Các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) liên quan đến việc thao tác với tinh trùng và trứng hoặc phôi trong ống nghiệm với mục tiêu mang thai.
Đối với các công nghệ hỗ trợ sinh sản, tế bào trứng và tinh trùng được thu thập từ cha mẹ hoặc người hiến tặng dự kiến, và phôi hoặc giao tử được chuyển đến đường sinh sản của người phụ nữ sau khi nuôi cấy in vitro.
ART có thể dẫn đến đa thai, nhưng nguy cơ ít hơn nhiều so với kích thích buồng trứng được kiểm soát. Nếu nguy cơ các khiếm khuyết di truyền cao, phôi có thể thường được kiểm tra các khuyết tật trước khi chuyển và cấy ghép (xét nghiệm di truyền trước khi cấy).
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
IVF có thể được sử dụng để điều trị vô sinh do thiểu tinh trùng, kháng thể tinh trùng, rối loạn chức năng ống dẫn trứng hoặc lạc nội mạc tử cung cũng như vô sinh không rõ nguyên nhân.
Quy trình thường bao gồm những điều sau:
Kích thích buồng trứng có kiểm soát: Clomiphene phối hợp với gonadotropins hoặc gonadotropins dùng đơn độc có thể được sử dụng. Một chất chủ vận hoặc chất đối kháng hormone phóng thích gonadotropin (GnRH) thường được chỉ định để ngăn ngừa sự rụng trứng sớm. Sau khi nang noãn tăng đầy đủ, gonadotropin màng nuôi của người (hCG) được dùng để kích hoạt sự chín và phóng noãn. Ngoài ra, một chất chủ vận GnRH có thể được sử dụng để kích thích sự rụng trứng ở phụ nữ có nguy cơ cao mắc hội chứng quá kích buồng trứng.
Lấy noãn: Khoảng 34 giờ sau khi hCG được tiêm, noãn bào được lấy ra bằng cách chọc kim trực tiếp vào noãn, thường là qua đường âm đạo dưới hướng dẫn siêu âm hoặc ít làm hơn là bằng nội soi ổ bụng. Tại một số trung tâm, IVF theo chu kỳ tự nhiên (trong đó lấy một noãn bào được lấy ra) được đưa ra như một phương án thay thế; tỷ lệ có thai với kỹ thuật này thấp hơn so với những người lấy nhiều noãn bào, nhưng chi phí thấp hơn và tỷ lệ thành công đang gia tăng.
Sự thụ tinh: Các noãn bào được thụ tinh trong ống nghiệm. Mẫu tinh dịch thường được rửa nhiều lần với môi trường nuôi cấy mô và tập trung vào các tinh trùng di động, sau đó đưa vào môi trường chứa các noãn bào. Tại thời điểm này, tiêm tinh trùng nội bào tử cung-tiêm một tinh trùng duy nhất vào mỗi noãn bào có thể được thực hiện, đặc biệt nếu sự phát triển tinh trùng là bất thường ở người bạn tình nam.
Nuôi cấy phôi: Sau khi bổ sung tinh trùng, noãn bào được nuôi trong khoảng từ 2 đến 5 ngày.
Chuyển phôi: Chỉ có 1 hoặc một vài phôi thụ tinh được chuyển vào buồng tử cung, giảm thiểu khả năng có nhiều thai, nguy cơ lớn nhất của thụ tinh ống nghiệm. Số lượng phôi chuyển được xác định theo độ tuổi của phụ nữ và khả năng đáp ứng với IVF. Một số hoặc tất cả các phôi (đặc biệt nếu phụ nữ có nguy cơ cao bị hội chứng tăng kích thích buồng trứng) có thể được đông lạnh trong nitơ lỏng để chuyển trong chu kỳ tiếp theo. Xu hướng ngày càng tăng là chỉ đặt 1 phôi trong mỗi lần chuyển và đông lạnh số phôi còn lại để sử dụng trong các chu kỳ tiếp theo nếu không có thai.
Các dị tật bẩm sinh có thể trở nên phổ biến hơn một chút sau khi thụ tinh nhân tạo, nhưng các chuyên gia không chắc chắn về việc liệu nguy cơ tăng là do IVF hay do các yếu tố gây ra vô sinh; vô sinh tự nó làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, phần lớn trong số > 7 triệu trẻ em sinh ra sau IVF không có dị tật bẩm sinh (1, 2). Trên thế giới, ước tính có khoảng 200.000 trẻ được sinh ra sau khi thụ tinh ống nghiệm mỗi năm.
Xét nghiệm di truyền trước khi làm tổ có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các tế bào từ phần cực của noãn bào hoặc các tế bào từ phôi (một phôi bào blastome từ phôi 3 ngày tuổi hoặc tế bào lá nuôi phôi từ phôi 5 hoặc 6 ngày tuổi). Xét nghiệm có thể bao gồm sàng lọc di truyền trước khi cấy để loại trừ lệch bội thể và/hoặc chẩn đoán di truyền trước khi cấy để kiểm tra các rối loạn di truyền nghiêm trọng cụ thể. Nếu kết quả xét nghiệm bị trì hoãn, phôi nang có thể được đông lạnh và chuyển vào chu kỳ sau khi kết quả được biết.
Dữ liệu sơ bộ cho năm 2021 chỉ ra rằng tại Hoa Kỳ, cơ hội tích lũy sinh con sống cho mỗi lần lấy tế bào trứng (tính tất cả các lần chuyển phôi của chính bệnh nhân—cả phôi tươi và phôi đông lạnh-rã đông) là 44,5% đối với phụ nữ < 35 tuổi (5,5% là sinh đôi; 0,1% là sinh ba trở lên) và 9,6% ở phụ nữ từ 41 tuổi đến 42 tuổi (3).
Việc sử dụng tế bào trứng của người hiến tặng thường được khuyến nghị cho phụ nữ > 42 tuổi, vì tỷ lệ sinh sống tích lũy với tế bào trứng của chính người đó rất thấp (2,9% vào năm 2021) (3).
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng
ICSI rất hữu ích khi
Các công nghệ khác không thành công hoặc có thể sẽ như vậy.
Có bệnh lý tinh trùng nặng.
Các noãn bào được thu được như đối với IVF. Một tinh trùng được tiêm vào mỗi noãn bào để tránh thụ tinh bởi tinh trùng bất thường. Phôi sau đó được nuôi cấy và chuyển giống như đối với IVF.
Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng tham gia vào khoảng 2/3 chu kỳ điều trị ARV tại Hoa Kỳ. Không có lợi ích nào khi sử dụng tiêm tinh trùng ở những cặp vợ chồng có số noãn bào thấp hoặc tuổi mẹ cao. Nếu tình trạng vô sinh của một cặp vợ chồng có tuổi của người phụ nữ > 30 thủ thuật này nên được thực hiện để làm tăng cơ hội có thai. Do đó, chi phí bổ sung và nguy cơ của tiêm tinh trùng phải được xem xét khi quyết định sử dụng nó.
ZEPHYR/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Nguy cơ dị tật bẩm sinh có thể tăng lên sau khi tiêm tinh trùng vào trong noãn bào, có thể do những điều sau đây:
Bản thân khi thực hiện thủ thuật có thể làm tổn thương tinh trùng, trứng, hoặc phôi.
Tinh trùng từ những người đàn ông có sự đột biến của nhiễm sắc thể Y có thể được sử dụng. Hầu hết các trường hợp dị tật bẩm sinh liên quan đến đường sinh dục nam.
Các công nghệ khác
Các công nghệ khác đôi khi được sử dụng. Chúng bao gồm:
Sử dụng tế bào hoặc phôi của người hiến tặng
Chuyển phôi đông lạnh sang người mang thai
Đối với phụ nữ sau mãn kinh > 50 tuổi và có bạn tình nam lớn tuổi (thường được định nghĩa là ≥ 45 tuổi), việc sử dụng IVF còn gây tranh cãi.
Tài liệu tham khảo chung
1. Berntsen S, Söderström-Anttila V, Ulla-Britt Wennerholm U-B, et al: The health of children conceived by ART: 'the chicken or the egg?' Hum Reprod Update 25 (2):137–158, 2019. doi: 10.1093/humupd/dmz001
2. Zhao J, Yan Y, Huang X, Li Y: Do the children born after assisted reproductive technology have an increased risk of birth defects? A systematic review and meta-analysis. J Matern Fetal Neonatal Med 33 (2):322–333, 2020. doi: 10.1080/14767058.2018.1488168
3. Society for Assisted Reproductive Technology: Preliminary national summary report for 2021. Truy cập tháng 2 năm 2024.