Viêm thận - bể thận là nhiễm trùng vi khuẩn của nhu mô thận.
Viêm bàng quang là phổ biến trong giai đoạn sau sinh và viêm thận bể thận có thể xảy ra sau sinh nếu vi khuẩn đi lên từ bàng quang. Nhiễm trùng có thể bắt đầu như là nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng trong thời kỳ mang thai và thỉnh thoảng có liên quan đến việc đặt sonde bàng quang thông tiểu trong và sau khi chuyển dạ. Các sinh vật gây bệnh thường là một loại vi khuẩn coliform (ví dụ, Escherichia coli).
Các triệu chứng bao gồm sốt, đau vùng sườn, chứng khó chịu nói chung, và đôi khi, tiểu tiện đau.
Chẩn đoán viêm thận-bể thận sau sinh
Xét nghiệm phân tích nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu
Chẩn đoán viêm thận-bể thận dựa trên phân tích nước tiểu, nuôi cấy nước tiểu và các dấu hiệu lâm sàng (tức là cảm giác đau khi sờ vào vùng sườn-đốt sống).
Điều trị viêm thận-bể thận sau sinh
Ceftriaxone đơn thuần hoặc ampicillin cộng gentamicin
Điều trị ban đầu viêm bể thận là ceftriaxone 1 g đến 2 g đường tĩnh mạch 12 tiếng đến 24 tiếng một lần hoặc ampicillin 1 g đường tĩnh mạch 6 tiếng một lần cộng với gentamicin 1,5 mg/kg đường tĩnh mạch 8 tiếng một lần cho đến khi phụ nữ hết sốt trong 48 tiếng (1).
Độ nhạy cảm với nuôi cấy cần được kiểm tra. Điều trị được điều chỉnh phù hợp và kéo dài trong 7 đến 14 ngày; thuốc kháng sinh đường uống được sử dụng sau khi dùng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch khởi đầu.
Thai phụ được khuyến khích đưa nhiều chất lỏng vào cơ thể.
Nên cấy lại nước tiểu 6 đến 8 tuần sau khi sinh để xác nhận khỏi bệnh. Nếu các đợt viêm thận bể thận tái phát, chụp phim nên được xem xét để tìm sỏi thận hoặc dị tật bẩm sinh. Trong khi mang thai thì chủ yếu dùng siêu âm nhưng sau khi sinh thì thường dùng CT có tiêm thuốc cản quang.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu ở những người mang thai. Obstet Gynecol . Ngày 1 tháng 8 năm 2023;142(2):435-445. doi: 10.1097/AOG.0000000000005269