Thăm khám bàn chân

TheoAlexandra Villa-Forte, MD, MPH, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 2 2024

Đánh giá bàn chân bao gồm khám lâm sàng và đôi khi chọc hút dịch khớp (xem Cách thực hiện chọc hút dịch khớp bàn ngón chân).

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân có triệu chứng khớp.)

Khám bàn chân

Để bệnh nhân đứng và quan sát vòm chân để phát hiện bệnh pes planus (bàn chân dẹt) và bệnh pes cavus (bàn chân quặp, có vòm cao). Yêu cầu bệnh nhân đứng trên ngón chân và quan sát từ phía sau; đánh giá sự co rút của cơ bụng chân, độ nghiêng của gót chân, chiều cao của vòm chân, và độ đối xứng của hai bên.

Khám toàn bộ bàn chân để phát hiện các triệu chứng như thay đổi màu sắc da, sưng, các vết thương và các dị dạng như chứng Hallux valgus (hoặc bunion) của ngón chân cái với hiểu hiện ngón chân cái vẹo vào trong phía các ngón chân khác và biến dạng ngón chân hình búa của các ngón chân khác. Kiểm tra giữa và bên dưới các ngón chân có thể phát hiện các tổn thương và vết loét mà bệnh nhân không chú ý, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường (xem hình Sàng lọc bàn chân do tiểu đường) và bệnh nhân mắc bệnh thần kinh ngoại biên. Quan sát giày của bệnh nhân tìm các dấu hiệu bất thường hoặc dấu hiệu bất đối xứng qua đó có thể phát hiện được các dấu hiệu chịu lực giúp phát hiện các bất thường như bệnh thoái hóa khớp.

Xương bàn chân và xương cổ chân

Sờ nhẹ bàn chân để xác định nhiệt độ và phát hiện dấu hiệu viêm kín đáo. Khám khớp bình thường bên đối diện để so sánh. Khám cảm giác bằng cách chạm nhẹ tối thiểu ở đỉnh của khoang gian cốt và bờ ngoài của bàn chân. Bắt mạch mu chân ở trước bàn chân, và bắt mạch chày sau ở sau mắt cá trong.

Dùng một ngón tay để khám tìm dấu hiệu đau ở bàn chân, ấn nhẹ vào vị trí khám để giảm thiểu lo lắng cho bệnh nhân. Sờ tìm dấu hiệu đau của xương và khớp bàn ngón chân nên khám ở đầu xương bàn ngón chân thứ 5, vị trí gãy xương hay gặp; khe khớp giữa đầu các xương cổ chân; và khớp cổ bàn ngón chân. Khi khám sờ khối xương cổ chân ở bệnh nhân sau chấn thương phải chú ý xương ghe là một vị trí gãy xương khác hay gặp. Ở bệnh nhân bị đau gót chân sau chấn thương, khám tìm dấu hiệu đau xương gót bằng cách giữ và ép gót chân bằng một tay.

Khám vận động thụ động động tác gấp, duỗi, nghiêng ngoài (khi đảm bảo gót chân không bị tổn thương) và nghiêng trong (bằng cách xoay gót chân vào trong) khớp cổ chân. Khám vận động chủ động các động tác gấp, duỗi, nghiêng khớp cổ chân. Khám đánh giá chức năng của cơ chày sau bằng cách yêu cầu bệnh nhân đứng trên một chân và cố gắng kiễng chân lên.