Bí tiểu là tình trạng bàng quang sót nước tiểu sau khi tiểu xong.
Bí tiểu có thể là
Cấp tính
Mạn tính
Nguyên nhân bao gồm giảm co bóp bàng quang, tắc nghẽn đường ra bàng quang, mất đồng vận bàng quang cơ thắt (thiếu sự phối hợp giữa co cơ bàng quang và giãn cơ thắt), hoặc phối hợp các nguyên nhân. (Xem thêm Tổng quan về tiểu tiện.)
Bí tiểu phổ biến nhất ở nam giới với các nhóm nguyên nhân cản trở đầu ra nước tiểu, như bệnh lý tiền liệt tuyến hoặc hẹp niệu đạo. Ở cả hai giới, tình trạng bí tiểu có thể do dùng thuốc (đặc biệt là những thuốc có tác dụng kháng cholinergic, bao gồm nhiều loại thuốc không kê đơn), tình trạng ứ đọng phân nặng (làm tăng áp lực lên cơ tam giác bàng quang) hoặc bàng quang thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson hoặc phẫu thuật vùng chậu trước đó dẫn đến cắt dây thần kinh bàng quang.
Bí tiểu có thể không có triệu chứng, hoặc gây ra tiểu nhiều lần, cảm giác bàng quang còn nước tiểu, và tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ do bàng quang đầy. Nó có thể gây chướng bụng và đau. Khi bí tiểu tiến triển chậm, có thể không có triệu chứng đau. Bí tiểu kéo dài có xu hướng gây nhiễm trùng tiết niệu và có thể làm tăng áp lực bàng quang, gây ra bệnh đường niệu do tắc nghẽn.
Chẩn đoán bí tiểu
Đo thể tích nước tiểu tồn dư sau khi đi tiểu
Chẩn đoán khá rõ ràng ở những bệnh nhân không thể đi tiểu. Ở những bệnh nhân có thể đi tiểu, có thể chẩn đoán tình trạng rỗng bàng quang không hoàn toàn bằng đặt sonde tiểu sau tiểu, hoặc siêu âm đánh giá thể tích nước tiểu tồn dư. Thể tích < 50 mL là bình thường; < 100 mL thường được chấp nhận ở bệnh nhân > 65 tuổi nhưng là bất thường ở bệnh nhân trẻ hơn. Các xét nghiệm khác (ví dụ, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm, đo niệu động học, soi bàng quang, chụp bàng quang) được thực hiện dựa trên dấu hiệu lâm sàng.
Điều trị bí tiểu
Đặt ống thông niệu đạo và điều trị nguyên nhân
Đặt thông tiểu là chỉ định bắt buộc trong các trường hợp bí tiểu cấp. Điều trị sau đó phụ thuộc vào nguyên nhân. Ở nam giới bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, thuốc (thường là thuốc chẹn alpha-adrenergic hoặc thuốc ức chế 5-alpha-reductase) hoặc phẫu thuật có thể giúp giảm sức cản đường ra của bàng quang.
Không điều trị nào có hiệu quả đối với bàng quang co bóp kém; tuy nhiên, giảm sức cản của đường ra với các thuốc chẹn alpha-adrenergic có thể làm tăng khả năng làm trống bàng quang.
Tự đặt ống thông tiểu ngắt quãng hoặc dẫn lưu là thường là chỉ bắt buộc. Một ống dẫn lưu trên xương mu hoặc chuyển dòng nước tiểu là phương án cuối cùng.
Những điểm chính
Các cơ chế bao gồm giảm co bóp bàng quang, tắc nghẽn đường ra bàng quang, và rối loạn đồng vận bàng quang cơ thắt.
Bí tiểu không hoàn toàn được chẩn đoán bằng lượng nước tiểu tồn dư > 50 mL (> 100 mL ở bệnh nhân > 65 tuổi).
Chỉ định đặt ống thông niệu đạo và điều trị nguyên nhân gây bí tiểu.