Rối loạn chức năng tiểu cầu do di truyền

(rối loạn tiểu cầu nội tại do di truyền)

TheoDavid J. Kuter, MD, DPhil, Harvard Medical School
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

    Rối loạn chức năng tiểu cầu do di truyền rất hiếm và gây ra xu hướng chảy máu suốt đời. Chẩn đoán được khẳng định dựa trên các xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu. Cần truyền khối tiểu cầu để kiểm soát xuất huyết trầm trọng.

    (Xem thêm Tổng quan về rối loạn tiểu cầu.)

    Cầm máu bình thường yêu cầu

    • Kết dính tiểu cầu

    • Kích hoạt tiểu cầu

    Tình trạng kết dính tiểu cầu (tức là tiểu cầu tiếp xúc với lớp dưới nội mạc mạch máu) cần có yếu tố von Willebrand (VWF) và phức hợp glycoprotein Ib/IX của tiểu cầu.

    Tiểu cầu sau khi hoạt hóa sẽ thúc đẩy sự ngưng tập tiểu cầu và gắn kết với fibrinogen. Sự gắn kết này cần có phức hợp glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu. Hoạt hóa bao gồm giải phóng adenosine diphosphate (ADP) từ hạt lưu trữ tiểu cầu và chuyển đổi axit arachidonic thành thromboxane A2 thông qua một phản ứng trung gian cyclooxygenase. ADP được giải phóng sẽ hoạt động trên thụ thể P2Y12 trên các tiểu cầu khác, do đó hoạt hóa chúng và cuốn chúng vào vị trí tổn thương. Sau đó ADP (và thromboxan A2) thúc đẩy sự thay đổi trong phức hợp glycoprotein huyết thanh IIb/IIIa của tiểu cầu, do đó làm tăng sự gắn kết với fibrinogen, từ đó cho phép các tiểu cầu ngưng tập lại.

    Rối loạn chức năng tiểu cầu di truyền có thể liên quan đến khiếm khuyết ở bất kỳ chất nền và bước nào trong số này. Cần nghĩ tới những rối loạn này ở những bệnh nhân có rối loạn chảy máu suốt đời nhưng có số lượng tiểu cầu và xét nghiệm đông máu bình thường. Chẩn đoán thường dựa trên xét nghiệm kết tập tiểu cầu; tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu có thể rất khác nhau và việc giải thích kết quả thường không thuyết phục (xem bảng Kết quả xét nghiệm kết tập tiểu cầu trong rối loạn chức năng tiểu cầu di truyền). Các xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu đánh giá khả năng cụm lại của tiểu cầu trong việc đáp ứng với sự bổ sung của các hoạt chất khác nhau (ví dụ collagen, epinephrine, ADP, ristocetin). Chẩn đoán các rối loạn này thường cần sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên gia về các rối loạn đông máu như vậy. Một loạt các rối loạn này có thể xảy ra, có hoặc không có giảm bạch cầu ái toan.

    Các nghiên cứu về sự kết tập tiểu cầu không đáng tin cậy khi số lượng tiểu cầu < 100.000/mcL (< 100 × 109/L).

    Bảng
    Bảng

    Rối loạn kết dính tiểu cầu

    Hội chứng Bernard-Soulier là một rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường hiếm gặp. Hội chứng này gây giảm tiểu cầu và làm suy yếu sự kết dính của tiểu cầu thông qua khiếm khuyết trong phức hợp glycoprotein Ib/IX liên kết với VWF nội mô. Chảy máu có thể nặng. Tiểu cầu có kích thước lớn bất thường. Tiểu cầu không ngưng tập với ristocetin nhưng ngưng tập bình thường với ADP, collagen và epinephrine.

    Tiểu cầu lớn liên quan đến bất thường chức năng cũng xảy ra trong dị thường May-Hegglin, một rối loạn giảm tiểu cầu bao gồm các tế bào bạch cầu bất thường và trong hội chứng Chédiak-Higashi.

    Cần truyền khối tiểu cầu để kiểm soát chảy máu trầm trọng.

    Bệnh von Willebrand là do sự thiếu hụt hoặc khiếm khuyết của VWF, chất cần thiết để cho phép kết dính tiểu cầu. Bệnh thường được điều trị bằng desmopressin hoặc thay thế VWF bằng các sản phẩm VWF có độ tinh khiết trung gian trung gian bất hoạt do vi rút hoặc các sản phẩm VWF tái tổ hợp.

    Rối loạn hoạt hóa tiểu cầu

    Rối loạn khuếch đại kích hoạt tiểu cầu là rối loạn chức năng tiểu cầu di truyền phổ biến nhất và gây chảy máu nhẹ. Chúng có thể là kết quả của việc giảm ADP trong các tiểu cầu (sự thiếu hụt dự trữ), do không thể tạo ra thromboxane A2 từ axit arachidonic, hoặc tiểu cầu không có khả năng ngưng tập trong đáp ứng với thromboxane A2.

    Các xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu cho thấy sự giảm ngưng tập khi tiếp xúc với collagen, epinephrine, và mức độ ADP thấp và kết tập bình thường sau khi tiếp xúc với ristocetin và mức độ cao của adenosine diphosphate (ADP). Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) hoặc aspirin cũng gây giảm ngưng tập tiểu cầu theo cơ chế này, có thể kéo dài trong vài ngày. Vì vậy, xét nghiệm ngưng tập tiểu cầu không nên được thực hiện ở những bệnh nhân đã dùng các loại thuốc này trong 10 ngày trước đó.

    Nhược tiểu cầu (bệnh Glanzmann) là rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường hiếm gây ra một khiếm khuyết trong thụ thể glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu; làm tiểu cầu không thể ngưng tập. Bệnh nhân có thể bị chảy máu mũi nghiêm trọng (ví dụ, chảy máu mũi chỉ dừng lại sau khi nhét meche mũi và truyền khối tiểu cầu). Chẩn đoán xác định khi có dấu hiệu tiểu cầu không ngưng tập khi tiếp xúc với epinephrine, collagen, hoặc thậm chí là ADP nồng độ cao nhưng ngưng tập lại với ristocetin. Truyền khối tiểu cầu là cần thiết để kiểm soát chảy máu trầm trọng.