Viêm lợi loét hoại tử cấp tính là một nhiễm trùng lợi gây đau. Các triệu chứng là đau dữ dội, chảy máu, và hơi thở hôi. Chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng. Điều trị là nạo viêm nhẹ nhàng, cải thiện vệ sinh răng miệng, súc miệng, chăm sóc hỗ trợ, và, nếu phải trì hoãn nạo viêm thì sử dụng kháng sinh.
Viêm nướu hoại tử cấp tính (ANUG) xảy ra thường xuyên nhất ở những người hút thuốc và những bệnh nhân suy nhược đang bị căng thẳng. Các yếu tố nguy cơ khác là vệ sinh răng miệng kém, thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch (ví dụ: HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) và thiếu ngủ. Một số bệnh nhân còn bị nhiễm nấm candida miệng. Hệ vi khuẩn phổ biến nhất gây ra ANUG bao gồm Treponema,Selenomas, Bacteroides melaningenicus và loài Fusobacterium (1).
Tài liệu tham khảo chung
1. Loesche WJ, Syed SA, Laughono SA, et al: The bacteriology of acute necrotizing ulcerative gingivitis. J Periodontol 53(4):223-230, 1982. https://doi.org/10.1902/jop.1982.53.4.223
Các nhóm triệu chứng ANUG
Thường khởi phát đột ngột có thể đi kèm với mệt mỏi hoặc sốt. Các biểu hiện chính là
Đau dữ dội, chảy máu lợi
Chảy nhiều nước bọt
Đôi khi có hơi thở hôi (fetor oris)
Các vết loét, là đặc trưng bệnh, xuất hiện ở nhú răng và viền nướu (gần răng nhất). Những vết loét này có điểm đặc trưng là trông như lỗ thủng và được phủ bởi giả mạc màu xám. Các tổn thương tương tự trên niêm mạc miệng và amidan rất hiếm. Có thể gây đau khi nuốt và nói. Thường nổi các hạch viêm lân cận.
Thông thường, ANUG có thể biểu hiện mà không có mùi nặng và nó cũng có thể biểu hiện như một tình trạng tại chỗ.
Chẩn đoán ANUG
Đánh giá lâm sàng
Hiếm khi, niêm mạc amidan và họng bị ảnh hưởng, và bệnh bạch hầu hoặc nhiễm trùng do mất bạch cầu hạt phải được loại bỏ qua nuôi cấy và công thức máu khi các biểu hiện ở lợi không đáp ứng nhanh với liệu pháp điều trị thông thường.
Điều trị ANUG
Nạo viêm
Súc miệng (ví dụ, hydrogen peroxide, chlorhexidine)
Tăng cường vệ sinh răng miệng
Đôi khi sử dụng thuốc kháng sinh đường uống
Điều trị ANUG bao gồm nạo viêm nhẹ nhàng và lấy cao răng bằng tay hoặc thiết bị siêu âm. Nạo viêm được thực hiện trong vài ngày. Bệnh nhân sử dụng bàn chải lông mềm hoặc khăn để lau sạch răng.
Súc miệng hàng giờ với dung dịch nước muối ấm hoặc 2 lần/ngày với 1,5% hydrogen peroxide hoặc 0,12% chlorhexidine có thể hỗ trợ trong vài ngày đầu sau khi nạo viêm.
Các biện pháp hỗ trợ thiết yếu bao gồm cải thiện vệ sinh răng miệng (thực hiện nhẹ nhàng lúc đầu), dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau khi cần thiết và tránh kích ứng (ví dụ: do hút thuốc hoặc thức ăn nóng hoặc cay). Thường cải thiện đáng kể trong vòng 24 đến 48 giờ, sau đó có thể kết thúc nạo viêm.
Nếu việc cắt lọc mô bị trì hoãn (ví dụ: nếu không có nha sĩ hoặc các dụng cụ cần thiết cho việc cắt lọc), thuốc kháng sinh đường uống có hiệu quả chống lại hệ vi khuẩn đường miệng điển hình (ví dụ: metronidazole 500 mg, 8 tiếng một lần hoặc amoxicillin 500 mg, 8 tiếng một lần) có thể giúp giảm đau và có thể tiếp tục cho đến 72 giờ sau khi hết triệu chứng. Nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin nặng, nên sử dụng các loại kháng sinh khác (ví dụ: clindamycin 300 mg, 6 tiếng một lần, erythromycin 250 mg, 6 tiếng một lần hoặc tetracycline 250 mg, 6 tiếng một lần).
Điều trị nấm candida miệng được mô tả ở tài liệu khác.
Nếu đường viền lợi bị đảo ngược (ví dụ, mất các đỉnh nhú lợi) trong giai đoạn cấp tính, thì cần phải tiến hành phẫu thuật để phòng ngừa viêm quanh răng có thể xảy ra.