Các khối u tuyến nước bọt

TheoBradley A. Schiff, MD, Montefiore Medical Center, The University Hospital of Albert Einstein College of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2024

Hầu hết các khối u tuyến nước bọt là lành tính và xảy ra ở tuyến nước bọt mang tai. Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh là xuất hiện khối không đau vùng tuyến nước bọt, chẩn đoán xác định bằng sinh thiết kim. Chẩn đoán hình ảnh với chụp CT và MRI có thể có ích. Điều trị khối u ác tính bao gồm cắt bỏ rộng rãi và xạ trị sau mổ. Hiệu quả lâu dài sau điều trị liên quan đến độ mô học của khối u.

(Xem thêm Tổng quan về u xương khớp.)

Nhìn chung, nguy cơ ác tính cao hơn ở các tuyến nước bọt nhỏ hơn so với các tuyến nước bọt lớn hơn (ví dụ:: tuyến mang tai có nguy cơ ác tính thấp hơn các tuyến nước bọt nhỏ) (1). Khoảng 85% các khối u tuyến nước bọt xảy ra ở tuyến nước bọt mang tai, sau đó là tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt phụ, khoảng 1% ở tuyến nước bọt dưới lưỡi. Khoảng 75-80% khối u tuyến nước bọt là lành tính, phát triển chậm, di động, không đau và thường dạng nốt đặc dưới da hay niêm mạc. Đôi khi khôi u dạng nang, mềm, nhưng đa số trường hợp u có mật độ chắc.

U lành tính

Có rất nhiều loại khối u tuyến nước bọt lành tính. U tuyến đa hình (còn được gọi là khối u đa hình) là các khối u tuyến nước bọt lành tính thường gặp nhất. Các khối u lành tính khác gồm ung thư biểu mô tuyến nang nhú dạng bạch huyết (còn được gọi là u Warthin), u tế bào hạt tuyến mang tai và u tuyến.

U lành tính có khả năng trở thành ác tính

U tuyến đa hình (u thể hỗn hợp) có thể chuyển dạng ác tính, nhưng quá trình chuyển dạng này thường chỉ xảy ra sau khi khối u lành tính đã tồn tại trong 15 năm đến 20 năm. Một khi xảy ra tình trạng thoái hóa ác tính u tuyến đa hình, nó được gọi là ung thư u hỗn hợp. Các yếu tố ung thư biểu mô trong khối u di căn, khiến cho ung thư u hỗn hợp trở thành khối u rất dữ với tỷ lệ chữa khỏi rất thấp, bất kể áp dụng phương pháp điều trị nào.

U trụ lành tính (u phụ trên da) có thể dần dần chuyển hóa thành ung thư biểu mô nang VA, khối u ác tính phổ biến nhất ở các tuyến nước bọt nhỏ (và khí quản). Tỷ lệ mắc bệnh u ác tính này cao nhất ở độ tuổi từ 40 đến 60, các triệu chứng bao gồm đau dữ dội và thường là liệt dây thần kinh mặt. Bệnh có xu hướng xâm lấn thần kinh ngoại vi và lan rộng, thậm chí vài centimet xunh quanh khối u. Sự lây lan theo đường bạch huyết không phổ biến. Bệnh hay di căn phổi, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể sống khá lâu.

Ung thư tuyến nước bọt

Các khối u ác tính khác ít gặp hơn và đặc trưng là phát triển nhanh hoặc chảy nước bọt đột ngột. U thường cứng, dạng nôt và có thể dính vào tổ chức xung quanh, thường khó xác định ranh giới. Thậm chí da hoặc niêm mạc phủ vùng u có thể bị loét, hoặc tổ chức xung quanh bị xâm lấn.

Ung thư biểu mô biểu bì nhầy là loại ung thư tuyến nước bọt phổ biến nhất (2), thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 50. Bệnh có thể biểu hiện ở bất cứ tuyến nước bọt nào, hay gặp nhất là tuyến nước bọt mang tai, nhưng cũng có thể gặp ở tuyến nước bọt dưới hàm hoặc các tuyến nước bọt phụ ở vòm miệng. Ung thư biểu mô tuyến nhày độ biệt hóa trung bình hoặc cao có thể di căn hạch vùng.

Ung thư biểu mô dạng túi tuyến là một dạng u tuyến nước bọt mang tai hay gặp, xảy ra ở người từ 40- 50 tuổi. Loại ung thư này ít gây đau và cũng có một tỷ lệ nhất định u đa ổ.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Guzzo M, Locati LD, Prott FJ, Gatta G, McGurk M, Licitra L. Major and minor salivary gland tumors. Crit Rev Oncol Hematol 2010;74(2):134-148. doi:10.1016/j.critrevonc.2009.10.004

  2. 2. Pinkston JA, Cole P. Incidence rates of salivary gland tumors: results from a population-based study. Otolaryngol Head Neck Surg 1999;120(6):834-840. doi:10.1016/S0194-5998(99)70323-2

Triệu chứng và dấu hiệu của Khối u tuyến nước bọt

Hầu hết các u tuyến nước bọt lành và u ác tính biểu hiện dạng khối không đau. Tuy nhiên, các khối u ác tính có thể xâm lấn dây thần kinh, gây đau khu trú tại chỗ hoặc tại vùng, tê, dị cảm, đau bỏng rát hoặc mất chức năng vận động.

Chẩn đoán Khối u tuyến nước bọt

  • Sinh thiết kim nhỏ

  • Chụp CT và MRI giúp đánh giá mức độ lan tràn của bệnh

CT và MRI giúp xác định vị trí u và đánh giá mức độ lan tràn. Sinh thiết kim nhỏ giúp xác định loại tế bào ung thư. Việc tìm kiếm sự lây lan đến các hạch khu vực hoặc di căn xa ở phổi, gan, xương hoặc não thường được chỉ định trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

Điều trị Khối u tuyến nước bọt

  • Phẫu thuật, đôi khi kết hợp với xạ trị

Phẫu thuật điều trị các u lành tính. Tỷ lệ tái phát cao nếu không lấy hết u.

Đối với khối u tuyến nước bọt ác tính, phẫu thuật, đôi khi kết hợp với xạ trị, là phương pháp điều trị được lựa chọn cho bệnh có thể cắt bỏ được (1). Mặc dù không có dữ liệu nào cho thấy lợi ích từ việc kết hợp hóa trị (do không xác định được đột biến gen) nhưng đôi khi phương pháp này được sử dụng kết hợp với xạ trị để điều trị các khối u ác tính.

Với ung thư biểu môt tuyến dạng nhày độ cao, điều trị bao gồm cắt bỏ rộng rãi và xạ trị sau mổ. Tỷ lệ của thời gian sống thêm 5 năm là hơn 90% đối với loại cấp độ thấp, chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào chất nhầy và dưới 50% đối với loại cấp độ cao, chủ yếu ảnh hưởng đến các tế bào biểu bì (2). Hạch di căn vùng phải được phẫu thuật lấy bỏ và xạ trị sau mổ.

Điều trị ung thư biểu mô thể nang dạng adenoid là cắt bỏ rộng rãi, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao do u có xu hướng lan tràn thần kinh ngoại vi. Ít cần điều trị hạch lympho chọn lọc vì ung thư ít di căn hạch. Mặc dù tỷ lệ của thời gian sống thêm 5 năm và 10 năm là thuận lợi (3), thời gian sống thêm cụ thể theo nguyên nhân tiếp tục giảm đến 30 năm sau khi chẩn đoán do tỷ lệ di căn xa muộn cao, chủ yếu đến phổi (4).

Ung thư biểu mô dạng túi tuyến có tiên lượng tốt sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi.

Phương pháp điều trị chính của ung thư biểu mô trên nên u tuyến đa hình là phẫu thuật cắt tuyến mang tai với mục tiêu cắt bỏ hoàn toàn tất cả khối u. Bóc tách hạch cổ được thực hiện nếu có hạch to và được cân nhắc cho một số bệnh nhân không có bằng chứng về tình trạng lan rộng của hạch.

Khi phẫu thuật phải bảo tồn thần kinh mặt, trừ khi u liên quan trực tiếp đến dây thần kinh.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. National Cancer Institute: Salivary Gland Cancer Treatment (PDQ®)–Health Professional Version. Cập nhật tháng 8 năm 2023.

  2. 2. Canadian Cancer Society: Salivary gland cancer. Prognosis and survival. Survival statistics for salivary gland cancer. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024. 

  3. 3. Ullah A, Ahmed A, Lee KT, Yasinzai AQK, Lewis JS Jr: Salivary gland adenoid cystic carcinoma in the U.S population: Importance of grade, site of metastases, and adjuvant radiation for survival. Am J Otolaryngol 2024;45(3):104266. doi:10.1016/j.amjoto.2024.104266

  4. 4. Lloyd S, Yu JB, Wilson LD, Decker RH: Determinants and patterns of survival in adenoid cystic carcinoma of the head and neck, including an analysis of adjuvant radiation therapy. Am J Clin Oncol 2011;34(1):76-81. doi:10.1097/COC.0b013e3181d26d45

Những điểm chính

  • Chỉ khoảng 20-25% u tuyến nước bọt là ung thư, trong đó hay gặp nhất là ung thư tuyến nước bọt mang tai.

  • Ung thư rất cứng, có hình nốt, và có thể dính vào mô lân cận; đau và xâm lấn dây thần kinh (gây tê và/hoặc suy yếu) là phổ biến.

  • Thực hiện sinh thiết, chụp CT và MRI nếu xác nhận bị ung thư.

  • Điều trị bằng phẫu thuật, đôi khi kết hợp với xạ trị cho một số bệnh ung thư nhất định.