Phát triển ở trẻ em

TheoEvan G. Graber, DO, Nemours/Alfred I. duPont Hospital for Children
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2023

Các mô tả về sự phát triển thường được chia thành các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như vận động thô, vận động tinh, ngôn ngữ, nhận thức và tăng trưởng xã hội/tình cảm. Những cách phân chia này khá hữu ích, nhưng có sự chồng chéo đáng kể.

Các nghiên cứu đã xác lập được độ tuổi trung bình ở các cột mốc cụ thể, cũng như giới hạn bình thường. Ở một đứa trẻ bình thường, tiến độ phát triển trong các lĩnh vực khác nhau thì khác nhau, như ở trẻ mới tập đi có thể biết đi muộn nhưng nói được sớm (xem bảng Các mốc phát triển).

Bảng
Bảng

Các ảnh hưởng của môi trường, từ dinh dưỡng đến kích thích, tác động của bệnh đến tác động của các yếu tố tâm lý, tương tác với các yếu tố di truyền để xác định tốc độ và mô hình phát triển.

Cha mẹ, thầy cô giáo và bác sĩ lâm sàng đánh giá sự phát triển của trẻ một cách liên tục. Có nhiều công cụ để giám sát phát triển cụ thể hơn. Sử dụng test Denver II (Denver Developmental Screening Test) để đánh giá sự phát triển tinh thần trong một số lĩnh vực. Sử dụng test Denver II (Denver Developmental Screening Test) để đánh giá sự phát triển tinh thần trong một số lĩnh vực Bảng điểm chỉ ra tuổi trung bình để đạt được các mốc nhất định và đưa ra khái niệm quan trọng về một giới hạn bình thường. Các công cụ khác cũng có thể được sử dụng.

Phát triển vận động ở trẻ em

Phát triển vận động bao gồm vận động tinh (ví dụ nhặt đồ vật nhỏ, bản vẽ) và vận động thô (như đi bộ, leo cầu thang). Đó là một quá trình liên tục phụ thuộc vào các yếu tố gia đình, các yếu tố môi trường (ví dụ, khi hoạt động bị hạn chế do bị bệnh kéo dài), và các rối loạn cụ thể (ví dụ, bại não, khuyết tật về trí tuệ, loạn dưỡng cơ).

Trẻ em thường bắt đầu bước đi lúc 12 tháng tuổi, có thể trèo lên cầu thang vào lúc 18 tháng, và chạy tốt lúc 2 tuổi, nhưng tuổi để đạt được những mốc phát triển này thay đổi rất nhiều. Phát triển vận động không thể tăng tốc đáng kể bằng việc tăng kích thích.

Phát triển ngôn ngữ ở trẻ em

Khả năng hiểu ngôn ngữ đi trước khả năng nói; trẻ em diễn đạt ít từ thường có thể hiểu rất nhiều. Mặc dù sự chậm nói thường không đi kèm với những trì hoãn phát triển khác, tất cả trẻ em bị chậm phát triển ngôn ngữ quá nhiều phải được đánh giá sự chậm trễ các chức năng khác trong quá trình phát triển. Trẻ em có sự chậm trễ trong cả vấn đề tiếp thu và biểu đạt lời nói thường có thêm vấn đề phát triển khác. Đánh giá bất kỳ chậm trễ nào nên bắt đầu với việc đánh giá khả năng nghe. Hầu hết trẻ chậm nói đều có trí tuệ bình thường. Một số nghiên cứu cho rằng trẻ em phát triển khả năng nói nhanh có trí thông minh trên mức trung bình.

Quá trình tập nói bắt đầu từ sự phát âm của các nguyên âm (cooing) rồi tới những âm tiết bắt đầu bằng phụ âm (ba-ba-ba). Hầu hết trẻ em có thể nói "bố " và "mẹ" đặc biệt vào lúc 12 tháng tuổi, nói được vài từ lúc 18 tháng và nói được các cụm từ 2- hoặc 3 từ lúc 2 tuổi. Thường khi trẻ 3 tuổi có thể bắt đầu hội thoại. Một đứa trẻ 4 tuổi có thể kể những câu chuyện đơn giản và có thể nói chuyện với người lớn hoặc trẻ khác. Một đứa trẻ 5 tuổi có thể có vốn từ vựng vài nghìn từ.

Ngay cả trước 18 tháng tuổi, trẻ em có thể nghe và hiểu một câu chuyện được đọc cho chúng. Ở tuổi lên 5, trẻ em có thể đọc thuộc lòng bảng chữ cái và nhận ra những từ đơn giản trong bản in. Những kỹ năng này là tất cả nền tảng để học cách đọc các từ, cụm từ và câu đơn giản. Tùy thuộc vào việc tiếp xúc với sách và khả năng tự nhiên, hầu hết trẻ em bắt đầu đọc khi 6 hoặc 7 tuổi. Những cột mốc này rất biến thiên.

Phát triển nhận thức ở trẻ em

Phát triển nhận thức đề cập đến sự trưởng thành trí tuệ của trẻ em. Việc gắn kết và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và giai đoạn đầu của thời thơ ấu phù hợp ngày càng được thừa nhận là những yếu tố quan trọng trong phát triển nhận thức và sức khoẻ tinh thần. Ví dụ, đọc cho trẻ từ khi còn nhỏ, đưa ra những trải nghiệm kích thích trí tuệ, và tạo dựng không khí gia đình ấm áp và môi trường nuôi dưỡng lành mạnh, tất cả đều có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các lĩnh vực này.

Trí tuệ được đánh giá ở trẻ nhỏ bằng cách quan sát kỹ năng ngôn ngữ, sự tò mò và khả năng giải quyết vấn đề. Khi trẻ trở nên thông thạo hơn, đánh giá năng lực trí tuệ trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng một số công cụ lâm sàng chuyên biệt. Khi trẻ bắt đầu đi học, các em trải qua sự giám sát liên tục như là một phần của quá trình học tập.

Khi 2 tuổi, hầu hết trẻ em hiểu được khái niệm về thời gian theo nghĩa rộng. Nhiều trẻ 2 và 3 tuổi tin rằng bất cứ điều gì đã xảy ra trong quá khứ là đã xảy ra "ngày hôm qua" và bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai sẽ xảy ra vào "ngày mai". Một đứa trẻ ở lứa tuổi này có một trí tưởng tượng sống động nhưng lại khó phân biệt được tưởng tượng từ thực tế.

Đến 4 tuổi, hầu hết trẻ em có một sự hiểu biết phức tạp hơn về thời gian. Chúng nhận ra rằng ngày được chia thành buổi sáng, buổi chiều và ban đêm. Chúng thậm chí có thể đánh giá sự thay đổi theo mùa.

Ở tuổi 7, khả năng trí tuệ của trẻ trở nên phức tạp hơn. Tại thời gian này, trẻ em ngày càng có khả năng tập trung vào nhiều hơn một khía cạnh của một sự kiện hoặc tình huống cùng một lúc. Ví dụ, trẻ em trong độ tuổi đi học có thể nhận thức rằng một cái thùng cao, nhỏ có thể giữ cùng một lượng nước như một cái thùng thấp, to. Trẻ em có thể nhận thức rằng thuốc đắng nhưng giúp chúng cảm thấy tốt hơn, hoặc rằng mẹ của chúng có thể tức giận chúng nhưng vẫn rất yêu chúng. Trẻ em ngày càng có khả năng hiểu quan điểm của người khác và học được những điều cần thiết khi thay phiên nhau tham gia trò chơi hoặc trò chuyện. Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học có thể tuân thủ các quy tắc đã được đồng ý về trò chơi. Trẻ em ở độ tuổi này cũng ngày càng biết cách tư duy bằng sử dụng sức mạnh của quan sát và nhìn sự vật sự việc đa chiều.

Phát triển cảm xúc và hành vi ở trẻ em

Cảm xúc và hành vi có được dựa trên giai đoạn phát triển và tính cách của trẻ. Mỗi trẻ đều có tính cách cá nhân, hoặc tâm trạng riêng. Một số trẻ có thể vui vẻ, dễ thích nghi và dễ dàng phát triển các thói quen thường nhật về ngủ, thức dậy, ăn uống và các hoạt động hàng ngày khác. Những trẻ em này có xu hướng phản ứng tích cực với các tình huống mới. Những đứa trẻ khác không thích nghi được và có thể có những bất thường lớn trong thói quen của chúng. Những trẻ em này có xu hướng phản ứng tiêu cực với các tình huống mới. Vẫn có những đứa trẻ khác ở giữa hai nhóm này.

Sự phát triển về cảm xúc và việc học các kỹ năng xã hội được đánh giá bằng cách quan sát trẻ tương tác với người khác trong các tình huống hàng ngày. Khi trẻ biết nói, sự hiểu biết về trạng thái cảm xúc của chúng trở nên chính xác hơn nhiều. Giống như trí tuệ, chức năng cảm xúc có thể được mô tả chi tiết hơn bằng các công cụ chuyên biệt.

Khóc là phương tiện truyền thông chủ yếu của trẻ nhũ nhi. Trẻ nhũ nhi khóc vì đói, khó chịu, đau và vì nhiều lý do khác mà có thể không rõ ràng. Trẻ nhũ nhi khóc nhiều nhất - thường là 3 giờ/ngày - ở tuổi 6 tuần, thường giảm xuống còn 1 giờ/ngày vào 3 tháng tuổi. Khi trẻ nhũ nhi khóc, cha mẹ thường cho trẻ ăn, thay tã lót, và tìm kiếm nguồn gây đau đớn hoặc khó chịu cho trẻ. Nếu những biện pháp này không hiệu quả, việc bế hoặc cho trẻ đi chơi có thể dỗ được trẻ. Thỉnh thoảng không có cách nào dỗ được trẻ. Cha mẹ không nên ép trẻ nhũ nhi ăn khi trẻ đang khóc.

Vào khoảng 8 tháng tuổi, trẻ nhũ nhi thường trở nên lo lắng và sợ hãi hơn về việc bị tách khỏi cha mẹ. Tách khỏi cha mẹ lúc đi ngủ và khi đi gửi trẻ có thể rất khó khăn và lúc đó trẻ có thể quấy khóc. Hành vi này có thể kéo dài trong nhiều tháng. Đối với nhiều trẻ lớn hơn, một chiếc chăn đặc biệt hoặc thú nhồi bông cho trẻ tại thời điểm này như là một đối tượng chuyển tiếp, biểu tượng cho cha mẹ vắng mặt.

Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ em bắt đầu thử thách về giới hạn của chúng và làm những gì chúng đã bị cấm làm, chỉ để xem những gì sẽ xảy ra. Tần suất của từ "không" mà bọn trẻ nghe từ cha mẹ chúng phản ánh những trở ngại cho sự độc lập của trẻ ở lứa tuổi này. Mặc dù gây khó chịu cho cả cha mẹ và con cái, các cơn thịnh nộ là điều bình thường bởi vì chúng giúp trẻ em thể hiện sự thất vọng của mình trong suốt thời gian chúng không thể diễn đạt tốt những cảm xúc của chúng. Các bậc cha mẹ có thể giúp giảm số cơn cáu giận bằng cách không để cho con cái của họ trở nên quá mệt mỏi hoặc thất vọng quá mức và bằng cách hiểu các kiểu hành vi của trẻ và tránh những tình huống có thể gây ra giận dữ. Một số trẻ nhỏ có khó khăn đặc biệt trong việc kiểm soát tính khí của mình và cần cha mẹ của chúng thiết lập các giới hạn chặt chẽ hơn, đem lại cho chúng một thế giới an toàn và quy củ hơn.

Từ 18 tháng đến 2 tuổi, trẻ em thường bắt đầu hình thành các đặc điểm giới tính. Trong những năm mẫu giáo, trẻ em cũng có được khái niệm về vai trò giới tính, về những gì con trai và con gái thường làm, mặc dù điều này cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa. Khám phá bộ phận sinh dục được mong đợi ở tuổi này và các tín hiệu mà trẻ đang bắt đầu tạo ra thể hiện mối liên hệ giữa giới tính và hình ảnh cơ thể.

Giữa 2 tuổi và 3 tuổi, trẻ em bắt đầu chơi và tương tác hơn với các trẻ khác. Mặc dù chúng có thể vẫn còn sở hữu đồ chơi, nhưng chúng có thể bắt đầu chia sẻ và thậm chí thay phiên nhau chơi. Xác nhận quyền sở hữu đồ chơi bằng cách nói, "Đó là của tôi!" giúp tạo ra cảm giác về bản thân. Mặc dù trẻ em ở độ tuổi này cố gắng tự lập, nhưng chúng vẫn cần cha mẹ của chúng ở gần đó để đảm bảo an toàn và hỗ trợ chúng. Ví dụ, trẻ có thể rời khỏi cha mẹ của trẻ khi trẻ cảm thấy tò mò, trẻ chỉ nấp sau cha mẹ của chúng khi chúng đang sợ hãi.

Từ 3 đến 5 tuổi, nhiều trẻ em trở nên quan tâm đến trò chơi và bạn bè ảo. Trò chơi ảo cho phép trẻ em hành động một cách an toàn với các vai trò khác nhau và cảm xúc mạnh mẽ theo những cách chấp nhận được. Trò chơi ảo cũng giúp trẻ phát triển hướng ngoại. Trẻ học cách giải quyết mâu thuẫn với cha mẹ hoặc những trẻ khác theo cách giúp chúng cảm thấy không thất vọng và duy trì lòng tự trọng. Cũng vào thời điểm này, những nỗi sợ hãi điển hình thời thơ ấu giống như "con quái vật trong tủ quần áo" nổi lên. Những lo ngại này là bình thường.

Từ 7 đến 12, trẻ em hoạt động thông qua nhiều vấn đề: tự nhận thức, nền tảng từ năng lực của trẻ qua các bài học trên lớp ; mối quan hệ với bạn đồng trang lứa, được xác định bởi khả năng giao tiếp và hòa nhập tốt; và mối quan hệ gia đình, được xác định một phần bởi sự tán thành của cha mẹ và anh chị em ruột đối với trẻ. Mặc dù nhiều trẻ dường như đánh giá cao bạn bè của trẻ, nhưng chúng vẫn tìm kiếm lời khuyên và sự trợ giúp từ cha mẹ của chúng đầu tiên. Các anh chị em có thể là những tấm gương cũng như đưa ra những hỗ trợ hay phê phán về những gì trẻ có thể hoặc không nên làm. Thời gian này rất sôi động cho trẻ em, đối tượng thích tham gia nhiều hoạt động và rất mong muốn khám phá các hoạt động mới. Ở lứa tuổi này, trẻ em rất háo hức và thường xuyên đáp ứng tốt với những lời khuyên về an toàn, lối sống lành mạnh và tránh những hành vi có nguy cơ cao.