Hội chứng tắc nghẽn xoang

Bệnh tắc tĩnh mạch

TheoWhitney Jackson, MD, University of Colorado School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Hội chứng tắc nghẽn xoang gan, trước đây gọi là bệnh tắc tĩnh mạch ở gan, là do tổn thương nội mô, dẫn đến tắc nghẽn không do huyết khối các tĩnh mạch gan cuối và các xoang gan, chứ không phải các tĩnh mạch gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới (như trong hội chứng Budd-Chiari).

(Xem thêm Tổng quan các rối loạn mạch máu gan.)

Tắc nghẽn tĩnh mạch gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa và hoại tử thiếu máu cục bộ (dẫn đến xơ gan).

Căn nguyên của hội chứng tắc nghẽn xoang

Nguyên nhân thường gặp bao gồm

  • Chiếu xạ

  • Bệnh thải ghép do ghép tủy xương hoặc ghép tế bào tạo máu

  • Chất alkaloids pyrrozylidin trong cây lục lạc và cây cúc bạc (ví dụ, cây trà thuốc) và các loại thảo dược khác (ví dụ, cây liên mộc)

  • Các độc tố gan khác (ví dụ: dimethylnitrosamine, aflatoxin, azathioprine, một số chất chống ung thư)

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Hỏi những bệnh nhân có bất thường về gan chưa rõ về việc sử dụng các sản phẩm thảo dược và tự nhiên (bao gồm trà thảo dược) và các steroid đồng hoá (có thể gây ra bệnh ứ máu gan).

Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng tắc nghẽn xoang

Biểu hiện ban đầu bao gồm vàng da đột ngột, cổ trướng, và gan to mềm, bề mặt nhẵn. Thời gian khởi phát thường trong vòng 3 tuần đầu của quá trình cấy ghép tủy xương hoặc nhận tế bào tạo máu, và sẽ tự hồi phục sau vài tuần (hoặc đôi khi sau khi tăng liệu pháp ức chế miễn dịch với các trường hợp nhẹ) hoặc chết vì suy gan tối cấp. Những bệnh nhân khác bị cổ trướng tái phát, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, lách to và cuối cùng là xơ gan.

Chẩn đoán hội chứng tắc nghẽn xoang

  • Đánh giá lâm sàng và xét nghiệm gan

  • Siêu âm

  • Đôi khi xét nghiệm xâm lấn (ví dụ, sinh thiết gan, đo gradient áp lực tĩnh mạch cửa-gan)

Chẩn đoán nghi ngờ ở bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng hoặc cận lâm sàng không rõ ràng của bệnh về gan, đặc biệt ở những người có các yếu tố nguy cơ đã biết, như ghép tủy xương hoặc ghép tế bào tạo máu.

Kết quả cận lâm sàng thường không đặc hiệu: tăng aminotransferase và bilirubin liên hợp. Prothrombin time/international normalized ratio (PT/INR) trở nên bất thường khi bệnh nặng. Siêu âm phát hiện dòng chảy ngược trong tĩnh mạch cửa.

Nếu chẩn đoán không rõ ràng, sinh thiết gan và đo gradient áp lực tĩnh mạch cửa-gan để xác định (gradient áp lực > 10 mm Hg phù hợp với hội chứng tắc nghẽn xoang). Đo áp lực của gan đòi hỏi phải đưa một ống thông qua da vào tĩnh mạch gan rồi đưa vào trong gan. Áp suất hình chêm này phản ánh áp lực tĩnh mạch cửa. (Một ngoại lệ là huyết khối tĩnh mạch cửa ; trong trường hợp này, áp lực là bình thường mặc dù có tăng áp lực tĩnh mạch cửa.)

Điều trị hội chứng tắc nghẽn xoang

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Điều trị nguyên nhân

  • Đối với tình trạng bệnh tiến triển, cần thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh hoặc ghép gan

Axit Ursodeoxycholic giúp ngăn ngừa bệnh mảnh ghép chống lại vật chủ ở người nhận ghép tủy xương hoặc tế bào gốc tạo máu (1, 2).

Quản lý bao gồm loại bỏ các tác nhân gây bệnh (như trà thảo dược) và cung cấp liệu pháp hỗ trợ. Defibrotide, một loại muối natri của oligodeoxyribonucleotide chuỗi đơn, đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ các tế bào nội mô khỏi bị kích hoạt thêm và có thể được xem xét ở những bệnh nhân mắc hội chứng tắc nghẽn xoang gan làm phức tạp việc ghép tế bào gốc tạo máu (3).

Hầu hết các bệnh nhân đều có mức độ bệnh từ nhẹ đến trung bình và tiến triển khá tốt. Có thể thử đặt đường thông cửa-chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (TIPS) để giảm tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa nhưng vẫn chưa được chứng minh là có thể kéo dài thời gian sống thêm, đặc biệt là khi hội chứng tắc nghẽn xoang gan nặng. Trong 25% trường hợp, bệnh tắc tĩnh mạch ở mức độ nặng kèm theo suy gan tối cấp. Ghép gan là biện pháp cuối cùng.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Northup PG, Garcia-Pagan JC, Garcia-Tsao G, et al: Vascular Liver Disorders, Portal Vein Thrombosis, and Procedural Bleeding in Patients With Liver Disease: 2020 Practice Guidance by the American Association for the Study of Liver Diseases. Hepatology 73(1):366-413, 2021. doi: 10.1002/hep.31646

  2. 2. Tay J, Tinmouth A, Fergusson D, et al: Systematic review of controlled clinical trials on the use of ursodeoxycholic acid for the prevention of hepatic veno-occlusive disease in hematopoietic stem cell transplantation. Biol Blood Marrow Transplant 13(2):206-17, 2007. doi: 10.1016/j.bbmt.2006.09.012

  3. 3. Richardson PG, Riches ML, Kernan NA, et al: Phase 3 trial of defibrotide for the treatment of severe veno-occlusive disease and multi-organ failure. Blood 27(13):1656-1665, 2016.  doi: 10.1182/blood-2015-10-676924