuốc tê tại chỗ, nong hậu môn bằng panh trực tràng, thử kẹp vào và lấy bỏ dị vật. Gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân thì thường không cần đến.
Nếu dị vật không được sờ thấy hoặc nhìn thấy, không nên thử kẹp chặt và lấy dị vật. Nhu động thường làm di chuyển dị vật xuống trực tràng giữa, và có thể thử lấy bỏ dị vật hơn là để tự xuống.
Thử lấy dị vật qua ống soi đại tràng sigma hoặc ống soi trực tràng không phải lúc nào cũng thành công. Đôi khi nội soi đại tràng sigma đẩy dị vật đầu gần xa hơn làm chậm sự bài xuất của nó. Nếu những nỗ lực để loại bỏ dị vật không thành công, nội soi ổ bụng đẩy dị vật về phía hậu môn hoặc mở đại tràng lấy dị vật rất hiếm khi cần. Sau khi lấy dị vật, nên thực hiện nội soi đại tràng sigma để loại trừ tổn thương trực tràng.