Đo áp lực

TheoJonathan Gotfried, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2023

Đo áp lực là đo áp lực phía trong các đoạn khác nhau của đường tiêu hóa.

Đo áp lực được thực hiện bằng cách đưa một ống thông chứa đầu dò áp lực ở trạng thái rắn hoặc chứa đầy dịch qua miệng hoặc hậu môn vào trong lòng của cơ quan cần nghiên cứu. Phép do này thường được thực hiện để đánh giá các rối loạn vận động ở những bệnh nhân mà các nghiên cứu khác đã loại trừ các tổn thương cấu trúc. Đo áp lực áp dụng với thực quản, dạ dày, tá tràng, cơ thắt Oddi và trực tràng.

Ngoài những khó chịu nhỏ, biến chứng hiếm khi xảy ra. Bệnh nhân phải nhịn ăn từ nửa đêm.

Đo diện tích trở kháng có thể bổ sung cho đo áp lực và thêm thông tin bổ sung.

Đo áp lực hậu môn trực tràng

Trong kiểm tra này, một đầu dò áp lực được đặt vào hậu môn để đánh giá cơ chế cơ thắt hậu môn trực tràng và cảm giác trực tràng ở bệnh nhân không kiểm soát đại tiện được hoặc táo bón. Nó có thể giúp chẩn đoán Bệnh phình đại tràng bẩm sinh và các rối loạn bài xuất phân và cung cấp đào tạo phản hồi sinh học đại tiện không tự chủ.

Một quả bóng có hộp điều áp có thể được thổi phồng trong quá trình thử nghiệm để đánh giá cảm giác và khả năng điều tiết của trực tràng. Kiểm tra tống xuất bóng, được tiến hành cùng lúc với đo áp lực hậu môn trực tràng, cho phép đánh giá khách quan về chức năng bài xuất phân.

Barostat

Đây là một thiết bị cảm biến áp suất được đặt trong đường tiêu hóa để đo khả năng điều tiết. Thiết bị bao gồm một quả bóng nhựa và một điều khiển điện tử để thay đổi lượng khí trong bóng nhằm duy trì áp lực hằng định.

Thiết bị này sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu đánh giá ngưỡng nhận cảm và thay đổi nhận cảm tạng, đặc biệt ở những rối loạn chức năng hệ tiêu hóa.

Đo áp lực thực quản

Thủ thuật này dùng để đánh giá bệnh nhân bị khó nuốt, ợ nóng, trào ngược, hoặc đau ngực. Nó có thể đo áp lực cơ thắt thực quản trên và dưới, xác định tính hiệu quả và sự phối hợp của nhu động đẩy và xác định các cơn co thắt bất thường.

Đo áp lực thực quản có thể được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn nhu động thực quản như là co thắt tâm vị, co thắt đầu xa, xơ cứng bì hệ thống, hạ áp và tăng áp cơ thắt thực quản dưới. Nó cũng dùng để đánh giá chức năng thực quản và giải phẫu như là thoát vị khe hoành trước một số thủ thuật điều trị (như, phẫu thuật chống trào ngược, liệu pháp giãn nở bằng khí nén trong điều trị chứng khó giãn).

Đo áp lực có độ phân giải cao có thể được kết hợp với phương pháp đo diện tích trở kháng để đánh giá đồng thời tình trạng di chuyển của viên thức ăn qua thực quản trong quá trình nuốt thử nghiệm (1, 2).

Tài liệu tham khảo về đo áp suất thực quản

  1. 1. Gyawali CP, Carlson DA, Chen JW, et al: ACG clinical guidelines: Clinical use of esophageal physiologic testing. Am J Gastroenterol 115(9):1412–1428, 2020. doi: 10.14309/ajg.0000000000000734

  2. 2. Hirano I, Pandolfino JE, Boeckxstaens GE: Functional lumen imaging probe for the management of esophageal disorders: Expert review from the clinical practice updates committee of the AGA Institute. Clin Gastroenterol Hepatol 15(3):325–334, 2017. doi: 10.1016/j.cgh.2016.10.022

Đo áp lực dạ dày-tá tràng

Trong thủ thuật này, đầu dò được đặt ở hang vị, tá tràng hoặc đoạn gần của hỗng tràng. Áp lực được theo dõi trong 5-24 giờ ở cả trạng thái nhịn ăn và ăn no.

Kiểm tra này thường được sử dụng trên những bệnh nhân có triệu chứng gợi ý về rối loạn nhu động nhưng có kết quả thăm dò làm rỗng dạ dày bình thường hoặc không đáp ứng với điều trị. Nó có thể giúp xác định xem các triệu chứng hoặc rối loạn nhu động của bệnh nhân là do rối loạn cơ (biên độ co bất thường nhưng kiểu có bình thường) hoặc do rối loạn thần kinh (kiểu co không đều nhưng biên độ bình thường).