Phình động mạch ngoại biên là sự giãn nở bất thường của các động mạch ngoại biên gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch.
(Xem thêm Phình mạch.)
Khoảng 70% phình động mạch ngoại biên là phình mạch động mạch khoeo; 20% là phình động mạch chậu-đùi. Phình mạch ở vị trí này thường xuyên đi kèm phình động mạch chủ bụng và > 50% là hai bên. Vỡ phình mạch tương đối ít, nhưng các phình mạch có thể dẫn đến huyết khối kèm theo tắc động mạch đầu xa cấp tính. Phình động mạch ngoại biên xảy ra ở nam nhiều hơn nữ (> 20:1); Tuổi trung bình khi đến khám là 65 tuổi. Phình động mạch ở cánh tay tương đối hiếm; các chỗ phình này có thể gây thiếu máu cục bộ chi, thuyên tắc mạch đầu xa và khi lan đến quai động mạch chủ, gây đột quỵ.
Phình mạch do truyền nhiễm (nấm) có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào nhưng phổ biến nhất ở động mạch đùi. Các tình trạng này thường do vi khuẩn salmonellae, staphylococci hoặc Treponema pallidum gây ra phình mạch do giang mai.
Các nguyên nhân phổ biến của phình động mạch ngoại biên bao gồm xơ vữa động mạch, bẫy động mạch khoeo và cục nghẽn do nhiễm trùng, tình trạng này gây ra phình mạch do nấm.
Phình động mạch ngoại biên thường không có triệu chứng tại thời điểm phát hiện. Huyết khối hoặc thuyên tắc mạch (hoặc hiếm khi vỡ phình mạch) khiến các chi bị đau, lạnh, nhợt nhạt, dị cảm và/hoặc mất mạch. Phình mạch nhiễm trùng có thể gây ra đau cục bộ, sốt, mệt mỏi và sút cân.
Chẩn đoán bằng siêu âm, chụp cộng hưởng từ, CT. Phình động mạch khoeo có thể đặt ra khi khám thực thể phát hiện ra động mạch giãn to và đập theo nhịp; chẩn đoán được xác nhận bởi các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.
Nguy cơ vỡ phình mạch chi thấp nhưng tăng lên khi đường kính tăng trên 2 cm. Đối với phình động mạch chi dưới, phẫu thuật sửa chữa thường được chọn. Được chỉ định khi các động mạch có kích thước gấp đôi hoặc khi bệnh nhân có triệu chứng. Tuy nhiên, phẫu thuật sửa chữa được chỉ định cho tất cả các phình mạch động mạch chi trên vì các biến chứng nghiêm trọng (ví dụ như huyết khối tắc nghẽn) có nguy cơ lớn hơn. Các đoạn mạch bị ảnh hưởng của động mạch được cắt bỏ và thay thế bằng một đoạn ghép. Tỷ lệ hồi phục chi sau phẫu thuật là 90-98% đối với bệnh nhân không triệu chứng và 70-80% đối với bệnh nhân có triệu chứng.
Ở một số bệnh nhân, đặt stent nội mạch là một lựa chọn khác để sửa chữa.
Những điểm chính
Phình động mạch ngoại biên xảy ra chủ yếu ở nam giới; vị trí phổ biến nhất là động mạch khoeo.
Các biến chứng là hiếm gặp và bao gồm vỡ và thuyên tắc huyết khối.
Điều trị phình mạch chi dưới nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc nếu động mạch có kích thước gấp đôi bình thường; tất cả các chỗ phình mạch chi trên cần phải được điều trị vì nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng (ví dụ: đột quỵ khi phình mạch lan đến cung động mạch chủ).