Phình động mạch là sự giãn bất thường của động mạch gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng, chấn thương, bệnh thấp khớp hệ thống và rối loạn mô liên kết (ví dụ: hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos). Phình mạch thường không có triệu chứng nhưng có thể gây ra đau và dẫn đến thiếu máu cơ quan, huyết khối tắc mạch, lóc tách tự phát và vỡ, có thể dẫn đến tử vong. Chẩn đoán bằng các thăm dò hình ảnh (ví dụ siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, chụp động mạch). Phình động mạch chưa vỡ có thể được điều trị nội khoa hoặc phục hồi, tùy thuộc vào triệu chứng cũng như kích thước và vị trí của phình động mạch. Điều trị nội khoa gồm việc thay đổi các yếu tố nguy cơ (ví dụ kiểm soát huyết áp nghiêm ngặt) cộng với kế hoạch theo dõi bằng thăm dò hình ảnh. Việc phục hồi có thể được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật mở hoặc nội mạch. Điều trị phình động mạch bị vỡ là phục hồi ngay lập tức.
Động mạch chủ bắt nguồn từ tâm thất trái phía trên van động mạch chủ, đi lên (động mạch chủ lên) đến nhánh đầu tiên của động mạch chủ (thân động mạch cánh tay đầu hoặc thân động mạch vô danh), vòm lên phía sau tim (quai động mạch chủ), sau đó quay ngược hướng xuống động mạch dưới đồn trái (động mạch chủ xuống) qua lồng ngực (động mạch chủ ngực) và bụng (động mạch chủ bụng). Động mạch chủ bụng kết thúc bằng cách chia thành động mạch chậu chung trái và phải.
Hình ảnh này cho thấy động mạch chủ ngực lên (mũi tên màu đỏ) phát sinh từ tâm thất trái (mũi tên màu xanh lam).
© 2017 Bác sĩ Elliot K. Fishman.
Hình ảnh này cho thấy động mạch chủ bụng (mũi tên màu đỏ) chia thành động mạch chậu chung phải (mũi tên màu xanh làm) và trái (mũi tên màu xanh lá cây).
© 2017 Bác sĩ Elliot K. Fishman.
Hình ảnh này cho thấy động mạch chủ ngực lên (mũi tên màu đỏ) với động mạch chủ ngực xuống (mũi tên màu xanh lam). Động mạch phổi chính (mũi tên màu xanh lá cây) chia thành động mạch phổi phải (mũi tên màu tím) và trái (mũi tên màu vàng).
© 2017 Bác sĩ Elliot K. Fishman.
Mũi tên màu trắng cho thấy một stent ghép nội mạch trong túi phình động mạch bụng (mũi tên màu đỏ).
© 2017 Bác sĩ Elliot K. Fishman.
Thành động mạch chủ cấu tạo gồm ba lớp:
Lớp nội mạc: Một lớp mỏng phủ bởi tế bào nội mô
Lớp áo giữa: Một lớp dầy cấu tạo bởi sợi liên kết được sắp xếp theo hình xoắn ốc
Lớp áo ngoài: Một lớp sợi mỏng chứa nguồn dinh dưỡng nuôi lớp áo giữa
Phình động mạch là sự giãn bất thường của động mạch được định nghĩa là tăng ≥ 50% đường kính so với các đoạn bình thường. Chúng được gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch, đặc biệt là lớp áo giữa. Tổn thương phình động mạch thật thành túi phình gồm tất cả 3 lớp động mạch (nội mạc, áo giữa và áo ngoài). Bệnh phình động mạch thường không phải là vấn đề khu trú (ví dụ, thường do nhiều yếu tố) và có thể lan rộng dọc theo động mạch chủ theo thời gian.
Giả phình động mạch là sự kết hợp giữa lòng động mạch và mô liên kết xung quang hậu quả từ tổn thương vỡ động mạch; một khoang chứa máu hình thành bên ngoài thành mạch và lỗ rò sẽ được bít lại rò khi huyết khối hình thành.
Phình động mạch được phân loại thành
Hình thoi: Sự giãn rộng của động mạch
Dạng túi: Khu trú, thường bất đối xứng, thoát ra ngoài thành động mạch
Huyết khối nhiều lớp (nhiều lớp mỏng) có thể hình thành vách của một trong hai dạng trên do sự thay đổi dòng chảy trong phần phình mạch.
Phình mạch có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào. Phổ biến và đáng kể nhất là
Phình nhánh mạch lớn của động mạch chủ (động mạch dưới đòn và động mạch tạng) ít phổ biến hơn. Phình mạch động mạch ngoại biên và hệ thống mạch máu não (gây ra đột quỵ) được thảo luận ở mục khác.