Nhiều vật bị nuốt vào có thể bị mắc trong dạ dày hoặc trong ruột. Một số vật lạ gây tắc nghẽn hoặc thủng. Chẩn đoán bằng hình ảnh hoặc nội soi. Một số dị vật có thể lấy qua nội soi.
(Xem thêm Tổng quan về các dị vật ở đường tiêu hoá.)
Các dị vật vào dạ dày, khoảng 80 đến 90% tự chúng thoát ra khỏi đường tiêu hóa (GI), 10 đến 20% cần can thiệp không phải phẫu thuật, và ≤ 1% cần phải phẫu thuật. Do đó, điều trị bảo tồn là hợp lí cho hầu hết các vật tù ở những bệnh nhân không triệu chứng. Tuy nhiên, các vật chiều dài > 6 cm hoặc vật đường kính > 2,5 cm hiếm khi lọt vào dạ dày(1).
Các túi thuốc (xem Dị vật bao gói và nén dị vật bị nén) có nguy cơ lớn do hậu quả của rò rỉ và quá liều thuốc. Gói cũng có thể gây tắc nghẽn cơ học.
Tài liệu tham khảo chung
1. ASGE Standards of Practice Committee, Ikenberry SO, Jue TL, Anderson MA, et al: Management of ingested foreign bodies and food impactions. Gastrointest Endosc 73:1085–1091, 2011. doi: 10.1016/j.gie.2010.11.010
Triệu chứng và dấu hiệu của dị vật dạ dày và dị vật đường ruột
Các dị vật qua thực quản thường không có triệu chứng trừ khi xảy ra thủng hoặc tắc nghẽn. Thủng dạ dày hoặc thủng ruột có biểu hiện triệu chứng và dấu hiệu viêm phúc mạc như là đau bụng, phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc. Tắc nghẽn ruột gây đau bụng, căng tức; và/hoặc nôn.
Chẩn đoán dị vật dạ dày và dị vật ruột non
Nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh
Endoscopy
X-quang bụng có thể xác định dị vật và theo dõi quá trình di chuyển của dị vật qua đường tiêu hóa. X-quang bụng và ngực rất quan trọng để xác định các dấu hiệu của thủng tạng rỗng (ví dụ: khí dưới cơ hoành, trung thất, hoặc dưới da). Máy dò kim loại cầm tay có thể hữu ích trong việc định vị các dị vật kim loại, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu chụp X-quang đơn thuần âm tính, thì chụp CT có thể hữu ích.
Những trường hợp nghi ngờ dị vật có bao gói và có chất nén thường được đưa đến cơ sở y tế bởi nhân viên của các cơ quan thi hành luật pháp. Chụp X-quang thường có thể xác định có túi trong đường tiêu hóa. Nếu không thấy trên phim X-quang có thể chụp phim CT.
X-quang này cho thấy một đồng xu đã bị một đứa trẻ nuốt.
DU CANE MEDICAL IMAGING LTD/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Hình ảnh này cho thấy các gói thuốc trong dạ dày.
Hình ảnh do Alan Gingold, DO cung cấp.
Hình ảnh này cho thấy một gói thuốc trong dạ dày.
Hình ảnh do Alan Gingold, DO cung cấp.
Hình ảnh nội soi này cho thấy một dị vật sắc nhọn trong dạ dày.
Hình ảnh do bác sĩ Uday Shankar cung cấp.
Hình ảnh do bác sĩ Zubair Malik cung cấp
Hình ảnh do bác sĩ Zubair Malik cung cấp
Nội soi cho phép xác định chi tiết dị vật dạ dày.
Điều trị dị vật dạ dày và dị vật ruột non
Theo dõi
Đôi khi cần nội soi lấy dị vật
Hiếm khi cần phẫu thuật
Xử trí phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Vị trí của dị vật
Bản chất của dị vật
Triệu chứng và Dấu hiệu
Dị vật dạ dày
Những vật sắc nhọn nên được loại bỏ khi dị vật ở dạ dày vì nguy cơ gây thủng. Các vật tròn nhỏ (ví dụ, đồng xu) có thể theo dõi bình thường, thời gian theo dõi tùy thuộc vào bản chất của vật. Bệnh nhân nên quan sát phân của họ để phát hiện các vật đi ra ngoài theo con đường tự nhiên. Nếu dị vật không xuất hiện trong phân, chụp X-quang nên được thực hiện trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ. Các vật sau đây nên được lấy qua nội soi (1):
Pin gây ra các triệu chứng hoặc dấu hiệu tổn thương đường tiêu hóa.
Pin hình trụ và pin đĩa còn ở trong dạ dày > 48 giờ mà không gây ra các dấu hiệu tổn thương ống tiêu hóa
Những vật sắc nhọn trong dạ dày
Dị vật có đường kính > 2,5 cm trong dạ dày
Bất kỳ dị vật dạ dày nào vẫn còn trong dạ dày sau 3-4 tuần
Bất kỳ nam châm trong tầm với của nội soi
Dị vật ruột non
Hầu hết các dị vật đã đi vào ruột non thường đi qua đường ruột mà không có vấn đề, ngay cả khi các dị vật đó mất vài tuần để ra khỏi đó. Chúng có xu hướng bị giữ lại ở gần chỗ uốn cong của phần đầu của tá tràng (đoạn tá tràng) và bằng cách thu hẹp vùng sinh lý trước van hồi manh tràng. Đôi khi các dị vật như que tăm hoặc xương cá vẫn nằm trong đường tiêu hóa trong nhiều năm, chỉ để hình thành một u hạt hoặc áp xe. Việc nuốt phải một cục nam châm không gây ra biến chứng đường tiêu hóa, nhưng nhiều nam châm cực kỳ nguy hiểm vì chúng có thể bị hút vào nhau qua các quai ruột, có thể dẫn đến hình thành lỗ rò, tắc nghẽn, hoại tử.
Nội soi ruột hoặc nội soi có hỗ trợ bóng có thể được sử dụng để tiếp cận ruột non và có thể có vai trò trong việc điều trị dị vật ruột non ở một số bệnh nhân.
Phẫu thuật lấy bỏ nên xem xét trong trường hợp vật ngắn, tù nằm ở ruột non, đoạn xa tá tràng, nhưng không thay đổi vị trí trong hơn 1 tuần và không thể xử trí qua nội soi được và với bệnh nhân có tắc ruột.
Gói ma túy
Những bệnh nhân đã uống gói ma túy và có triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm độc thuốc nên được điều trị nội khoa ngay lập tức. Cần chỉ định phẫu thuật nhanh chóng khi có nghi ngờ về độc tính giao cảm, tắc ruột, thủng, hoặc rò rỉ chất ma túy. Bệnh nhân không có triệu chứng nên được nhập viện và theo dõi chặt chẽ trong cơ sở hồi sức tích cực.
Loại bỏ bằng nội soi không khuyến nghị với các trường hợp nuốt gói ma túy và nguy cơ cao gây thủng gói. Một số bác sĩ lâm sàng ủng hộ việc rửa ruột bằng cách uống dung dịch polyethylene glycol là một chất rửa ruột làm tăng đào thải dị vật; một số người khác ủng hộ phẫu thuật lấy bỏ dị vật. Phương pháp điều trị tốt nhất không rõ ràng.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. ASGE Standards of Practice Committee, Ikenberry SO, Jue TL, Anderson MA, et al: Management of ingested foreign bodies and food impactions. Gastrointest Endosc 73:1085–1091, 2011. doi: 10.1016/j.gie.2010.11.010
Những điểm chính
Dị vật đi qua thực quản không có triệu chứng trừ khi xảy ra thủng, tắc nghẽn hoặc rò rỉ thuốc từ các bao bì bị nuốt vào.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể xác định dị vật và có giá trị theo dõi quá trình của dị vật đi qua đường tiêu hóa (GI).
Xử trí phụ thuộc vào bản chất của dị vật, các vật sắc nhọn nên được lấy bỏ khỏi đường tiêu hóa.
Các gói ma túy mắc lại có thể gây nguy hiểm hoặc tử vong do nhiễm độc; thậm chí các bệnh nhân không có triệu chứng cũng cần được theo dõi sát.
Nội soi lấy bỏ các gói ma túy không khuyến cáo vì nguy cơ cao gây thủng gói ma túy.