Đánh giá khớp vai

TheoAlexandra Villa-Forte, MD, MPH, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 2 2024

Đánh giá khớp vai bao gồm khám lâm sàng và đôi khi chọc hút dịch khớp (xem Cách thực hiện chọc hút dịch khớp vai).

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân có triệu chứng khớp.)

Khám thực thể khớp vai

Giải phẫu khớp vai (xem phía trước).

Khám thực thể khớp vai bao gồm

  • Nhìn

  • Sờ khớp đánh giá dấu hiệu đau và nhiệt độ của khớp.

  • Khám tầm vận động và kiểm tra sức mạnh

  • Nghiệm pháp khám phát hiện dấu hiệu chèn ép

Khám bước nhìn bao gồm quan sát hồng ban, biến dạng, tổn thương da, sẹo mổ và tính mất đối xứng khi so sánh với bên đối diện (gợi ý dấu hiệu teo cơ).

Bởi vì đau có thể lan từ các vùng khác đến các vùng quanh khớp vai, nên việc sờ nắn vai nên bao gồm cả các khớp mỏm vai, khớp cùng vai đòn và khớp ức đòn, mỏm quạ, xương đòn, mỏm cùng vai, bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, gân cơ nhị đầu và các lồi củ lớn và lồi củ nhỏ của xương cánh tay (xem hình Giải phẫu khớp vai), cũng như xương bả vai và cổ. Khám cổ là một phần của khám khớp vai vì đau có thể lan từ cột sống cổ ra khớp vai (đặc biệt là bệnh lý rễ tủy cổ C5).

Tràn dịch khớp vai có thể gây ra chỗ phồng giữa mỏm quạ và đầu xương cánh tay. Nguyên nhân có thể bao gồm viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính, khớp vai Milwaukee, viêm khớp do canxi pyrophosphat (giả gút) và các bệnh lý khớp khác.

Các dấu hiệu giảm tầm vận động, yếu, đau và các rối loạn bận động khác do tổn thương gân cơ chóp xoay có thể nhanh chóng được xác định bằng cách yêu cầu bệnh nhân cố gắng dạng và gập khớp vai hai bên lên quá đầu sau đó từ từ hạ thấp xuống. Các thao tác đối kháng đặc hiệu có thể giúp xác định gân nào bị ảnh hưởng. Nên đánh giá sức mạng và cảm giác:

  • Cơ dưới gai và cơ tròn bé đánh giá bằng cách cho bệnh nhân xoay ngoài có đối kháng trong khi khuỷu gấp 90°; vị trí này cô lập chức năng của hai cơ trên ra khỏi tác động của cơ khác ví dụ như cơ delta. Bệnh nhân yếu trong các động tác của test khám chứng tỏ tổn thương chóp xoay (ví dụ rách hoàn toàn chóp xoay).

  • Cơ trên gai được khám bằng cách yêu cầu bệnh nhân gấp khớp vai (cánh tay đưa ra trước) với ngón cái hướng xuống dưới, khuỷu tay duỗi thẳng hoàn toàn và cố gắng giữ ở tư thế này trong khi ngưới khám ấn cánh tay của bệnh nhân xuống (nghiệm pháp thùng rỗng hay Jobe).

  • Cơ dưới vai được đánh giá bằng cách đưa bàn tay bên tổn thương ra sau lưng với mu tay để ở tư thế nghỉ tại vị trí thắt lưng dưới. Người khám nhấc bàn tay lên khỏi thắt lưng dưới. Bệnh nhân có thể giữ bàn tay không chạm da lưng (Gerber lift-off test).

Nghiệm pháp khám Apley đánh giá tầm vận động phối hợp của khớp vai bằng cách yêu cầu bệnh nhân cố gắng chạm vào xương bả vai bên đối diện: Bệnh nhân đưa tay quá đầu, vòng ra phía sau cổ và chạm đầu ngón tay vào xương bả vai đối diện để kiểm tra động tác dạng và xoay ngoài; đưa tay xuống dưới và ra sau lưng, mu tay ngang qua xương bả vai đối diện để kiểm tra động tác dạng và xoay trong.

Cân nhắc thực hiện các nghiệm pháp chèn ép nếu gây đau. Chúng bao gồm:

  • Nghiệm pháp Neer được thực hiện để kiểm tra dấu hiệu chép gân mũ cơ quay dưới vòm cùng quạ. Khi thực hiện nghiệm pháp này, bệnh nhân dạng tay, cẳng tay thẳng, bàn tay để sấp, người khám đưa tay bệnh nhân lên trên quá đầu.

  • Nghiệm pháp Hawkins cũng được thực hiện để kiểm tra dấu hiệu chèn ép. Nó được thực hiện bằng cách gập cánh tay (về phía trước) 90°, lật sấp khuỷu tay gập 90° và sau đó ép vai xoay (di chuyển bàn tay xuống dưới).

Các tổn thương của khớp vai

Bệnh viêm gân chóp xoay là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau khớp vai. Viêm gân trên gai hay gặp nhất, thứ hai là gân dưới vai. Vận động chủ động dạng khớp vai từ 40 đến 120° và xoay trong sẽ gây đau khớp vai (xem các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương mũ gân cơ quay). Vận động thụ động dạng khớp vai gây ra đau ít hơn, nhưng khi vận động dạng khớp vai có đối kháng sẽ gây đau tăng lên.

Viêm gân cơ nhị đầu gây đau ở gân cơ nhị đầu và trầm trọng hơn khi gập vai hoặc chống ngửa cẳng tay. Bác sĩ có thể khám phát hiện dấu hiệu đau do viêm gân nhị đầu bằng cách dùng ngón tay cái của mình ấn hoặc lăn gân nhị đầu ở vị trí rãnh gân nhị đầu trên xương cánh tay. Ngoài ra, có thể thực hiện nghiệm pháp khám Speed. Trong nghiệm pháp khám này, bệnh nhân để tay duỗi thẳng ở phía sau thân mình, cẳng tay để ngửa.

Chấn thương khớp cùng vai đòn được phát hiện bằng nghiệm pháp khám đưa vai ngang qua người. Khi thực hiện nghiệm pháp này, người khám cố định khớp vai của bệnh nhân bằng một tay, tay còn lại gấp khớp vai của bệnh nhân lên 90°, khuỷu tay để sấp và đưa cánh tay của bệnh nhân ra trước người, hướng về phía đối diện. Nghiệm pháp khám có kết quả dương tính khi gây đau khớp vai.

Mất vững phía trước khớp ổ chảo-xương cánh tay được khám bằng giữ cách cố định khớp vai ở phía sau, sau đó kéo cánh tay ra phía sau với khớp vai dạng đến 90° và khuỷu tay gấp 90° (tăng động tác dạng và xoay ngoài). Kết quả dương tính cho thấy sự mất vững khớp vai (không đau).